Sạt lở kinh hoàng tại Quảng Nam: Tìm thấy 7 thi thể, 46 người còn mất tích

0
1724

Vụ sạt lở kinh hoàng tại thôn 1 xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) đã khiến 53 người mất tích, bước đầu tìm thấy 7 thi thể, còn 46 người đang mất tích. 3h sáng, lực lượng chức năng đã vào hiện trường sạt lở để tiến hành cứu hộ, cứu nạn.

-Quảng Cáo-

Đêm 28-10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành liên quan đã họp khẩn về vụ sạt lở nghiêm trọng vào khoảng 13 giờ 30 ngày 28-10 tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) vùi lấp nhiều người.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp, đã có thông tin ban đầu về vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng. Tuy nhiên, từ trung tâm xã Trà Leng đến hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở nên chưa thể tiếp cận.

Cũng theo thông tin ban đầu, 45 người ở thôn 1, xã Trà Leng, trong đó 8 người ở thôn 1 xã Trà Vân (Nam Trà My) mất tích. Thông tin mới nhất đêm 28-10 cho biết đã tìm thấy thi thể của 7 nạn nhân.

Tại cuộc họp đêm 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ cho từng cá nhân tham gia chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Quảng Nam. Phó Thủ tướng đồng ý thành lập Sở chỉ huy tiền phương do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ huy và một lãnh đạo Quân khu 5 là cấp phó để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Thông tin về vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nam Trà My, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết sự cố này xảy ra tại hai thôn là thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân. Ông cho biết tại thôn 1 xã Trà Leng sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người may mắn thoát nạn. Còn tại thôn 1 xã Trà Vân có 8 người bị vùi lấp.

Theo Phó Thủ tướng, những sự cố dù lường trước được, riêng sạt lở đất do mưa lũ kéo dài ở vùng núi vẫn rất khó đoán định. “Bão vào chủ động ứng phó được nhưng sạt lở đất rất khó khăn, không chỉ Quảng Nam mà các địa phương khác cũng vậy” – Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu tập trung cứu hộ cứu nạn, cứu những người còn sống sót trong vụ sạt lở đất.

Phó Thủ tướng cho biết bão số 9 đã qua, hoàn lưu bão gây ra mưa lũ, nước dâng cao ở nhiều sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế và các tỉnh bắc trung bộ. Nhưng riêng Quảng Nam cần tập trung ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh, của các lực lượng trên địa bàn. Ông yêu cầu tiếp tục rà soát các ví trí nguy hiểm để sơ tán dân. “Khó nhưng cũng phải làm”, Phó thủ tướng quán triệt.

Ngay sau cuộc họp khẩn với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về sạt lở nghiêm trọng tại huyện Nam Trà My, đêm 28-10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp bàn phương án tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích. Theo đó, thống nhất thành lập 3 sở chỉ huy gồm: sở chỉ huy chính đặt tại Bắc Trà My và 2 sở chỉ huy trực tiếp tại hiện trường ở xã Trà Leng và xã Trà Vân.

Vào 3 giờ sáng nay 29-10, Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) chuẩn bị quân số, 1 máy đào, 1 máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng… cơ động lên hiện trường. Đồng thời, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My trinh sát đường vào hiện trường sạt lở; lực lượng công binh tiến hành mở đường khẩn cấp. Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) cũng sẵn sàng trạng thái chiến đấu, cơ động khi cần thiết.

Lực lượng trinh sát cũng xác định địa hình, địa chất để sở chỉ huy đưa ra các phương án tìm kiếm hiệu quả, an toàn nhất. Công tác y tế được chuẩn bị chu đáo, có thể trưng dụng Trung tâm Y tế Nam Trà My để phục vụ khi cần thiết.

Dân Kon Tum hoảng loạn nhìn thác nước tuôn trào dữ dội sau bão số 9

Do ảnh hưởng của bão gây mưa lớn, một thác nước ở Kon Tum tuôn trào cuồn cuộn cuốn trôi tất cả khiến nhiều người sợ hãi.

Ngày 28/10, bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh thành miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định,… gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài ra, cơn bão số 9 cũng gây ảnh hưởng lớn tới một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. 

Mới đây, trên MXH xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh tượng con thác Pa Sỹ nổi tiếng tại huyện Kon Plông, Kon Tum bất ngờ tuôn trào dữ dội. Dòng nước đổ xuống đục ngầu khiến người xem vô cùng hoảng sợ. 

Trong đoạn clip, nước từ con thác tuôn trào, chảy xiết với tốc độ rất nhanh, quét qua bãi đất sát nơi người dân đứng. Dòng nước mạnh cuốn trôi nhiều tài sản của người dân, thậm chí những ngôi nhà nhỏ được cho là gian nhà của khu du lịch sinh thái cũng bị nước lũ “mang đi”.

Người dân khi chứng kiến cảnh tượng này không khỏi sợ hãi, Một người đàn ông đứng gần đó hét lên: “Trời ơi trời, còn gì nữa. Mất trắng luôn rồi“.

Đoạn clip sau khi được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Tất cả đều sửng sốt và hoang mang khi chứng kiến cảnh con thác “điên cuồng” chảy siết cuốn trôi tài sản của người dân. 

“Bão đã qua nhưng hoàn lưu sau bão mới thật sự đáng sợ, cầu mong người dân miền Trung bình yên”. “Nước cuồn cuộn thế này rất nguy hiểm, bà con nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn để đề phòng lũ lên và sạt lở” .

Trước đó, như Người Lao Động đưa tin, vào 11h15 trưa cùng ngày, nước đổ về nhiều cuốn trôi cây cầu sắt nằm trên tuyến đường liên huyện, nối xã Đắk Pne với trung tâm huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum khiến gần 1.500 người dân ở 3 thôn bị cô lập hoàn toàn. 

May mắn, vào thời điểm xảy ra sự việc, nhiều người dân đang chờ qua cầu nhưng lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn cản nên không gây thiệt hại về người. 

Tổng hợp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận