Ông Phan Văn Vĩnh bị khởi tố như thế nào?

0
1998

Công an Phú Thọ thông báo, ông Phan Văn Vĩnh khi còn là Tổng cục trưởng Cảnh sát đã giúp hai bị can tổ chức đường dây đánh bạc.

-Quảng Cáo-

“Cơ quan điều tra có đầy đủ chứng cứ để xác định ông Vĩnh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trợ giúp hai bị can trên”, thông báo của Công an Phú Thọ nêu.

Bộ Công an cho hay ông Vĩnh đã bị tước quân tịch, khởi tố theo điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khung hình phạt truy tố từ 10 đến 15 năm tù.

Với gần 90 người bị khởi tố tại vụ án đánh bạc trực tuyến trên, trong đó có hai cựu công an cấp tướng, nhà chức trách cho hay vụ án vẫn tiếp tục được mở rộng điều tra. 

Ông Phan Văn Vĩnh khi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ảnh: Công an nhân dân

Theo Bộ Công an thời gian qua, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, nhiều tổ chức, cá nhân đã lập các đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến qua hình thức cá độ hoặc trò chơi có tính chất cờ bạc (còn gọi là game bài).

Đường dây đánh bạc trực tuyến do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành thông qua hai cổng Rikvip/Tip.club đã thu hút được gần 43 triệu tài khoản trên hệ thống game trực tuyến. Đây được đánh giá là mạng lưới trò chơi cờ bạc trá hình có quy mô và doanh thu lớn nhất Việt Nam.

Game bài Rikvip bắt đầu hoạt động từ ngày 18/4/2015, gồm 42 trò mô phỏng các hình thức đánh bạc, hoạt động trái phép thông qua website rikvip.com, rikvip.vn; từ tháng 8/2016 đổi tên thành Tip.club và dưới dạng các ứng dụng cho điện thoại và máy tính.

Để tham gia, người chơi tạo tài khoản và nạp tiền mua điểm ảo trong game, gọi là RIK, thông qua nạp thẻ viễn thông, nạp thẻ game, nạp từ tài khoản ngân hàng hoặc mua trực tiếp qua hệ thống đại lý.

Công an khám nhà ông Vĩnh ở TP Nam Định xuyên đêm, đưa nhiều thùng tài liệu ra ngoài. Ảnh: Bá Đô

Sau khi thắng – thua, họ có thể quy đổi RIK thành tiền, thông qua bán cho đại lý hoặc hiện vật có giá trị là mã thẻ viễn thông, mã thẻ game, nạp tài khoản điện thoại, thông qua các cổng trung gian thanh toán.

Đường dây này lập ra hệ thống đại lý nhiều cấp, gồm 25 đại lý cấp một và 5.852 đại lý cấp 2, trên toàn quốc để nạp, rút tiền chơi bạc; việc giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt hoặc qua ngân hàng.

Tính từ 2015 cho đến khi đường dây triệt phá Dương và Nam hưởng lợi trên 3.200 tỷ đồng. Các người chơi được trả thưởng tổng cộng trên 2.600 tỷ đồng, các nhà mạng trung gian cung cấp thẻ và thanh toán trực tuyến hưởng lợi khoảng 1.600 tỷ đồng.
 

Ông Phan Văn Vĩnh từng nổi tiếng với những chiến công gì

Trước khi chuyển công tác về Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh từng là Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, được ghi nhận là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chỉ đạo phá nhiều băng nhóm tội phạm trong giai đoạn 1980-1990.

Thời gian làm lãnh đạo ở Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh được biết đến khi chỉ đạo điều tra nhiều vụ thảm án và các vụ án kinh tế lớn.

Vụ án Lê Văn Luyện giết người, cướp tài sản xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) vào ngày 24/8/2011. Nhận tin vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con 18 tháng tuổi bị sát hại, chỉ nạn nhân 9 tuổi duy nhất sống sót nhưng sức khoẻ nguy kịch, ông Vĩnh lập tức cùng thuộc cấp tới hiện trường.

Sau khi xác định danh tính kẻ gây án, cũng là lúc ban chuyên án biết Lê Văn Luyện đã bỏ trốn, ông Vĩnh chỉ đạo huy động hàng nghìn cán bộ cảnh sát nhiều tỉnh lân cận Bắc Giang cùng tham gia vây bắt. Bốn ngày sau, Luyện bị bắt. Ông là người đầu tiên hỏi cung.

Năm 2010, trong đại án kinh tế liên quan ông Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên) cùng đồng phạm, trước nghi ngại về “vùng cấm” khi điều tra, ông Vĩnh thông báo: “Với tư cách Trưởng ban chuyên án, tôi khẳng định không chịu bất kỳ sức ép nào”.

Đánh giá về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gây thiệt hại đến 4.600 tỷ đồng, ông Vĩnh nhận định: “Đây là những con số rất đau xót trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn”.

Năm 2015, ông Vĩnh tiếp tục là Trưởng ban chuyên án điều tra vụ thảm án gia đình sáu người ở Bình Phước. Trao đổi với báo giới, ông cho biết Bộ Công an huy động hàng nghìn điều tra viên cả nước tham gia, triệu tập người đứng đầu 10 tỉnh trực tiếp đến hiện trường.

“Vụ án đối với chúng tôi là một áp lực. Tôi lo nghĩ trăn trở nhiều lắm”, ông trải lòng lúc đó.

Những lãnh đạo cao cấp của Tổng cục Cảnh sát như trung tướng Triệu Văn Đạt (Phó tổng cục trưởng), thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng Cảnh sát hình sự), thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng cùng ông đã trực tiếp xem xét cụ thể dấu vết hiện trường. Các vị tướng làm việc liên tục, ở liền trong cơ quan không về nhà trong nhiều ngày với quyết tâm “làm sao lưới trời được căng ra ở tất cả các nơi, sớm điều tra ra thủ phạm”.

 Vnexpress
 
guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận