Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29 Trang 30 Trang 31Kế tiếp
Chương 09
Ông huyện đã gọi tên một lượt.
Ngần ấy người đều lo sợ vì cái lòng thiên lệch của quan đã lộ ra nét mặt, lời nói và cả ở chỗ không thấy gọi bên bị lên công đường.
Cả bọn đương đứng nghe tim đập mạnh trong ngực mình, trông cái dáng trầm ngâm hiểm độc của quan… Quan vẫn cứ mải tìm cách uốn lưỡi trong tập biên bản… Bên ngoài công đường có tiếng xì xào làm cho ông huyện chợt ngửng đầu lên. Rồi cau mặt, quát lính:
– Chúng bay! Bảo cái người ngoài ấy vào đây xem họ muốn nói gì.
Một anh lính gọi người kia nào.
– Mày muốn gì?
Thiếu niên đứng tưng hửng ra một lúc, rồi căm hờn đáp:
– Thưa quan lớn, xin lỗi quan lớn, ngài làm quan như vậy là không biết làm quan. Thưa ngài, ngài có nhớ phủ toàn quyền vừa rồi có một tờ thông tư cho quan lại rằng không được dùng đến những chữ mày tao với dân sự chăng.
Ông huyện, thâm gan tím ruột, cũng giật mình nữa, cười nhạt mà rằng:
– Thế anh muốn gì?
Thiếu niên cũng đổi giọng, khoan thai đáp:
– Bẩm quan, chúng tôi là phóng viên một tờ nhật báo, vào đây lấy tin.
– Báo nào vậy? Có giấy nhận thực không?
Thiếu niên đưa lên cái “các” nhà báo. Ông huyện trầm ngâm một lúc rồi cự:
– Anh có muốn vào đấy lấy tin thì anh cũng phải xin phép quan sở tại đã chứ? Sao anh giám tự tiện vào làm huyên náo cả công đường?
– Bẩm, ngài thử hỏi những người này xem? Chúng tôi phải thì thầm với nhau ở ngoài hiên thì có gì là huyên náo?
Ông huyện ngừng bắt bẻ một lúc, rồi lại cất cao giọng:
– Anh phải biết rằng dù là anh làm báo thì cũng phải do tôi có cho phép anh thì anh mới vào đây được.
– Bẩm chính thế.
– Phải. Mà vì lẽ báo chí quốc ngữ, nhất là tờ báo Lưỡng kỳ của anh, chỉ là những thứ giẻ lau, giẻ rách, nên tôi khinh bỉ bọn làm báo các anh lắm!
– Bẩm quan lớn, đó là một ý kiến của ngài về báo chí quốc ngữ đó. Nếu câu ấy lên mặt báo, tôi xin ngài đừng có chối nhé? Được lắm, ngài không cho tôi lấy tin, nhưng mà tôi cũng đã phỏng vấn ngài về báo chí nước nhà rồi. Xin quan lớn nhớ kĩ cho như thế, và tôi rất cảm ơn!
Phóng viên nói xong thì nghiêng đầu cúi chào một cái rất ranh mãnh, rồi quay gót định cáo lui. Ông huyện đập cái thước kẻ lên bàn giấy đánh chát một cái, làm cho thiếu niên lại quay lại. Ông huyện đỏ mặt nói:
– Anh muốn gây sự với quan trường đấy phỏng?
– Thưa không, ấy là ngài muốn gây sự với báo giới.
Ông huyện đứng lên, hầm hầm nét mặt, quát:
– Lính đâu?
Hai ba lính chạy vài. Quan phán:
– Đem giam thằng vô lễ này vào lô-cốt lập tức!
Thiếu niên đứng ngẩn người ra một phút rồi cứng cỏi nói:
– À! À! Vâng! Quan lớn cứ việc bắt giam tôi đi, tôi cam đoan ngài sẽ phải trả đắt cái cuộc chơi ngông này lắm đấy. Thật đấy, ngài cứ việc bắt giam tôi đi mà xem!
Mấy anh lính lúc đó chưa dám bắt ngay, là vì họ nghĩ đến những lúc khi xưa còn quan huyện cũ, lần nào ông nhà báo đến cũng được quan huyện bắt tay rất ân cần. Vì họ lấy làm lạ, nên trước lệnh của quan họ còn phải ngơ ngác… Ông huyện lại quát:
– Lôi cổ nó đi!
Lúc ấy, bọn người làng Quỳnh Thôn đã sợ sẵn, lại càng kinh hoảng hơn. Ông nhà báo đi theo hai người lính ra khỏi huyện đường rồi, quan gọi đến thị Mịch.
– Mày có nhận của người ta năm cái giấy bạc một đồng có phải không?
– Bẩm quan lớn vâng.
– Thế lúc mày bị hiếp… thì đầu đuôi câu chuyện ra thế nào?
Cô Mịch thẹn đỏ mặt, cúi nhìn xuống đất, lôi cái vạt áo lên miệng nhai…
Ông đồ Uẩn giục:
– Con cứ sự thực mà khai với quan lớn.
Ông huyện đập bàn một cái, giận dữ nói:
– Thế nào quan đùa với mày đấy à?
Cô Mịch run sợ, ấp úng kể:
– Bẩm lạy quan lớn… rồi người ấy bảo con đem rạ đến bán cho người ấy ở chỗ ô tô… rồi người ấy mua rạ thật, rồi người ấy bảo con lên xe, rồi người ấy…
– Xong rồi người ấy lấy năm đồng cho mày, có phải không?
– Vâng… à bẩm không.
Lời quát của quan to và gọn như một tiếng sét:
– Thế nào?
– Bẩm… bẩm…
– Trước hay sau? Nói ngay!
– Bẩm trước… vì đó là tiền mua rạ.
– Mày nói láo! Người ta đi xe ô tô đến đấy thì người ta mua rạ của mày làm gì?
– Bẩm người ta bảo mua rạ để chữa xe.
Quan huyện ngồi dựa vào ghế, ngửa cổ ra cười một hồi dài mà rằng:
– Mua rạ để chữa xe ô tô!… Mày nói có đến trẻ con nó cũng không tin được! Họ chữa xe bằng rạ của mày thế nào?
– Bẩm con không biết ạ.
– Mày không biết? Mày không biết? Mày không biết!!!
Ông đồ Uẩn thưa lên:
– Bẩm quan lớn, hình như ông ta kêu mua rạ nhồi vào lốp xe.
Quan dồn:
– Lúc ấy ông có đấy không? Ông có mặt chỗ xảy ra vụ… ấy không?
– Bẩm không.
– Thế nào ông biết tường tận thế?
– Bẩm khi về nhà, con bé cháu nó nói chuyện lại.
– Thôi đi! Nếu nó nói chuyện thế với ông được thì nó đã đáp lời cho tòa rành mạch được. Lời khai của ông là khai man.
– Bẩm quan lớn, chúng tôi không dám khai man đâu ạ.
– Thôi được người làm chứng thứ nhất Nguyễn Văn Đô!
Ông cụ già 60 tuổi dạ một tiếng rồi ra trước bàn, thì thụp lạy như trước bàn thờ ông vải. Ông huyện gắt:
– Thôi! Cho đứng lên! Đứng lên khai chứ ai bảo lạy?
Ông cụ già đứng lên rồi kêu:
– Bẩm quan lớn đèn giời soi xét.
– Im! Câm cái mồm nghe tòa hỏi đã!
– Dạ…
– Hôm ấy ông trông thấy những gì?
– Bẩm quan lớn, con ngồi đằng xa cách xe độ hai mươi thước, thấy cô Mịch này bước lên xe rồi trong xe tắt đèn… rồi thì…
– Người ta đưa tiền trước hay sau?
– Bẩm con không biết.
– Thế người ta chữa xe thế nào?
– Bẩm con chỉ thấy tài xế đập búa thình thình vào máy.
– Họ có chữa đến bánh xe không?
– Con không biết.
– Hôm ấy có sáng giăng… sao ông lại không biết?
– Bẩm hình như không phải chữa bánh xe.
Ông huyện nhìn ông đồ mà phân bua ngay:
– Ấy đấy, người ta không chữa bánh xe, nghĩa là không có dùng gì đến nửa gánh rạ của con gái ông đấy nhé! Đến hai người đàn bà.
– Dạ! Dạ!
– Hai mụ thấy những gì? Con mụ nữa đâu?
– Bẩm có bà Lý nữa, nhưng chết hôm nọ rồi ạ.
– Thấy những gì! Nói ngay!
– Bẩm chúng con đã khai với quan huyện cũ.
– Khai lần nữa!
– Bẩm chúng con cũng quên rồi, vì đã lâu rồi. Lạy quan lớn đèn giời soi sét.
Ông huyện nghĩ một lúc rồi điềm nhiên:
– Chứng cớ không đủ. Thôi được, đến trương tuần Quỳnh Thôn!
Bác Trương tuần dạ một cái thật to y như trên sân khấu phường chèo, rồi ngoan ngoãn ra đứng trước bàn mặt mày hí hửng lắm.
– Anh thấy gì?
– Bẩm quan lớn, lúc chúng con đi tuần ra đến gần đường quan lộ thì thấy có tiếng người kêu rên… Rồi ở trong xe có người bị đẩy ra ngã ngồi phệt dưới đất là thị Mịch này… Thị này kêu khóc rất thảm thiết vào lúc xe bắt đầu chạy… Biết là có chuyện không hay nên con ra đứng giữa đường giơ hai tay ra bắt xe đứng lại, sau khi rúc tù và lên. Bẩm không ngờ xe ô tô lại phăng phăng đâm thẳng vào mặt con… may mà con nhanh chân nhảy một cái sang bên đường chứ không thì chắc đã mất mạng…
– Sao nữa?
– Xe chạy mất rồi, con nhìn theo số xe rồi quay lại hỏi con bé này. Con phải khiêng nó về làng, đến nhà nó mới kể chuyện lại và cởi ruột tượng lấy năm cái giấy bạc một đồng ấy ra trình lý dịch.
– Thế nghĩa là nó đã nhận tiền trước khi bị hiếp?
– Bẩm quan lớn, chắc là thế.
– Thị Mịch!
– Dạ!
Ông trương tuần lại về chỗ đứng cũ, mặt mũi tươi cười như đã đóng xong một vai tuồng quan hệ mà được khán giả vỗ tay. Thị Mịch ra trước bàn giấy.
– Sao mày lại lấy tiền? Thế mày có bằng lòng ngủ với người ta không?
– Bẩm quan lớn, đó là tiền bán rạ.
– Tiền rạ? Tiền rạ? Lý trưởng Quỳnh Thôn đâu!
– Dạ!
– Chánh hội đâu?
– Dạ!
– Ruộng làng chúng mày mỗi năm cấy mấy mùa?
– Bẩm chỉ có một mùa chiêm.
– Mỗi sào được bao nhiêu tiền thóc một mùa?
– Bẩm nhất đẳng điền cũng chỉ được độ năm đồng một sào thóc.
– Chúng mày khai man!
– Bẩm quan lớn, quả thật như thế.
Quan huyện lại ngồi dựa đầu vào ghế, cười nức nở một hồi rồi mới nói:
– Thế mà nó bán năm đồng nửa gánh rạ!
Quan cười một hồi dài nữa làm cho lũ người ấy ngao ngán, chỉ còn biết đưa mắt nhìn nhau… Thị Mịch run lẩy bẩy, cố lấy can đảm ra cãi:
– Bẩm quan lớn, lúc đưa tiền thì người ấy bảo là thương hại con…
– Người ấy nói những thế nào?
– Bẩm, người ấy bảo là dân quê bị sâu cắn lúa thế thì nghèo khổ lắm, mà con như thế là đáng thương lắm, nên mua có nửa gánh rạ mà cũng cứ trả tiền cho cả năm đồng.
– Mày có biết người ta thương là thế nào không.
– Dạ!
– Lúc ấy chắc mày bằng lòng người ta thương mày. Hẳn phải thế thì mày mới nhận tiền chứ?
Bẩm vâng.
– Mày là đứa hư nhé! Một người lại là đàn ông, đã không là ông mày, không là bố mày, không là chú, bác, anh, em họ hàng, thân thuộc nhà mày mà đi thương mày, thì chỉ là muốn ngủ với mày mà thôi. Thế mà mày đã nhận tiền! Mày như thế là hư lắm.
Thị Mịch ứa nước mắt. Ông đồ cũng ứa nước mắt. Rồi thị Mịch khóc nức nở lên y như ở nhà. Hồi lâu thị nói:
– Bẩm quan lớn, con không ngờ như thế.
– Mày là đứa con gái thì mày phải giữ. Mày dại thì mày chết. Tình mày ngay, nhưng lý mày gian! Tao làm quan tao cũng muốn cho ngọn đèn công lý soi thấu những nỗi thống khổ của cùng dân, nhưng mà cái lý của mày lúng túng như thế, các người làm chứng mơ hồ như thế, thì tao làm thế nào được!
Bên nguyên đơn đứng im phăng phắc.
Quan huyện giở tập giấy mà mất năm phút, xem lại mất năm phút nữa là mười. Rồi quan hỏi:
– Các người có muốn theo kiện đến kỳ cùng không?
Ông chánh hội nhanh nhảu thưa:
– Bẩm quan lớn, chúng con chờ lệnh quan lớn.
Ông huyện đáp:
– Bên bị người ta đã có đơn lên quan sứ rồi. Người ta kêu không hiếp… ai cả, chỉ ngủ với con Mịch, thì chính nó, nó đã bằng lòng, vì nó đã lấy năm đồng bạc của người ta. Quan sứ đã có xét việc này rồi. Ngài đã tự về đây, bảo tao khuyên chúng mày thôi đi là hơn. Nếu chúng mày cứ kiện thì quan sứ sẽ hòa giải. Nếu chúng mày chống án lên Hà Nội thì càng khó lòng mà được kiện, vì người ta là người giàu có lắm chúng mày không bán nghiệp đi mà theo kiện được. Mà rồi còn lôi thôi nữa…
Ông đồ uất ức thưa lên:
– Bẩm quan lớn, xin quan lớn soi xét cho, sự thực mà như thế thì ức cho gia đình con lắm.
Ông chánh hội cũng thưa:
– Bẩm nếu thế thì cả làng chúng con nhục với hàng tổng.
Quan huyện xung thiên chi nộ, đập bàn mà rằng:
– Con Mịch kia! Trước pháp luật việc mày như thế là một việc làm ** không môn bài, vậy mày có muốn làm nhà thổ suốt đời không? Bọn lý dịch! Chúng mày đi kiện láo như thế tức là phạm tội vu cáo, vậy chúng mày có muốn ngồi tù không? Chúng mày để trong làng có truyền đơn, cờ đỏ, tao đây chưa cách cổ chúng mày đó mà! À ra cái dân này bướng bỉnh nhỉ? Chúng mày muốn rút đơn ra hay chúng mày muốn ngồi tù nào? Ông đã thương hại, ông bảo thật cho lại còn cứng cổ! Nào, thế lão đồ kia muốn xin bồi thường mấy trăm bạc thì để ông phê vào đây rồi ông đệ mẹ nó lên tỉnh cho chúng mày khốn khổ cả đi nào. Vô phúc thì đáo tụng đình đấy, các con ạ!
Hai ba người nhao nhao lên: – Bẩm quan lớn, chúng con xin rút đơn kiện vậy. Quan huyện lườm cả lũ.
– Thôi, bước! Bước ngay cả lũ!
Cả bọn đồn quay ra thì quan lại gọi giật lại mà rằng:
– Còn cái thằng làm báo lúc nãy nữa! Nó có tên trong sổ đen đấy. Nó bị tòa sứ nghi là cách mệnh đấy. Chúng mày cứ chuyện trò giao thiệp với nó đi, ông bảo chúng mày liệu cái thần hồn.
Rồi quan xếp dọn giấy má và khẽ dặn một anh lính:
– Lát nữa tao về đình đâu đấy rồi thì thả thằng làm báo ra, nó có muốn sinh sự gì thì cứ đẩy cổ nó đi, không cho nó được lai vãng đến cửa huyện.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29 Trang 30 Trang 31Kế tiếp