“Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”
— Ai tư vãn – Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân —
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Hoàng đế Quang Trung (1753 – 1792) được tôn vinh như một người anh hùng xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, đánh giặc ngoại xâm, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh theo về phò tá.
Bằng thiên tài quân sự của mình, ông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân Xiêm La ở phía Nam, đại phá quân Thanh ở phía Bắc khiến cho lũ giặc xâm lược phải kinh hồn táng đởm, giúp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Bài viết tập trung vào 3 ý chính:
|
Vua Quang Trung từng hào sảng tuyên ngôn nâng cao sĩ khí tướng sĩ bằng bài Hịch ra trận hào hùng khi tiến quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho chúng chích luân bất phản
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”
Công lao khai phá bờ cõi phương Nam của các Chúa Nguyễn
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê lập ra nhà Mạc, khiến con cháu vua Lê phải mai danh ẩn tích. Năm 1533, Nguyễn Kim – một bậc trung thần và tướng tài của nhà Lê đã theo phò tá và lập Lê Trang Tông (con của vua Lê Chiêu Tông) lên ngôi. Nhà Lê trung hưng dưới sự lãnh đạo của danh tướng Nguyễn Kim ngày càng kết nạp nhiều binh hùng tướng mạnh. Vua Lê Trang Tông giao hết binh quyền cho Nguyễn Kim và phong ông làm Thái sư. Nguyễn Kim gả con gái cưng đầu lòng là tiểu thư Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm là một kẻ nhiều dã tâm và đầy tham vọng.
Năm 1545, Dương Chấp Nhất – quan nội thị, tổng trấn triều Mạc Đăng Doanh dùng kế “trá hàng”, sát hại Nguyễn Kim bằng rượu độc. Con rể ông là Trịnh Kiểm lên thay. Hai người con trai của ông là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng đều là bậc anh tài, lập được nhiều công lao đánh giặc Mạc với triều đình, làm nên chức Quận công. Vì lo sợ trước sức ảnh hưởng ngày càng lớn của hai người em vợ, nhằm cướp trọn binh quyền, Trịnh Kiểm đã hèn hạ lập âm mưu đầu độc giết Nguyễn Uông, thao túng triều đình nhà Lê, làm đến chức Thái sư.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng lo sợ bị người anh rể độc ác Trịnh Kiểm sát hại nên xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa nằm bên kia đèo Ngang theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại am Bạch Vân. Lời sấm nổi tiếng đó vẫn lưu truyền đến ngày nay: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Trịnh Kiểm lòng dạ hiểm độc cho rằng đất ấy xa xôi, hoang vu, hiểm trở nên đồng ý cho đi, nhằm mục đích mượn tay quân Mạc giết chết Nguyễn Hoàng.
Tuy nhiên, không những đánh bại quân Mạc, Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng còn lấy được lòng dân Thuận Hóa (khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ngày nay). Thuận Hóa là địa phận của hai châu Ô, Lý mà xưa kia là quận Ulik của Chiêm Thành. Vùng đất rộng lớn Ulik là quà sính lễ của Vua Chiêm Thành Chế Mân dâng lên Vua Trần Anh Tông để cưới Công chúa Huyền Trân về làm vợ.
Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng nam tiến
Mảnh đất đầu tiên Nguyễn Hoàng dừng chân ở lại có tên là Ái Tử, thuộc huyện Đăng Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Với sự phò tá của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, ông bắt đầu thu phục nhân tâm, rộng ban ơn đức, thi hành chính sách giảm sưu hạ thuế cho nhân dân, chiêu mộ anh hùng hào kiệt từ khắp mọi nơi để khởi nghiệp mở cõi phương Nam. Xứ Đàng Trong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sĩ nông công thương an cư lạc nghiệp, hoạt động ngoại thương phát triển mạnh mà tiêu biểu là Hội An – thương cảng quốc tế lớn nhất Đông Nam Á thời đó. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng được người dân Đàng Trong tôn xưng là bậc minh quân thánh chúa.
Nguyễn Ánh là trực hệ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Từ khi Chúa Nguyễn Hoàng cai trị phương Nam rồi tiếp đến là Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tấn, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Thụ, Nguyễn Phúc Khoát, nhìn chung họ đều là những minh vương.
Các Chúa Nguyễn đã phát triển nền kinh tế và nền văn hoá của các vùng phía nam mà các thế kỷ trước đó vẫn nằm trong tình trạng lạc hậu hoặc luôn bị sự khống chế của ngoại bang là Chân Lạp (Campuchia) và Xiêm La (Thái Lan). Các thế lực bản địa như Vương quốc Phù Nam, Vương quốc Chămpa tức Chiêm Thành đều được quy về một mối trong lãnh thổ Đàng Trong dưới sự điều hành của Nhà Nguyễn. Sự lớn mạnh về chính trị, quân sự, và kinh tế của Nam Bộ gắn liền với lịch sử tồn tại của chính quyền trung ương tập quyền Chúa Nguyễn.
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người đã vào Nam gây dựng cơ đồ Nhà Nguyễn, khai phá bờ cõi phương Nam
Từ năm 1627, trong 46 năm ròng rã, cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh diễn ra triền miên khiến nhân dân 2 miền khốn khổ. Cả 2 thế lực họ Trịnh và họ Nguyễn đều mang danh nghĩa “phù Lê diệt Mạc” và thề trung thành với triều Hậu Lê để lấy lòng thiên hạ. Sau khi nhà Mạc bị đánh đổ, cả Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đều gây dựng thế lực cát cứ cho riêng mình, vua nhà Hậu Lê đã mất thực quyền vì sự lộng hành ngang ngược, tàn ác của họ Trịnh nên không ngăn chặn được cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai nhà Trịnh – Nguyễn. Do đó, nước Đại Việt trong giai đoạn này bị chia cách bởi Sông Gianh hơn 150 năm.
Càng về sau, nội bộ triều Nguyễn càng trở nên rối ren do sự do sự lộng quyền của Trương Phúc Loan, cộng thêm sự cùng khổ của dân nghèo và sự ăn chơi xa hoa, đua nhau hưởng lạc của giai cấp thống trị Đàng Trong. Tất cả các nhân tố ấy đã tạo điều kiện cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn giành thắng lợi và được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân Đàng Trong.
Phong trào khởi nghĩa Tây Sơn
Thuở nhỏ, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đã có tiếng trí dũng hơn người, được biết đến với tên gọi “Tây Sơn tam kiệt”. Tổ tiên của họ thuộc dòng dõi họ Hồ ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vào giữa thế kỷ XVII, họ theo quân Chúa Nguyễn vào Đàng Trong lập nghiệp, đổi sang họ Nguyễn. Họ lên huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh (năm 1742 đổi thành Quy Nhơn), khai phá đất hoang lập ra ấp Tây Sơn, nay thuộc hai thôn An Khê và Cửu An, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Kể từ đời ông nội của Nguyễn Huệ thì cả gia đình không theo nghề nông mà chuyển sang nghề buôn trầu và làm ăn phát đạt. Lớn lên, anh em nhà Nguyễn Huệ đều được thụ giáo văn ôn võ luyện với thầy Trương Văn Hiến.
Họ là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn giúp chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh triền miên giữa hai tập đoàn phong kiến Chúa Trịnh ở miền bắc và Chúa Nguyễn ở miền nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng Ngoài – Đàng Trong, dân tình li loạn kéo dài suốt 2 thế kỷ.
Thời bấy giờ, nước Việt chia làm hai, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Từ sông Gianh ra Bắc là đất của vua Lê-chúa Trịnh (Đàng Ngoài); còn phía Nam là bờ cõi do các Chúa Nguyễn cai trị (Đàng Trong).
