“Ngành thuế sẽ không bao giờ phải tính đến phương án tận thu, vặt sạch lông vịt nếu chúng ta giải quyết được những lãng phí khủng khiếp này”.
“Chiếc chảo rang dư luận” nóng bỏng về dự thảo đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng, vô tình làm bật ra rất nhiều góc khuất giật mình.
Ngồi nhầm chỗ
Nếu ai đó cần một lời khuyên để không lạc lõng khi đến nước Nhật, thì đó sẽ là: “Đừng lãng phí bất cứ thứ gì dù đó chỉ là một hạt cơm. Nếu không bạn sẽ bị đánh giá là người không biết tôn trọng”.
Trong tiếng Nhật, từ “Mottainai” được dùng để biểu lộ sự hối hận khi lãng phí hoặc cảm giác hối tiếc khi thấy một vật hay tài nguyên bị lãng phí.
Khi người Nhật biến việc xếp hàng thành kỷ luật và văn hóa, họ ý thức rất rõ rằng mình không thể cướp chỗ đứng và lãng phí thời gian của người khác.
Còn ở Việt Nam thì sao?
Trước tiên hãy bàn chuyện lãng phí chỗ ngồi.
— Trưởng Ban tổ chức TƯ Phạm Minh Chính đã có một phát biểu rất đáng chú ý: “Nếu chúng ta giảm chi thường xuyên khoảng 1%, cả nước sẽ tiết kiệm được 10.000 tỷ”.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể giảm chi thường xuyên lớn hơn nhiều, nếu bộ máy cồng kềnh được tinh giảm.
Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, mỗi năm từ nay đến 2021, chúng ta cần giảm biên chế khoảng 35.000 – 40.000 người/năm.
Phó tổng Kiểm toán Đoàn Xuân Tiên mới đây, đã đưa ra một con số biết nói: Chỉ qua những hoạt động chuyên môn, cơ quan này đã phát hiện thừa tới 57.175 người trong biên chế tại các cơ quan năm 2017.
Thế nhưng, đến giữa 2017 vẫn có tới 20/22 Bộ, ngành gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ đề xuất tăng biên chế; 11 địa phương không chịu tinh giản mà còn sử dụng vượt 7.951 biên chế được Bộ Nội vụ giao.
Việc Sở LĐ-TB-XH Hải Dương có 46 công chức thì 44 người là lãnh đạo cấp phó phòng trở lên, không còn là câu chuyện hiếm trong xã hội mà người ta quá quen với nhiều thứ không thể chấp nhận nhưng vẫn có đất tồn tại.
5 năm trước, Phó Chủ tịch nước đã phải kêu lên: “Dân nộp thuế cho ta ngồi đây. Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi, làm việc không hiệu quả thì có lỗi với dân. Cái gì giờ cắt được thì mạnh dạn cắt”.
Nếu mạnh dạn cắt 400.000 biên chế đến năm 2021 như kế hoạch, chúng ta sẽ dôi ra một khoản ngân sách khổng lồ, để không phải tung ra các phương án tận thu chao đảo dư luận.
Bóng tối dưới chân ghế và câu hỏi: Thua trận sao vẫn nguyên chức?
Nhưng chuyện lãng phí chỗ ngồi, không chỉ diễn ra đối với những công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về, mà chắc chắn còn ở những chiếc ghế có quyền lực.
Đương nhiên sự lãng phí từ những chiếc ghế này còn khủng khiếp gấp nhiều lần bình thường. Khi người yếu kém và thiếu trách nhiệm ngồi nhầm chỗ, cả một guồng máy sẽ đình trệ và người tài cũng rồi cũng hỏng hóc.
Một doanh nhân lớn ở lĩnh vực hạ tầng, người căm ghét sự ì chệ và cửa quyền nói với tôi rằng: Nhiều người tham ô, gây thất thoát đều đã vô lò, đang phải đối mặt với bản án của lương tâm và pháp luật. Nhưng còn có một “mảng tối dưới chân ghế” của rất nhiều vị – mảng tối gây thiệt hại cho đất nước thậm chí còn nhiều hơn tham nhũng – thì lại chưa ai rờ đến.
Vị doanh nhân này khẳng định: Chỉ riêng trong lĩnh vực giao thông thôi, đã có thể thấy sự chậm trễ, việc không quy được trách nhiệm, đã lãng phí khủng khiếp đến thế nào.
“Trong việc làm đường giao thông, có một chi tiết rất đắt nhưng người ngoài ngành không biết hoặc không để ý: Nếu là đường tư nhân làm (BOT), họ sẽ không thảm làn đường dừng khẩn xe cấp, để tiết kiệm hợp lý tiền đầu tư, cũng là tiết kiệm tiền phí cho dân.
Nhưng nếu là đường nhà nước thì ngược lại. Ai cũng biết, nếu tổng mức đầu tư một dự án càng lớn, dân thì è cổ, nhưng có thể ai đó càng được lợi, dại gì không làm”.
Rất dễ để biết trách nhiệm của những người quản lý, nếu soi chiếu họ qua sự thành công hay thất bại của một dự án.
— Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, tăng tổng mức đầu tư thêm 339,1 triệu USD nhưng vẫn về đích chậm tới 1 năm. Sự đội vốn khổng lồ này khiến mỗi năm Việt Nam phải trả Trung Quốc tới 650 tỉ tiền vay.
Chẳng lẽ không ai chịu trách nhiệm? Vị nào được giao quản lý chính? Ai chọn tổng thầu làm ăn be bét?
— Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đội vốn gần gấp đôi, tăng thêm gần 20.000 tỉ đồng, có ai phải xem xét trách nhiệm?
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (Tiền Giang) khởi công năm 2009, sau 9 năm đến nay mới thi công khoảng 3% khối lượng công trình. Ai phải chịu trách nhiệm?
Suốt 8 năm qua, kể từ khi thông xe đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, việc triển khai xây các đoạn cao tốc nối với đường này (Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ) vẫn chậm như sên bò. Ai phải chịu trách nhiệm?
Sau gần 10 năm giải phóng mặt bằng và hơn 3 năm kể từ ngày khởi công, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dù là dự án trọng điểm quốc gia, thì đến nay đoạn tuyến qua địa bàn Quảng Ngãi vẫn chưa thể thông xe kỹ thuật.
Ai phải chịu trách nhiệm hay vẫn ngồi nguyên ghế?
Nếu đổ thừa “ở Việt Nam nó vậy” thì tại sao vẫn có những dự án người Việt thực hiện về đích sớm, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng?
Ngày xưa, lý do để Hồ Chủ tịch phong chức Đại tướng cho một người không kinh qua trường lớp quân sự như ông Võ Nguyên Giáp, rất rõ ràng: Ai đánh thắng Đại tá thì phong Đại tá, đánh thắng Thiếu tướng thì phong Thiếu tướng, đánh thắng Đại tướng thì phong Đại tướng…
Trong công cuộc nhóm và đốt lò, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một thông điệp rất hay: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu 4, nguyên ĐBQH 3 khóa, có một câu chuyện rất hay về chuyện “dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Khi thấy Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười than rằng: “Có tình trạng trên bảo dưới không nghe, Thủ tướng nói mà vài bộ trưởng không thực hiện”, ông Thước thẳng thắn:
“Thưa anh Mười, tôi làm Tư lệnh quân khu, tôi nói mà các Sư trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Nếu tôi không thể cách chức được họ, thì tôi sẽ xin từ chức.
Anh nên cách chức Bộ trưởng không nghe đó. Nếu không cách chức được thì anh nên từ chức…”.
Theo nguyên lý ấy, tinh thần ấy, những vị có ghế nhưng chuyên đánh thua trên mặt trận quản lý – kinh tế, cần phải bị xem lại chiếc ghế của mình.
Nếu không làm minh bạch điều này, những trận thua đau về quản lý – kinh tế của các vị “tướng tồi” ấy sẽ tiếp tục làm tổn hại đất nước.
Vặt lông vịt và tiếng kêu của con vịt
Dự thảo đánh thuế nhà trị giá hơn 700 triệu của Bộ Tài Chính đang làm dậy sóng dư luận.
Nếu tính thuế theo bảng giá đất quy định (chứ không theo giá trị trường) thì mức nộp thuế, có thể nói không quá lớn. Ví dụ ai sở hữu căn hộ chung cư 80m2 ở mặt đường Lê Văn Lương, Hà Nội, thì sẽ không phải nộp thuế.
Nhưng sự lo lắng còn đến từ góc độ khác: Lâu nay, có cảm giác ngành thuế tìm rất nhiều cách để tận thu. Và đáng báo động hơn là sự tận thu ấy lại nhắm nhiều vào tầng lớp có đời sống thấp của xã hội.
Một chuyên gia kinh tế đã có ví von dậy sóng: Thu thuế như vặt lông vịt, nhưng làm sao để nó kêu ít nhất, không kêu toáng lên.
Trong một thế giới phẳng, các con vịt đã thông minh lên rất nhiều và biết kêu toáng khi bị xâm hại.
Mấy năm trước, chị Nguyễn Thị Mỹ Nh. (40 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chấp nhận tự tử để lấy tiền phúng điếu cho con ăn học.
Cũng trong thời điểm này, dự án ngọt hóa Cà Mau 1.400 tỉ phá sản hoàn toàn và khoản vay khổng lồ này được “thừa kế” cho người dân Cà Mau, trong đó có con chị Nh.
Nếu những dự án ngàn tỉ kia không trôi sông trôi bể, chị Nh hoàn toàn có thể tiếp tục sống và các con chị vẫn sẽ đến trường dù không có tiền phúng điếu. Chị Nh chết, dự án chết, nhưng đã có ai mất ghế?
Khi tìm đến sợi dây treo cổ, chị Nh không kêu lên một tiếng nào.
Khi một con vịt bị vặt sạch lông mà không thể kêu một tiếng nào, chắc chắn con vịt ấy không thể sống. Tận thu là tận diệt. Ngược lại, nếu tận diệt được lãng phí kinh tế, lãng phí chỗ ngồi, lãng phí ghế, lãng phí chất xám, thì đâu cần phải tận thu.
Chỉ cần vịt còn sống, vịt sẽ đẻ trứng. Vịt càng được chăm sóc tốt, trứng càng to và nhiều. Vịt không tự ăn trứng của mình, dĩ nhiên người nuôi được hưởng.
Ngay cả người nông dân ít học nhất cũng biết điều đó, tại sao một số người khác lại không biết nhỉ?