Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21Kế tiếp
V
Cái ngày đầu tiên đến trường ấy là một ngày vui sướng đối với tất cả những đứa trẻ khác, nhưng lại rất nặng nề đối với Tanhia. Em đi một mình vào sân trường – cái sân đã bị những bàn chân trẻ con giẫm nát.
Bác gác cổng đã rung chuông.
Em đẩy cánh cửa nặng. Trong hành lang cũng giống như ở ngoài sân, sáng sủa, vắng vẻ, yên tĩnh. Có lẽ em đến muộn?
– Không đâu, – bác gác cổng nói với em – cháu chạy nhanh lên. Các thầy giáo còn chưa vào lớp. Nhưng em không còn đủ sức chạy nữa. Bước chậm chạp như đang trèo lên dốc, Tanhia đi dọc theo hành lang dài đánh xi bóng nhoáng, trên đầu em là những tấm áp phích. Qua mười chiếc cửa sổ lớn, mặt trời rọi sáng vào những tấm áp phích ấy, không bỏ qua dù chỉ một dấu phẩy.
“Các bạn thân mến, chúc mừng các bạn nhân dịp đầu năm học mới. Xin nhiệt liệt chào mừng! Chúng ta sẽ học tập tốt”.
Một cô bé có hai bím tóc dài, đuôi tóc loăn xoăn, chạy qua bên cạnh Tanhia và vừa chạy vừa quay người về phía em.
– Ikh bin, đu bixt, êrixt! – cô bé hét lên bằng tiếng Đức và thè lưỡi ra trêu Tanhia.
Cô bé này có đôi chân mảnh khảnh và nhanh nhẹn biết bao! Phải chăng đó chính là cô bé Tanhia trước kia, Tanhia bé bỏng, đang thè lưỡi ra với chính mình?
Nhưng cô bé đã biến mất sau chỗ ngoặt, còn Tanhia thì dừng lại bên một cánh cửa ra vào cao cao.
Lớp mới của em ở đây.
Cửa khép kín, trong lớp ồn ào.
Như tiếng rì rầm thân quen của dòng sông, của rừng cây từ những ngày thơ ấu đã bao quanh Tanhia, tiếng ồn ào đã đưa những ý nghĩ của em trở lại tỉnh táo.
Em khẽ nói như tự làm lành với mình:
– Rồi sẽ quên đi tất cả!
Em mở toang cửa ra. Một tiếng reo to đón em trên ngưỡng cửa. Em mỉm cười. Một người từ ngoài trời băng giá bước vào nhà, đang còn lạnh nên chưa phân biệt được cả người lẫn đồ vật trong nhà, cũng mỉm cười như vậy với bầu không khí ấm áp và những lời tuy chưa được nói ra nhưng anh ta biết sẽ không thù địch với anh ta.
– Tanhia, lại đây! – một số hét lên.
– Tanhia, ngồi xuống đây với chúng mình! – những bạn khác cũng hét lên.
Phinca đang trồng cây chuối trên bàn, đẹp đến nỗi cậu bé nào cũng có thể phát ghen lên được, mặc dầu lúc ấy vẻ mặt cậu buồn buồn, cậu nhìn vào mắt Tanhia, chăm chú hơn các bạn khác.
Tanhia vẫn mỉm cười.
Em chọn Giê-nhi-a và ngồi xuống cạnh cô ta, như ở bên đống lửa trong trại hè, còn Phinca thì ngồi ở đằng sau.
Đúng lúc ấy cô Alechxandra Ivanovna– cô giáo tiếng Nga – bước vào lớp.
Cô đi đến bàn giáo viên và ngồi xuống ghế. Nhưng ngay lập tức cô lại đứng lên.
Chậm rãi đi quanh bàn, trông cô giống học sinh của cô đến mức giữa cô và các em không có một ngăn cách nào ngoài phẩm chất và nhược điểm riêng của từng người. Cô còn rất trẻ, gương mặt tươi tắn, cái nhìn trong sáng và điềm tĩnh có sức cuốn hút tự nhiên đối với cả những đứa trẻ nghịch ngợm táo bạo nhất. Trên chiếc áo dài đen của cô bao giờ cũng lấp lánh một ngôi sao nhỏ, tiện từ đá U-ran.
Thật lạ lùng, bọn trẻ không bao giờ nhầm sự tươi tắn, trẻ trung của cô thành sự thiếu kinh nghiệm mà các em chẳng bỏ lỡ cơ hội cười nhạo. Không bao giờ các em cười cô cả.
– Các em! – cô nói, thử giọng sau một kỳ nghỉ hè dài. Giọng cô vẫn vang như trước và có sức lôi cuốn tự nhiên sự chú ý của mọi người. – Các em! – cô nói. – Hôm nay là ngày hội, chúng ta bắt đầu học tập, và cô rất sung sướng lại được làm việc với các em – vậy là đã ba năm rồi. Trong ba năm ấy, tất cả các em đều lớn lên, còn cô cũng hơi già đi. Nhưng bao giờ chúng ta cũng sống hoà thuận.
Chắc hẳn cô sẽ nói tất cả những điều định nói với học sinh nhân dịp khai trường, nếu như lúc ấy không có hai học sinh mới đi vào lớp. Đó chính là những cậu bé mà Tanhia gặp lúc sáng trên bến tàu. Một đứa gầy và cao, đứa kia có đôi má phính làm cho cậu ta có vẻ một tay ranh mãnh thực sự.
Cả lớp tò mò nhìn họ. Nhưng có ai trong số bốn mươi cô bé, cậu bé đang ngồi ngọ nguậy trên bàn này lại nhìn họ với vẻ chờ đợi như Tanhia. Ngay bây giờ em sẽ biết, trong hai cậu bé này, ai là người làm cho em đau khổ, một nỗi đau còn lớn hơn cả lòng sợ hãi. Dù sao, có lẽ đó là họ.
Cô giáo hỏi tên hai cậu bé.
Cậu béo trả lời:
– Gô-đi-lô Gốt-lép-xki.
Còn cậu gầy nói:
– Bor-sơ.
“Như vậy là quả thật “họ” không đến” – Tanhia nhẹ nhõm nghĩ và lại tự nhủ: – “Thôi được, bây giờ mình sẽ quên đi tất cả”.
Nhưng đối với cô giáo, tiếng cười vang lên trong lớp không báo trước một điều gì tốt đẹp.
Tuy nhiên cô nói:
– Vậy là chúng ta sẽ bắt đầu học tập. Cô hy vọng rằng kỳ nghỉ hè các em không quên gì.
Phinca thở dài rõ to.
Cô giáo nhìn cậu bé một lát. Nhưng cái nhìn của cô không tỏ ra nghiêm khắc. Hôm nay cô đã quyết định sẽ độ lượng với bọn trẻ. Dù sao đó cũng là ngày hội của các em, và nên để cho ngày hội ấy không có gì buồn phiền cả.
– Sao em lại thở dài thế, Phinca? – cô hỏi. Phinca đứng dậy.
– Hôm nay em dậy từ lúc tảng sáng để viết thư cho bạn em, nhưng em đã bỏ dở bởi vì em quên mất là cần phải đặt những dấu nào trong câu này: “Buổi sáng bạn đã đi đâu sớm thế, hở bạn?”
– Nếu em quên thì tồi quá – cô giáo nói và nhìn Tanhia.
Tanhia ngồi, mắt nhìn xuống. Ngỡ cái nhìn ấy là ý muốn lảng tránh câu trả lời, cô Alechxandra Ivanovna nói:
– Tanhia Xabanheeva, em không quên là cần những dấu câu nào trong câu ấy chứ? Hãy nói cho chúng tôi rõ quy tắc.
“Cái gì thế này? – Tanhia nghĩ. – Đúng là cậu ấy nói về mình. Chẳng lẽ tất cả mọi người, kể cả Phinca, cũng tàn nhẫn đến nỗi không một phút nào cho mình được quên đi cái điều mà mình cố gắng hết sức không nhớ đến ấy?”
Vừa nghĩ như vậy em vừa trả lời:
– Trong một câu có hô ngữ thì hô ngữ được tách ra bằng dấu phẩy.
– Em thấy chưa, – cô giáo quay về phía Phinca. – Tanhia nhớ rất tốt quy tắc. Nào, hãy lên bảng, viết một thí dụ trong đó có hô ngữ.
Phinca đi lên bảng, tay cầm phấn.
Tanhia vẫn ngồi nhìn xuống như lúc trước, tay hơi nghiêng nghiêng che mặt. Nhưng ngay cả khi khuôn mặt ấy đã được che tay, Phinca vẫn cảm thấy nó có một vẻ tuyệt vọng đến nỗi cậu chỉ muốn đất dưới chân mình sụt ngay xuống nếu cái trò đùa của cậu đã gây cho Tanhia một nỗi đau khổ nào đó.
“Có chuyện gì xảy ra với bạn ấy thế nhỉ” – cậu bé nghĩ.
Và, giơ tay lên, em viết bằng phấn lên bảng: “Ôi, bạng, còn lớn hơn cuộc sống”. Cô giáo vung tay lên.
– Phinca, Phinca, – cô nói với vẻ trách móc – em đã quên hết cả rồi, quên tất cả rồi! Dấu phẩy nào ở đây! Tại sao em lại thêm chữ g vào từ “bạn”?
– Đó là động từ ở ngôi thứ hai – Phinca trả lời không ấp úng.
– Động từ nào, sao lại động từ? – cô giáo kêu lên.
– Tất nhiên đó là động từ ở ngôi thứ hai – Phinca bướng bỉnh trả lời. – “Bạn! Bạn ơi, bạn làm gì?” Trả lời câu hỏi “làm gì?”.
Tiếng cười ồ lên khắp các dãy bàn học, khiến Tanhia phải ngẩng mặt lên. Và khi Phinca lại liếc nhìn Tanhia thì cô bé phá lên cười – tiếng cười thân thương – to hơn tất cả những người khác.
Phinca hơi nhếch mép cười, phủi phấn ở các chữ. Phinca rất hài lòng.
Còn cô giáo thì khẽ dựa vào tường, nhìn theo cậu bé với một vẻ băn khoăn.
Tại sao cái cậu bé mà cô vẫn đánh giá cao vì đầu óc nhạy bén và sự nhanh trí ấy lại có thể bằng lòng với cái lỗi nghiêm trọng của mình như thế? Không, ở đây có ẩn giấu một cái gì khác. Bọn trẻ đánh lừa cô. Thế mà cô vẫn nghĩ là mình hiểu rõ tâm tư bọn trẻ.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21Kế tiếp