Điện ảnh Việt Nam đã từng ghi dấu ấn với những bộ phim kinh điển làm nên tên tuổi của một loạt nghệ sĩ lớn như Trà Giang, Như Quỳnh, Thanh Loan, Lê Vân, Hoàng Cúc. Họ đều là những biểu tượng nhan sắc một thời của nền điện ảnh Việt Nam.
Hãy ngắm các vẻ đẹp tự nhiên không dao kéo, nức tiếng một thời.
NSND Trà Giang
NSND Trà Giang là một trong những nhan sắc lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Chị thuộc thế hệ sinh viên khóa một của Đại học Điện ảnh Việt Nam. Bộ phim đầu tiên Trà Giang tham gia là Một ngày đầu thu năm 1961. Năm 1962, nữ diễn viên đóng chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên, mang về cho Trà Giang Huy chương bạc Liên hoan Phim Quốc tế Moskva cùng danh tiếng trong làng điện ảnh.
Hàng loạt phim sau đó lưu dấu ấn của Trà Giang là Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (giải “Nữ diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva), Bài ca ra trận, Em bé Hà Nội, Ngày lễ thánh…
NSND Như Quỳnh
Là con gái của cặp diễn viên cải lương Tiêu Lang và Kim Xuân, cái đích đầu tiên Như Quỳnh hướng tới không phải là điện ảnh mà là đi theo sự nghiệp của cha mẹ.
Nhưng số phận đã chọn Như Quỳnh cho sự nghiệp điện ảnh. Hai năm sau khi tốt nghiệp trường Đại học sân khấu điện ảnh, lần đầu tiên Như Quỳnh được mời đóng bộ phim Hai người mẹ, nhưng sau đó vì một số lý do bộ phim không khởi quay được. Sau đó, đạo diễn Trần Đắc bắt tay làm phim Bài ca ra trận và Như Quỳnh tiếp tục được chọn cho vai diễn nữ chính. Mặc dù là vai diễn đầu tay nhưng với khả năng diễn xuất được đào tạo bài bản, Như Quỳnh đã thể hiện xuất sắc hình ảnh cô y tá Mai, đưa tên tuổi của chị trở nên nổi tiếng trên màn bạc.
Sau thành công của Bài ca ra trận, Như Quỳnh được chọn làm diễn viên chính cho hàng loạt những bộ phim trong thập niên 70 như: Đến hẹn lại lên, Ngày lễ thánh, Mối tình đầu, Hà Nội mùa chim làm tổ, Hy vọng cuối cùng…
NSƯT Thanh Loan
Thanh Loan được nhớ tới qua vai diễn ni cô Huyền Trang trong bộ phim nổi tiếng Biệt động Sài Gòn. Trước vai Huyền Trang, Thanh Loan tham gia các phim như Bài ca ra trận, Người về đồng cói,... Nhan sắc của Thanh Loan nức tiếng một thời với gương mặt trái xoan và đôi mắt biết nói. Đến nay, ở tuổi ngoài 60, chị vẫn giữ được tinh thần tươi trẻ và những đường nét xuân sắc trên gương mặt.
NSƯT Lê Vân
Là con trưởng trong gia đình nghệ sĩ Lê Mai và Trần Tiến, Lê Vân sớm có một cuộc sống hào nhoáng dưới ánh đèn sân khấu. Tưởng như với bước đệm quá tốt từ gia đình và tài năng bản thân, Lê Vân sẽ bước lên đỉnh thành công của nghệ thuật. Nhưng vận mệnh của chị lại không hề êm ả như cái cách mà người ta thấy từ vẻ bề ngoài của gia đình. Sự nghiệp, hôn nhân và cả đời sống tình cảm của Lê Vân đều có những trắc trở kéo dài.
Năm 2006, Lê Vân từng gây bão trong giới nghệ thuật khi đưa ra hồi ký Lê Vân, yêu và sống, nhận được sự quan tâm lớn và nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Lê Vân, yêu và sống là tự truyện của Lê Vân, do nhà thơ nữ Bùi Mai Hạnh ghi, xuất bản bởi Nhà xuất bản Hội nhà văn, ra mắt người đọc tháng 10 năm 2006.
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật, Lê Vân sớm được bố mẹ cho theo học tại trường múa. So với cả 2 chị em trong nhà là Lê Khanh và Lê Vi, Lê Vân có con đường nghệ thuật rộng mở hơn nhờ tài năng múa ballet và năng lực diễn xuất ấn tượng. Ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề diễn, Lê Vân đã được nhìn nhận và cân nhắc cho các vai diễn đắt giá.
Cái tên Lê Vân đã có một vị trị riêng, vững chắc với bộ môn nghệ thuật thứ 7 một thời khi để lại hàng loạt các vai diễn ấn tượng trong nhiều bộ phim nổi tiếng: Chị Dậu, Thương nhớ đồng quê, Đêm hội Long Trì, Bao giờ cho đến tháng 10…
Đặc biệt, vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng 10 của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đem đến cho NSƯT Lê Vân giải Bông sen Vàng tại LHP quốc gia lần thứ 7 năm 1985. Chính nhờ những đóng góp lớn của mình cho nền điện ảnh Việt Nam, Lê Vân đã được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Lê Vân trong bộ phim kinh điển ‘Bao giờ cho đến tháng 10’
Lê Vân trong Đêm hội Long Trì
NSND Hoàng Cúc
Hoàng Cúc nổi danh bởi gương mặt đẹp, quyến rũ, thông minh, man mác vẻ lạnh lùng cùng khả năng diễn xuất sắc sảo, đa dạng. Tên tuổi của chị gắn liền với những vai diễn trong các vở kịch nổi tiếng của thập niên 80 – 90 như: Tôi và chúng ta, Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh, Em đẹp dần lên trong mắt anh, Nghĩ về mình, Ăn mày dĩ vãng, Thầy khóa làng tôi, Mùa hoa sữa…
Bước sang môn nghệ thuật thứ 7, Hoàng Cúc vẫn gặt hái thành công lớn, trở thành một gương mặt quen thuộc của nhiều thế hệ khán giả truyền hình qua các bộ phim: Tướng về hưu, Bỉ vỏ, Sa bẫy, Hồi chuông màu da cam, Dòng sông khát vọng, Kiếp phù du…
Cách đây mấy năm NSND Hoàng Cúc mắc bệnh ung thư. Hoàng Cúc đã không bi quan mà chiến thắng bệnh tật bằng lòng lạc quan và một chế độ tập luyện đặc biệt. Nhan sắc của chị sau một thời gian chống chọi với bệnh tật không những không bị tàn phai mà còn đằm thắm hơn rất nhiều.
Ngọc Minh