Nuôi ốc hương, hải sâm: Ngư dân Quảng Ngãi thu lãi tiền tỷ

0
2356

Để khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa mô hình nuôi ốc hương và hải sâm ở vùng cát ven biển, bước đầu cho hiệu quả tích cực.

-Quảng Cáo-

Huyện Mộ Đức là nơi có diện tích nuôi tôm trên cát lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây, nhiều gia đình khá giả nhờ nuôi tôm. Thế nhưng, sau những năm đầu ăn nên làm ra, người nuôi tôm mở rộng diện tích, không theo quy hoạch dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, tôm dịch bệnh chết hàng loạt. Thua lỗ liên miên nên nghề nuôi tôm trên cát ở đây cũng lụi tàn theo. Để khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản ven biển, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa nhiều loài hải sản mới vào thả nuôi và bước đầu đã cho hiệu quả tích cực. Trong đó, mô hình nuôi ốc hương và hải sâm ở vùng cát ven biển là điển hình.

Nuôi hải sâm, ốc hương đang là hướng đi mới của ngư dân Quảng Ngãi
 

Những hồ nuôi tôm bỏ hoang nhiều năm ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi giờ đang “sống” lại. Âm thanh của những chiếc máy sục khí lại vang lên. Hàng chục hồ nuôi tôm vừa được cải tạo, che lưới, xử lý kỹ thuật ao nuôi và môi trường nước để thả ốc hương và hải sâm.

Anh Nguyễn Hưng, ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đang rất háo hức với công việc mới sau nhiều năm bỏ hồ vì nuôi tôm thất bại. Anh Hưng chia sẻ, khác với nuôi tôm phải đóng giếng khoan, lấy nước ngầm rồi đem trung hòa với nước biển, việc nuôi ốc hương, hải sâm chỉ lấy nguồn nước biển bơm từ ngoài biển vào hồ. Hồ được chia thành hai ngăn, phía sát bờ để nuôi hải sâm, còn bên trong dành nuôi ốc hương. Sau 2 tháng thả nuôi ốc hương và hải sâm, hai loài này  đang phát triển khá tốt đã mở ra nhiều hi vọng mới cho những người như anh Hưng.

Anh Dương Văn Đồng, thôn Dương Quang, xã Đức Thắng là hộ có thâm niên trong nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Những năm trước khi con tôm cho giá trị kinh tế cao, anh không ngần ngại dồn vốn vào đầu tư. 

Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi nên hiệu quả nuôi tôm ngày càng kém. Cách đây 3 năm, anh quyết định chuyển hướng từ nuôi tôm sang ốc hương. Ban đầu anh kết hợp nuôi ốc hương với tôm, mật độ 1 triệu con ốc hương thả cùng 5 vạn con tôm trên diện tích hồ rộng 1.800m2.

Sau 9 tháng chăm sóc, anh thu được 4 tấn ốc, với giá bán thị trường hiện nay là 240.000 đồng/kg, trừ chi phí anh lãi 560 triệu đồng. Sau thành công ban đầu, anh Đồng mạnh dạn nhân rộng lên diện tích 6.000 m2, chia thành 3 ao nuôi lớn nhỏ. 

Đến nay, anh nuôi được 4 lứa ốc và thu lãi tiền tỷ. Nắm bắt được cơ hội này, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng xã Đức Thắng học theo anh chuyển sang nghề nuôi ốc hương. 

Nuôi ốc hương và hải sâm là mô hình mới nằm trong chương trình khuyến nông của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Huyện đã đầu tư 214 triệu đồng và chọn 4 nhóm hộ nuôi trên diện tích mặt hồ rộng 4000m2. Mật độ thả nuôi 200 con ốc hương/m2 và 2.500 con hải sâm. Hai loài này có sự hỗ trợ cho nhau trong việc thả nuôi, góp phần ổn định môi trường nuôi trong hồ vì loài hải sâm ăn thức ăn thừa của ốc hương.

Ông Nguyễn Ngọc Tưởng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Sau nhiều năm nuôi tôm thất bại, huyện có chủ trương tìm vật nuôi thay thế. Sau đó đã làm việc với Trung tâm 3 ở Nha Trang và đưa ốc hương nuôi kết hợp với hải sâm. Mục đích của hải sâm là  tạo môi trường tốt cho con ốc hương”.

Chuyện thả nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm mở ra hướng đi mới cho vùng nuôi thủy sản trên cát ở huyện Mộ Đức. Việc này xuất phát từ thực tế, sau khi nuôi tôm thất bát nhiều năm, một số hộ chuyển sang nuôi ốc hương kết hợp với cá dìa ở xã Đức Thắng và đã thành công.

Ông Vũ Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Mô hình này thành công thì huyện sẽ nhân rộng ra toàn bộ diện tích trên địa bàn của huyện. Huyện sẽ đặt vấn đề với đơn vị thu mua sản phẩm ký kết hợp đồng một cách bền vững và bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm”.

Nuôi thủy sản trên vùng đất cát là một lợi thế của các địa phương ven. Tuy nhiên, bài học về nghề nuôi tôm trên cát vẫn còn hiện hữu. Trong đó, yếu tố môi trường vùng nuôi phải được chú trọng để ngăn ngừa dịch bệnh giúp cho nghề nuôi phát triển bền vững.

Anh Tú