Trong danh sách 42 thí sinh bị giảm điểm bài thi môn Ngữ văn có 2 thí sinh là con cán bộ, chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La.
Sở GD-ĐT Sơn La, nơi được phát hiện có các dấu hiệu sai phạm trong thi THPT Quốc gia tinh vi hơn ở Hà Giang.
Theo bảng thống kê các bài thi có thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định môn Ngữ văn mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La vừa cập nhật thì có 42/110 bài thi bị thay đổi điểm.
Trong đó, có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1,0 điểm trở lên; trong số này có 1 bài có điểm thấp hơn 3 điểm và 1 bài thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu. Còn lại là 30 bài từ 0,25 đến 0,75 điểm.
Theo danh sách này, có thí sinh B.N, nằm trong top 15 thí sinh có điểm cao nhất cả nước bị giảm 1,25 điểm (từ 8,75 xuống còn 7,5 điểm).
Cũng trong danh sách này, có thí sinh Đ.C.H.T là con một chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La giảm 2 điểm (từ 9 xuống còn 7 điểm).
Thí sinh N.Y.K là con cán bộ cấp phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La giảm 1,25 điểm (từ 9 xuống còn 7,75 điểm). Bên cạnh đó, 2 thí sinh là con lãnh đạo UBND huyện, thành phố ở Sơn La cũng bị giảm 1,25 điểm và 0,5 điểm.
Trong sách này có 1 thí sinh tự do có điểm môn Ngữ văn giảm cao nhất 4,5 điểm là L.V.H ( từ 8,5 còn 4 điểm). Hai môn dự thi của thí sinh này cũng ở top cao: Toán 8,8 điểm và Lịch sử 9,5 điểm.
Gian lận thi cử ở Sơn La câu kết chặt chẽ, có tính toán kỹ lưỡng
Chiều 26/7, cơ quan an ninh điều tra tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến vụ việc gian lận thi cử, sửa bài thi gốc của nhiều thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại địa phương này.
Cơ quan chức năng đã xác định được một số cá nhân có hành vi sửa chữa bài thi gốc trước khi scan ảnh gửi về Bộ Giáo dục. Hiện dư luận đang rất mong chờ cơ quan chức năng sớm hoàn tất thủ tục khởi tố bị can để đưa ra trước pháp luật.
Các biện pháp mà cơ quan điều tra áp dụng có thể bao gồm các biện pháp như thu thập chứng cứ chứng minh (hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, đối chất,khám xét chỗ ở, chỗ làm việc, thu giữ điện thoại, máy tính, tạm giữ đồ vật, tài liệu, khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định…), áp dụng các biện pháp ngăn chặn (như bắt các đối tượng có liên quan và tạm giam để điều tra).
Vụ việc gian lận thi cử ở Sơn La không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn gây dư luận xấu, giảm uy tín của tỉnh Sơn La nói riêng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và chất lượng thi THPT năm 2018 trên cả nước nói chung, theo quan điểm của Luật sư Dương Hường: Vụ án hiện nay đã được khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự (mức hình phạt cao nhất phạt tù từ 10 năm đến 15 năm), chưa có quyết định khởi tố bị can.
Khi xác định vị trí, vai trò, hành vi của các đối tượng liên quan đến vụ án có dấu hiệu của tội danh gì thì sẽ bị khởi tố bị can về tội danh đó. Nếu các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thực hiện việc gian lận thi cử vì vấn đề tài chính thì có thể phạm vào tội “Tội nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự (mức hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình) và/hoặc “Tội giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự (mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm).
“Người môi giới chạy điểm có thể bị khởi tố về “Tội môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365 Bộ luật hình sự. Việc xử lý phụ thuộc vào quá trình tố tụng như đã trao đổi ở trên. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất của tội môi giới hối lộ là bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm với trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên” Luật sư Dương Hường nói.
VOV