Giáo sư Ka Mathul khẳng định với sự trợ giúp của quân tình nguyện Việt Nam tinh nhuệ và tài chỉ huy quân sự của Đại tướng Lê Đức Anh, đất nước Campuchia đã thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot tàn bạo.
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua đời đã để lại những tiếc thương lớn lao trong lòng nhiều sỹ quan, tướng lĩnh và nhà nghiên cứu Campuchia, quốc gia láng giềng mà ông để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đấu tranh hỗ trợ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot, xây dựng đất nước Campuchia phát triển trong hòa bình như ngày hôm nay.
Nhóm phóng viên TTXVN thường trú tại Campuchia đã có cuộc phỏng vấn giáo sư – tiến sỹ Ka Mathul – Chủ nhiệm khoa Quan hệ Quốc tế, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia (thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia), về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh, đặc biệt những đóng góp của ông trong sứ mệnh giúp Campuchia thoát thảm họa diệt chủng.
Chia sẻ những cảm nghĩ, đánh giá của mình về cuộc đời và sự nghiệp của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh, giáo sư Ka Mathul đã điểm lại sự nghiệp quân sự của ông.
Ông nhấn mạnh phần lớn cuộc đời Đại tướng Lê Đức Anh cống hiến, phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là một người con anh hùng của nhân dân Việt Nam. Đại tướng Lê Đức Anh tham gia chống Pháp, chống Mỹ và trong cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam, ông là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Giáo sư nêu rõ với sự trợ giúp của Việt Nam, đặc biệt là Đại tướng Lê Đức Anh, Campuchia đã thành lập một đơn vị chiến đấu tại Việt Nam với tên gọi Đoàn 125, tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai (12/5/1978), sau đó kết hợp với Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước (được thành lập ngày 2/12/1978).
Hai bên nhận thấy cần phải lật đổ chế độ Khmer Đỏ và đã lấy ngày 25/12/1978 là ngày lật đổ chế độ Khmer Đỏ và đã chiến thắng hoàn toàn vào ngày 7/1/1979.
Giáo sư Ka Mathul khẳng định với sự trợ giúp của quân tình nguyện Việt Nam tinh nhuệ và tài chỉ huy quân sự của Đại tướng Lê Đức Anh, đất nước Campuchia đã thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ để có được đất nước Campuchia như ngày hôm nay.
Ông Ka Mathul nêu bật ý nghĩa to lớn của việc quân tình nguyện Việt Nam có mặt tại thủ đô Phnom Penh vào thời điểm mới được giải phóng (ngày 7/1/1979). Ông cho biết vào thời điểm đó, các cơ quan, tổ chức của Khmer Đỏ đã bị giải tán hoàn toàn nhưng lực lượng quân đội của Khmer Đỏ chưa bị tan rã và nếu như Chính phủ Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh quyết định rút quân khỏi Campuchia thì chắc chắn rằng quân đội Khmer Đỏ sẽ trở lại và sẽ gây nên một cuộc tàn sát đẫm máu lần thứ hai. Do đó, sự có mặt của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia sau ngày giải phóng đã mang lại rất nhiều lợi ích.
Thứ nhất, giúp bảo vệ và củng cố chính phủ mới của Campuchia. Thứ hai là bảo vệ tài sản và tính mạng cho nhân dân Campuchia trước sự trở lại của quân đội Khmer Đỏ khi Việt Nam rút quân tình nguyện khỏi Campuchia. Thứ 3 là quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Campuchia khôi phục và phát triển đất nước.
Thủ tướng Hun Sen thăm cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Giáo sư Ka Mathul cho biết từ năm 1977, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen và Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã xây dựng một mối quan hệ gắn bó lâu dài. Thể hiện sự ghi nhớ của mình, năm 2012, Thủ tướng Hun Sen tham dự lễ khánh thành khu di tích lịch sử Đoàn 125 – tiền thân của Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia sau này – tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Thủ tướng Hun Sen luôn ghi nhớ những công lao của Chủ tịch nước Lê Đức Anh và quân tình nguyện Việt Nam đối với đất nước Campuchia.