Giải mã ngôi biệt thự “ma” ở Bến Tre

0
1624

Trong một chuyến công tác về xứ dừa Bến Tre, chúng tôi tình cờ được nghe một câu chuyện khá ly kỳ, ám màu sắc ma mị. Dân địa phương kể lại rằng một phụ nữ Việt kiều đã bỏ tiền tỷ ra xây một căn biệt thự nhưng bà chưa kịp ở ngày nào thì mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Điều kỳ lạ là người đàn bà vắn số ấy lại được an táng ngay giữa căn nhà còn vương mùi vữa mới…

Ngôi biệt thự “ma”

-Quảng Cáo-

Căn biệt thự “ma” nằm gần bến phà Rạch Miễu cũ (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre). Ngôi mộ thự này được “khánh thành” trước cả cây cầu Rạch Miễu, bắc qua sông Tiền. Trong lúc chiêm ngưỡng kiến trúc ngôi nhà, tôi nổi da gà khi chứng kiến ngay chính giữa phòng khách của căn biệt thự, thay vì một bộ bàn ghế tiếp khách thường thấy là một ngôi mộ lớn.

Giữa căn phòng sang trọng, một ngôi mộ ốp đá hoa cương màu vàng nằm im lìm như chìm trong giấc ngủ.

Nghe kể, ngôi biệt thự được xây dựng vào cuối năm 2007, và mộ phần người phụ nữ đang “tọa lạc” ở đó là bà Trần Thị Kim Liên (SN 1960), một Việt kiều Mỹ. Bà Liên bị bệnh ung thư và chết ở Mỹ từ cuối năm 2008, sau đó xác được ướp và đưa về đây an táng.

Khi được hỏi những chuyện về ngôi biệt thự này, hàng xóm đều có phần e dè. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được bà Hương (55 tuổi), một người dân trong xóm, kể lại ngọn nguồn câu chuyện.

Ngôi biệt thự sang trọng ở làng quê

Theo bà Hương, hiện tại vợ chồng người em trai bà Liên là anh Tuấn và chị Á đang sinh sống trong ngôi nhà này. Trước đây, bà Liên từ bên Mỹ đã bỏ tiền tỷ cho người em trai xây căn biệt thự trên, với ý định sau này khi nào già sẽ về quê sinh sống. Nhưng chưa kịp sinh sống ngày nào thì bà Liên đột ngột qua đời.

“Không chỉ tôi mà hầu hết những người trong xóm cũng không giải thích được tại sao mộ bà Liên lại được đặt ngay giữa ngôi biệt thự. Nếu có đặt trong nhà thì lựa ở góc nào đó khuất một tý, đằng này lại đối diện đường, ngay trước cửa lớn, ai đi qua cũng nhìn thấy. Dù không sinh sống trong đấy, nhưng vài năm đầu tiên, mỗi khi có việc đi ngang qua, ai nấy đều sợ hãi”, bà Hương thật thà kể.

Vì sao bà Liên lại đặt một mình một cách “trái khoáy” như vậy, có lẽ chỉ có những người thân của bà mới hiểu. Nhưng theo ghi nhận thì trong dư luận từ lâu đã xuất hiện rất nhiều lời đồn thổi về căn biệt thự này. Theo đó, có thông tin cho rằng mộ bà Liên được đặt giữa nhà là để “trấn yểm”.

Việc này được giải thích rằng, gia đình bà Liên rất giàu nên di chúc chôn mình ngay trong nhà để anh em khỏi ai tranh giành tài sản.

Một số nhân chứng khác cho rằng ngôi biệt thự bị ma ám. Nghe nói, khi huyệt mộ của bà Liên được đặt xuống, người thân đã không ai dám ở, mà phải ở ngôi nhà cấp 4 cũ kế bên. Chỉ cho tới khi mời thầy về cúng và mở cổng cho khách tò mò vào thăm để xua tan đi hơi lạnh thì thân nhân bà Liên mới dám về sinh sống.

Thậm chí, cái chết của mẹ bà Liên cũng được giải thích theo hướng khác thường. Cụ chết vì bị nhiễm độc tử khí.

Trần tình của người trong cuộc về ngôi mộ giữa nhà

Để làm sáng tỏ những điều nghe vô lý này, chúng tôi đã cố gắng liên hệ với những người đang sinh sống trong ngôi biệt thự “ma”. Phải đến tối chị Á, người em dâu của bà Liên mới đi làm về. Chủ nhà tỏ ra niềm nở mời khách vào nhà, không có vẻ khó khăn như những người xung quanh cho biết trước đó.

Chị Á cho biết, kiến trúc trong ngôi nhà này đều do chị chồng mình tự tay thiết kế. Cũng ngay chính giữa phòng khách là một ngôi mộ cũng được trang trí bằng đá hoa cương bóng loáng, phía trước ngôi mộ là bàn thờ cùng di ảnh của người đã khuất. Trên bàn thờ lúc này vẫn còn nghi ngút khói hương.

Có lẽ trên suốt đoạn hẻm hơn 300m từ ngoài lộ vào, ngôi biệt thự này hoành tráng hơn cả. Nằm giữa khu đất có tường rào bao bọc, ngôi nhà có lối kiến trúc thiên về giả cổ với một trệt một lầu đã làm chúng tôi ngỡ ngàng.

Len qua cổng rào không khóa, chúng tôi vào trong. Cửa trước đóng. Gọi cửa, một người đàn ông trung niên bước ra chào đón chúng tôi rất lịch sự. ‘Anh ở đâu đến?’. ‘Sài Gòn xuống anh à. Nghe người ta đồn về ngôi nhà quá, xin anh cho phép được thăm qua’.

Người đàn ông mời chúng tôi. Thật ngỡ ngàng. Giữa căn phòng sang trọng nền lát đá, một ngôi mộ ốp đá hoa cương màu vàng nằm im lìm như chìm trong giấc ngủ.

Trên nắp mộ có dòng chữ ghi tên người quá cố Trần Thị Kim Liên cùng ngày sinh ngày mất. Ở dưới có 2 câu thơ: ‘Liên ơi thôi đã thôi rồi/ Liên nay đã mất, Sen vàng còn đây’ như để tiếc nuối người đã mất và 2 câu thơ cổ : ‘Giai nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu’. Người ghi lại có ý ca tụng nhan sắc người trong mộ ‘Xưa nay người đẹp như danh tướng/Không hứa để cho người đời thấy lúc bạc đầu’.

Huyệt mộ án ngữ giữa phòng khách của ngôi biệt thự. 

Theo đó, bà Liên là người con gái lớn trong gia đình. Hồi ấy, gia đình chị Hai Liên rất nghèo khổ. Cả mấy mẹ con sống trong căn nhà lá. Hàng ngày chị đi gánh cá mướn kiếm tiền về nuôi mẹ nuôi em…

Năm 17 tuổi, chị phải lòng một người chủ ghe. Hai người thành hôn, sống chen chúc cùng nhau trong căn nhà lá ấy. 3 năm sau, hai vợ chồng sang Mỹ sinh sống.

Trên đất khách, cuộc đời chị như bước sang trang mới. Chị làm móng tay còn anh kinh doanh vật liệu trang trí nội thất. Cuộc mưu sinh ngày càng khá lên và ngoài các khoản chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, anh chị còn gửi về cho gia đình ở Việt Nam, hỗ trợ, giúp đỡ các em trong gia đình phát triển kinh tế.

Rồi những lần về thăm quê, bà Liên trăn trở muốn xây dựng một ngôi nhà khang trang hơn ngay trên mảnh đất đã có quá nhiều kỷ niệm để sống cùng mẹ và người thân. Sau đó, bà bỏ ra gần 2 tỷ để xây căn biệt thự trên đất của mẹ ruột.

Năm 2006 một ngôi biệt thự khá đẹp được xây dựng lên và bà Hai Liên đã về để sinh sống trong ngôi nhà này một thời gian. Lúc này, cả khu vực xã Tân Thạch có lẽ chỉ có ngôi biệt thự này là hoành tráng nhất.

“Cuối năm 2006, khi ngôi biệt thự vừa xây chưa xong thì bà Liên đã đổ bệnh. Trước khi chết, bà vẫn tâm sự với người nhà là muốn được chết ở quê nhà. Nhưng mong ước cuối cùng đó không thành, bà ra đi trước sự dự tính của bác sĩ”, chị Á thuật lại.

Theo di nguyện của bà Liên sau khi mất, gia đình đã quyết định đưa thi hài bà từ Mỹ trở về Việt Nam để chôn cất. Đặc biệt, phần mộ của bà Liên đặt ngay trong căn biệt thự còn thơm mùi vữa này. Chị Á giải thích: “Vì đây là nhà của chị ấy, tiền cũng của chị nên gia đình tôi đã làm theo ý nguyện để cho chị được vui lòng nơi chín suối. Tuy nhiên, từ lúc chị mất đến khi đưa xác về tới Việt Nam là hơn 3 tuần.

Trong thời gian ấy, cuộc sống trong nhà cũng có nhiều xáo trộn, nói chung là ai cũng lo lắng vì bỗng dưng trong nhà lại có một ngôi mộ. Nhưng khi huyệt mộ của chị nằm xuống thì nỗi lo ấy đã được xóa bỏ. Sau này có nhiều người hỏi tôi có thấy sợ không, tôi bảo không, mà có cảm giác gần gũi, như chị đang ngủ”.

Chị Á nói thêm: “Hồi đó nhà tôi đông khách lắm. Ban đầu gia đình tôi tiếp đón rất tử tế. Sau này một số người xì xầm bàn tán những lời không hay về ngôi mộ của chị tôi. Do đó nhà tôi không hào hứng cho người lạ vào xem”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hiểu Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạch cho biết, căn nhà anh Tuấn đang ở là do bà Hai Liên xây dựng nên. Theo di nguyện của bà, căn này không được bán, hoặc chia mà để làm nhà thờ tổ tiên. Trước khi mất, bà yêu cầu các em phải đặt mộ mình giữa nhà để tránh những tranh chấp xảy ra. Anh Trần Văn Tuấn (49 tuổi) là em út của chị Liên và các anh chị em trong gia đình đã thực hiện theo di nguyện của chị.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì việc đặt mộ giữa nhà không được, vì thế, phía xã đã xuống làm việc với gia đình anh Tuấn, nhưng gia đình trả lời theo di nguyện của người quá cố. Một phần, gia đình anh Tuấn cũng đã cam kết giữ vệ sinh, đảm bảo an ninh nên được chính quyền tạo điều kiện.

Ông Nhựt cũng cho biết, thời gian qua, chính quyền nhiều lần xuống kiếm tra thì gia đình anh Tuấn đã tuân thủ những yêu cầu của xã. ‘Hiện gia đình anh Tuấn đã đổ bê tông quanh ngôi mộ, dọn vệ sinh thường xuyên’.

“Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đơn khiếu nại nào về việc ngôi mộ an táng trong nhà làm ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà con ở khu vực nên cũng không có cơ sở gì xử lý”, ông Nhựt nói.

Hải Nguyên

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận