Giông tố – Tác giả: Vũ Trọng Phụng

0
2949

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29 Trang 30 Trang 31Kế tiếp

Chương 11

-Quảng Cáo-

Đôi ống quần thâm ướt quá đầu gối, với một thúng bèo tấm đầy có ngọn trên đầu, trên con đường chật hẹp hai bên um tùm rào găng, chạy quanh co từ đình làng về nhà mình, thị Mịch uể oải như đếm từng bước một mà đi.

Người làng đã tấp nập đốn tre để giồng cây nêu buộc những chùm khánh và cá bằng gạch nung vào ngọn cây tre, và quét vôi trắng xóa cả sân, vì ngày hôm sau đã là ngày tết ông Táo.

Trước sự tưng bừng của thiên hạ. Mịch nghĩ đến gia cảnh mà đâm buồn. Cô thấy loài người là ích kỷ, độc ác, không còn một ai là đáng yêu. Cô chợt nhớ tới những lúc mẹ cô, bà đồ, nhăn nhó kêu với ông đồ là nhà hết gạo, hết cả mắm muối, rồi ông đồ lấy cái bàn tay ẻo lả bưng trán mà không nói gì cả. Cô trông thấy bố trên đầu tóc đã bạc đến quá nửa, kể từ khi có cái tai họa xảy ra. Vậy mà đã đến nửa tháng rồi cô cũng không thấy tăm hơi người chồng sắp cưới của cô đâu cả.

Lúc ấy bên tai cô thấy vẳng từ xa đưa lại những câu gọi của người làng, của những người kệch cỡm đứng tận ngoài đầu ngõ tru tréo mời nhau đến chỗ mổ lợn chia thịt họ, là những phần thịt mỗi tháng mỗi người bỏ ra góp một hào, để có một ít thịt làm giò chả, nhân bánh, và đỗ nấu vào dịp tất niên. Việc ấy khiến Mịch nhớ lại những tết trước, lúc ông bố còn dạy học.

Những năm trước, vào quãng 25 tháng chạp thôi, phụ huynh của những học trò ông đồ, đã phải lo tết cho thầy, tấp nập tải đến người thì thúng gạo nếp, một đôi gà, người thì một cân chè, một cân mứt, người thì cái thủ lợn, một thúng gạo, một buồng cau.

Vậy mà tết năm nay…

Ông đồ ngồi co ro trong cái áo bông cũ mà nhìn trời mưa, thỉnh thoảng lại hút một hồi thuốc, ngán ngẩm trông những giọt mái gianh rơi xuống rãnh nước cho bong bóng phập phồng! Mịch bất giác thở dài vì thấy cả gia đình nhà mình không còn có tương lai nữa.

Chợt có tiếng nói: – Chị Mịch đi hớt bèo về đấy à?

Ngoảnh lại nhìn, thì đó một bà cụ già đương đứng khom lưng chống gậy tre ở ngoài ngõ.

Bà già nói tiếp:

– Mau lên về mà xem! Ở nhà đương có cô thầy bói hay lắm.

– Thế ạ? Vâng!

Đáp rồi, Mịch rảo cẳng bước đi. Được độ hai mươi bước, khi qua một cái tường bằng phên. Mịch phải dừng đà chân vì thoáng thấy có ai nhắc đến tên mình. Mịch bèn đứng hẳn lại lắng tai nghe, thì thấy một người nói:

– Cái con bé bây giờ hư lắm, không giữ gìn gì nữa. Chắc là từ hôm nó bị hiếp thì nó lăng nhăng bừa bãi với bọn con giai làng bên.

Một người khác nói:

– Chỉ có thế thôi à?

Người kia lại nói.

– Úi chao! Con gái voi giày đến thế là cùng chứ bà lại còn muốn thế nào nữa?

Thị Mịch đỏ bừng mặt, đứng lặng người đi, lại cố lắng tai nghe thêm và trong khi ấy, cũng phải nghe tiếng quả tim đập thình thịch trong ngực.

Lại thấy nói:

– Thế thì bà chưa biết chuyện gì cả. Bà chỉ mới thấy người ta đồn con Mịch bờm xờm với tụi con giai làng Thượng thôi, chứ mà tôi thì tôi lại thấy con bé ấy trương ruột ra rồi.

– Ủa! Cô ả ễnh ruột ra rồi?

– Bẩm phải ạ! Bà cứ để ý đến cái bụng nó mà xem! Nhờ ơn vua mẫu, bụng nó đã gần bằng cái thúng rồi đấy.

– Thật à? Thật thế à?

– Phải! Mấy tháng nay con bé đã ốm nghén đấy! Lúc nào cũng ăn được rổ tướng những khế, một rá ụ những chanh! Lúc nào cũng lử dử lừ dừ chả buồn mó đến việc gì cả! Lúc nào cũng chỉ chúi dưới bếp mà ngủ thôi. Nó ăn rở của chua nên mới thế, chứ có phải đâu con bé vốn hư thân đốn đời!

– Chẹp! Chẹp!!!… Rõ chém cha cái đời! Cho thế mới mát ruột con mẹ đồ Uẩn. Không thế thì không được hợm hĩnh những là giấy rách giữ lề, những là dòng dõi thế gia!

Thế rồi im.

Mịch nghe xong, rùng mình như thấy choáng váng đầu óc, tối tăm mặt mũi, bủn rủn chân tay, tóc gáy dựng đứng lên, xương đầu gối muốn long ra, không còn đứng vững được nữa.

Là vì ngoài những câu phê bình độc ác thì câu chuyện ngồi lê bắt chấy ấy, chẳng phải là không có chút ít sự thực. Mịch hãi hùng mà nhớ lại là hai tháng nay rồi, Mịch thấy trong mình hình như có sự gì chuyển động, sự gì thay đổi, kinh nguyệt rất thất thường, lúc nào cũng thèm của chua. Mịch đã nhận thấy một cách rõ rệt rằng bụng mình quả nhiên cứ mỗi ngày một thêm to ra, cái dải dút cứ hình như ngắn lại. Mịch vẫn tưởng hay là mình béo ra, hoặc là hay ăn cơm quá no. Mịch nhận ra rằng xưa kia, cái thắt lưng xanh vẫn dài chấm đầu gối mà ngày nay tự nhiên lại cũn cỡn lòng thòng ở bên trên hai đầu gối. Và hình như có lẽ đã một tháng nay, Mịch không thấy “bẩn mình” nữa rồi.

Nghĩ đến đấy, Mịch nhìn xuống bụng, rồi quay đầu nom quanh một lượt như có kẻ nào đã nom thấy cái cử chỉ ấy vậy. Rồi Mịch thoăn thoắt bước đi rõ nhanh, như người đi trốn, như sau lưng có một lũ trẻ chạy theo rêu rao mình, như vừa mới làm một sự gì rất đáng xấu hổ, mà bị có người bắt được quả tang. Mịch thấy rằng không còn thể ở được chỗ nào có người nữa, dễ phải đến lên rừng, lên núi, vì nếu sẽ thấy mặt bất cứ một ai, Mịch cũng sẽ xấu hổ vô cùng.

Không phải là lần đầu mà Mịch biết thế nào là ngượng thế nào là thẹn.

Từ sau cái buổi bị cưỡng bức trên chiếc xe hơi, Mịch cũng đã hiểu thế nào là sự đời rồi. Từ sau khi ấy, không bao giờ biết cái gì là tự nhiên, biết cái gì là ngây thơ.

Xưa kia, những lúc xuống ao vớt bèo, Mịch cứ việc xắn cao ống quần lên đến tận bẹn. Những khi giặt giũ quần áo ở ven sông, hoặc là một mình, hoặc là cùng với một đám đông đàn bà, không bao giờ Mịch lại thấy ngượng nghịu và phải đỏ mặt vì cách đấy mươi bước có một lũ đàn ông trần truồng lội, bơi, tắm, giặt, không bao giờ, thật vậy, không bao giờ Mịch phải e thẹn, vả chưa bao giờ Mịch lại có hề nghĩ đến chuyện bậy, vì cũng không biết rõ những sự bậy phải như thế nào. Xưa kia vẫn là người hoàn toàn ngây thơ.

Nhưng từ sau khi bị cưỡng bức thì không bao giờ Mịch còn có thể ngồi giặt giũ ở bờ sông khi có đàn ông tắm. Ngay đến lội xuống ao vớt bèo cho lợn Mịch cũng cứ phải để ống quần dài, mặc lòng người làng vẫn mai mỉa là đài các, là làm bộ, là ngông. Là vì hình như nếu để lộ đùi ra thì lại sẽ có người thừa cơ hãm hiếp nữa. Ngay cả đến những lúc trông thấy con gà trống nhảy lên lưng con gà mái, Mịch cũng phải vội quay đi không dám nhìn. Mịch lại thấy đỏ bừng mặt vào cả những lúc thấy hai con chuồn chuồn theo luật âm dương, cưỡi lên lưng nhau mà bay.

Ấy, đã giữ gìn thận trọng đến thế, mà còn có người thêu dệt ra là Mịch đã hóa nên hư thân mất nết! Không biết mai sau người ta còn bịa đặt ra những gì?

– Chẳng qua là giậu đổ bìm leo?

Còn đương tự nhủ như thế thì đã đến nhà rồi. Mịch đi đến chuồng lợn đặt thúng bèo xuống, nhìn đến ba con lợn mới to bằng ba con chuột đồng, rồi lại nhìn xuống bụng. Mịch phân vân lo sợ đứng thừ người ra quên khuấy ngay mất rằng bố mẹ đương xem bói ở nhà trên. Rồi, lẩn thẩn, Mịch cởi dải dút ra, nhìn xuống bụng, lấy một tay nắn bụng nữa. Sau cùng thì Mịch lại vội thắt dải rút lại, đỏ bừng mặt mà nhìn chung quanh mình. May sao lúc ấy không ai trông thấy cả.

Mịch hoảng hốt rảo cẳng lên nhà trên.

Chưa lên đến nơi, đã thấy một giọng đàn bà vừa như nói lại vừa như hát:

“Quan Phù, Thái Thuế long đong Tháng ngày chờ đợi của công mỏi mòn!” Rón rén tiến gần vào nhà, nhẹ đưa tay lôi cái mành mành nhìn, Mịch thấy đó là cô thầy bói. Bà đồ Uẩn nhăn nhó hỏi:

– Thầy xem hộ rồi có làm sao không?

Cô thầy bói bấm một lát rồi đáp:

– Không! Tuy thế mà trước dữ sau lành đấy. Vì may ở tam phương tứ chiếu có những sao Thiên quan quí nhân, Thiên phúc quí nhân thì may ra rồi cũng không việc gì. Tất rồi gặp được ông quan minh và có quí nhân phù trợ.

Ông đồ hỏi một cách chán nản:

– Thầy bảo con bé cháu nhà tôi nhất định sang năm thì lấy chồng à? Mà lại lấy chồng giàu nữa kia à?

Cô thầy bói đáp:

– Nhất định, vì sang năm cô ta có Hồng Loan, Thiên Hỷ chiếu.

– Thôi thế thì sai lắm rồi. Không có thể thế được.

Bà đồ bàn góp:

– Hay là sai giờ? Hay là giờ thân chớ không phải giờ dậu?

Ông đồ cau mày.

– Lúc ấy gà mới lên chuồng thì là dậu chứ chưa sang thân.

Hình như không nghe ai nói, cô thầy bói lại bình tĩnh tiếp:

– Nhất định thế, số cô này giàu có lắm cơ. Nhưng mà chắc là phải lấy lẽ vì Nô cung thấy có Tả Phu. Hữu Bật. À à! Lại có điều này nữa kể cũng hơi lạ đây. Nhưng mà không, tôi chả đoán, sợ lại giận…

Ông đồ nói:

– Cái gì nữa thế ạ? Thầy cứ nói! Mười câu về tiền vận thì đã đúng đến tám rồi. Chỉ còn mấy câu hậu vận của con cháu là tôi không dám tin mà thôi. Nhưng xin cứ đoán.

Cô thầy bói lại nói như hát:

“Sao Thai mà ngộ Đào Hoa. Tiền dâm hậu thú, mới ra vợ chồng!” Bà đồ hấp tấp hỏi dồn:

– Thế là nghĩa thế nào? Thế là làm sao hở thầy?

Nhưng ông đồ gạt phăng ngay đi mà rằng:

– Thôi không hỏi nữa! Xem lắm chỉ thêm lo thôi.

Cô thầy bói ra vẻ bất bình, cầm tiền xếp dọn đĩa cất vào tráp, rồi khoác cái tay nải đỏ lên vai. Ông đồ tiễn thầy ra cổng, thì vừa lúc Mịch đến trước mặt mẹ.

Bà đồ nói một cách giận dỗi:

– Mãi chả về mà nghe! Thầy bói đoán được nhiều đúng lắm.

Mịch nhìn theo bố một cách sợ hãi rồi lắp bắp.

– U ơi u! Tôi… giời ơi! Dễ thường tôi…

– Làm sao?

– …

– Mày làm sao.

– …

– Ô kìa, con bé lạ nhỉ? Thế mày làm sao? Mịch run rẩy khẽ nói:

– U ạ, dễ thường tôi… dễ thường tôi chửa…

– Cái gì?

– …

Mày chửa làm gì? Mày chửa vớt bèo cho lợn ăn à?

– Không phải. Tôi chửa, tôi có chửa, tôi có mang!

Bà đồ trợn ngược mắt lên, thất thanh hỏi:

– Mày có mang? Giời cao đất dày ơi! Mày có mang?

– Hình như thế thì phải.

– Tao xem nào?

Thị Mịch ưỡn ngực ra. Bà đồ để tay vào bụng con gái, ngẩn người ra rồi lại thì thào hỏi:

– Thế dạo này có tội không?

– Dễ đến hơn tháng nay, không thấy gì cả.

– Mày vẫn thèm ăn chanh, ăn khế?

– Vẫn thèm.

Vừa lúc ấy, ông đồ quay vào. Bà đồ nói bằng cái giọng của bệnh nhân hấp hối:

– Đây này ông ơi, ông vào mà xem, con Mịch nhà ta có mang!

– Cái gì? Cái gì thế?

– Có mang! Thụ thai! Chửa hoang! Giời ơi là giời!…

Rồi bà đồ ngồi phệt xuống giường, sụt sịt khóc. Ông đồ đứng ngây người ra như Từ Hải chết đứng. Chân tay run lên như điện giật, ông trợn mắt hỏi không ra tiếng.

– Mịch, thật đấy à?

Cô Mịch cúi mặt khẽ đáp:

– Thưa thầy thật.

Ông đồ lại đờ người ra hồi lâu. Rồi nói:

– Cái thằng khốn nạn!

Cô Mịch vẫn đứng cúi mặt. Bà đồ vẫn sụt sịt khóc.

Ông đồ lại nói:

– Sao mày dại dột thế? Đồ voi giày! Tao tưởng cái thằng ấy cũng khá.

Mịch cau mày, hỏi:

– Thế nào là khá?

– Tao tưởng mặt mũi nó thế! Mà nó giạm hỏi tử tế! Thảo nào lâu nay mất mặt!

Mịch hỏi:

– Thầy nói anh Long đấy à?

– Thế mày chửa với ai!

Thị Mịch cáu kỉnh gắt:

– Lại còn với ai nữa!

Ông đồ tát con gái đánh bốp một cái, Mịch loạng choạng ngã ngồi xuống đất. Ông đồ xỉa xói.

– Đồ đĩ dại! Đồ nhà thổ! Đồ chó!

Rồi vớ lấy cái chổi phát trần…

Thị Mịch vội đứng lên kêu:

– Thầy hãy khoan! Không phải tôi chửa với anh Long.

– Giời ơi! Thế thì mày lại còn đi ngủ với thằng mõ nào? Giời ơi, tôi không đốt Đình đốt Chùa! Với thằng Long còn đỡ chứ với đứa khác thì càng xấu, càng nhục!…

Thế là ông vụt luôn bốn năm cái nữa.

Mịch tối tăm mặt mũi vừa chạy giật lùi, vừa kêu:

– Lạy thầy! Đó là lão chủ ô tô.

– Lại còn thằng nào? Ông đồ ngừng tay, hỏi bằng cái nghiến răng.

Thị Mịch vừa khóc nức nở vừa nói:

– Cái… thằng hiếp dâm tôi chứ còn đứa nào!

Ông đồ trợn mắt, lại hỏi:

– Thật thế?

– Thầy hỏi làm gì nữa, hãy cứ đánh chết tôi đi đã có được không!

Rồi Thị Mịch lại khóc nức nở. Ông đồ vứt roi đi, lom khom cúi xuống, ái ngại lôi tay con gái.

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29 Trang 30 Trang 31Kế tiếp