Không chỉ hấp dẫn với ngôi làng đá giữa cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ, đến với bản Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng), du khách còn được thưởng thức đặc sản, khám phá văn hóa của người Tày bản địa.

-Quảng Cáo-

Bản Khuổi Ky nằm cạnh động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc, xa xa là những xóm làng xanh ngút, trải dài đến dòng sông Quây Sơn nằm dưới một dãy núi phân cách biên giới Việt – Trung kỳ vĩ dựng đứng.

Từ không gian làng đá

Bản Khuổi Ky nằm dưới chân núi đá vôi Khuổi Ky cao ngất, hùng vĩ, phía dưới là dòng suối Khuổi Ky chảy băng qua và trôi xuôi về cánh đồng lượn lờ qua những dãy tre xanh yên ả, bình dị. Qua khỏi cây cầu có mái ngói, du khách bắt đầu thỏa thích với một “không gian văn hóa đá” đặc trưng, ít thấy ở nơi đâu.

Đó là hàng dãy dài những ngôi nhà sàn khá đặc biệt, tường và tam cấp được xây bằng đá núi trát vữa lợp, ngói âm dương. Bên trong là khung ván bằng gỗ được ngăn chia tạo thành không gian sống đặc trưng của người Tày.

Rất nhiều đồ vật gia dụng cũng được làm bằng đá với cách làm thô ráp, ít chải chuốt, những người thợ Tày đã tạo nên những cái cối giã, cối xay, bàn ghế hay bếp lửa… bằng đá núi trông thật mộc mạc và bắt mắt.

Cũng như nhiều du khách đến thăm và lưu trú tại đây, chúng tôi tìm một điểm cao để hướng ống kính về phía ngôi làng. Những mái ngói nâu thẫm đội trên bức tường đá bố trí mấy vuông cửa sổ nhỏ xinh; nối tiếp hướng ra phía thung lũng thoáng rộng, nơi có hàng dãy tre xanh điểm xuyết trên cánh đồng và dãy núi xa xa phía trước, tạo thành bức tranh tuyệt đẹp.

Bà Triệu Thị Chày (65 tuổi) cho biết đá gắn liền với người Tày của bản từ rất xa xưa, hễ làm nhà hay bất cứ vật dụng gì, trước tiên người dân đều nghĩ đến đá, sau đó mới đến gỗ, tre và các loại vật liệu khác. Trong khi thói quen sống gắn liền với đá ở những bản làng lân cận đang dần phai nhạt, bản Khuổi Ky vẫn duy trì nguyên vẹn.

Nhờ vậy, ngôi làng đá này còn được gìn giữ, duy trì. Thậm chí khi nhắc đến dân Khuổi Ky, người trong vùng gọi hẳn là người Tày “đá”. “Tất cả đều phải dùng đá, thói quen ấy có sẵn từ xa xưa rồi, bản Khuổi Ky này không bỏ đá được đâu!” – bà Chày nói.

Thông tin từ ban quản lý Công viên địa chất non nước Cao Bằng cho biết truyền thống dùng đá của người Tày vùng biên giới này có từ thời nhà Mạc. Theo đó, từ những năm 1594-1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây thành quách để phòng thủ, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây lên như những “pháo đài”.

Đến nay, những ngôi nhà sàn cổ vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, mang dáng dấp cổ xưa từ thời nhà Mạc, tạo nên nét cổ kính, nhuốm màu huyền thoại cho ngôi làng vùng biên giới này.

Bữa ăn dành cho du khách trong ngôi nhà đá truyền thống – Ảnh: THÁI LỘC

Đến cuộc sống người Tày

Bản Khuổi Ky hiện có 15 ngôi nhà sàn đá, ngoài những ngôi được làm cách mấy chục năm hoặc sửa chữa sau này, có khá nhiều ngôi được gìn giữ vẹn nguyên từ cả trăm năm trước. Trong bản hiện có bốn điểm lưu trú theo hình thức homestay, có thể đón cùng lúc chừng 100 du khách.

Ngoài ba điểm tại nhà riêng, ngôi nhà cộng đồng to lớn trở thành điểm đón khách lớn nhất của bản. Tại đây cả dân bản cùng nhau tổ chức và phân công phục vụ, gồm cả ngủ nghỉ, ăn uống, hướng dẫn và các sinh hoạt múa hát.

Ngoài tịnh dưỡng và tham quan, du khách còn có thể theo chân người dân đi hái măng, đào củ hay đi làm đồng, bắt cá hoặc cùng chế biến những món ăn đặc trưng của người Tày. Đó có thể là món xôi đen kiểu Tày được nấu bằng “nếp bản” cùng một loại lá cây rừng, hay món thịt heo hun khói, lạp xưởng gác bếp và các loại rau sạch trồng ở bìa rừng.

Hấp dẫn bậc nhất vẫn là các món măng rừng, từ măng xào thịt, xào hành, nấu ốc, măng hầm, măng luộc hay măng đổ chả trứng…

Trong ngày ghé đến, tôi bắt gặp anh Flo, một du khách đến từ Lyon, Pháp lưu trú ở Khuổi Ky từ mấy hôm trước, đang dẫn vợ con khám phá ngôi làng. Theo anh Flo, gia đình anh đã may mắn khi đến đúng dịp cả bản vào hội mùa xuân, nên được theo cùng lễ rước ông bà tổ tiên truyền thống của người Tày và được thỏa thích múa hát, vui chơi cùng người dân trong chuỗi hoạt động văn hóa cộng đồng rất độc đáo ở đây.

“Chúng tôi thường đến thăm các thành phố lớn ở miền Nam đất nước các bạn nhưng khi đến làng này, nhất là ở ngôi làng Khuổi Ky, mới được thực sự trải nghiệm, thực sự hòa đồng vào đời sống người dân!” – anh Flo nói.

Sau một ngày đêm ở lại Khuổi Ky, chàng kỹ sư cơ khí trẻ Hà Văn Giao đến từ TP.HCM cho biết đây là chuyến trải nghiệm vô cùng thú vị, đặc biệt là sự độc đáo và yên bình của ngôi bản, sự thân thiện và chân chất của người bản địa. “Những trải nghiệm ở đây vô cùng thú vị, không thể dễ tìm thấy ở những điểm du lịch khác” – anh Giao cho biết.

Đây động Ngườm Ngao, kia thác Bản Giốc

Từ bản Khuổi Ky, có rất nhiều làng bản, sông suối, núi thác, cảnh vật lân cận tuyệt đẹp và độc đáo, xứng đáng để cất công khám phá. Chỉ cần đi bộ vài trăm bước chân là đến động Ngườm Ngao, một điểm rất đáng khám phá thuộc địa phận bản Gun, cùng xã Đàm Thủy.

Thác Bản Giốc – Ảnh: THÁI LỘC

Bước vào cửa hang nhỏ khởi đầu tuyến tham quan gần 1km trong động, có hàng loạt buồng hang, tầng bậc với rất nhiều loại nhũ đá tuyệt đẹp, nhiều kiểu dáng, hình thù, tha hồ liên tưởng.

Có rất nhiều nhũ đá “sống” đang được hình thành bởi những giọt nước giàu bột đá vôi từ trần nhỏ xuống, trải qua cả vạn năm trước. Đặc biệt nhất là dòng sông ngầm có hàng loạt thác nước tạo thành một bản hòa ca bất tận phục vụ người khám phá trong hang…

Một nơi không thể không ghé đến là thác Bản Giốc trên sông Quây Sơn, lớn nhất Đông Nam Á, nằm cách điểm homestay chừng 3km, phía đường biên giới Việt – Trung.

Sau khi ngắm nhìn và khám phá thác lẫn cột mốc chủ quyền lãnh thổ ở trên bờ, điều không nên bỏ qua là lên thuyền dịch vụ ngược dòng tiến sát chân thác chính để lưu lại những khuôn hình tuyệt mỹ và tận hưởng trọn vẹn cảm giác những dòng nước bất tận xối xả, tuôn trào…

Tuổi Trẻ