Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29 Trang 30 Trang 31Kế tiếp
Chương 23
Chưa khuất hẳn sau dãy núi Tản Viên, mặt trời nhuộm cho những đám mây lơ lửng trên không gian có màu cá vàng. Ngọn đồi ở ấp Tiểu Vạn trường thành lúc ấy, sáng lấp lánh vì ánh nắng chiều còn tụ lại trên những ngọn lá cà phê. Hoa cà phê trắng xóa, từng nhành một, chen lẫn vào những vòm lá xanh thẫm như tuyết phủ… Chung quanh, trời đất mở ra một vùng phong cảnh ngoạn mục, nào đồi, nào làng mạc, nào ruộng nương, trùng trùng điệp điệp, kế tiếp nhau.
Thung dung tay chắp sau lưng, Nghị Hách đi cạnh bạn cũ. Cả hai dạo quanh cái sinh phần. Người bạn già có ý ngắm nghía phong cảnh, tìm kiếm mạch đất, còn Nghị Hách thì chỉ im lặng nghe ngón một cách chăm chú thôi.
Sinh phần trên mẩu đồi là một công trình kiến trúc bằng cẩm thạch rất lạ mắt, mới trông từ xa thì như bao diêm đặt lên trên cái mu bàn tay, nhưng khi đến gần, ta mới hiểu rõ rằng cái công trình vuông vắn ấy tuy đơn sơ là đơn sơ về đai thể, còn những bộ phận tỉ mỉ tô điểm cho sinh phần thì phải do những tay thợ đá lành nghề mới có thể chạm trổ, xếp đặt một cách công phu và tài tình đến như thế. Những đá đủ các vân, đủ các màu, không biết tìm được ở đâu ra… Có thứ trông như gỗ lát hoa, lại có thứ thoạt nhìn, ai cũng phải tưởng là gỗ lúp bên Ai Lao vậy. Bốn mặt tường sát nóc sinh phần, có những ô tròn và vuông. Hai đầu là hai cổng rất to, hình quả trám. Chung quanh sinh phần chi chít những cây thông, xoan, ngô đồng, phi lao, mọc hỗn loạn như ở một cái rừng con. Tuy vậy, sinh phần vẫn nhoi lên trên đám lá xanh rậm rạp ấy, nổi bật hẳn ra như một khối kim cương có trăm nghìn thứ ánh sáng, thật là đồ sộ, thật là cao cả, thật là vĩ đại.
Người bạn thở dài:
– Thì ra cái sinh phần này không phải chỉ là sinh phần.
Nghị Hách nhăn nhó kể lại:
– Phải còn là mộ nữa, vì trong này cũng đã có cốt, nhưng vì khiêm tốn nên không gọi là lăng, và vì còn muốn chôn cất nữa. Kiểu này là kiểu Xiêm La đấy, quan anh ạ. Riêng tiền đá cũng có bảy tám nghìn bạc rồi, ấy là chưa kể mấy tháng lương của hơn chục thợ, gọi từ bên Tàu sang, do ông Bang trưởng Hải Phòng kiếm hộ cho.
– Thế cái anh thầy địa lý Tàu ấy được bác hậu tạ bao nhiêu?
– Đúng một nghìn!
– Một nghìn?
– Vâng. Làm sao?
– Thế thì chả trách! Nó để sai huyệt thế này cũng là phải.
– Chết nỗi, quan anh bảo sao? Như vậy thì một nghìn là ít ỏi quá chăng? Có lẽ nào…
– Chính thế, nếu nó để đúng huyệt cho thì quan bác đã phất đến có thể đem của riêng ra cũng tậu được cả xứ Lào rồi! Nhưng mà thôi, cũng chẳng nên phàn nàn, vì quân Tàu vốn khoảnh độc, bao nhiêu mạch đất phát vương hầu xưa nay, hễ thấy là đều yểm đi cả, vậy mà anh thầy này còn để cho quan bác như thế này, thế đã tử tế lắm rồi đấy. Đây tôi cắt nghĩa qua cho bác nhé…! À, nhưng mà dễ phải trèo lên nóc sinh phần thì bác trông bác mới hiểu ra được… làm thế nào?
Nghị Hách quay nhìn hỏi bâng quơ như quát, sau một cái giẫm chân:
– Bay đâu? Có thằng nào đấy không?
Tức thì thằng Xuân, không biết từ bụi nào, thình lình nhô ra:
– Có tôi đây!
Nghị Hách phán:
– Kiếm ta cái thang dài đây! Mà cho mau!
– Dạ!
Thằng Xuân hấp tấp chạy. Ông già bảo Nghị Hách:
– Nên biết không mấy khi người ta tìm đất trên đồi, vì trên đồi mạch đất khô táo không đủ thủy, nếu có phát thì chỉ hoạnh phát, mà đã hoạnh phát, thì lại hoạnh tán, cái lẽ tạo hóa thừa trừ là như thế.
– Nếu bị hoạnh tán thì cũng được độ mấy đời? – Hoạnh tán thì có khi không trọn vẹn được một đời.
Nghị Hách thở dài ngán ngẩm. Lúc ấy thằng Xuân đã khiêng thang đến. Nghị Hách bảo nó bắc vào sinh phần, rồi hai người lổm ngổm bò lên… Lên đến nóc rồi, ông bạn già để tay làm mái hiên trước mắt, quay nhìn bốn phía, rồi trỏ tay bảo Nghị Hách:
– Đây kia kìa, quan bác nhìn xem. Cái chỗ có một túm phi lao, cạnh cái cây ngô đồng cao ngất ngưởng kia kìa! Bác cố nhận kỹ xem, cả cánh đồng cỏ lau chạy xoai xoải ấy, có một miếng đất nhô cao lên trên, mà chạy vươn ra không?
– À phải… Thế sao à?
– Đấy là con hỏa, hình lưỡi kiếm hẳn hoi nhé!
– Vâng, vâng. – Ấy đó, theo sách địa lý thì là ở chỗ nga my tác án, sự ấy đã rõ rệt lắm. Trước mắt có ngay còn Hỏa tinh lưỡi kiếm như thế thì sẽ phát nghịch, tử tôn thế nào cũng bất đắc kỳ tử, nghĩa là sẽ phải chết chém, hoặc chết vì tai nạn mất. Tuy cũng có phát phú thật, nhưng mà bõ bèn gì?
Chợt nghĩ ngay đến Tú Anh, Nghị Hách phải lấy khăn tay ra lau cái trán lấm tấm mồ hôi. Lão kêu lên:
– Giời ơi! Thì ra họ phản tôi hay sao?
– Không phải họ phản hẳn, có phát thì có sát, đừng nói thế mà phải tội. Nghĩa là họ chưa hết lòng… Vả lại quan bác trông mà xem… Mạch đất thìn tuất long thế kia là còn thô lắm, chưa được nhuyễn.
Nghị Hách cứ thỉnh thoảng lại giậm chân, kêu lên một cách hèn hạ lạ lùng:
– Giời ơi! Giời ơi là giời ơi…
Ông bạn già:
– Đặt sinh phần ngay chỗ này thì ra vượng tay long, mà lại mất tay hổ, con giai thì ăn thua mà con gái thì truỵ lạc, hoặc chết non. Chỗ này đẹp lắm, thiếu gì mạch tốt hơn, sao lão thầy Tàu nó lại ngu đến thế không biết!
– Thưa quan bác, thế quanh đây, chỗ nào mới là chính huyết?
– Bác ra đây với tôi!
Người bạn cũ kéo Nghị Hách ra phía kia sinh phần rồi trỏ tay ra xa, chỗ lương khoai, cạnh một cái lạch..
– Bác ngắm cho kỹ nhé! Cái thửa ruộng khoai sọ ấy, chỗ lạch nước đấy… Bác nhìn đấy, rồi lần ra phía đông nam của thửa ruộng ấy có một sào ngô… Đất sào ngô ấy nhoi cao bật hẳn lên, có phải thế không? Đó là chúng giê như ngã độc cao…
– Bẩm vâng. Tôi đã nhận ra rồi. – Ấy đó là một. Lại ngay trước mặt đấy có con thổ nữa tức là cái bãi cỏ vuông, bác nhận ra chưa?
– Vâng vâng.. – Đất ấy mạch theo kiền hợi, thủy tụ nhiều, có bút ở phương tốn, lại có thổ tác án, nó theo sách là hợp cách thủy loan bão kể đã là đất tốt lắm, vì lẽ phát đại thần.
– Thế à?
– Như quan bác là phú gia địch quốc rồi, tiền vứt xuống sông không hết, vậy thì chỉ còn phải cầu cái chữ quý.
– Vậy chỗ đất ấy phát có bền chăng?
– Được độ ba đời.
– Tay long tay hổ không chênh lệch nhau lắm?
– Đều đặn. – Ba đời thì cũng chả là bền mấy.
– Còn hơn chỗ cũ.
– Còn chỗ đất nào hơn nữa chăng?
– Thế bác quá bộ ra đây.
Nghị Hách lại đi theo bạn ra phía kia nóc sinh phần. Ông bạn già ngắm nghía một lúc, đoạn trỏ tay bảo:
– Các chân đồi này chừng tám trăm thước, đây kia, chỗ có những thửa ruộng hình mỏng như cánh ve xếp lớp vào nhau, từ dưới lên trên có một chỗ huyệt nhằm cách thiền dực xa phát cả phú, lẫn quý, lẫn thọ mà lại bền hàng chục đời! Hạng biết lo xa như Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng chẳng hạn, thì chỉ thích thứ đất ấy, mà thôi. Còn chọn như quan bác chọn cái sinh phần này thì chỉ có hạng thích cái đắc thế một thời, nghĩa là hạng Mạc Đăng Dung mà thôi! Như vậy là xuẩn.
Nghị Hách ngắm ra xa, gật gù một hồi. Rồi hai người xuống thang, lại thung dung quay về Nghin phong đình là chỗ nhà hóng gió ở giữa ấp.
Trên bàn đã có sẵn mấy chai nước suối Vi-ten. Hai người giải khát hồi lâu, Nghị Hách cau có, nói:
– Khổ thật!
Ông bạn già giơ tay ngăn:
– Quan bác chớ lo. Sự thật thì cũng chưa đến nỗi nào…
– Vậy tiên sinh định liệu cho đệ ra sao?
– Cải táng cải mả cụ cố ra chỗ khác, thì mới mong tránh cái nạn bất đắc kỳ tử cho con cháu được. Cứ ngắm nghía những ngọn cỏ trên nấm mộ, thì ít ra đã táng được bảy năm. Vậy nội trong năm nay phải bốc đi kẻo tôi ngờ cái nạn nga my lắc oán sẽ xảy ra đến nơi rồi đấy.
Nghị Hách lại thở dài mà rằng:
– Không biết làm thế nào mà dọn cả cái sinh phần ra chỗ khác được. Lại phá vụn ra, lại xây nó lại một lần nữa, thì bao nhiêu là tiền!
– Việc gì phải thế?
– Thế không khiêng sinh phần ra đất mới hay sao?
Ông bạn già cười khanh khách một hồi như người điên, không sự Nghị Hách phải ngượng đến đỏ mặt. Đoạn mới khẽ nói:
– Cứ để nguyên đấy, không việc gì phải động chạm đến sinh phần cả. Quan bác tuy vậy mà còn thật thà quá! Quan bác nên hiểu cho rằng, những bậc vua chúa, những kẻ tai to mặt lớn, mà xây sinh phần, thì là để chôn mồ mả vào những chỗ không ở trong sinh phần, quan bác hiểu ra chưa?
Nghe đến đấy, Nghị Hách tươi tỉnh ngay lên. Rồi cười khà khà, bắt tay ông bạn cũ một cái sau khi nói:
– Ồ, thế mà bây giờ đệ mới biết thế đấy!
– Cho nên tôi vẫn bảo trước là không ngại mà!
Nghị Hách đứng lên, chân thành nói:
– Tiên sinh ơi, đệ rất lấy làm mừng rỡ được gặp ông bạn cũ như tiên sinh, một người đặc biệt, một bậc kỳ tài, thượng thông thiên văn, hạ trí địa lý, trung tri nhận sự! Đệ phải thù tạc tiên sinh vào bậc thượng khách thì mới khỏi phụ tấm ơn tri ngộ của tiên sinh. Nhưng mà đệ còn băn khoăn ở một chỗ là chưa nhớ ra được tiên sinh là người nào, xưa kia ta quen thuộc nhau bao giờ, đã ăn ở với nhau ra sao… Xin tiên sinh xá cho đệ chỗ khiếm khuyết ấy, và nói rõ phương danh để đệ xưng hô cho tiện.
– Quan bác ạ, tôi ở đây với quan bác còn lâu… Để tôi lo xong việc cho quan bác đã. Hôm nào tôi được một số tiền hậu tạ và xách khăn gói lên đường, rồi sẽ nói quê quán tên tuổi, sẽ kể chuyện cũ, như thế tưởng cũng không muộn gì. Vả lại tôi đã thay tên đổi họ, xóa sạch trong trí nhớ cái cuộc đời vô nghĩa lý là cuộc đời cũ, để mà sống một cuộc sống giang hồ, phiêu lưu… là cuộc đời mới.
– Thật xưng hô khó quá.
– Tên tôi hiện giờ là Hải Vân, quan bác hãy biết thế thôi tưởng cũng gọn lắm rồi.
– Vâng! Thế tiên sinh sống cuộc đời như thế thì có thú vị gì chăng?
– Mỗi người một thích… Tôi có năm bảy mươi nghề, nên không bao giờ chết đói, đâu cũng là nhà, gặp ai cũng là thân yêu. Tôi không thu chặt lòng yêu vào gia đình, chỉ biết có gia đình, nhưng mà là để muốn biết cả nhân loại, muốn biết cả xã hội. Trong cuộc phiêu du, chí bình sinh là đem tiền kiếm được của bậc phú quí ra san sẻ cho kẻ bần hàn, thế mà thôi. Tôi đã rắc khắp nơi sự yêu, sự nhớ cũng như sự thù hằn oán ghét vì tôi ngay thẳng và không hề ở đâu lâu cả.
– Cứ như ngụ ý của đệ, thì đệ không thể nào tưởng tượng được ra rằng trong đời này lại có một người kỳ dị như tiên sinh đấy.
– Một vị tiết phụ không khi nào lại tưởng trong đời có kẻ bán thân nuôi miệng… Một người trần tục thích ăn ngon, thích gái đẹp, không khi nào tin rằng xưa nay vẫn có những bậc chân tu, cam chịu suốt đời khổ hạnh. Quan bác đã có cái chí kinh thiên động địa rồi, thì khi nào tưởng được trong đời có kẻ sống một cách phiếm lãng như tôi? Sự ấy âu cũng là thường vậy.
– À quên, tiên sinh xem số tử vi cho đệ đi. Đệ tuổi Canh Dần, đẻ ngày 16 tháng tư, giờ Ngọ. Xưa nay đệ xem đã nhiều, song chưa bao giờ gặp được thầy hay.
Ông bạn già giơ bàn tay ra bấm một lát rồi nói lầm bầm:
– Sài pha tham, kiếm không đắc địa, kinh đà vương địa, song lộc triều viên. Quan bác nói đúng giờ lắm. Số quan bác là hung tinh đắc địa theo cái lối số Lê Hoan, nghĩa là có thể đã làm những việc đại gian hùng, mà không ai làm gì được mình cả.
Nghị Hách còn hoài nghi, nói nửa thật nửa bỡn:
– Tiên sinh thử kể những tội ác nhất của đệ ra xem sao.
Ông bạn già nghiêm mặt:
– Nếu tôi nói, quan bác đừng chối, mà cũng đừng giận!
– Vâng! Xin cứ nói!
– Thật thế đấy nhé?
– Vâng, vâng!
– Thôi, tôi chả nói!
– Đệ lạy bác, xin bác cứ nói cho hết!
Ông già nhìn chòng chọc Nghị Hách, nói:
– Năm Tân Hợi tức là năm 1911, quan bác phạm tội thông dâm vợ người. Năm Quí Sửu, quan bác lừa người được số bạc trăm. Đến năm Kỷ Mùi, tức là năm 1919, năm quan bác đúng 30 tuổi thì quan bác giàu có rồi, đã bắt đầu hiếp… rồi, thật thế đấy, tôi xin nhắc lại, quan bác đã hiếp… rồi!… Lại cho đến năm Nhâm Tuất thì quan bác gian hùng lắm. Hai mạng người đã chết vì quan bác. Lại đến hai năm sau nữa, tức là năm Giáp Tý 1924, thì quan bác lừa người được mấy chục vạn, và đồng thời xuýt nữa quan bác chết hụt thì phải. Chút nữa thì hỏa thiêu… Bẩm đoán qua loa có đúng chăng?
Nghị Hách ngẩn người ra, mồ hôi trán đầm đìa lắp bắp:
– Giời ơi, nếu vậy thì ra người ta ở đời này có số thật?
– Người ta có số hay không thì quan bác biết đấy. Nếu không có số, tôi lại biết được những việc bí mật ghê gớm như thế mà quan bác đã làm hay sao?
Trong một lúc lâu, Nghị Hách ngồi trầm ngâm như một nhà triết học. Sau ngơ ngác hỏi:
– Ô hay! Thế thì ra tôi cũng không phải chịu trách nhiệm về những việc tôi đã làm hay sao?
– Chính thế. Cho nên không ai là đáng phục, không ai là đáng ghét, không ai là đáng yêu, không ai là đáng khinh. Số mệnh xui khiến cả.
– Như vậy thì ngài là bực thánh sống thật đấy. Những câu đoán ấy quả có đúng cả! Thưa tiên sinh! Tiên sinh làm ơn xem hộ đệ năm nay ra sao.
– Năm nay sợ có sự đau đớn về tinh thần…
Mặt đã tái xanh, Nghị Hách hỏi dồn:
– Thế nghĩa là thế nào? Hở tiên sinh?
Ông bạn cười nhạt:
– Có thế mà cũng phải hỏi.
Rồi một lát, ông bạn già thêm:
– Ừ, mà xưa kia chưa bao giờ quan bác phải điều gì đau đớn lắm thì biết sao được!
– Đau đớn thế nào? Có tránh thoát được không?
– Phải cất mả lại… Để tôi xem, vì cưỡng lại số giời, cũng khó lắm.
Nghị Hách khẩn khoản kêu van:
– Xin tiên sinh cố giúp cho bao nhiêu tiền đệ cũng không tiếc. Giời ơi, nếu đệ phải đau đớn về tinh thần thì chắc là khổ lắm, thì chết mất!
Ông bạn già giao hẹn:
– Nói lời thì giữ lấy lời nhé?
Nghị Hách đáp một cách anh hùng:
– Bẩm vâng!
– Thế mà không giữ lời hứa thì sao?
Nghị Hách phát cáu, đứng lên:
– Thế bác coi tôi là người hay là chó?
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29 Trang 30 Trang 31Kế tiếp