Thu Lan, 25 tuổi, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, làm ở một tổ chức phi chính phủ tại TP. Hồ Chí Minh. Mike, sếp người Mỹ của cô đã bị sự hồn nhiên nhưng cũng rất e ấp của Lan chinh phục. Hai năm hẹn hò tìm hiểu kết thúc bằng một hôn lễ sang trọng, ít người nhưng tràn trề hạnh phúc.
Quỳnh Liên là một cô gái nhuộm da nâu sành điệu, ngồi thâu đêm ở các bar dành cho Tây trên khu phố cổ Hà Nội, lúng liếng trao tình với mọi chàng trong tầm mắt. Sùng bái mọi giá trị của phương Tây, 6 tháng sau có vẻ Liên đã được thoả nguyện khi sóng đôi với một doanh nhân mắt xanh trông giàu có bảnh bao.
Ngọc Nhi, Hà Nội, vốn không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu một chàng trai không phải Việt Nam. Sau khi chia tay tình đầu của mình với anh bạn cùng học, cô đến một trung tâm Anh ngữ quốc tế để trau giồi vốn tiếng Anh.
Tiếng sét ái tình đã giáng trúng cô với chính ông thầy dạy của mình. Eric, trên chặng đường đi du lịch Đông Nam Á, đã tìm thấy tình yêu của đời mình ở Việt Nam và quyết định dừng bước tại xứ này.
Bức xúc ngay tại nhà mình
Sau hôn lễ, tuần trăng mật của Lan và Mike là một tour xuyên Việt để cô giới thiệu với chồng về thắng cảnh và lịch sử Việt Nam. Nhưng Lan đã gặp không ít phiền toái. Tay xích lô ở Đà Nẵng sau khi mặc cả đã nhếch mép bảo cô “Móc được đô-la tụi đế quốc cũng phải dành cho đồng bào chút cháo chứ gì keo dữ dzậy cô em?”.
Xấu hổ vì bị xúc phạm, cô suýt oà khóc khiến cho anh chồng mắt xanh không rành tiếng Việt sửng sốt không hiểu vì sao. Kể lại chuyện này, Lan vẫn chưa hết tức giận và… buồn.
Eric, sau ngày cưới tiếp tục nhận dạy tiếng Anh. Hai vợ chồng đi tìm thuê một căn hộ nhỏ vì tài chính không dư giả mà giá nhà đất ở Hà Nội, theo Eric là đắt gần nhất thế giới. Họ tìm trên mạng rất nhiều địa chỉ nhưng đến khi Nhi dẫn anh tới xem cụ thể, chủ nhà lập tức nâng giá lên cao gấp rưỡi và đòi trả bằng đô-la Mỹ. Lận đận mãi, cô đành bảo chồng ở nhà để cô đi một mình.
Nhưng nào đã xong, khi cô đã ký hợp đồng thuê một căn nhà nhỏ trong ngõ Lê Đại Hành với giá 2,5 triệu, bà chủ nhà thấy một anh tóc vàng dọn valy đến là thái độ thay đổi hẳn. Sau 6 tháng ở đã trả tiền trước, 2 vợ chồng Nhi lại ngậm ngùi xách valy ra đi vì bà chủ tốt bụng đã tuyên bố tăng mức giá gấp đôi.
Còn Quỳnh Liên, mỗi khi ra đầu ngõ, mấy anh xe ôm hay ngồi quán nước lại buông ra những lời sỗ sàng: “To thế có chịu nổi không hả em?”. Mấy bà bán nước thì trề môi: “Xấu xấu đen đen thế kia chỉ có Tây nó lấy, mà chắc là thằng Tây này cũng chả ra gì!”.
Bình thường Liên im lặng, nhưng đôi khi cô tức khí quay lại và thế là cả khu phố được xem một trận chửi nhau với ngôn ngữ mà chàng Tây của cô có mỏi mắt tra Từ điển tiếng Việt cả ngày cũng không thấy.
Thói đời tọc mạch, tâm lý bài “me Tây, me Mỹ” có từ các thời trước cộng với thực tế nhiều cô gái tìm mọi cách để săn được một tấm chồng Tây như Liên đã tạo nên những tình huống dở khóc dở cười trên. Ngọc Nhi đã nhiều lần ngậm ngùi ước “Giá mà chồng em không phải là… Tây!”.
Những khác biệt về lối sống và văn hoá
Thu Lan kể, mỗi khi cô thèm ăn đồ Việt Nam, Mike “lịch sự” đi theo nhưng để cô ăn một mình vì không quen. Những quán riêu ốc bò bía vỉa hè khoái khẩu của cô làm chàng nhăn mặt một cách kín đáo khi bước vào.
Mỗi khi cô la cà cà phê hàng giờ với đám bạn, anh tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao tụi bạn em lại có thể phí thời gian như vậy?” và nhất định không chịu hiểu đó là “thú vui tao nhã” như lời giải thích của cô.
Còn Ngọc Nhi thì dở khóc dở cười khi mấy người bà con ở Nam Định lên thăm, Eric “không chịu nhường” chiếc giường đẹp nhất trong phòng ngủ của hai vợ chồng cho họ. Cô hiểu chồng nhưng lo sốt vó không biết thanh minh ra sao với họ hàng. Truyền thống người Việt là “nhịn miệng đãi khách” trong khi phương Tây tôn trọng sự riêng tư và đề cao tự do cá nhân.
Paul, chàng trai đến từ Lyon – Pháp, designer của Cty Quảng cáo A. – Hoàn Kiếm, Hà Nội, có cha mẹ li dị từ hồi anh còn bé. Cha gặp anh trên một chuyến xe điện ngầm nhưng giả bộ không nhìn thấy. Ký ức đau đớn của tuổi thơ làm anh không muốn lập gia đình cho đến khi gặp Uyên Phương, cô gái Hà thành xinh xắn.
Hai người sống rất lãng mạn hạnh phúc, tuy nhiên Paul cương quyết không muốn có con vì “chỉ hai đứa mình yêu nhau là đủ, có “bébé” anh sợ không làm tròn trách nhiệm, sợ làm nó tổn thương như cha đã làm với anh”.
Trong khi đó, nhà Uyên Phương trông ngày trông đêm để đón cháu ngoại. Bạn bè Phương cũng giục “vợ chồng không con, buồn lắm” làm Phương thấy bối rối, nhưng Paul vẫn nhất mực “chỉ cần anh với em, chúng mình sẽ đi chu du thế giới. Về già ư? Đã có bảo hiểm, nhà nước lo!”
Đòi hỏi hai con người phải hòa hợp 100% tất nhiên là chuyện không tưởng. Ngay cả trong hai gia đình Việt Nam, lề lối phép tắc đã khác nhau rồi. Càng khó khăn nữa khi xuất thân của hai con người là khác nhau với phong tục và quan điểm sống cũng khác.
Những niềm vui không thể so sánh
Một cảnh mọi người thường thấy là ông bố mắt xanh khệ nệ địu con trước ngực, tay lỉnh kỉnh xách đồ trong khi cô vợ nhỏ bé thì thủng thẳng đi sau. Ngọc Nhi hạnh phúc kể rằng khi hai người có em bé, Eric thường thức đêm trông con để vợ ngủ và cho em bé bú bình rất thành thạo.
Chồng Ngọc Nhi biết từng size quần áo của vợ và thường tự tay chọn đồ cho cô mỗi khi anh đi công tác. Khi cô mệt, anh tự nấu và mang đồ ăn đến tận giường. Cô cười nói: “Việt cũng có những nhiều anh rất tốt, nhưng chắc số mình xui không gặp được!”.
Bạn gái cô không nói gì nhưng thầm so sánh với người chồng rất thương mình nhưng lại ngại mẹ, khi vợ nghén muốn rửa bát giúp cũng phải chờ mẹ lên nhà rồi mới dám lén lút làm.
Thu Lan dẫn chồng về ăn cưới người bạn thời trung học. Mike thực sự hứng khởi khi được vợ đưa về miền Tây với cảnh đẹp hữu tình và những tấm lòng hồn hậu hiếu khách. Cánh bạn Lan cùng “zô, zô” với chàng sảng khoái. “Ở bên kia tôi ít được vui thế này lắm!” – Mike hồ hởi. Riêng ông Ba, chú Lan thì dở cười dở mếu cho biết rằng, chưa có thằng cháu rể nào mà lại dám xưng với ông là… anh!
Về quê thì như vậy, nhưng ở thành phố sau giờ làm, Mike hầu như không la cà quán xá mà về nhà luôn. Có người giúp việc nhưng anh vẫn thích tự tay làm lấy các việc trong nhà: đóng khung tranh, sơn tường, chăm sóc cây… Anh nói từ nhỏ đã được giáo dục tự làm mọi việc. Nhìn chồng hí húi sửa đèn trong nhà bếp khi vợ nấu ăn, Lan cảm thấy mình may mắn.
Paul thường xuyên là người nội trợ chính. Anh tự đi siêu thị mua đồ và nấu những món ăn Tây rất ngon. Đặt cô vợ bé bỏng lên bệ bếp, Paul hí hoáy nêm nếm rồi thỉnh thoảng quay sang âu yếm đút cho nàng một miếng ăn thử. Hai vợ chồng ở riêng, một năm sang Lyon thăm mẹ Paul một lần rồi lại về Hà nội. Uyên Phương nói đùa nhưng vẻ mặt tràn trề mãn nguyện rằng, lấy chồng xong cô còn “sướng” hơn hồi con gái!
Một cái nhìn trong cuộc
Các chàng rể Tây làm việc ở xứ Việt, với mức lương Tây và giá cả Việt Nam, họ có thể sống thoải mái và tích luỹ dư dả còn hơn làm việc ở chính quốc. Lại có kẻ chỉ muốn săn tìm chút hương xa nơi xứ lạ, mỏi cánh rồi lại bay đi.
Quỳnh Liên sau khi “vợt” được anh chàng Canada bảnh bao ở bar Tạ Hiện, những tưởng mình đã lên đời từ đây. Sau khi nũng nịu vòi chàng mua trang sức xe cộ đều bị khất lần lữa, đòi sang quê chàng du lịch cũng bị thoái thác “anh bận lắm”, Liên bám theo đến tận trụ sở công ty rất oách trên một cao ốc đường Phạm Hùng mà chàng tự hào khoe mình là Giám đốc.
Lúc đó, sau một hồi tra hỏi cười cợt, Liên được biết chàng cũng là Giám đốc thật, nhưng mà là Giám đốc được các anh Việt Nam đi thuê để có mẽ đánh bóng các đối tác làm ăn cũng mắc bệnh sính Tây như cô!
Cay đắng bẽ bàng, nhưng là người tham vọng, Liên quyết học thêm tiếng Anh “ngon lành” để xin vào sở Mỹ, lúc đó “vợt” anh nào thì cũng khó nhầm hơn là “vơ váo” ở ngoài bar như chàng Canada nọ.
Cô còn hăng hái tham gia tất cả các sinh hoạt văn hoá cộng đồng của Hội đồng Anh, ĐSQ Đan Mạch, thi chạy quốc tế từ thiện… tức là bất cứ thứ gì có dính đến yếu tố “ngoại“. Các anh tóc vàng nhìn thấy cô gái Việt Nam da nâu duyên dáng này chắc cũng không thể ngờ hết mọi suy tính rành rọt ẩn trong cái đầu xinh xắn của cô.
Chồng Tây vợ Việt, cũng như mọi cuộc hôn nhân khác, cũng đều có thể là do tính toán hay vì tình yêu. Tuy nhiên, chọn con đường ở lại Việt Nam, ngoài chuyện được gần gia đình, không phải đối đầu với những vấp váp của cuộc sống xa xứ, các cô gái cũng gặp nhiều phiền toái mặc dù sống giữa cộng đồng của mình. Hôn nhân dị chủng còn là điều gây chú ý với dân tộc Việt Nam vốn không có nếp di cư. Sự khác biệt văn hoá cũng là một điều cần chú ý.
Vì vậy, ngoài tình yêu, các cặp chồng Tây vợ Việt cần nhiều sự cố gắng hơn một cuộc hôn nhân thuần Việt. Ngọc Nhi tỏ bày: “Quan trọng nhất là những giá trị cốt yếu về gia đình, về cuộc sống có phù hợp không. Mọi thứ nhỏ khác có thể điều chỉnh được”.
Rào cản ngôn ngữ và văn hóa
Theo lời chuyên gia Nga My – Viện Khoa học Xã hội Quốc gia, trong quá trình điều tra xã hội học đô thị về các chị em lấy chồng nước ngoài, chị thấy nhiều hoàn cảnh chị em vỡ mộng chồng Tây. Mặc dù ban đầu họ đều tự nguyện lấy chồng nước ngoài vì yêu. Nhưng sau một thời gian chung sống họ phải thốt lên: “Lấy chồng nước ngoài khổ quá! Biết thế này cứ lấy chồng Việt cho rồi!”.
Hỏi cụ thể những nỗi khổ của chị em phụ nữ Việt lấy chồng Tây, chuyên gia xã hội học Nga My cũng kể về một vài trường hợp gần đây. Đó là trường hợp chị N.T.T – một phụ nữ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Vì có một đời chồng, có con nhỏ nhưng đã ly dị nên T cảm thấy chán và không muốn lấy chồng Việt Nam lần nữa. Mặc dù chồng vẫn rất yêu và muốn T quay trở lại, nhưng với T, cô cảm thấy mình không còn tình yêu sau những gì bị chồng đối xử.
Quá sợ đi bước nữa với một người chồng Việt không hạnh phúc, vì thế sau 3 năm ly hôn, T tự nguyện lên xe hoa với một người đàn ông Đức để ổn định về kinh tế, lại đáp ứng sở thích muốn sinh con lai của cô.
Những tưởng lấy chồng Tây sẽ hơn hẳn so với lấy chồng ta thì T lại phải đối mặt với nhiều vấn đề đau đầu khác trong cuộc hôn nhân này. Nỗi khổ lớn nhất của T là bất đồng ngôn ngữ.
Dù trước khi kết hôn với tập 2, T đã cố gắng đi học tiếng Đức nhưng vẫn không đủ để cô giao tiếp và chia sẻ cũng như lắng nghe người bạn đời nói. Nhất là những lúc cãi nhau với chồng, T phát điên bởi cô thường không hiểu chồng nói gì vì anh nói quá nhanh, dùng nhiều tiếng lóng, ngạn ngữ.
“Nếu T lấy chồng Việt, dĩ nhiên những cảm xúc yêu thương, giao tiếp rất dễ dàng. Nhưng khi hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì yêu cầu T phải sử dụng thứ ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 (cho dù là có thể giao tiếp hoàn hảo). Mọi cảm xúc yêu thương hay hờn dỗi cũng như chia sẻ, diễn đạt một điều gì khó có thể cảm nhận tường tận. Điều này sẽ dẫn đến giới hạn trong giao tiếp, vợ chồng không thể tìm được tiếng nói chung và khoảng cách ngày càng xa” – Chuyên gia xã hội học Nga My nhận định.
Chuyên gia xã hội học này chia sẻ: Có lẽ đó là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân thứ 2 của người phụ nữ qua 2 lần đò này vẫn không có kết quả như ý. Vì không thể hòa hợp với nhau nên cuộc hôn nhân của T với chàng người Đức sau gần 2 năm cũng nhanh chóng tan vỡ.
Nhớ ra một trường hợp khác, chuyên gia này còn tiếp tục kể về một hoàn cảnh cũng phải ôm nỗi khổ dù tự nguyện yêu Tây. Đó chính là hoàn cảnh của Phạm T.L, 28 tuổi ở Ngọc Hà, HN.
Khác với T lấy chồng người Đức, 9 tháng trước T.L cũng yêu tha thiết một anh chàng người Pháp. Chồng cao hơn L cả 2 cái đầu, to con, vạm vỡ. Họ chụp hình cưới cứ như “voi và chuột”. Hai người yêu nhau chân thành và kéo dài được gần 3 năm mới làm đám cưới. Nhưng khi sang Pháp làm dâu Tây, cuộc sống trước và sau hôn nhân của L khác nhau rất nhiều.
Thời gian trôi qua, L đã lãnh đủ mọi áp lực và mệt mỏi. Cô đang tính nghiêm túc lại và muốn bỏ cuộc vì không đủ bản lĩnh để theo đuổi giấc mộng dâu Tây.
“Nghe L kể thì cô gái trẻ này đã chuẩn bị tinh thần về áp lực văn hóa nhưng sống với nhau rồi L vẫn thấy khắc nhau đến 100%. Điều này khiến L mệt và chán nản khi suốt ngày phải nỗ lực để hòa nhập mặc dù chồng Pháp rất quan tâm tới cô” – Nhà xã hội học này nói.
Chưa kể, L nhận ra, đàn ông Châu Âu họ suy nghĩ đơn giản đến mức một phụ nữ thuần Việt như L không thể hiểu nổi. Chẳng hạn như, chồng L thừa biết gia đình cô khó khăn. Mẹ L bị đau ốm nên không thể đi làm được, em của L mới học cấp 2. Thế nhưng thỉnh thoảng lắm, phải nhắc thì chồng L mới gửi tiền về cho mẹ vợ chữa bệnh và cho em vợ ăn học với thái độ không dễ chịu.
Chồng L nhất định không muốn gửi vì nghĩ không phải nghĩa vụ của mình! Anh chàng cũng không hiểu trách nhiệm của con cái với cha mẹ, nên không lo lắng cho gia đình mà chỉ muốn L và anh sung sướng.
Chuyện tiền nong của 2 vợ chồng cũng khiến L “choáng”. Dù biết L mới sang làm dâu Pháp được mấy tháng và chưa có việc làm nhưng chi tiêu hàng tháng, chồng L chỉ đưa cho vợ 1 tài khoản cố định. Còn lại, chồng L để tiền vào tài khoản riêng mà L chẳng bao giờ được phép biết đến số tiền này. Nếu muốn mua gì, xin gì, L phải hỏi vay chồng và nói lý do cụ thể cũng như thời gian phải trả lại tiền.
“Mâu thuẫn của vợ chồng L cứ phát sinh từ đấy. Càng sống với nhau, L càng thấy chồng Pháp khác chồng Việt quá nhiều. Hơn nữa chồng L không có ý định cho cô về Việt Nam chơi nên cô cũng đang phân vân bỏ cuộc” – Chuyên gia XHH Nga My nói.
Thanh Vy kết hôn với chàng sĩ quan tàu biển Pháp Antoine năm 2015. Mới sống ở xứ người gần 6 tháng nhưng Vy đã nhìn thấy, nghe thấy không ít chuyện về số phận không may mắn của một số người phụ nữ Việt ở nước ngoài.
Chia sẻ với VnExpress, cô tự nhận bản thân may mắn khi lấy được một người chồng tốt, một gia đình nhà chồng yêu thương hết mực, nhưng cô cũng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống đời thường.
“Lúc tôi mới qua, đi đâu người ta cũng nói tiếng Pháp không hiểu gì. Ngồi với bạn bè chồng, lúc đầu họ thông cảm nên nói tiếng Anh với tôi, nhưng khi vào câu chuyện thì người ta cũng quay sang nói tiếng Pháp với nhau cả. Tôi ngồi đó, làm gì, ăn gì thì ăn, xài điện thoại thì ngại, nên đành ngồi buồn thiu ngó ngang dọc. Có chị bạn tôi mang bầu, thèm ăn bún mắm, bún riêu mà không có nguyên liệu, cũng không biết nấu. Lúc nào nói chuyện chị cũng bảo chỉ mong được về Việt Nam ăn cho thỏa thích”, Vy cho hay.
Cô gái Sài Gòn chia sẻ thêm, nhiều người cứ nghĩ yêu trai Tây hiền lành, khờ khạo, dễ lừa, dễ đòi mua cái nọ cái kia. “Có thể lúc đầu mới yêu hạnh phúc như thế, nhưng khi lấy về bản chất bộc lộ, cuộc sống thậm chí còn khổ hơn gấp nhiều lần. Dù có thể bạn nói họ không hiểu gì, nhưng thực ra chỉ cần nhìn hành động, thái độ của bạn, họ sẽ hiểu bạn là người thế nào”, cô nói.
Thanh Vy và chồng người Pháp.
Chia sẻ về việc “lấy chồng Tây không sướng” của Vy đăng tải trên trang cá nhân đã nhận được hơn 1.000 lượt like cùng nhiều bình luận.
Mình không làm dâu nên cũng không biết nỗi khổ của những nàng dâu bên này hay bất kỳ đất nước nào khác để đưa ra so sánh. Bản thân mình may mắn có được một gia đình chồng vô cùng dễ tính và yêu thương, đặc biệt ba má chồng xem mình như con ruột.
Hồi ở Việt Nam, mình cũng có tiếp xúc và thân với một vài người chị dày dạn kinh nghiệm “săn” các chàng Tây, thế nhưng các chị chỉ yêu thôi, còn nhất quyết không cưới. Một chị nói với mình: “Chị thích cưới trai Việt hơn, đồng ngôn ngữ, đồng suy nghĩ, văn hóa và nhiều thứ khác mà trai Tây không thể có”.
Mình nghe rồi để đó, vì mỗi người có cách suy nghĩ riêng của họ. Do điều kiện môi trường, cuộc sống và cả những chuyện trong quá khứ sẽ quyết định tâm trí và cách sống của mỗi người ở hiện tại. Ai làm gì, nói gì mình cũng tôn trọng ý kiến riêng của họ, trừ khi mình thân với họ, thấy cái đó không tốt thì nhắc nhở, góp ý, chỉ đơn giản như vậy.
Từ khi sang Pháp, mình cũng có biết và nghe về cuộc sống của một số phụ nữ Việt lấy chồng Tây. Mình kể ra để mọi người thấy, không phải cứ lấy được chồng Tây, được sang nước ngoài là sướng, đừng bao giờ ngộ nhận như vậy.
Có một chị lấy chồng Pháp và qua đây khi mới quen nhau một thời gian ngắn. Thời gian đầu cũng hạnh phúc và sắt son như bao người. Nhưng sau đấy chị bị chồng đánh, có bầu thèm thuồng thứ gì cũng không có tiền mua vì mỗi tuần người chồng chỉ đưa 20 euro, bắt mua thức ăn cho 2 người (người chồng làm mỗi tháng được hơn 1.000 euro). Chị ấy bị đánh dã man, thậm chí bị bóp cổ phải đưa vào bệnh viện.
Sau một thời gian chịu đựng, chị đã phải dọn ra riêng và được chính phủ cấp cho một chỗ ở khu “vô gia cư”, khu này đa số dành cho dân tị nạn. Chị ấy bây giờ được nhà nước trợ cấp tiền, còn nhiều hơn số tiền người chồng phát cho mỗi tuần. Cuộc sống của chị cũng đỡ hơn nhiều. Chị cũng đã hạ sinh được một bé gái xinh xắn, đáng yêu.
Thanh Vy và chồng người Pháp.
Một người chị mình biết cũng rất mê lấy chồng Tây, cuối cùng chị cưới anh chồng Mỹ gốc Canada. Mọi khoản chi phí trong nhà anh đều quản tất, chị muốn mua muốn cái gì cũng phải hỏi xin anh. Dù chị cũng đang là nhân viên làm nail ở một tiệm lớn, nhưng lương bao nhiêu anh kiểm soát hết cả. Chị muốn gửi tiền về lo cho gia đình bên Việt Nam anh cũng không chịu.
Chị sinh cho anh hai đứa con, một trai một gái rất kháu khỉnh nhưng anh không tôn trọng và thương chị hơn chút nào. Chị đòi cho hai cháu về thăm ngoại nhưng anh bảo còn bao nhiêu tiền thuế, tiền hóa đơn phải lo, không có tiền mua vé máy bay cho cả 3 mẹ con.
Mình không phủ nhận việc có nhiều người lấy chồng Tây xong có cuộc sống hạnh phúc, no đủ, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhân cách sống. Ai biết hôm nay sướng, ngày mai sẽ không khổ… Bản thân mình phải luôn biết trân trọng và nắm giữ hạnh phúc mình đang có, phải cố gắng làm việc, vun vén hạnh phúc mỗi ngày.
Mình mong những ai đó còn tư tưởng sính ngoại một cách mù quáng, hay cố “săn Tây” để lên mặt với mọi người hãy suy nghĩ cho kỹ. Hạnh phúc phải xuất phát từ trái tim, từ tình yêu, nếu chỉ có toan tính dĩ nhiên không thể lâu bền. Mình cũng thấy nhiều cặp gia đình ở Việt Nam lấy nhau không bao giờ cãi vã, vợ chồng hiền lành, đi làm lương Nhà nước ít ỏi cũng vẫn nuôi con cái khôn lớn nên người. Sao cứ phải cố lấy chồng Tây khi hạnh phúc vượt ngoài tầm với.
(Tổng hợp)