Sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội phải ăn cơm canh thừa bữa trước, có sâu, phân chuột

0
124

Những mâm cơm của sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội học giáo dục quốc phòng nhìn có vẻ đầy đủ nhưng cơm và canh lại bị quay vòng, bữa trước thừa dùng cho bữa sau, phát hiện nhiều dị vật như sâu, phân chuột trong thức ăn.

-Quảng Cáo-

Thời gian gần đây, đường dây nóng của Chuyển động 24h liên tiếp nhận được phản ánh của nhiều sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội về chất lượng bữa ăn trong 2 tuần học giáo dục quốc phòng. Theo các sinh viên, ngoài cơm và canh bị quay vòng, bữa trước ăn thừa dùng cho bữa sau, các sinh viên còn phát hiện có nhiều dị vật bất thường trong thức ăn.

18h, tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, hơn 500 sinh viên của Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh đã xếp hàng sẵn sàng, chuẩn bị đi ăn tối. Theo quy định, tất cả những sinh viên năm thứ nhất của Đại học Bách Khoa Hà Nội đều phải học giáo dục quốc phòng. Trong vòng 2 tuần, các bạn sinh viên này sẽ phải nộp 1.630.000 đồng chi phí ăn ở tập trung. Đều đặn ngày 3 bữa, các đơn vị hành quân từ khu nhà ở đến nhà ăn A15, nơi tầng 2 của khu nhà này dành riêng cho sinh viên giáo dục quốc phòng.

Trên bàn, hàng trăm suất cơm đã được chuẩn bị sẵn, thế nhưng chỉ có những sinh viên của 3 đại đội được giao nhiệm vụ chia cơm cho các bạn mới biết rằng, phần lớn đây là cơm thừa từ các bữa ăn của một trung đội đã ăn trước đó khoảng 1 giờ. Các sinh viên này có nhiệm vụ thu gom cơm thừa trong bát của từng bàn, trộn đều, đổ vào khay, sau đó nhân viên của nhà ăn đổ số cơm thừa này vào thùng đựng cơm chung và tiếp tục chia cho các đơn vị đến ăn sau.

”Khi các bạn trực nhà ăn định đem cơm đó đổ đi thì bác ấy ngăn lại, và bác ấy dồn hết vào 1 cái âu đổ vào nồi cơm lớn. Các bạn hỏi đây là cơm mới hay cũ thì người ta không trả lời mà người ta bảo là xới đi cháu. Bằng cảm quan thì ai cũng thấy là cơm khô đến mức đó thì chỉ là cơm nấu lại thôi, nó rời ra như kiểu là ăn cốm. Em bị bắt làm nhưng em thường trốn đi em không làm. Cả đội sinh viên đi học quân sự này toàn là sinh viên thực phẩm. Sinh viên thực phẩm thì không thể làm thế được vì nó có nguy cơ lây nhiễm chéo”, sinh viên tiểu đội phục vụ nói.

Không chỉ cơm thừa được tái sử dụng, những bát canh ăn dở của mỗi bàn cũng được người phụ nữ thu gom lại, đổ vào nồi. Sau đó yêu cầu các sinh viên của tiểu đội phục vụ dồn hết vào 1 nồi canh chung để chia cho các bạn. Dù không đành lòng với việc cho các bạn của mình ăn cơm thừa, canh cặn, thế nhưng theo những sinh viên của các tiểu đội phục vụ thì đây là việc bắt buộc phải làm.

Sinh viên tiểu đội phục vụ cho hay: ”Em là người từng đi phục vụ ở chỗ đó, canh đó đổ vào cái nồi khác, rồi đi phân phát cho những bàn sau, bắt buộc phải làm vì người ta bảo em làm thế nào thì em làm như thế, chả nhẽ ngay trước mặt những cô chú ở đấy em lại đổ canh đi, em không muốn làm. Nó cứ bị vi phạm đạo đức thế nào ấy, nó bẩn, nó không an toàn, cảm thấy trái với lương tâm”.

Không chỉ cơm canh thừa được tái sử dụng, các sinh viên của khoa giáo dục quốc phòng và an ninh còn nhiều lần phát hiện ra đủ loại dị vật có trong những bữa ăn hàng ngày. Đến mức nhóm sinh viên này phải mua bánh mì chia nhau ăn bữa trưa, dù vừa mới rời nhà ăn A15.

Ngay trong sáng 7/10, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội và phóng viên VTV đã đến làm việc với nhà ăn A15 của Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh. Sau khi xem những hình ảnh được ghi lại, người phụ trách nhà ăn đã thừa nhận do sơ suất nên để cho một nhân viên mới thực hiện hành vi tái sử dụng cơm, canh ăn thừa của bàn ăn trước cho bàn ăn sau. Trong khi theo quy định, số đồ ăn thừa này phải đổ bỏ.

Nhân viên nhà ăn cũng thừa nhận đã 2 lần nhận được phản ánh của sinh viên về tình trạng xuất hiện gián trong thức ăn. Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội đã yêu cầu tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đồng thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trung bình 1 ngày, nhà ăn của Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh phục vụ khoảng gần 2000 suất ăn cho sinh viên học giáo dục quốc phòng với mức giá 85.000 đồng/ngày cho 3 bữa.

VTV

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận