Người đẹp gieo cầu

0
2662

Nét Đẹp Đông Phương

Người đẹp gieo cầu

-Quảng Cáo-

Cái tin “Người đẹp gieo cầu” loan đi rất chóng. Thế là hai vị Quốc vương ở nước lân bang chưa lập Hoàng hậu, và tám vị Ðông cung của tám nước chư hầu, thêm nhiều vị Hoàng tử đa tình với một số Vương tôn hiếu sắc đều xao xuyến cả lên.

Kinh đô xứ Ma Kiệt Ðà mấy tháng nay vô cùng náo nhiệt. Bộ kiến thiết xuất ra một số ngân quỹ lớn, để dựng lên những ngôi nhà mỹ lệ trang ngiêm chờ tiếp quý khách bốn phương.

Mùa đông, gió mưa đã lặng lẽ rút lui, trăm thứ hoa lan bắt đầu chớm nở để đón Xuân về, kinh thành Ma Kiệt Ðà cũng rộn lên như trăm hoa vậy.

Rồi những đoàn lạc đà lông mướt như cỏ non, oai dũng tiến vào kinh đô; từng đoàn ngựa tốt yên cương toàn bạch ngân rầm rầm tiếp đến; và đây là đoàn bạch mã, hãnh diện trong những bộ yên cương vàng thắm như son.

Nhưng người ta chú ý đến đoàn kỵ mã vào sau, có một điều đặc biệt làm dân chúng chú ý là phải. Một đoàn kỵ mã võ trang oai phong hùng dũng. Tiếp đó là một thớt bạch tượng trắng như tuyết, mướt như nhung, cổ bạch tượng đeo chuỗi anh lạc toàn thất bửu, bốn chân đeo nhiều lục lạc vàng mới y.

Trên lưng bạch tượng, một thiếu niên anh tuấn, đây là vua nước Câu Ðà Thi Lợi. Vua Thi Lợi cũng có một danh từ đặc biệt của dân chúng tặng là: Hoàng Ðế Tam Ða (đa trí, đa tham, và đa tình). Từ khi mưu giết được anh, rồi lên ngôi Hoàng đế, ông có tài dụng binh rất giỏi nên các nước đều sợ oai, danh ông lừng lẫy bốn phương. Mặc dù nhà vua là một bậc anh hùng cái thế, nhưng phải cái bệnh cũng đa tình hiếu sắc như ai. Khi nghe đồn con gái nhà vua Ma Kiệt là trang tuyệt sắc thì nhà vua mê mệt, và ước ao cưới được nàng sẽ sắc phong Hoàng hậu.

Vua cho sứ thần đem nhiều lễ quý qua cầu hôn. Sứ đi, vua hồi hộp đợi chờ như trẻ con mong mẹ về chợ vậy. Nhưng anh hùng cái thế cũng phải toát mồ hôi, khi nghe tin công chúa từ hôn, vì cái lịch sử của mình không được đẹp (giết anh đoạt ngôi). Tuy chưa hề gặp mặt, nhưng chữ “khuynh thành” đã ám ảnh nhà vua, nên ông thề thế nào cũng cưới cho được nàng mới nghe.

Bỗng nay, cái tin Công chúa sẽ làm lễ gieo cầu, làm ông đặt nhiều hy vọng.

Trước khi lên đường, vua vỗ về bạch tượng: trẫm phiền khanh chuyến này thật không phải vì tham đất nước nữa, chỉ mong khanh làm thế nào giúp trẫm, đoạt được quả cầu của mỹ nhân, trẫm sẽ trọng thưởng.

Hôm nay là ngày lễ thần Phạm Thiên, trên lầu hoa cao, trước bàn thờ thần, bộ nghi lễ trang hoàng cực kỳ lộng lẫy. Người ta cắm trăm thứ hoa tươi, xông trăm thứ trầm quý, đốt trăm nén hương thơm, thắp trăm đôi bạch lạp. Trăm đồng nữ xiêm y rực rỡ, trăm vị Phạm Chí lễ phục oai nghiêm v.v… Ở đây thứ gì cũng phải đủ số trăm để tượng trưng câu “Bách niên giai lão”.

Các nhà danh cầm trong nước, đã vỗ nhiều bản nhạc đầy ý nghĩa: “Loan phụng hòa minh” hay “Sắc cầm hòa hiệp” v.v…

Ban nhạc cử lên, trăm em đồng nữ múa xong cổ điệu, rồi rẽ ra hai bên tượng hình Song Hỷ, tiếp đó trăm vị Phạm Chí vào làm lễ cầu nguyện. Công chúa Vô Song trong phòng hoa đài các bước ra, kính cẩn quỳ trước tượng thần. Hai trẻ thanh y quỳ hai bên, dâng cao hộp ngọc đựng quả cầu, và bình pha lê đựng nước hoa thơm. Thanh y nghiêng bình pha lê rưới vào đôi bàn tay ngọc, rồi mở tráp dâng quả cầu. Công chúa nâng cao quả cầu lên đảnh (đây là 1 quả bóng tròn, lớn bằng quả cam, ngoài bọc gấm quý, trên thắt trăm vòng dây kim tuyến). Quả cầu chỉ có thế, nhưng đã mang một sứ mạng trọng yếu, tất cả cuộc đời của Công chúa, hạnh phúc an vui, hay bẽ bàng đau khổ, đều do quả cầu này định đoạt.

Nàng kính cẩn quỳ trước tượng thần rất lâu, khấn vái kỹ càng: ngày sanh tháng đẻ, họ hàng làng nước v.v… cẩn thận. Nàng tha thiết cầu thần linh dun dủi, quả cầu gieo trúng người được nàng yêu, sẽ yêu nàng mãi mãi.

Những bản nhạc chúc mừng tiết tấu du dương vừa dứt, hàng vạn âm hưởng lao xao đều ngừng bặt. Tất cả chú ý nhìn lên lầu hoa, Công chúa mặc lễ phục toàn sắc trắng tinh, đính nhiều hạt trai thêu thành trăm hoa. Trên đầu nàng là một tràng hoa kết bằng kim cương. Toàn thân nàng là cả một tượng nữ thần kỳ công của nhà điêu khắc danh tiếng, hay một bức tranh mỹ nhân do bàn tay họa sĩ tuyệt tài. Thật không biết cái đẹp của Hằng Nga thế nào, nhưng ta cũng tạm mượn để ví với Công chúa Vô Song khi ở trong lầu hoa lộng lẫy bước ra.

Nàng đứng hẳn ngoài bao lơn nhìn khắp một lượt. Thế là hàng trăm quả tim đứng đợi đoạt cầu, tuy không hẹn nhau mà đồng thời hồi hộp. Nhất là Hoàng đế Tam Ða, khi nhìn rõ Công chúa, ông kiêu hãnh và tự nghĩ: tài này sắc ấy thật xứng đôi, nếu ta đoạt được cầu thì ta thề sẽ thờ nàng trọn đời.

Công chúa nhìn khắp một lượt rồi dồi cao quả cầu tung lên giữa hư không…

Ôi! Bóng hạnh phúc, bóng hạnh phúc hiên ngang lơ lửng giữa hư không, làm cho Quốc vương, điện hạ, sứ quân… ngớp ngớp chụp bắt. Nhưng làm sao bắt được bóng hạnh phúc ?!

Quả bóng vô tư gặp luồng gió nhẹ, và trên quả cầu có chùm kim tuyến, nên trăm mối chỉ xòe trông rất đẹp, nó cũng không rơi xuống ngay được. Vì thế quả cầu cắc cớ lơ lửng giữa không trung, chợp chờn trớ trêu trong khi trăm lòng mơ ước.

Bỗng người ta nghe có tiếng người la to:

– Á ông Sa môn, ông Sa môn ơi! Quả cầu vướng vào tích trượng của ông kia kìa.

Thế là trống kèn trổi dậy, để chúc mừng vị tân phò mã. Song vị Sa môn vẫn khoan thai từ bộ, hình như người không biết có việc gì xảy ra.

Ðại phàm cái gì có tương đối mới tương tranh, còn cái không ngờ thì thật lòng cũng không nghĩ đến ganh ghét kịp. Như cuộc gieo cầu này, nếu có một vị trong trăm vị Quốc vương đại thần… mà đoạt được quả cầu, thì chắc sẽ có cuộc chiến tranh không khỏi. Nhưng đằng này quả cầu trớ trêu vướng tòn ten trên đầu tích trượng, thành thử trăm lòng như một, họ đều chưng hửng và rồi vì đồng cảnh thất vọng như nhau, nên họ thông cảm nhau rất dễ.

Phải chăng bóng hạnh phúc vô tình vướng vào đầu tích trượng, hay tại Thần lãng tai nghe khấn lộn, chớ ai nỡ đem cái ân ái buộc cho người xuất gia ly dục bao giờ?

Không, không phải vậy. Thật ra khi Công chúa đứng trên lầu hoa, nàng đã thấy trăm quả tim rộn lên vì sắc đẹp của mình, nàng nghĩ thầm: Ôi! Chỉ vì một chút nhan sắc của ta, mà làm hao phí biết bao nhiêu của dân của nước… Ừ! Tim kia đã rộn ràng lên vì sắc đẹp thì sẽ có ngày lạnh lùng vì tuổi già. Và nếu một người trong số trăm người này đoạt được quả cầu thì ta e không khỏi xảy ra những chuyện chẳng lành cho dân cho nước. Ðương bâng khuâng suy nghĩ, rồi nàng phóng tầm mắt nhìn xa và nàng đã thấy. Nàng thấy một vị Sa môn uy nghi trong bộ áo cà sa, tay cầm tích trượng xa xa tiến lại, từ bộ thản nhiên giữa đám người đông rộn rịp.

Ôi! Người đâu mà đẹp thế? Oai nghiêm như một vị thần linh ứng, từ bi như một bà mẹ dịu hiền và đĩnh đạc như một vị thầy mô phạm.

Tâm quang thanh tịnh của người ly dục phát ra một sắc đẹp phi thường. Công chúa sững sờ, cảm thấy tràn lòng yêu kính. Nàng nói một mình: “Chỉ có quả tim này mới không rộn ràng trước sắc đẹp, và chỉ có quả tim này mới không lạnh lùng trước tuổi già”.

Công chúa nhắm ngay vị Sa môn… tung mạnh quả cầu vào người…

Mặc dù trống dục còi thổi, nhạc trỗi, người kêu, vị Sa môn vẫn bất động. Người cứ đi, và quả cầu cứ tòn ten trên đầu tích trượng.

Một toán ngự lâm quân phóng ngựa chạy theo:

– Kính tâu tân phò mã. Xin người hãy dừng chân lại…

Lạ thay người đi vẫn ung dung, mà ngựa chạy theo không kịp.

Vua quan tân khách và dân chúng đều lao xao cả lên. Ðoàn ngự lâm quân phóng ngựa theo Sa môn, không biết đi về phương nào mà trông hoài không thấy.

Trên lầu hoa, cả hoàng gia ngồi chờ tin tức, nhưng mãi đến chiều tối, mới có một người trong đoàn ngự lâm ban sáng, bơ phờ trở về tâu lại mới hay, vị Sa môn ấy là Thái tử Tất Ðạt Ða con vua Tịnh Phạn nước Xá Vệ. Ngài đã xuất gia, thành Phật hiệu “Thích Ca Mâu Ni”. Ngài và đồ chúng vừa đến hôm qua, hiện nay đang trú tại rừng Tần Tần Già. Còn đoàn ngự lâm theo Ngài lúc ban sáng, nay cũng theo Ngài cạo đầu xuất gia học đạo hết rồi!

Vua ngao ngán nhìn con gái yêu:

– Không biết con tôi khấn khứa thế nào mà ra nông nỗi này. Con ơi! Sa môn là người ly dục, lòng đã sạch ái ân, quả cầu con rơi lạc hướng rồi con ạ! ! !

Công chúa như người trong mê, nàng còn biết nói sao, khi lòng mình đã vướng một mối tình bâng quơ. Nàng nghe danh Thái tử đã lâu, không ngờ hôm nay được gặp và nàng đã yêu, nhưng nay nàng mới biết nàng yêu như thế, chỉ tự mình đem muôn mối tơ thương quấn bậy giữa hư không, hư không đâu có dính mắc?!!

Song nàng cố trấn tĩnh tâu với Phụ vương:

– Tâu Phụ vương và Mẫu hậu, con tưởng theo kỷ luật gieo cầu của nước ta từ xưa đến nay, bất luận người sang kẻ hèn, hễ ai trúng cầu thì được vợ, vì đấy là lương duyên do thần định đoạt, nay quả cầu con gieo trúng Thái tử rõ ràng, thì con xin tình nguyện theo Ngài để sửa bát nâng y trên đường hóa độ. Vậy xin Phụ hoàng và Mẫu hậu hãy cùng con đi đến chỗ Thái tử xem sao?

– Thì đành vậy, chỉ còn cách đi đến điều đình với Phật chứ biết sao!!

Thế là sáng sớm hôm sau cả Hoàng gia đưa con gái đến ra mắt Phật. Tin ấy loan ra, tất cả một trăm phò mã hụt cũng tình nguyện đi theo, mặc dù họ đều là tín đồ của phái Bà La Môn.

Sáng nay Ðức Phật bảo chúng Tăng đình việc đi khất thực lại, và vân tập để nghe Phật thuyết pháp. Phái đoàn Bà La Môn đến vừa lúc Ðức Phật thuyết pháp xong.

Vua và Hoàng hậu đi trước, đến Công chúa, kế đó là các vị Quốc vương… xứ lạ, lần lượt tiến vào.

Ðức Phật ngự trên pháp tòa cao, oai nghi đồ sộ như núi Tu di, thân tượng chiếu ra một sắc đẹp lạ lùng. Hai bên hàng ngàn Tăng chúng ngồi im phắc như ngàn pho tượng vậy.

Vẻ oai nghiêm của Phật, sự yên lặng của chúng Tăng, đánh mạnh vào tâm khảm mọi người. Vua không đảnh lễ Phật, vì ông nghĩ: “dù là Phật song sẽ làm rể mình, không lẽ mình lạy rể?”. Vua phán:

– Kính Ngài, theo kỷ luật gieo cầu của nước chúng tôi, thì ai trúng cầu là được vợ. Hôm qua con gái tôi gieo cầu trúng Ngài, thế là Thần linh định lương duyên rõ ràng nên con tôi tình nguyện đến đây theo Ngài trên đường hóa độ, phòng khi “nâng bát sửa y”.

Ðức Phật nhìn Công chúa, Ngài im lặng một lúc. Thế Tôn mỉm cười… bỗng trong kim khẩu phóng ra một đạo hòa quang xanh chiếu lên đỉnh đầu Công chúa, nàng toát mồ hôi, tự thấy trên đầu rần rần ngứa, mồ hôi giọt xuống trán, xuống cổ, nàng lấy khăn lau rồi gãi, thì đụng một con gì nhỏ xíu đen thui. Lạ quá, con gì mà xưa nay nàng chưa thấy cũng chưa biết tên, nàng len lén bỏ xuống đất (con chấy đấy).

Phật lại phóng một đạo hào quang vàng vào đôi mắt Công chúa, nàng thấy xốn xang khó chịu, nước mắt tuôn ra, vừa lấy khăn lau, thì hai bên khóe mắt đọng hai cục ghèn bằng hạt đậu xanh.

Phật phóng một đạo hào quang trắng, chui thẳng vào mũi, nàng hắt hơi năm bảy cái mũi chảy lòng thòng.

Rồi một đạo hào quang lục, tuôn vào trong miệng, Công chúa ngáp luôn một dây, tiếp ho luôn một chuỗi, nàng nghe trong miệng có mùi thối ghê.

Ðức Phật phóng thêm một đạo hào quang đỏ, chiếu vào thân Công chúa, làm nàng ngứa ngáy khắp người, gãi chỗ này chưa kịp đã ngứa chỗ khác, vừa lau ghèn thì mũi chảy, toan lau mũi thì chấy cắn, nàng ho nàng ngáp, ựa, hắt hơi túi bụi. Công chúa nhăn nhó khổ sở, bao nhiêu vẻ yêu kiều diễm lệ biến đâu mất hết, nàng hoảng kinh như một người điên. Tất cả pháp hội, nhất là đoàn Bà La Môn đều rùng mình khiếp sợ.

Nhưng may thay, Ðức Phật đã nhiếp thần lực thâu hào quang lại. Công chúa và tất cả pháp hội như vừa thoát cơn mê dữ, nàng lấy lại bình tĩnh, sửa lại áo xiêm rồi quỳ mọp xuống đất, thôi thì vua quan chi cũng dẹp hết kiêu căng đồng quỳ xuống một loạt.

Nhân đấy Ðức Phật thuyết pháp: “Tứ Niệm xứ” cho cả đoàn nghe:

– Hỡi các thiện nam tử, thiện nữ nhân: Công chúa Vô Song, xưa nay nổi tiếng kiêu căng vì ỷ mình có nhan sắc, nhưng không biết sắc đẹp chỉ tạm bợ một thời gian, dù có lấy phấn son nhung gấm ngọc ngà, bao bọc ở ngoài cũng không che được mắt người trí tuệ. Vừa rồi Như Lai phóng quang để trong pháp hội nhận rõ, thân người là bất tịnh.

Dù đương buổi hoa niên nhưng không tắm thì hôi, đại tiểu vẫn thối, ghèn đờm mũi dãi, mồ hôi huyết khí, tim gan phèo phổi v.v… mỗi chỗ lại có vô số vi trùng rúc ráy, phá hoại hoành hành thân thể chúng sanh trong từng sát na, thân thể chỉ là một đống nhơ nhớp đáng ghê tởm đối với người trí tuệ.

Ta lại quán sát: do sáu căn xúc đối với sáu trần, lãnh thọ cảnh đẹp thì sanh tâm ưa, ưa thì muốn tất cả cái ưa về mình; lãnh thọ cảnh trái ý thì lại sanh tâm ghét, ghét thì muốn đùa cái ghét cho người. Nhưng muốn ưa thì ưa khó đến, đuổi ghét thì ghét không đi. Chung quy cũng không ngoài khổ vui đối đãi.

Như Lai thấy chúng sanh trong tam giới, ngồi bàn chuyện khổ vui, thật không khác hai tù nhân nói chuyện khổ vui trong lao ngục, thật là đáng thương, biết đến khi nào ra khỏi lao ngục, lấy lại được tự do. Thì cũng như vậy, chúng sanh còn ở trong lao ngục tam giới thì không thể bàn đến khổ vui được, chỉ khi nào thoát khỏi lao ngục tam giới mới gọi là an vui chân thật.

Này các thiện nam tử, thiện nữ nhân, Ta lại quán sát các pháp là vô ngã, phân tể đầu số (chia chẻ phân tích để quán sát) từ nhân sinh đến vũ trụ, đều do nhân duyên kết hợp mà thành, thật không có cái “ngã” thật thể, không có cái ngã tồn tại, người trí tuệ biết vạn pháp đều như huyễn nên không đắm trước…Ta quán sát tâm thức (vọng, tâm, ý thức) là vô thường, khi thương khi ghét, lúc giận lúc vui đều do ý thức phân duyên rồi phân biệt chấp trước điên đảo, vì vậy mà chịu kiếp luân hồi trong biển sanh tử.

Như Lai vì quán sát: Thân bất tịnh, tâm vô thường, thọ thị khổ, pháp vô ngã… nên đoạn trừ ân ái, dứt bỏ lợi danh, vào núi tuyết tu khổ hạnh và chứng được bốn đức Niết Bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.”

Cảnh yên lặng trong chúng hội, tiếng phát âm của Phật du dương như một bản nhạc vô huyền (không dây), thảnh thót như tiếng chim Ca Lăng, tất cả vua quan trong pháp hội mắt thấy tai nghe thân tâm vô cùng thanh thoát.

Công chúa Vô Song nhứt thời viễn trần ly cấu liền chứng quả dự lưu (Tu đà hoàn).

Riêng Hoàng đế Tam Ða, ông suy nghĩ nhiều trong lời Phật dạy: Ôi! Ta với Phật Thích Ca đều con vua cả, nhưng Thái tử Tất Ðạt đáng làm vua mà người chán nhàm ngôi báu, có vợ đẹp mà Ngài xa lánh yêu đương… Còn ta chỉ vì đói danh lợi, khát tình yêu nên gây nhiều tội lỗi. Ôi! Ðều từ nơi một con người nhưng Thái tử đã loại trừ tận cùng thú tánh, để vươn mình lên địa vị Thánh nhân, còn ta, ta chỉ vì không ngự trị được lòng tham nên tự lao mình vào địa ngục… Ôi! Dục vọng! Dục vọng chỉ mang lại kết quả trong đau khổ, trong nguy hại…

Trong lúc ông quan sát và thành thật ăn năn tội lỗi của mình, nên tâm khai ý giải, ông liền xin tình nguyện đầu Phật xuất gia.

Phật bằng lòng và bảo Tôn giả A Nan trao y bát cho ông, lại cả cây tích trượng hôm qua nữa. Ông kính cẩn quì thẳng nhận lãnh Pháp bảo, khi ông thấy quả cầu còn treo lủng lẳng trên đầu tích trượng bất giác ông mỉm cười: hừ, bóng hạnh phúc! Rồi ông ôm chặt y bát vào lòng: Chỉ có hạnh phúc này mới là hạnh phúc chơn thường bất biến đưa mình và người đến nơi an lạc vĩnh viễn.

 “Tìm hạnh phúc trong vật dục cũng như người đã khát nước lại còn ăn thêm đồ mặn.”

Thích nữ Thể-Quán

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận