Bệnh viện ở Lebanon chật kín bệnh nhân, nhiều người mất tay và mắt sau vụ nổ thiết bị liên lạc, khiến các bác sĩ ám ảnh.
Người dân thủ đô Beirut cùng nhiều khu vực khác ở Lebanon vẫn bàng hoàng sau vụ hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của nhóm vũ trang Hezbollah phát nổ trong ngày 17-18/9 khiến ít nhất 37 người chết và khoảng 3.000 người bị thương.
Các bệnh viện ở Lebanon chật kín người bị thương. “Các vết thương chủ yếu ở mắt và tay, như mất ngón tay hoặc mảnh vỡ văng vào mắt. Một số người mất thị lực”, Joelle Khadra, bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện Hotel-Dieu, quận Ashrafieh, Beirut nói với AFP, thêm rằng họ đã chữa trị cho khoảng 80 bệnh nhân.
Elias Jaradeh, bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện về mắt và tai ở Beirut, cho biết nhân viên y tế phải chịu áp lực lớn. “Tình hình rất khó khăn. Chúng tôi cần phải kìm nén cảm xúc, cố gắng lạnh lùng như robot để tập trung điều trị, dù bên trong cảm thấy rất đau thương”, ông nói.
Những bác sĩ phẫu thuật như Jaradeh đã phải làm việc gần 24 giờ liên tục để cứu chữa người bị thương. Abdinasir Abubakar, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Lebanon, cho biết 100 bệnh viện đã tham gia ứng phó hậu quả của hai loạt vụ nổ.
“Tôi từng không hiểu tại sao chúng tôi được dạy phải kìm nén cảm xúc cho đến khi bắt đầu hành nghề, chứng kiến những gì xảy ra hôm qua và có thể phải đối mặt trong tương lai”, ông Jaradeh nói trong quãng nghỉ ngắn sau 12 giờ phẫu thuật liên tiếp.
Bác sĩ kỳ cựu này phải giải quyết những ca nghiêm trọng, cần phẫu thuật tái tạo. “Bạn tái tạo từng bệnh nhân như phục hồi một phần Lebanon, để đưa Lebanon hồi sinh”, Jaradeh cho biết thêm trước khi trở lại bàn mổ.
“Hầu hết bệnh nhân đều bị thương rất nặng, ở mắt và ở tay”, bác sĩ Salah Zeineldine, Trung tâm y tế Đại học America of Beirut (AUBMC), nói ngày 19/9. Các phòng phẫu thuật tại AUBMC hoạt động không ngừng nghỉ từ khi loạt vụ nổ đầu tiên xảy ra.
Theo Zeineldine, đội ngũ y tế của họ đã kiệt sức. AUBMC buộc phải tạm hoãn các ca phẫu thuật đã lên lịch từ trước đó.
Một bác sĩ tại một bệnh viện khác ở Beirut nói ông đã làm việc xuyên đêm và “chưa từng thấy những vết thương nào như vậy”. “Rất khó mô tả”, bác sĩ giấu tên nói. “Những ngón tay bị cụt do mọi người đang cầm máy nhắn tin bằng một hoặc cả hai tay. Một số bị thương ở chân”.
Túi của một người đàn ông phát nổ trong một siêu thị ở Beirut, Lebanon ngày 17-9. Ảnh: Reuters
Những vết thương “tàn khốc nhất” xảy ra khi máy nhắn tin phát nổ gần mặt. Bệnh viện nơi bác sĩ này làm việc tiếp nhận khoảng 40 người bị thương ở mắt, hầu hết đều nghiêm trọng. Khoảng 3/4 trong số này “hỏng hoàn toàn một mắt, mắt còn lại có thể cứu chữa được phần nào”, 15-20% mất cả hai mắt.
“Nhiều đồng nghiệp nói điều này tồi tệ hơn cả những vết thương họ phải xử lý trong sự kiện ngày 4/8”, bác sĩ nói, nhắc đến vụ nổ kho hóa chất ở cảng Beirut hồi năm 2020 khiến hơn 220 người chết, khoảng 6.500 người bị thương. Khi đó, vài trăm người bị thương ở mắt, nhưng chỉ một số bị mù một bên do mảnh vỡ văng vào.
Giáo sư chuyên khoa mắt Elias Warrak ngày 19/9 nói với BBC rằng ông đã phải phẫu thuật loại bỏ mắt hỏng nhiều hơn cả trong suốt sự nghiệp trước đó. “Hầu hết bệnh nhân là nam thanh niên mới hơn 20 tuổi, một số trường hợp phải bỏ cả hai mắt. Suốt cuộc đời tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào như hôm qua”.
Dania El Hallak, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại một bệnh viện ở Beirut, vẫn chưa thể thoát khỏi hình ảnh ám ảnh của những vết thương. “Tôi tháo băng của bệnh nhân và thấy họ không còn nhãn cầu”, cô nói với Reuters. “Lần đầu tiên tôi chứng kiến mọi người bị tàn sát. Liệu có thể nào hồi phục sau cảnh tượng như vậy?”.
Bộ trưởng Y tế Lebanon Firass Abiad cho biết nhiều vết thương có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời của bệnh nhân và họ sẽ phải mất nhiều thời gian để phục hồi. Thương vong trong hai vụ nổ có thành viên Hezbollah, nhưng phần lớn nạn nhân là dân thường.
“Cả thế giới có thể thấy những vụ nổ xảy ra ở chợ, siêu thị. Đó không phải những người tham chiến. Họ đang ở trong khu vực dân sự cùng gia đình mình”, ông Abiad nói, thêm rằng hành động này có thể cấu thành tội ác chiến tranh.
Với người dân ở Beirut, vụ nổ hàng loạt thiết bị liên lạc gợi lại ký ức đau thương từ thảm kịch năm 2020. “Cảm giác hỗn loạn, khó chịu và lo lắng đang bao trùm khắp Lebanon… những gì đã xảy ra với chúng tôi 4 năm trước đang lặp lại”, một phụ nữ nói.
Chưa bên nào nhận trách nhiệm về sự việc nhưng mọi nghi ngờ đang dồn về Israel, nước từng hạ sát một thành viên cấp cao Hamas bằng cách gài thuốc nổ vào điện thoại. Giới chuyên gia cũng đánh giá Israel là nước nhiều khả năng và có tiềm lực nhất trong việc thực hiện cuộc tấn công như vậy.
Hezbollah ra tuyên bố xác định Israel là bên “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” sau khi xem xét tất cả các sự kiện, dữ liệu và thông tin có sẵn về vụ tấn công. Chính phủ Lebanon và Iran đưa ra cáo buộc tương tự. Nhóm vũ trang thề sẽ khiến Israel “nhận hình phạt thích đáng”.
Quân đội Lebanon đã phá hủy các thiết bị khả nghi. Máy nhắn tin và bộ đàm bị cấm mang lên máy bay. Bộ trưởng Abiad nói việc “vũ khí hóa công nghệ” là diễn biến rất nghiêm trọng, không chỉ với Lebanon mà với cả thế giới và trong những cuộc xung đột khác.
“Giờ đây chúng ta phải nghĩ kỹ trước khi sử dụng công nghệ”, ông nói.
Lebanon chìm trong hỗn loạn, tang tóc
Loạt vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm gây thương vong và cuộc không kích của Israel gây san phẳng 2 tòa nhà khiến các bác sĩ Lebanon vật lộn, tự hỏi họ sẽ phải làm gì nếu bạo lực tiếp tục diễn ra.
Tiến sĩ Dania El-Hallak đã rất kiệt sức. Sau khi hàng loạt thiết bị không dây phát nổ khắp Lebanon, cô thậm chí không có thời gian để tiếp nhận những gì bản thân đã chứng kiến – hàng trăm người bị thương, trong đó khuôn mặt của nhiều nạn nhân bị biến dạng đến mức không thể nhận ra.
“Tôi đã mong đây chỉ là một cơn ác mộng tồi tệ”, tiến sĩ El-Hallak cho biết hôm 20/9 khi vẫn chưa thể hoàn toàn tiếp nhận tình hình hỗn loạn những ngày qua.
Ngay sau đó, máy bay chiến đấu của Israel xé toạc bầu trời thủ đô Lebanon và san phẳng hai tòa nhà mà không có bất kỳ cảnh báo nào.
“Có cuộc không kích ở Dahiya sao?”, cô nói trong sự ngỡ ngàng, dùng tên gọi bằng tiếng Arab của khu vực ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut. Cơn ác mộng của El-Hallak chỉ mới bắt đầu.
Các cuộc tấn công nhằm vào thiết bị liên lạc của lực lượng Hezbollah – được cho là do Israel thực hiện – đã khiến hàng nghìn người bị thương, trong đó nhiều nạn nhân bị tàn tật vĩnh viễn và cần chăm sóc phục hồi lâu dài.
Vài ngày sau, cuộc không kích của Israel cách trung tâm Beirut chỉ vài km khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, càng khiến tình hình thêm hỗn loạn. Nhiều nạn nhân khác vẫn được cho là đang mắc kẹt trong đống đổ nát.
Hệ thống y tế của Lebanon – vốn phải vật lộn vì một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ – giờ lại bị đẩy vào tình trạng quá tải.
“Cảm giác chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt sau cuộc không kích hôm qua”, tiến sĩ Ghassan Abu Sitta, bác sĩ phẫu thuật chính tại Trung tâm Y tế Đại học Mỹ Beirut, cho biết hôm 21/9.
Năm 2023, tiến sĩ Abu Sitta đã dành 43 ngày tình nguyện ở Dải Gaza để hỗ trợ đơn vị điều trị bỏng của Bệnh viện Shifa. Khi cuộc không kích của Israel diễn ra vào ngày 20/9, ông vẫn đang phẫu thuật cho những người bị thương trong các vụ nổ thiết bị không dây. Bác sĩ Sitta cho biết ông cảm giác như mình đột nhiên trở lại khu vực Gaza.
“Chúng tôi bị mắc kẹt trong vòng lặp này. Chỉ phẫu thuật và phẫu thuật, nỗ lực liên tục để theo kịp”, ông nói.
Trong 11 tháng qua, lực lượng Hezbollah đã phóng tên lửa vào miền Bắc Israel để hỗ trợ lực lượng Hamas ở Gaza. Israel đã đáp trả bằng cách ném bom Lebanon và tiêu diệt các lãnh đạo Hezbollah.
Hơn 160.000 dân thường đã phải rời bỏ khu vực biên giới Israel – Lebanon. Tình trạng bạo lực trong những ngày gần đây cho thấy sự leo thang xung đột đáng kể, khiến nhiều người lo sợ Israel có thể bắt đầu một cuộc chiến toàn diện.
Cuộc tấn công bừa bãi
Mức độ tàn bạo của các vụ tấn công bằng thiết bị không dây trong tuần này đã khiến cả những bác sĩ Lebanon dạn dày kinh nghiệm chiến trường nhất phải kinh ngạc. Khuôn mặt nhiều nạn nhân bị phá hủy bởi những mảnh nhựa cháy, nhãn cầu rơi khỏi hốc mắt, bàn tay và ngón tay bị biến dạng đến mức các bác sĩ không có lựa chọn nào khác ngoài cắt cụt.
Nhiều nạn nhân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, vĩnh viễn mất đi thị giác, các bác sĩ cho biết.
“Cuộc tấn công này thật sự nhằm vào phần mắt”, tiến sĩ Pierre Mardelli, cựu bác sĩ nhãn khoa, cho biết. Ông đã hưởng ứng lại lời kêu gọi hỗ trợ khi tin tức về loạt vụ nổ đầu tiên được công bố hôm 17/9.
Các bệnh nhân của ông cho biết họ nhận được thông báo lỗi trên máy nhắn tin và cố gắng khắc phục sự cố. Sau đó, các thiết bị phát nổ trong tay họ. Dường như đây là một trong những yếu tố chính dẫn đến việc nhiều người bị mù.
Do tình trạng quá tải tại các bệnh viện, tiến sĩ Mardelli cho biết đây là lần đầu tiên trong 27 năm sự nghiệp ông phải khâu vết thương mắt mà không có gây mê.
“Đó là một cuộc tấn công bừa bãi, một tội ác chiến tranh”, Bộ trưởng Y tế Lebanon Firass Abiad nói với các phóng viên hôm 19/9, đồng thời nhấn mạnh gánh nặng đặt lên hệ thống y tế Lebanon sau các cuộc tấn công.
Ông Abiad đã cam kết chi trả cho việc chăm sóc những người bị thương, song người dân Lebanon vẫn hoài nghi với lời hứa từ chính phủ trong bối cảnh hiện nay. Không những vậy, hệ thống y tế rất có thể sẽ không đủ khả năng ứng phó trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến toàn diện, các bác sĩ cho biết.
“Hệ thống y tế Lebanon hoàn toàn không có khả năng điều trị cho những người bị thương trong chiến tranh nếu xung đột leo thang thành một cuộc chiến toàn diện”, tiến sĩ Abu Sitta nói.
Các bác sĩ cũng cho biết quá trình phục hồi sẽ là một con đường dài và khó khăn đối với hàng trăm hay thậm chí là hàng nghìn người.
Tiến sĩ Antoine Abi Abboud, người đứng đầu đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo tại Bệnh viện Mount Lebanon ở Beirut, ước tính ít nhất 40% số người bị thương trong loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm đã bị tàn tật vĩnh viễn.
Bệnh viện này đã tiếp nhận một số trường hợp nghiêm trọng nhất vào ngày 17/9 do gần với khu vực phía Nam Beirut, nơi phần lớn vụ nổ máy nhắn tin xảy ra. Tiến sĩ Abi Abboud cho biết hầu hết nạn nhân ông điều trị đã mất một hoặc cả hai mắt.
“Thật tàn bạo”, ông nghẹn ngào.
VnExpress, Baomoi