Tuy các Chúa Nguyễn có công lớn khai phá mở rộng lãnh thổ bờ cõi phương Nam, càng về sau, nhà Nguyễn càng thi hành các chính sách sưu cao thuế nặng đánh vào dân nghèo. Bên cạnh đó, cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn và sự xa hoa, đua nhau hưởng lạc của giai cấp thống trị Đàng Trong khiến đời sống nhân dân ngày càng cơ cực, dẫn tới phong trào nông dân khởi nghĩa bùng nổ mạnh mẽ và rộng khắp, trong đó nổi bật là phong trào của nông dân Tây Sơn.
Năm 1771, lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Nhà Nguyễn, lấy danh nghĩa phù trợ Hoàng Tôn Nguyễn Phúc Dương chống lại quyền thần Trương Phúc Loan chỉ lo vơ vét làm giàu khiến dân nghèo Đàng Trong cực khổ oán thán, Nguyễn Nhạc dấy binh khởi nghĩa, xây dựng căn cứ chống chúa Nguyễn ở Tây Sơn.
Thời đó, dân gian lưu truyền lời sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Vì thế, nhiều người tin tưởng việc anh em Tây Sơn dấy binh là đúng ý Trời. Nhờ đó, nghĩa quân nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhân dân, thu hút nhiều tướng tài như Nguyễn Thung, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng v.v. Lực lượng Tây Sơn không những đánh đâu thắng đó mà còn nổi tiếng là bình đẳng, bình quyền, không tham ô của dân, lấy của người giàu chia cho người nghèo.
Năm 1777 quân Tây Sơn trừ khử được quyền thần Trương Phúc Loan, chiếm được Gia Định liền giết hết hoàng tộc Chúa Nguyễn, kể cả chúa Nguyễn Phúc Dương – người mà Tây Sơn có khẩu hiệu phò tá ban đầu để thu phục sự ủng hộ của nhân dân Đàng Trong. Nhà Tây Sơn từ chỗ bị dồn về Quy Nhơn đã chủ động giành lại không những Nam Trung Bộ mà cả Nam Bộ, tiêu diệt chính quyền chúa Nguyễn. Chỉ có chúa Nguyễn Ánh (Nguyễn Phúc Ánh) đã chạy thoát, lưu lạc nhiều nơi và lãnh đạo quân Nguyễn chống chọi liên tục với Tây Sơn trong 25 năm tiếp theo.
Năm 1778, sau khi Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Thái Đức, Nguyễn Huệ được phong làm Long Nhương tướng quân. Ông là chỗ dựa vững chắc cho triều Tây Sơn nhờ tài năng quân sự, thao lược hơn người.
Liên tục các năm 1776, 1777, 1778, 1782, 1785, năm lần quân Tây Sơn tiến công vào thành Gia Định. Cả năm lần quân Nguyễn đều thất bại, lực lượng bị tan rã phải chạy trốn ra các hải đảo, sống lưu vong bên đất Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay). Chính quyền Nhà Nguyễn cát cứ trên 200 năm bị đánh đổ. Phong trào Tây Sơn đã giải phóng hầu hết đất Đàng Trong.
Trận Rạch Gầm – Xoài Mút đại phá quân Xiêm La
Tháng 2 năm 1784, Nguyễn Ánh (Nguyễn Phúc Ánh) chạy sang Xiêm La cầu kiến vua Xiêm là Chất Tri (Chakri, Rama I) tại Vọng Các (Bangkok). Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiếc thuyền sang giúp. Ngoài ra còn có 3 vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp (Campuchia) với danh nghĩa giúp vua Chân Lạp, nhưng thực chất ý đồ là nhằm tạo gọng kìm phía tây, chờ cơ hội tiêu diệt quân Tây Sơn.
Quân Xiêm nhanh chóng chiếm được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc, ra tay cướp phá bừa bãi khiến lòng dân căm phẫn. Tướng Tây Sơn giữ đất Gia Định là phò mã Trương Văn Đa, thấy quân Xiêm thế lực mạnh, bèn cố thủ tại Gia Định và sai người về Quy Nhơn cấp báo. Vua Tây Sơn sai Nguyễn Huệ đem binh vào chống giữ.
Đêm 19 rạng sáng 20 tháng 1 năm 1785, Nguyễn Huệ lãnh đạo đại quân đánh tan quân Xiêm La trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút, lệnh quân sĩ giả vờ thua, nhử địch vào trận mai phục, tiêu diệt hai vạn quân địch. Sau trận đánh này, quân Xiêm khiếp đảm, “sợ Tây Sơn như sợ cọp”.
Tấn công Đàng Ngoài, lật đổ Chúa Trịnh
Sau đó, Nguyễn Huệ tiến quân ra Đàng Ngoài, dẹp tan quân của chúa Trịnh vốn là một triều đại bạo ngược, thối nát, mục ruỗng, ăn chơi xa hoa dâm dật, và trao trả quyền chính cho vua Lê Hiển Tông. Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long yết kiến vua Lê, cấm quân lính cướp phá nhân dân. Ông đem các tướng vào lạy và dâng sổ quân sĩ, dân đinh để tỏ rõ mục đích tôn phù nhất thống, nghĩa là từ đó về sau nhà Lê có quyền tự chủ. Vua Lê phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên Soái Uy Quốc Công, gả Ngọc Hân Công Chúa cho ông.
Tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Hoàng Tôn là Duy Khiêm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Lê Chiêu Thống. Đây là vua thứ 16 và cũng là vua cuối cùng của nhà Lê trung hưng.
Mâu thuẫn sâu sắc giữa anh em nhà Tây Sơn
Ít lâu sau khi Lê Chiêu Thống lên ngôi, Nguyễn Huệ dẫn công chúa Ngọc Hân trở về Nam. Theo Việt Nam sử lược, Nguyễn Nhạc xưng đế hiệu là Thái Đức, đóng đô ở Quy Nhơn, đồng thời phong vương cho 2 người em; phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định; phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất Thuận Hóa đến đèo Hải Vân.
Mâu thuẫn giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc ngày càng lớn. Vua Tây Sơn vốn không có ý đánh ra Bắc Hà, chỉ muốn chiếm Nam Hà; việc Nguyễn Huệ đánh Bắc Hà là trái ý Nguyễn Nhạc, lại thấy Nguyễn Huệ ở Bắc Hà lâu quá sau khi thắng nên Nguyễn Nhạc đâm ra lo sợ việc khó kiềm chế được Nguyễn Huệ. Năm 1787, 2 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đánh nhau nhiều trận dữ dội rồi lại giảng hòa vì nể tình anh em.
Lưỡng đầu thọ địch
Ở Bắc Hà, chúa Trịnh đã sụp đổ, vua Lê Chiêu Thống nắm được quyền bính nhưng bất tài, nhu nhược, phải dựa vào thế lực của Đại tư đồ Nguyễn Hữu Chỉnh. Nắm được uy quyền cao ở triều đình, Nguyễn Hữu Chỉnh tỏ ra chuyên quyền, muốn chống lại Tây Sơn.
Giữa lúc đó, Nguyễn Ánh trở lại miền Nam, chiếm được thành Gia Định. Trong con mắt của các thế lực đại địa chủ, thương nhân thành Gia Định đương thời thì Nguyễn Ánh và các Chúa Nguyễn mới thực sự là người đại diện chân chính cho miền Nam. Họ ra sức che chở bảo vệ Nguyễn Ánh.
Trước tình hình Nam, Bắc đều có biến, Nguyễn Huệ quyết định giải quyết vấn đề phía bắc trước. Ông phái Vũ Văn Nhậm, con rể của Nguyễn Nhạc, ra tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Hoàng gia họ Lê phải chạy trốn khỏi kinh thành. Tháng 4 năm 1788, Lê Chiêu Thống bỏ kinh đô, chạy sang lưu vong bên Trung Quốc, cầu viện nhà Thanh. Hoàng đế nhà Thanh là Càn Long sai Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân đánh vào Đại Việt.
Khi nghe tin quân Thanh giúp Lê Chiêu Thống đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh ở phía nam cũng sai tùy tướng mang thư và chở 50 vạn cân gạo ra giúp cho quân Thanh, nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết.