Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9Kế tiếp
Chương 8. ĐẦY TỚ NÓI XẤU CHỦ NHÀ
Việc một con sen ngu đần bị điện giật, rồi bị động kinh, rồi đánh vỡ lọ, rồi bị vu cho là ăn cắp, rồi bị bắt nữa, đã đánh mạnh vào bộ óc suy nghĩ của chúng tôi.
Lúc ấy có lẽ là những phút độc nhất vô nhị mà cái hạng con ong cái kiến không thấy nản chí trong sự đi kêu oan, nếu thấy bị oan, mà một kẻ đi hưởng cơm thừa, canh cặn thấy rằng mình cũng là một người, mà một thằng nhỏ vừa bị chủ đáng bỏ mẹ thì thôi, lúc ra máy nước không còn ước mơ, không còn tưởng bở mà tự nhiên đập đôi thùng đánh xoảng một cái xuống đường rồi giơ tay ra mà nói ” nghĩa là..” một cách kệch cỡm nữa.
Và lúc ấy là những lúc đầy tớ nói xấu chủ nhà.
Đấng sinh ra muôn loài cũng không bảo nổi những ông lang băm đừng nói khoác, những kẻ mắc bệnh hoa liễu đừng kêu rên, những anh bồi săm đừng khinh người như rác, ông sư chớ mơ màng thịt chó, và đầy tớ nhịn nói xấu chủ nhà.
Thằng bé ho lao tả cảnh:
– Lần đầu tôi đi ở đã gặp bước không may. Lúc mặc cả công, con mẹ chủ đã bằng lòng trả cho tôi mỗi tháng năm hào. Tôi phải gánh đầy ba bể nước, bổ hết hai mươi tạ củi. Nước gánh đầy bể rồi, củi chất chật bếp rồi là bà chủ kiếm chuyện chửi mắng suốt ngày cho mình không ở được nữa mà phải xin thôi. Lúc xin thôi nó kêu rằng “tự nhiên không có chuyện gì ” mà giở quẻ xin thôi thế là quân đi nếm cơm vạn kiếp cũng không khá được ! Cố nhiên nó không trả tiền công. Các bác ạ, các hạng chủ nhà đều như thế đấy. Lúc cần thì nó tìm người, lúc hết việc nó kiếm chuyện đuổi ra. Mà nó quỵt tiền công hết thẩy!
Tôi hỏi nó xem trong cái đời đi ở của nó, nó có những ngày sung sướng nào không.
– Chỉ có một lần. Năm ngoái tôi ở với một nhà vợ chồng trẻ tuổi. Chồng làm ông tham, không hôm nào là chịu về nhà ngủ trước 3 giờ đêm. Mỗi lần đi chơi khuya về, cậu ấy dặn tôi mở cửa xong là thế nào cũng phải đánh vỡ một cái chén hoặc một cái đĩa. Cậu ấy sai tôi phải làm để tôi có cớ đánh vỡ. Hễ thấy tôi làm đánh xoảng một cái là cậu ấy quát tháo ầm nhà lên. Ra oai thế để chặn họng vợ. Bà vợ cuối tháng mà trừ lương thì ông chồng dúi cho mà bù vào. Về sau bà vợ cũng đâm ra cờ bạc, cũng đi suốt ngày, gần đến lúc chồng đi làm về, dúi tiền cho tôi đi mua cơm, mua canh và các món xào ở hiệu cao lâu. Gặp những hôm có giỗ cũng thế, sai đi mua các món ăn hiệu, mua cả xôi, mua cả chè. Thành thử mình chỉ ngủ suốt ngày, chả phải làm gì cả. Thật làm với hạng chủ thế mới sướng.
Anh chàng trọc đầu vội cướp lời:
– Thế kể cũng đã sướng nhưng chưa bằng tôi. Khi ra tỉnh lần đầu, tôi đã được vào làm nhà một lão thầu khoán. Lúc đầu mặc cả thì là kéo xe, nhưng mà về sau xe cũng chả phải kéo mấy nữa. Chỉ có việc dắt chó đi rong chơi ngoài đường. Lão mua ba con chó Nhật Bản, mỗi con đáng giá trăm bạc cả, cho ăn toàn là những thịt bò với súp. Tôi chỉ suốt ngày tắm rửa cho chó mà thôi. Chỉ khổ một nỗi là thằng chủ có tính gàn, bắt mình lấy giấy bản chùi đít cho chó.
Thằng nhỏ ho lao hỏi vặn:
– Như thế thì đã nước gì mà sướng ?
Anh ta để chúng tôi lấy làm lạ một lúc rồi nói tiếp:
– Vì ông chủ nuôi chó thì tử tế mà nuôi bố thì lại không tử tế. Ông cụ già thì ăn mặc quần áo nâu cũng như tôi, mà phải còm cõm làm thợ vườn suốt ngày. Một lần ông già tai ác ấy chửi tớ, đánh tớ. Tức quá, tớ nghĩ được một cách: đem cứt chó để lên đầu cái phản dưới bếp là chỗ của ông cụ ngủ. Thế là lão già trúng kế, tìm ngay xe điếu vụt cả ba con chó. Tớ lên mách chủ thì lão chủ tớ chửi tiên sư ông cụ, tức là chửi bố. Từ độ ấy trở đi thì chính tớ cũng chả cần đếm xỉa đến bố ông chủ là gì nữa. Các bác bảo như thế lại không sung sướng à?
Tôi hỏi:
– Thế sao không ở cái nhà ấy cho đến mãn kiếp ?
– Kìa, tôi đã nói là lão chủ sai tôi mang thuốc phiện lậu rồi không may bị bắt…
– Rồi thì chủ nó không nhận nên phải tù chứ gì ?
– Phải, nếu nó nhận thì nó cũng chết. Chẳng may cũng là cái số tôi không ra gì, chứ lão chủ ấy thật tử tế với mình quá.
Thằng có cái cổ đầy những thuốc cao góp chuyện:
– Ừ, bác như thế cũng đã sướng thật, nhưng chưa bằng tôi. Bây giờ tôi bị bệnh tật nên trông mới xấu xí thế này, chứ hồi mới đi ở, còn đẹp giai thì tôi còn sướng bằng vạn các bác. Thầy bói nào cũng bảo tôi có số đào hoa, thực đúng quá. Tôi sướng hơn các bác ở chỗ thỉnh thoảng lại được bà chủ yêu, hoặc con gái bà chủ…
Rồi nó kể những cái…may mắn của nó một cách rất tỉ mỉ, bằng một giọng thành thực vô cùng.
…
Trước lúc đó vài giờ đồng hồ, tôi đã phải đứng tần ngần mà tự hỏi: “Ta sẽ làm gì cái bọn này?”
Bây giờ tôi lại phải tần ngần tự hỏi: ” Ta sẽ làm gì những câu chuyện ấy ?”.
Thật vậy, những câu chuyện ấy thật là lạ lùng, thật là không ai có thể tưởng là có thật được, thật là nhơ bẩn, thật là chướng tai.
Một thằng nhỏ không biết thêu dệt như một nhà văn thì chuyện của một thằng nhỏ kể có thể tin là đúng chín mươi phần trăm sự thực.
Mà đứng trước những sự thực không đáng viết lên mặt giấy, ta phải hãi hùng kinh ngạc về loài người.
Tiểu thuyết kể những điều mà loài người bảo là không có thật.
Sự đời, trái lại, lại có những điều mà tiểu thuyết không dám tin.
Ấy thế rồi tôi đâm ra khinh hết cả loài người, vì tôi tin rằng không một ai trong bọn chúng ta lại trông rõ được thực trạng cuộc đời.
Thật vậy, bao nhiêu sách vở của loài người, cốt để dạy cho nhau biết mà thôi, vậy mà vẫn công toi cả. Những điều người ta dạy bảo nhau bằng sách ? Đó là những điều mơ hồ, những điều lầm lẫn, những sự văn chương. Văn chương là một sự, sự đời là một sự khác.
Rồi tôi cảm thấy rằng muốn làm một nhà xã hội học, một nhà tâm lý học, một nhà triết học thì trước hết hãy đăng vào nghề cơm thầy cơm cô. Người phu xe biết hết mọi sự độc ác của loài người hơn là một nhà học giả, người bồi săm biết hết mọi sự dâm đãng của loài người hơn là một nhà giải phẫu học. Và một kẻ đi ở thì cũng biết rõ những tính tình của loài người hơn là một nhà văn sĩ tả chân.
Nếu ai muốn chửi tôi về những ý nghĩ nói trên, thì tôi xin thưa rằng Jean Jacques Rousseau, trước khi thành ra một nhà đại gia tư tưởng, một bậc đại văn hào, một bậc vĩ nhân, thì đã sống cái đời “cơm thầy cơm cô”.
Biết đâu chẳng phải vì thế ?
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9Kế tiếp