Gần 200.000 người Mỹ có nguy cơ tử vong trong 3 tháng tới vì COVID-19

0
1595

Nhóm nghiên cứu của Đại học Washington đưa ra dự báo gần 200.000 người Mỹ có khả năng tử vong từ nay đến ngày 1/5/2021, khi các biến thể mới của Virus SARS-CoV-2 đang lan rộng tại Mỹ.

Cho đến nay đã có hơn 430.000 người Mỹ tử vong vì đại dịch COVID-19, ngay cả khi mọi người đã tích cực đeo khẩu trang, tránh các cuộc tụ tập không cần thiết. Việc các biến thể mới của Virus từ Anh, Brazil và Nam Phi lần lượt được ghi nhận tại Mỹ khiến các nhà khoa học không giấu được sự e ngại sâu sắc.
 
-Quảng Cáo-

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết: “Virus corona mới sẽ tiếp tục phát triển và đột biến”.

Chính phủ liên bang đang chạy đua để cố gắng tiêm chủng rộng rãi cho người dân, nhưng ngay cả dự báo lạc quan nhất cũng cho thấy nhiều người, nếu không muốn nói là hầu hết người Mỹ sẽ phải đợi đến mùa hè mới có thể được chủng ngừa.

Tính đến sáng 1/2/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo chỉ mới 31 triệu người nhận được mũi tiêm vắc-xin COVID-19.

 
Ngoài Đại học Washington, Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe Mỹ cũng dự đoán ít nhất 130.000 người nữa sẽ chết trong ba tháng tới vì COVID-19.
 
Giám đốc mới của CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết sự xuất hiện tràn lan các biến thể mới của virus đồng nghĩa với việc người dân Mỹ càng cần tuân thủ những quy định kiểm dịch mà chính phủ đưa ra nhưng một số người vẫn còn thờ ơ, chưa thực hiện. 

 
“Sự xuất hiện của các biến thể nhấn mạnh nhu cầu hành động vì sức khỏe cộng đồng. Trước tiên, hãy tiêm vắc-xin khi đến lượt bạn. Thứ hai là đeo khẩu trang, thực hiện xa cách xã hội và thường xuyên rửa tay. Và cuối cùng, bây giờ không phải là lúc để đi du lịch. Nhưng, nếu bạn bắt buộc phải đi, hãy tuân theo hướng dẫn của CDC” – tiến sĩ Walensky nói trong một cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh tỷ lệ tử vong sẽ thấp hơn, chỉ khoảng 30.000 người chết trong 3 tháng tới, nếu người Mỹ chăm chỉ đeo khẩu trang khi ra ngoài và ở nhà càng nhiều càng tốt.

Hàng ngàn người châu Âu phản đối các biện pháp hạn chế COVID-19

Người dân Áo, Hungary, Hà Lan… cho rằng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 của chính phủ khiến họ mất đi sự tự do và ảnh hưởng kinh tế trầm trọng.

Trong ngày 31/1, để phản đối các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, khoảng 5.000 người dân Áo đã tụ tập trên một quảng trường ở trung tâm Vienna. Hàng loạt cảnh sát trong trang phục chống bạo động và đeo khẩu trang kỹ càng được cử đến hiện trường ngăn cản đám đông tuần hành.

Trước đó, cảnh sát đã cố gắng cấm nhiều cuộc tụ tập được lên kế hoạch vào cuối tuần qua, bao gồm cuộc phản đối của đảng Tự do cực hữu tại thủ đô Vienna, với lý do đám đông không tuân thủ các quy tắc về xa cách xã hội và không đeo khẩu trang.

Kể từ ngày 26/12/2020, Áo đã ban bố lệnh phong tỏa lần 3, buộc các cửa hàng không thiết yếu và nhiều cơ sở kinh doanh khác đóng cửa để kiểm soát dịch COVID-19.

Người dân Hungary tụ tập phản đối các biện pháp hạn chế COVID-19 gắt gao của chính phủ

Tương tự, hàng trăm người cũng phản đối lệnh kiểm soát dịch COVID-19 ở Budapest, Hungary và yêu cầu bãi bỏ các hạn chế. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban cho biết họ chỉ có thể bắt đầu nới lỏng các biện pháp nếu số ca nhiễm virus giảm mạnh hoặc phần lớn người dân đã được tiêm chủng vắc-xin.

Đại diện đám đông cho biết: “Chúng tôi đã chịu đủ sự tàn phá của dịch COVID-19 về kinh tế”. Hiện Hungary đang thực hiện lệnh giới nghiêm ban đêm và đóng cửa các trường trung học, tất cả các nhà hàng và quán cà phê.

Bất chấp các hạn chế, hơn 100 nhà hàng trên khắp Hungary đã tham gia chiến dịch mở cửa trở lại vào ngày 1/2, kể cả khi chính phủ tăng mạnh tiền phạt vi phạm. Theo đó, các nhà hàng nhận khách phải đối mặt với khoảng phạt 16.000 USD, đồng thời có thể bị buộc đóng cửa trong 6 tháng.

Hungary, với dân số khoảng 10 triệu người, đã báo cáo tổng cộng 367.586 trường hợp mắc COVID-19 và 12.524 người tử vong. Số ca nhiễm mới đã giảm nhưng hơn 3.500 người vẫn đang nằm viện điều trị.

Trong tuần này, Hungary đã trở thành quốc gia đầu tiên trong EU ký thỏa thuận vắc-xin Sputnik V của Nga và vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc.

Ngoài Áo và Hungary, các cuộc phản đối của người dân còn xảy ra ở Hà Lan và Bỉ. Hơn 300 người đã tụ tập ở trung tâm Brussels, Bỉ cho rằng việc cấm khó khăn của chính phủ bao gồm lệnh giới nghiêm 9 giờ tối và lệnh cấm đi lại trong và ngoài nước là không thực sự cần thiết. Trước đó, hàng ngàn người dân Hà Lan đã xuống đường biểu tình, gây cảnh hỗn loạn nghiêm trọng nhất ở nước này trong 40 năm qua.

Nhằm tránh gia tăng căng thẳng, có thể dẫn tới các cuộc bạo loạn đáng tiếc hầu hết các chính phủ phương Tây đều chọn cách tiếp cận hòa bình để giải tán đám đông, tránh sử dụng vũ lực.

Báo Phụ Nữ

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận