Bà lão Pháp cô đơn, cô bé Việt, chú chim nhỏ và đóa hoa vàng

0
930

Ngày đầu tiên vừa quen nhau, bà lão yêu cầu cô bé gọi bà là bà ngoại. Cô bé hơi ngần ngại vì cô đã có bà ngoại ở nhà rồi. Làm sao một cô bé Việt Nam mới mười hai tuổi có thể hiểu được nỗi cô đơn của bà lão người Pháp sống một mình trong căn nhà nhỏ bé? Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt khẩn khoản của bà, cô bé mỉm cười ưng thuận.

-Quảng Cáo-

Tuy vậy, cô cảm thấy không được tự nhiên lắm với bà. Nhà bà và nhà cô chỉ cách nhau một hàng rào trắc bá diệp nhưng khoảng cách giữa tâm hồn bà và tâm hồn cô còn hơn cả hàng cây xanh tươi đó. Hay tại bà già quá, mặt bà nhăn nheo quá làm cô sợ? Cô bé hỏi tuổi bà, bà cười nói bà sống lâu thật lâu rồi nên không còn để ý đến tuổi tác nữa, bà chỉ biết bà đã sống gần cả thế kỷ. 

Cô bé không tưởng tượng được khoảng cách thời gian giữa tuổi mười hai của cô và tuổi thế kỷ của bà nhưng cô đoán chắc là dài lắm. Khi cô bé kể chuyện cho mẹ cô nghe và nói về cảm tưởng của cô đối với bà, mẹ cô mỉm cười: “Đó là điều dĩ nhiên, con mới quen bà mà”. Mẹ cô khuyên cô không nên gượng ép, cứ ân cần, lễ phép với bà như với tất cả những người già cô gặp, từ từ cô hiểu bà hơn, lúc đó tình thương có thể sẽ đến. 

Mẹ cô nói: “Có hiểu mới có thương”. Cô bé thắc mắc tại sao con cháu bà bỏ bà sống một mình, mẹ cô giải thích cho cô nghe về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông Tây, xã hội Tây phương văn minh, giàu có, tiến bộ về khoa học kỹ thuật nhưng những người già rất cô đơn, phải sống một mình hoặc trong những nhà dưỡng lão không có hơi ấm của tình người. Cô bé nhớ ra mỗi lần đi dạo trong công viên vào những ngày nắng đẹp, cô thường thấy những người già ngồi cô đơn nơi ghế đá, thẫn thờ nhìn người qua lại. “Như vậy họ có cảm tưởng là họ vẫn còn sống trong xã hội loài người, vẫn còn người chung quanh họ, họ chưa ở trong một thế giới chết”, mẹ cô giải thích. Cô bé hơi cảm động, cô tự hứa sẽ để ý đến bà lão bên cạnh nhà nhiều hơn.

Cô bé nói với bà lão: “Mẹ cháu bảo là trước khi gặp mẹ cháu, cháu đã sống nhiều kiếp trước rồi, có thể bà và cháu đã gặp nhau trong một kiếp nào đó, có thể bà đã từng là bà ngoại của cháu”. Câu nói này làm bà lão vui, mắt bà sáng lên: “Cháu nghĩ như vậy thật là hay”. “Đó là lời dạy của Đức Phật”, cô bé trả lời.

Một buổi sáng sớm mùa đông, đang ngồi uống sữa trong nhà, cô bé nghe tiếng chuông reo, thúc giục, cấp bách. Mẹ cô mở cửa, quay lại nói vội với cô: “Bà ngoại ở bên nhà!”. Một con chim nhỏ bị thương nơi cánh và chân rơi xuống vườn nhà bà, bà hỏi mẹ cô có biết săn sóc vết thương cho chim hay không. Mẹ cô và cô đem bông băng sang, con chim thật đáng thương, dù đang đau đớn, nó vẫn cố gắng lùi lại khi thấy người đến gần. Thương xót, cô bé nhẹ nhàng ôm chim lên, thì thầm: “Chim đừng sợ, đừng sợ”. 

Đem chim vào nhà, cô bé hồi hộp theo dõi từng cử động của mẹ. Như hiểu nỗi lo lắng của cô, mẹ cô trấn an: “Chắc là chim bị những chim khác lớn hơn đánh cắn, chỉ vài ngày là chim sẽ lành, có thể sẽ bay lại được”. Cô bé mừng rỡ giúp bà lão đốt lò sưởi, chim ngoan ngoãn nằm cạnh ngọn lửa bắt đầu bén, được chăm sóc, chim không còn sợ hãi nữa. Lần đầu tiên từ ngày quen biết bà, cô bé muốn ở lại nhà bà lâu hơn.

Mỗi buổi chiều, sau khi làm bài xong, cô bé xin phép mẹ qua nhà bà lão giúp bà nuôi chim. Bà dạy cô dùng hai ngón tay mở nhẹ chiếc mỏ xinh xắn, đút vào từng mẩu bánh mì mềm nhúng sữa, bà cũng chỉ cô dùng ống chích bơm từng giọt nước vào miệng chim. Vài ngày sau, chim bắt đầu đứng lên được và có thể tự ăn những hạt ngũ cốc một mình. Chim rất háu ăn, bà lão và cô bé thích thú theo dõi sự hồi phục của chim, mẹ cô thường thấy cô ngồi xổm dưới chân bà chơi đùa với chim, thỉnh thoảng cô ngẩng đầu lên nói một điều gì đó, bà nhìn cô mỉm cười, mắt rạng rỡ. Cô bé không còn sợ nét mặt nhăn nheo của bà lão, cô chỉ thấy tấm lòng nhân hậu của bà. Cánh chim non trở thành nhịp cầu nối liền hai trái tim xa lạ. 

Vết thương nơi cánh của chim đã lành nhưng chim không còn sử dụng chiếc chân bị thương được nữa. Khi chim bắt đầu biết nhảy đi bằng một chân, bà lão đem chim trở lại vườn, bà giải thích dù chỉ còn một chân, chim vẫn có thể bay được. Chỉ mới nghĩ đến chuyện chim sẽ bay đi mất, cô bé đã muốn khóc rồi. Bà lão nói với cô nhà của chim là trời xanh vô tận, niềm vui của chim là sự tự do, đừng vì tình thương ích kỷ của mình mà giam chim trong căn phòng nhỏ bé. Mẹ cô cũng nói Phật dạy yêu thương mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc của mình, quên đi niềm vui của người, ràng buộc làm họ mất tự do thì đó không phải là tình thương đích thực.

Ngày chim bay mất, cô bé ôm chầm lấy bà khóc, cô nức nở gọi: “Bà ngoại!”, tiếng gọi từ trái tim, bà lão cũng chảy nước mắt rồi dẫn cô vào nhà. Khi cô đã nguôi ngoai, bà đưa cô về, đến cổng rào, cô buột miệng nói: “Mai cháu lại đến bà nhé!”.

Những ngày êm đềm với bà cứ thế mà qua nhanh, có khi bà bệnh, mẹ cô và cô chăm sóc bà, sau khi cho bà uống thuốc, mẹ cô về để hai bà cháu ở lại với nhau. Sợ bà buồn, cô bé đem những sách truyện cổ tích của cô đọc cho bà nghe, rồi hẹn bà ngày hôm sau sẽ đến kể tiếp. Bà lão có niềm hy vọng, có sự chờ đợi, mỗi lần cô đến, trái tim bà rung động theo từng âm thanh của bước chân cô, tiếng động của nắm cửa khe khẽ mở, rồi bàn tay nhỏ bé nắm lấy bàn tay bà, có khi cô bé tinh nghịch đếm xem có bao nhiêu vết tàn nhang trên đó. Bà lão cảm thấy hạnh phúc được nghe lại, vào tuổi già, những chuyện cổ tích của thời thơ ấu. Khi cô về, lòng bà bình an, giấc ngủ đến với bà nhanh và thanh thoát.

Mùa đông dài lê thê rồi cũng qua đi, những đóa hoa xuyên tuyết trắng tinh bắt đầu xuất hiện, vài nụ thủy tiên dịu dàng hé cánh báo hiệu mùa xuân đến. Cảnh vật linh động hẳn lên, sức sống tiềm tàng trong chồi non, lộc biếc, tiếng hót của các loài chim như ríu rít hơn, trong sáng hơn chào đón mùa tuôn dậy. Cánh chim ngày cũ vẫn không quay về nhưng cô bé không còn buồn nữa. Một buổi chiều đến thăm bà, cô kêu lên kinh ngạc khi nhìn thảm cỏ trước nhà nở đầy hoa bồ công anh vàng rực. “Đây là những hoa dại, thường người ta nhổ bỏ ngay khi chúng vừa mọc, bà không làm nổi nên chúng tự do sinh sôi nảy nở, bây giờ nhiều thế này vào mùa xuân hoa nở trông cũng đẹp”. 

Cô bé rất thích ngồi chơi trên thảm cỏ hoa vàng này và lần nào bà lão cũng hái một đóa bồ công anh tươi thắm nhất cài lên mái tóc cô.

Rồi mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông qua, lại những mùa xuân, lại những mùa hạ… bà lão trở bệnh nặng, cô bé được tuyển vào một đại học xa, ngày cô đến chào bà, hai bà cháu ôm nhau khóc. Trước khi về, cô dặn đi dặn lại: “Bà nhớ uống thuốc và ăn nhiều bà nhé, vài tháng nữa cháu về thăm”. Bà nhìn theo dáng cô khuất sau cửa, tay bà vẫn còn chút hơi ấm của cô, rồi bàn tay gầy guộc trở nên lạnh lẽo, bước chân mùa đông đang dần dần đến, bà biết bà sẽ không còn gì nữa trong tay dù chỉ là một chút thời gian để chờ đợi.

Bây giờ là ngày hay đêm, mộng hay thực, bà lão tự hỏi, bà cảm thấy khó thở nhưng bà không lo lắng, không sợ hãi, bà đã sống gần một thế kỷ rồi còn gì. Biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn đã đi qua đời bà, những kỷ niệm bỗng ùa về làm trái tim bà đau thắt, trong cơn đau, dường như từ mênh mông xa vẳng lại tiếng cười trong veo như chim của cô bé, tiếng cười làm tâm hồn bà lắng dịu… có phải một lần cô đã nói: “Cháu có nhiều kiếp sống…”. 

“Vậy cháu có bao giờ chết đâu, phải không cháu?” Không có tiếng cô bé trả lời, bà nhắm mắt, trong đầu bà chỉ còn đóa hoa bồ công anh bay bay trong gió, bà mỉm cười chìm sâu vào giấc ngủ, giấc ngủ bình yên nhẹ như mây đưa bà đến một chân trời mới thấp thoáng những đóa hoa vàng. 

Báo Giác Ngộ

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận