Cháy rừng ở vùng cực Bắc là một hiện tượng phổ biến xảy ra từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm, tuy nhiên, cường độ và quy mô của các đám cháy trong mùa hè năm nay lớn chưa từng thấy, các đám khói thậm chí có thể quan sát được từ không gian bởi vệ tinh của Cơ quan hàng không vũ trụ (NASA).
Hiện có hàng trăm đám cháy lớn đang hoành hành ở các khu vực thưa dân, từ vùng Viễn Đông thuộc Nga (hơn 2 triệu hecta), bắc bán đảo Scandinavia, đảo Greenland và bán đảo Alaska (Mỹ)…
Các khu rừng thông, tuyết tùng có tuổi đời hàng thế kỷ ở Siberia đang cháy ra tro. Băng vĩnh cửu cũng tan thành nước khi ngọn lửa bao trùm các khu vực lãnh nguyên.
Ông Mark Parrington, chuyên gia về cháy rừng thuộc Cơ quan Quan sát khí quyển châu Âu (Cams), mô tả những gì đang diễn ra là “chưa từng có tiền lệ”.
Theo Đài BBC, đó cũng là nhận định chung của các nhà khoa học, rằng những gì chúng ta đang chứng kiến chính là hệ quả của một thế giới nóng lên từng ngày, với tốc độ mỗi lúc một nhanh hơn bởi hiệu ứng tích tụ khí thải nhà kính.
“Thật bất thường khi chứng kiến cháy rừng với quy mô này xuất hiện ở vĩ tuyến cao trong tháng 6, 7. Nhiệt độ ở cực Bắc tăng nhanh hơn so với trung bình toàn cầu, các điều kiện nóng hơn bình thường khiến lửa lan rộng và duy trì một khi đã cháy” – ông Parrington nhận xét.
Đám cháy rừng gần làng Batagai, vùng Siberia – Ảnh: Siberia Times
Theo báo Siberia Times, khói từ các đám cháy đang lan nhanh trên diện rộng, bao trùm nhiều thành phố đông dân ở Nga, ảnh hưởng nặng nhất là các vùng Krasnoyarsk, Yakutia và Irkutsk.
Khói thậm chí đã lan tới vùng Tyumen nằm ở tây Siberia, cách “biển lửa” ở bờ đông 6 múi giờ. Giới chức y tế ghi nhận số bệnh nhân bị đau đầu, huyết áp cao, gặp vấn đề về hô hấp… gia tăng đáng kể.
Trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình 360TV của Nga, ông Grigory Kuksin – lãnh đạo tổ chức Greenpeace, mô tả các đám cháy ở Siberia là “thảm họa cấp độ toàn cầu”.