Bánh mì không phải là thực phẩm: Một bộ phận cán bộ cơ sở quá yếu kém

0
2063

Những tranh cãi quanh chuyện “bánh mì không phải là thực phẩm” cộng với nhiều vụ việc tương tự diễn ra gần đây, cho thấy chất lượng của một bộ phận cán bộ cơ sở yếu kém một cách đáng báo động. (Báo Lao Động)

-Quảng Cáo-

Ngây ngô và hồn nhiên, đó là lý luận về bánh mì không phải là thực phẩm của ông Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hoà (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) đối với một người dân bị ông cho là đã vi phạm Chỉ thị 16 khi dám ra đường mua thức ăn.

Nhưng đó có lẽ chỉ là một câu chuyện hài trong mùa dịch, nếu không có chuyện ông này dùng lời lẽ đe nẹt, thái độ hạnh hoẹ, thể hiện sự vô cảm và coi thường người dân khiến dư luận phẫn nộ.

Không còn là hiện tượng nữa, bởi những câu chuyện bi hài kiểu này xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội và báo chí trong thời gian gần đây, mà việc cán bộ ở Sóc Trăng cho rằng thức ăn nuôi tôm không phải là hàng hoá thiết yếu nên đi mua là vi phạm Chỉ thị 16 là ví dụ tiêu biểu gần nhất.

Dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm nay trên phạm vi cả nước đã phơi bày tất cả những mặt mạnh, yếu của chính quyền các cấp, trong đó có chất lượng yếu kém đến mức đáng báo động của một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ sở.

Đành rằng người dân trong đại dịch, nhất là những khu vực phong toả, giãn cách, có  những người cũng hành xử rất tào lao và vô phép, nhưng cán bộ cơ sở xã, phường là “bộ mặt” của Nhà nước gần với dân nhất, đáng ra, họ phải biết thương, biết đồng cảm với những khó khăn của dân để có cách cư xử đúng mực, thấu lý, đạt tình thì một bộ phận lại cứng nhắc thể hiện uy quyền một cách vô lối ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

Đó là chưa nói đến việc ngoài thái độ hành xử, một bộ phận của lực lượng này còn nghĩ ra những quy định có tính tận thu kiểu người dân phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm của tỉnh Ninh Thuận phải nộp phí 10.000 đồng một lần cấp giấy xác nhận để được ra đường trong mùa dịch đang xôn xao dư luận, khiến Chủ tịch phường bị tạm đình chỉ công tác.

Một chính quyền mạnh, không chỉ đòi hỏi hệ thống quản lý nhà nước cấp cơ sở phải vững vàng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ theo luật định mà thiết yếu phải có sự hiểu biết thấu đáo nhiều mặt của xã hội cùng nền tảng văn hoá ứng xử, thể hiện qua từng vụ việc cụ thể.

Nếu không có sự nhìn nhận, cải tổ thay đổi được về chất để lực lượng cán bộ cơ sở cấp xã phường đồng đều hơn thì sẽ rất khó cho các “công cuộc” và “nỗ lực”, trước mắt là nỗ lực chống dịch COVID-19 bởi sự “phá hoại” một cách hồn nhiên của chính những “con sâu” trong lực lượng này.

Anh thợ hàn mua bánh mì bị cho nghỉ việc được Bí thư Khánh Hòa đề nghị bố trí công việc trở lại

Liên quan đến vụ Phó chủ tịch P.Vĩnh Hòa (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) Trần Lê Hữu Thọ giữ xe của anh Trần Văn Em đi mua bánh mì và dùng lời lẽ xúc phạm gay gắt cho rằng “bánh mì không phải là thực phẩm” gây bão dư luận những ngày qua, ông Nguyễn Hải Ninh (Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa) đã đề nghị chủ dự án bố trí công việc cho anh Em tại dự án Vega City, không phải làm việc cho nhà thầu phụ như trước.
 
Anh Trần Văn Em là thợ hàn của Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng An Đại Thành (nhà thầu phụ tham gia xây dựng dự án Vega City) với mức lương 200.000 đồng/ngày. Chiều 18/7/2021, anh Em xin quản lý của công ty đi mua bánh mì và nước uống. Trên đường trở về, anh Em bị lực lượng chức năng P.Vĩnh Hòa kiểm tra, xử lý về hành vi đi ra đường khi không cần thiết. Anh Em trình giấy làm việc do công ty cấp, nêu lý do đi ra đường là để mua bánh mì về ăn, nhưng tổ tuần tra của P.Vĩnh Hòa đã không chấp nhận.
 
(Nguồn: Báo Thanh Niên)

Vụ cô gái đưa mèo đi cấp cứu giữa dịch bị phạt, ‘đúng hay vô cảm’?

Vụ việc hai học sinh đưa mèo đi cấp cứu và bị công an chặn lại phạt khi tỉnh Long An đang áp dụng cách ly xã hội đã làm dư luận nổ ra nhiều luồng tranh cãi dữ dội về tính pháp lý cũng như khía cạnh nhân văn đối với động vật.

Theo quan điểm của những người giàu lòng trắc ẩn với động vật trong đó có chó mèo vốn nhiều khi được xem như “thành viên gia đình”,  những hành xử trên có thể đúng về mặt pháp luật, nhưng lại thể hiện tính cứng nhắc, máy móc, vô cảm, lạnh lùng. 

Đối với nhiều người khác, trong bối cảnh tỉnh Long An đang quyết liệt triển khai việc phòng chống dịch Covid-19 thì dịch vụ thú y không phải là dịch vụ thiết yếu được liệt kê trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, do đó hành động của hai bạn trẻ đưa mèo đi chữa bệnh là không nên.

Đoạn đối đáp rút gọn như sau:

Cô gái ôm con mèo và khóc: “Nó yếu lắm rồi chú ơi!”

Cảnh sát: “Nó yếu lắm rồi hả? Bây giờ con mèo đó có quan trọng bằng dịch bệnh không?”

Cô gái tiếp tục khóc.

Cảnh sát: “Khóc vì con mèo à? Con mèo quan trọng thế à?”

Cô gái ôm con mèo: “Nó yếu lắm rồi, con xin chú.”

Cảnh sát: “Yếu rồi ấy à? Thế con mèo có quan trọng bằng tính mạng của cả cộng đồng không?”

Hai người trẻ vẫn cố van xin: “Chuyện gấp lắm tụi con mới đi! Con mèo yếu lắm rồi!”.

Cảnh sát: “Yếu rồi hả? Chuyện gấp lắm? Vì con mèo?”

Đoạn đối thoại kết thúc bằng việc viên cảnh sát giao thông quyết định lập biên bản xử phạt hai bạn trẻ vì ra đường không có lý do chính đáng, vi phạm Chỉ thị 16. Video về vụ việc được viên cảnh sát đăng lên Tiktok với hàm ý chê trách bạn trẻ quá yêu mèo.

Hai bạn trẻ ở tỉnh Long An bị yêu cầu dừng đi và xử phạt vì vi phạm Chỉ thị 16 khi đưa mèo bị bệnh đi chữa trị

Dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam xét ở nhiều góc độ vẫn được khống chế rất tốt so với các nước, không đến mức lây nhiễm tràn lan ở mọi ngóc ngách mà nhìn đâu cũng ra virus nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người.

Chú mèo thì đã chết vì không được chữa bệnh. Một sinh mệnh bé nhỏ không đáng gì đối với nhiều con người, nhưng lại rất đáng quý đối với những ai có tình thương trắc ẩn với nó – thứ tình thương xuất phát từ tính người.

(Tổng hợp)
guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận