Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10Kế tiếp
Làm đĩ
Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Tiểu thuyết “Làm đĩ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng không chỉ kể câu chuyện của một người đàn bà làm gái mãi dâm buổi giao thời giữa văn hóa phương Tây và phương Đông trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, mà còn là lời cảnh tỉnh về đạo đức luân lý, giáo dục giới tính.
Vũ Trọng Phụng viết xong “Làm đĩ” năm 1936, xuất bản năm 1937. Khi mới ra đời, tác phẩm gây tranh cãi dữ dội. “Làm đĩ” bị kết tội là tiểu thuyết dâm ô, có hại cho việc giáo huấn đạo đức thanh thiếu niên. Ở phía ngược lại, các ý kiến cho rằng cuốn sách mang giá trị nhân bản.
Tiểu thuyết “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng kể về cuộc đời của nhân vật Huyền xuất thân trong một gia đình khá giả, bắt đầu từ những tò mò dục tính thời niên thiếu, cho đến lúc lấy chồng, ngoại tình và trụy lạc khi đi vào con đường làm đĩ. Bốn phần nội dung chính: “Tuổi dậy thì, Ra đời, Lấy chồng, Trụy lạc” dẫn dắt độc giả vào cuộc đời sa ngã, dâm bôn của cô này.
Tiểu thuyết đưa ra bức tranh hiện thực của xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, giữa một bên là văn minh phương Tây tràn tới mọi ngóc ngách thành thị, một bên là văn hóa truyền thống nghìn năm vẫn hiện hữu rõ nét.
Ở xã hội ấy, những tiệm ảnh mọc lên vuốt ve vẻ đẹp các cô gái, những tiệm may âu hóa giúp người đàn bà khoe cơ thể, các hình thức giải trí như khiêu vũ, “xem chớp bóng”, các trò tiêu khiển như đua ngựa, cá cược, mạt chược… khiến người đàn bà thành thị được cởi trói khỏi khuôn phép nghìn xưa.
Lời Vũ Trọng Phụng:
” Tại sao khi con gái mình, em gái mình hư hỏng, thì mình muốn tự tử, mà con gái hay em gái người khác bỏ chồng, bỏ nhà theo bạn trai thì lại gọi là giải phóng, là bình quyền, là chiến đấu cho hạnh phúc cá nhân?”
“Xã hội này có vết thương, tôi phô nó ra để ngài biết mà chạy chữa. Lục sì là nạn mãi dâm, là nạn hoa liễu, nó đục khoét chín phần mười cái xã hội của ngài, thưa ngài!”
“Tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa dâm đãng của bọn người có nhiều tiền, kêu ca những sự thống khổ của dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, bị cưỡng bức, muốn cho xã hội công bình hơn nữa, đừng có những chuyện ô uế, dâm đãng, mà bảo là nhỏ nhen, thì há dễ Zola, Hugo, Malraux, Dostoievsky, Maxim Gorki lại không cũng là nhỏ nhen?”
“Riêng tôi, xã hội này, tôi chỉ thấy là khốn nạn: Quan tham, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt, mà cái xa hoa chơi bời của bọn giầu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê, thợ thuyền bị lầm than, bị bóc lột. Lạc quan được, cho đời là vui, là không cần cải cách, cho là cái xã hội chó đểu này là hay ho tốt đẹp, rồi ngồi mà đánh phấn bôi môi hình quả tim để đi đua ngựa, chợ phiên, khiêu vũ, theo ý tôi thế là giả dối, là bị mình lừa mình và di họa cho đời, nếu không là vô liêm sỉ một cách thành thực.”
Lời tác giả
Sự gặp gỡ của Đông Tây trên dải đất này đã ảnh hưởng mạnh vào đời sống vật chất của chúng ta. Còn gì vô lý cho bằng đã công nhận cuộc tân sinh hoạt trong đó có rạp hát, rạp chiếu bóng, những một y phục tân thời, nhà khiêu vũ, nước hoa, phấn sáp, là những điều kiện làm cho loài người càng ngày càng tăng mãi cái dâm lên, mà lại đồng thời không công nhận vấn đề giáo dục cái sự dâm là cần truyền bá, ngõ hầu chỉ bảo cho bọn hậu sinh biết cách dâm cho có luân lý, dâm cho lương thiện, dâm cho khỏi hại giống nòi?
Xã hội Việt Nam này, thật vậy đã bắt đầu loạn dâm!
Sự làm giàu đùng đùng của những thầy lang chữa bệnh hoa liễu, sự phát đạt của những tiệm khiêu vũ, tăng số của bọn giang hồ, nạn hoang thai, những vụ án mạng vì tình mà hàng ngày các báo đăng lên mục tin đặc biệt, sự chán đời đến tự tử của một số nam nữ thiếu niên, nạn hiếp dâm, vân vân, đủ dẫn chứng cho lời than ấy.
Đứng trước tình thể ấy mà chỉ khoanh tay kêu “Ôi phong hóa suy đồi” thì nào có ích gì cho ai?
Tìm một nền luân lý cho sự dâm, giáo hóa cho thiếu niên biết rõ dục tình là những gì, đó là những việc phải làm ngay vậy.
Nam nữ thiếu niên vào lúc dậy thì, vào lúc xác thịt rạo rực lên vì những biến đổi âm thầm và sự phát triển của những cơ quan sinh dục, là rất dễ lầm lỗi, là rất dễ hư hỏng, nếu không được bậc cha mẹ chỉ bảo những điều cần biết và đề phòng mọi hoàn cảnh xấu hộ cho.
Sao người ta lại coi tình dục là không quan trọng, là điều nhơ bẩn? Sao người ta lại cam tâm ngu dốt như thế, lại đạo đức giả đến như thế? Sao lại không dám nói đến dù nó vẫn ám ảnh hết thẩy mọi hạng người? Sao lại không dám vứt bỏ cái sự hổ thẹn vô lý để giảng dạy về những bộ phận sinh dục là những cái mà đấng Thượng đế dám ban cho nhân loại mà không hổ thẹn?
Nói hay im, bảo nhau biết điều hòa cái dâm để tô điểm cuộc đời, hay là cứ mặc quách để cái dâm của loài người làm loạn loài người, ấy chỉ do đó mà ra sự thịnh, suy của nòi giống.
Vì những lẽ ấy truyện “Làm đĩ” ra đời.
Nó sẽ làm cho bọn đạo đức “không phải đường” phải nhăn mặt.
Nó sẽ làm cho hạng người không muốn hiểu biết gì cả sẽ kêu suông: “Ôi phong hóa suy đồi!”
Nhưng tác giả còn hy vọng ở những người biết nghĩ…
Vũ Trọng Phụng
Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10Kế tiếp