Thuế VAT xe ôm công nghệ 10%: Nhiều nỗi trăn trở

0
1683

Đi xe công nghệ phải đóng thuế VAT 10%

Giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng Grab, Gojek sẽ phải tính VAT 10% tương tự taxi truyền thống.

Theo Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek… hay còn gọi là đơn vị hợp tác cá nhân kinh doanh, sẽ thay đổi.

Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.

Với cách tính mới này, số thuế khách hàng phải trả trên một cuốc xe sẽ nhiều hơn trước. Vì thế, trong trường hợp giá cước và tỷ lệ chiết khấu được giữ nguyên, thu nhập thực tế của tài xế sẽ giảm so với trước tuy tỷ lệ đóng thuế của tài xế thấp hơn. Doanh nghiệp có thể phải tính đến cách tăng giá cước xe hoặc thay đổi tỷ lệ chi trả cho tài xế nếu muốn đảm bảo được thu nhập cho tài xế.

Theo tính toán của Grab, với một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu là 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định mới áp dụng từ ngày 5/12, tài xế còn nhận được 70.800 đồng, giảm khoảng 7,3% thu nhập so với mức hiện nay.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) khẳng định, việc tính thuế VAT 10% trên tổng doanh thu áp dụng cho cả hai loại hình gọi xe công nghệ gồm taxi và xe máy.

Với dịch vụ giao đồ ăn và giao hàng, cơ quan thuế sẽ xem xét cách tính thuế khác, tuỳ vào từng trường hợp và dòng tiền cụ thể do việc hợp tác còn liên quan đến đơn vị thứ ba.

Lý giải về cách tính thuế mới, bà Lan khẳng định cơ quan thuế không nhằm mục đích tăng đánh thuế tài xế mà nhằm thu thuế VAT theo đúng bản chất hoạt động kinh doanh.

Do quy định xoay quanh các mô hình kinh doanh mới như Grab và Gojek lâu nay chưa hoàn thiện, thuế VAT thu trên các dịch vụ gọi xe “lâu nay bị tính thiếu và giờ phải tính lại cho đúng”, lãnh đạo của Tổng cục thuế nói.

Bà này lý giải giá hàng hoá hay dịch vụ thông thường cung cấp ra thị trường đều tính thuế VAT 10%. Trong lĩnh vực vận tải, doanh nghiệp truyền thống cũng phải xây dựng mức giá vận tải không bao gồm thuế và sau đó mới tính thêm VAT 10% trên mức giá này. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, khách hàng trả bao nhiêu thì doanh nghiệp phải xuất hoá đơn và tính trên tổng toàn bộ doanh thu. Vì vậy, cơ quan thuế quản lý thuế VAT đối với dịch vụ vận tải của Grab, Gojek bình đẳng với các doanh nghiệp taxi truyền thống.

Tuy nhiên, với chính sách thu thuế VAT mới, cơ quan thuế chỉ “nắm người có tóc”, tức là doanh nghiệp với tư cách pháp nhân phải đứng ra chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc kê khai và nộp thuế. Trong khi đó, các loại hình xe ôm truyền thống, taxi dù v.v. không đăng ký với các công ty công nghệ cao thì cơ quan thuế không thể quản lý được để áp dụng chính sách thu thuế VAT. 

Khi chính sách thuế có sự thay đổi, theo lãnh đạo Vụ, doanh nghiệp với tư cách pháp nhân có thể xem xét ký lại hợp đồng hoặc thoả thuận lại với tài xế để đảm bảo quyền lợi của đôi bên.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe bằng ôtô có tham gia vào khâu quyết định giá cước, đã được quy định rõ ràng theo Nghị định 10/2020 là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Pháp luật hiện nay tuy chưa quy định rõ loại hình của các dịch vụ gọi xe bằng xe gắn máy, mô tô, nhưng luật sư Lương Huy Hà – giám đốc Công ty Tư vấn Lawkey Việt Nam đánh giá các dịch vụ này có quy trình tương tự với dịch vụ gọi xe bằng ôtô và bản chất cũng là cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng. Vì vậy, việc áp thuế VAT 10% trên tổng doanh thu nhận từ khách hàng theo quy định mới là phù hợp.

Còn với những đơn vị có giấy phép kinh doanh nghiệp công nghệ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng 2013, cá nhân tài xế sẽ nộp VAT là 3% doanh thu thực nhận thay vì doanh nghiệp kê khai và nộp 10% trên tổng toàn bộ doanh thu.

Trước quy định thu thuế mới, đại diện của một số doanh nghiệp trực tiếp liên quan cũng cho biết đang lúng túng. Ngoại trừ Bee là đơn vị đã đăng ký kinh doanh là doanh nghiệp vận tải, Grab và Gojek vẫn đang trông chờ vào hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế.

Đại diện Gojek cho biết đang tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng để hiểu rõ các quy định. “Chúng tôi đánh giá sẽ có sự điều chỉnh nhưng đang phân tích tình hình nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất và sẽ thông báo tới các đối tác tài xế và khách hàng sau”, Gojek cho hay.

Trong khi đó, phía Grab – siêu ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ gồm gọi xe – chia sẻ sẽ tuân thủ theo quy định mới. Các bên (gồm hãng, người dùng và tài xế) sẽ cùng chia sẻ phần thuế phát sinh thêm để đảm bảo thu nhập cho tài xế, người dùng không bị ảnh hưởng quá lớn. Đại diện của hàng khẳng định giữ nguyên tỷ lệ chiết khấu và sẽ tính toán lại giá cước cũng như chương trình thưởng để vừa giữ tính cạnh tranh trên thị trường vừa đảm bảo thu nhập cho tài xế.

Trước thông tin về thuế xe ôm công nghệ 10%, theo đó, lái xe công nghệ ngoài chi phí phải trả cho sử dụng ứng dụng còn phải trả thêm 10% thuế VAT được tính trên doanh thu mỗi lần hoàn thành đơn giao hàng cho khách hàng, một tài xế xe ôm công nghệ đã gửi “tâm thư” về vấn đề này.

Bức tâm thư của tài xế xe ôm công nghệ đăng trên Fanpage của Công đoàn Việt Nam

Theo thư, tài xế công nghệ này cho biết, trước thông tin theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, lái xe công nghệ ngoài chi phí phải trả cho sử dụng ứng dụng còn phải trả thêm 10% thuế VAT được tính trên doanh thu mỗi lần hoàn thành đơn giao hàng cho khách hàng, tài xế Grab này cho biết, là công dân Việt Nam, anh hoàn toàn ủng hộ chính sách của nhà nước về nghĩa vụ và trách nhiệm nộp thuế đối với bất kì cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh trên đất nước Việt Nam để đảm bảo tính công bằng cho các nghành nghề kinh tế và phát triển kinh tế hạ tầng, xây dựng đất nước giàu đẹp – văn minh.

Tuy nhiên, tài xế này phản đối việc áp thuế lên các cá nhân là lái xe công nghệ thuộc sự quản lý và giám sát của các công ty công nghệ vì các lẽ sau:

  • Lái xe công nghệ có thu nhập thấp, thậm chí không lương, không có bảo hiểm lương hưu, y tế.
  • Lái xe công nghệ không thuộc đối tượng phải chịu thuế VAT theo Luật số 13/2008/QH12 Luật Thuế giá trị gia tăng.
  • Lái xe công nghệ tự dùng nguồn tài chính của mình để mua xe để làm công cụ cho công việc của mình; đồng thời cũng đã phải nộp thuế VAT, lệ phí trước bạ….
  • Thêm nữa lái xe công nghệ cũng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân với những công nhân có doanh thu trên 100 triệu/năm (cái này còn chưa kể trừ chi phí đi thì chẳng còn thu nhập là bao).

Tài xế Grab này cho biết, anh cùng những đồng nghiệp khác là một bộ phận lao động của xã hội giúp cho các chuyến hàng và vận chuyển con người được thuận tiện hơn, góp phần vào hệ thống giao vận, giao thương giữa các thành phần kinh tế được bảo đảm, an toàn và nhanh chóng, giúp cho phân công lao động xã hội hiệu quả hơn, thúc đẩy nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài…

Nhưng với đặc thù và tính chất công việc lái xe công nghệ có rất nhiều trở ngại, rủi ro, khó khăn để đảm bảo cuộc sống về lâu dài:

  • Rủi ro về tai nạn giao thông cao hơn các nghành nghề khác. Các va chạm giao thông có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và tính mạng
  • Ảnh hưởng rất lớn về sức khoẻ: Hít bụi và hít các loại khí ô nhiễm hàng ngày, ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp; tay chân bị tê vì ít hoạt động, dẫn đến phù nề, đau khớp, đau lưng, dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá vì vệ sinh chân tay miệng kém, ăn uống không đủ chất, vì tính chất và môi trường làm việc và còn nhiều các loại bệnh khác có thể xảy đến với công nhân lái xe công nghệ.
  • Cường độ thời gian làm việc quá thời gian lao động quá nhiều thường là từ 10 tiếng đến 12 tiếng
  • Thu nhập sau khi trừ các chi phí hoạt động không cao, thuộc thành phần thu nhập thấp của xã hội…

“Tôi liệt kê các rủi ro kể trên để chúng ta thấy rằng, nếu không có sự quản lý và quan tâm của nhà nước thì sẽ có một bộ phận tầng lớp trung niên nhưng đã bị vắt kiệt về sức khoẻ, mất khả năng lao động sớm tạo nên một gánh nặng không nhỏ cho đất nước”- tài xế này cảnh báo.

Vì vậy, tài xế xe ôm công nghệ này mong muốn nhà nước sẽ bãi bỏ thuế VAT cho tài xế xe ôm công nghệ.

 
Hàng trăm tài xế Grab ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã tắt app để phản đối việc Grab tăng giá cước cho mỗi chuyến đi, do Nghị định 126 của Chính phủ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 5/12 quy định về cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek…
 
“Hiện Grab trừ 20% cước phí của mỗi cuốc xe, nếu tài xế GrabBike chạy cuốc xe được 100.000 đồng sẽ mất 20.000 đồng tiền phí cho công ty. Trong 80.000 đồng còn lại, bị trừ tiếp gần 10% VAT nữa. Mức thu này tương ứng với khoảng gần 30% cước phí và chúng tôi chỉ còn 70.000 đồng để mang về. Trừ chi phí xăng, dầu và khấu hao đi thì chúng tôi chẳng còn lại bao nhiêu” – một tài xế bức xúc nói.
 
Một tài xế khác cho biết phía Grab đã tăng mức khấu trừ mỗi chuyến xe từ 20% lên 27,273%. Số tiền này được phía Grab cộng lại dựa trên 3 loại phí: Phí sử dụng dịch vụ, phí nền tảng (1.000 đồng) và thuế giá trị gia tăng.
 
Anh cho hay rất nhiều tài xế đã phản đối mức thu này, vì phía chịu thuế phải là Grab chứ không phải tài xế. Hơn nữa, việc chạy Grabbike ở Việt Nam nhiều rủi ro mà không được đóng bảo hiểm y tế, chi phí hao mòn và sức khỏe cũng mất nhiều. Do đó, càng ngày mức chiết khấu càng tăng thì ảnh hưởng nhiều đến đời sống của cánh tài xế xe ôm công nghệ.
“Chúng tôi sẽ đấu tranh tới cùng đến khi có câu trả lời rõ ràng nhất”, người này nói.
 
Đại diện Grab đã gửi văn bản đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ các vấn đề về nghĩa vụ thuế đối với phần doanh thu của tài xế xe 2 bánh nhưng đến nay vẫn chưa được nhận ý kiến trả lời.
 
Grab cho rằng việc cơ quan quản lý áp dụng Nghị định 10/2020 ngày 17/1/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô để tính thuế GTGT đối với hình thức xe 2 bánh là không hợp pháp. Hiện chưa có quy định nào về điều kiện kinh doanh và cấp giấy kinh doanh vận chuyển hành khách xe 2 bánh.
 
Grab cho hay, Tổng cục Thuế đã công nhận và hướng dẫn xác định thuế GTGT theo nguyên tắc: phần doanh thu của Grab phải chịu thuế GTGT 10%; phần doanh thu của đối tác tài xế xe 2 bánh phải chịu thuế GTGT 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh.
 
Theo Grab, trong thực tế, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh vẫn phải dựa vào các nguyên tắc của Bộ Luật Dân sự giữa tài xế và hành khách. Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh hoàn toàn không có tính chất kinh doanh mà là hoạt động kiếm sống của những người có thu nhập thấp (đa phần dưới 100 triệu đồng/năm).
 
“Sự hợp tác giữa Grab và tài xế 2 bánh dựa trên việc khai thác các thế mạnh, nguồn lực của các chủ thể độc lập và bảo đảm quyền tự chủ khi tham gia hợp tác của mỗi bên. Trong đó, Grab chỉ là bên cung cấp dịch vụ kết nối cho các tài xế xe 2 bánh theo mô hình kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử mà công ty đã đăng ký với Bộ Công Thương. Tài xế xe 2 bánh là người trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải và hưởng phần lớn doanh thu. Grab được hưởng phí dịch vụ kết nối là 20% doanh thu cuốc xe” – lãnh đạo Grab giải thích.
 
Ngọc Minh (Tổng hợp)
guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận