Làm đĩ – Tác giả: Vũ Trọng Phụng

0
2946

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10Kế tiếp

-Quảng Cáo-

CHUNG QUANH THIÊN PHÓNG SỰ LỤC SÌ

Bức thư ngỏ cho một độc giả

Thưa ngài,

Tôi đã đọc kỹ lá thư của ngài rồi!

Cảm ơn ngài lắm. về những lời ngợi khen cái tôn chỉ của Tương lai, chúng tôi sẽ không phụ, và cứ tiến hành như đã tuyên bố. Rồi ngài sẽ hài lòng, có phải thế không? Nhưng, mạn phép ngài, tôi xin nói thẳng là tôi không đồng ý với ngài về chỗ ngài… bất mãn về một đoạn trong thiên phóng sự Lục sì. “Vẫn hay rằng đó là nhà nước làm ra, song le tôi tưởng không nên trích đoạn thơ vệ sinh ấy lên báo vì nó có hại lớn. Tôi không biết các cô gái nhỏ đọc đoạn thơ ấy thì. nghĩ thế nào… Riêng tôi, số báo ấy tôi đã cất kín tủ, không dám để bọn trẻ nhà tôi coi… thật là đáng tiếc..

Ấy đó, những lời ngài trách tôi. Vậy tôi xin nói: ngài cất báo vào tủ cũng phải vì ngài có toàn quyền về việc đề phòng con cái của ngài. Nhưng mà xin ngài nhớ cho rằng không những chỉ số báo Tương lai có đoạn ấy là không nên để trẻ con đọc, mà các báo chí khác nữa, ngài cũng nên làm như thế. Vì rằng đối với trẻ con thì báo nào cũng có hại cả, cho nên ở những nước văn minh người lớn có báo của người lớn, trẻ con có báo của trẻ con. Tờ báo không phải để làm việc cho đủ mọi người trong một gia đình cũng như trong xã hội, tờ báo không thể bênh vực ông quan lớn lẫn thằng dân đen, cả ông chủ nhân bóc lột lẫn người thợ thuyền bị áp chế. Tóm lại, khi một tờ báo đã có ích cho hạng người này thì tất nhiên phải có hại cho hạng người kia. Nhất là cơ quan chính trị và xã hội như báo Tương lai, thì là không phải để cho trẻ con xem, nhưng mà là bạn của bố mẹ chúng. Không, chẳng bao giờ một tờ báo lại có ích được cho đủ mọi hạng người.

Nói thế rồi, tôi lại phải xin ngài hiểu cho rằng viết thiên phóng sự Lục sì tôi không phải là chỉ một nhà văn, nhưng còn là một nhà báo. Nhà báo thì phải nói sự thật cho mọi người biết. Nếu một việc đã có thực thì bổn phận của tôi chỉ là thông báo cho mọi người biết, chứ không phải là lo sợ rằng cái việc làm phận sự ấy lợi hại cho ai. Thí dụ như tờ báo, trong khi đăng tin ông Đinh Công Huy làm giấy bạc giả, ông sư Hà Văn Thụy hiếp dâm, ông Vi Văn Huyên giết người và tự tử vì tình thì tờ báo ấy đã làm tròn phận sự thông tin rồi, chứ không phải lo thông tin như thế là hại cho quan trường, hại cho Phật giáo, hại cho tiếng thơm họ Vi.

Còn ngài, không hiểu rằng đọc bài thơ vệ sinh kia, thì cô gái nhỏ ấy sẽ nghĩ thế nào? Theo ý riêng tôi, thì cô gái nhỏ ấy sẽ ghê tởm, thấy nhà lục sì là đáng sợ, thấy người đàn bà mà phải học những “bài” như thế là mất cả nhân cách con người, thì nếu cô gái nhỏ biết nghĩ chút nữa, cô gái tự răn mình đừng làm gì đến nỗi phải bắt vào nhà lục sì, nghĩa là đừng có hư hỏng và tôi tưởng như thế là phúc lớn cho xã hội rồi đó. Ngài sợ đoạn thơ ấy ám thị cho cô gái nhỏ có ý dâm chăng? Thưa không! Cái gì đã bẩn thỉu đến làm cho ta nôn oẹ như thế thì nó không có tính chất khiêu dâm đâu, ngài ạ… Khiêu dâm là những danh từ bóng bẩy văn hoa, là sự nói cái dâm bằng những danh từ điêu trá của văn chương nó không chướng cái lỗ tai của ngài, nhưng quả thật nó có hại cho cô gái nhỏ vô cùng!

Nay, tôi xin nói thẳng ngay rằng nếu cô gái nhỏ ấy mà có khao khát ái tình – nghĩa là dục tình – mà có lãng mạn, mà có nhân tình hay là bạn trai, hay là sẽ bỏ chồng, hay là sẽ giải phóng, hay là sẽ cách mệnh lại gia đình thì đó có ảnh hưởng của thứ văn đại khái như Tô Tâm, Đoạn Tuyệt, Lạnh lùng hay là một bài thơ của Hồ Xuân Hương, hay là một cuốn văn “thanh tao” nào khác của một tụi vô lại, nhưng tội còn nặng hơn nữa, chứ không phải vì đoạn thơ vệ sinh của nhà nước mà tôi đăng trong Tương lai.

Thế thì ngài đã hiểu ra chưa?

Đối với trẻ con, sách nào cũng có hại, báo nào cũng có hại. Ngài ơi, cái sự khốn kiếp của loài người là thế đó, ngu thì muốn học cho biết thì đã là hại rồi! Than ôi! Nhân đây tôi muốn nói với ngài như trạng sư Mors Grafferi trong khi cãi cho nhà văn sĩ Anquetil, đã nói với cả các ông quan tòa “cái con đĩ lữa to béo ấy, cái tính cả thẹn của loài người! (Cette grande prostiuée quest la pudeur humaine!) thật thế đấy. Người đời sợ sự thực, nó ô uế, nó xấu xa. Có một vết thương sâu quảng, người đời chỉ muốn lấy lụa là, gấm vóc phủ lên trên, nhưng thế có phải đâu là chữa bệnh! Phải mổ nó ra, mặc lòng nó bẩn mắt, nó khó chịu khứu quan. Xã hội này có vết thương, tôi phô nó ra để ngài biết mà chạy chữa. Lục sì là nạn mãi dâm, là nạn hoa liễu, nó được đục khoét chín phần mười cái xã hội của ngài, thưa ngài!

Sao lại vì một chữ như “dương vật” mà đã rụng rời hết vía thế.

Này, ngài ơi, ngài thử đọc những quảng cáo thuốc phong tình, di tinh, liệt dương nhan nhản trên các báo mà xem những chữ như thế, hoặc đáng “tởm” hơn thế, có đắc dụng hay không?

Vậy mà sao lạí chỉ chê trách có một mình tôi là làm bẩn mắt ngài mà không trách các chủ báo và các ông vua thuốc lậu? Ô hay ngài vẫn chưa biết Lục sì là một thiên phóng sự mà tôi ao ước có tính chất khoa học hay sao? Thôi đi, đã một thế kỷ nay rồi, Victor Hugo đã phải hò hét đòi cái quyền được gọi con lợn là con lợn. Đây tôi không lý luận như Zola, Flaubert, Baudelaire, Margueritte, Richepin[89] những người cũng đã bị kết án là khiêu dâm, là ô uế, là vô liêm sỉ mà bây giờ được tôn là văn hào, để mà lòe ngài đâu. Ngài nhớ ra mà xem, ngài cũng đã có đủ học thức, nhưng ngài đã quên khuấy đi mất đấy!

Nhân loại đã tiến bộ rồi!

Thế kỷ này phải trọng khoa học, trong sự thật mặc dầu có khi nó uế tạp, gớm ghiếc, chỉ có những đồ vô học thức thì mới bướng bỉnh bằng cái tính e thẹn của những quân bồi săm!

Cái nhơ bẩn không khiêu dâm. Khiêu dâm là sự nửa kín nửa hở, là cuốn phim trưởng giả về Music Hall[90] những ám ảnh của báo Beauté magazine, báo Sex appel[91] cô gái nhảy mặc áo tân thời bằng voan mỏng, những chuyện tình “cao thượng” nó làm hại cô gái nhỏ, cậu con trai của ngài, hay là nó khiêu dâm cả chính ngài! Đó là về phần ngài! Còn về phần cô gái nhỏ mà ngài lo sợ? Thưa ngài hiện giờ ở bên Pháp dự án Scillier đương ở thời kỳ thảo luận. Nay mai, chỉ nay mai thôi, nó sẽ ban hành ở Pháp và ở đây. Đối với nạn mãi dâm, sẽ có khoản nam nữ giao cấu giáo dục (éducation sexuelle) cho các trường sơ đẳng…

Lúc ấy – nó sắp đến – thì cậu con trai ngài hay ngài, hay “cô gái nhỏ” sẽ phải học đến những danh từ khoa học dùng để chỉ mọi phần của những cơ quan sinh dục và nó được nhắc đến ở miệng trẻ con luôn. Lúc ấy tôi đợi ngài bảo Nha học chính Đông Dương[92] là dâm uế, khiêu dâm, đểu giả và vô liêm sỉ.

Kính thư

VŨ TRỌNG PHỤNG

Báo Tương lai số II, 1937 tháng ba

***

[89] Emile Zola (1840 – 1902) nhà văn Pháp thủ lĩnh phái tự nhiên chủ nghĩa, chủ trương mô tả các hiện tượng cá nhân và xã hội với sự chặt chẽ của các khoa học tự nhiên.

– Gustave Plaubert (1821-1840) nhà văn hiện thực chủ nghĩa Pháp, bị ra tòa vì cuốn tiểu thuyết Madam Bovari 1857.

– Charles Baudelaire (1821-1867) nhà thơ Pháp vĩ đại tác giả tập thơ “Những đóa hoa Yêu Quí”

– Jean Richepin (1849-1926) nhà thơ Pháp tác giả tập “Bài hát của bọn hành khất”.

– Margueritte, hai anh em nhà văn Pháp Paul (1860-1981) và Victor (1867-1942) cùng nhau viết nhiều tiểu thuyết trong đó có các cuốn “Đàn bò mới”, “Gái điếm”chủ trương mô tả các hiện tượng cá nhân và xã hội với sự chặt chẽ của các khoa học tự nhiên.

– Gustave Plaubert (1821-1840) nhà văn hiện thực chủ nghĩa Pháp, bị ra tòa vì cuốn tiểu thuyết Madam Bovari 1857.

– Charles Baudelaire (1821-1867) nhà thơ Pháp vĩ đại tác giả tập thơ “Những đóa hoa Yêu Quí”

– Jean Richepin (1849-1926) nhà thơ Pháp tác giả tập “Bài hát của bọn hành khất”.

– Margueritte, hai anh em nhà văn Pháp Paul (1860-1981) và Victor (1867-1942) cùng nhau viết nhiều tiểu thuyết trong đó có các cuốn “Đàn bò mới”, “Gái điếm”.

[90] Nhà hát trình bày các cảnh múa nhảy của vũ nữ ăn mặc sơ sài, gần như khỏa thân.

[91] Beauté ma gai me tên Tập san sắc đẹp chuyên in ảnh phụ nữ khỏa thân, cũng Sex appel (kêu gọi tên của giới tính).cũng Sex appel (kêu gọi tên của giới tính).

[92] Cơ quan điều khiển toàn thể nền giáo dục của Đông Dương.

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận