Australia và quốc đảo Barbados đồng vị trí thứ nhất theo Chỉ số hiệu suất môi trường của EPI năm 2018, được khảo sát trên 180 quốc gia.

Australia

-Quảng Cáo-

Xứ sở Kangaroo đạt điểm số cao nhất là 100, trong bảng xếp hạng chất lượng không khí. Nơi đây được biết đến với thiên nhiên đa dạng, sở hữu khoảng 8% loài động, thực vật có mặt trên trái đất.

Với văn hóa bản địa phong phú, đồ ăn ngon, những đồng bằng rộng lớn, bãi biển với làn nước trong xanh… Australia được nhiều du khách yêu thích. Một vài gợi ý dành cho bạn khi tới đây là tìm hiểu văn hóa thổ dân, bay ngắm cảnh hoặc lặn ở rặng san hô Great Barrier, khám phá rừng mưa nhiệt đới Daintree. Với những người thích tham quan thành phố, đừng bỏ quên Sydney với biểu tượng nhà hát con sò, những bãi biển ngập nắng và ánh đèn cầu cảng lấp lánh trong đêm. Ảnh: Siwawut/Shutterstock.

Barbados

Đồng hạng nhất với Australia là Barbados, quốc đảo nằm ở vùng biển Caribbean. Với diện tích khoảng 430 km2 và dân số hơn 280.000 người, hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ với những vùng vịnh màu xanh ngọc lam, thảm thực vật tươi tốt. Barbados thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe. Ngoài cơ sở hạ tầng tốt, tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cao, quốc đảo còn được công nhận về khả năng chữa bệnh bởi không khí trong lành.

Khi tới đây, bạn đừng quên khám phá hang động ngầm Harrison, bơi cùng rùa biển Hawskbill ở bờ biển phía tây hay tham quan công viên nữ hoàng, nơi có những cây Baobab khổng lồ tương đương 15 người ôm. Ảnh: Simon Dannhauer/Shutterstock.

Jordan

Đứng ở vị trí thứ ba là Jordan, đất nước Trung Đông nổi tiếng với các di sản thế giới, biển Chết và sa mạc rộng lớn. Khi tới đây, du khách có thể tham quan thành phố cổ Petra, có niên đại hơn 2.000 năm hay bơi trên biển Chết. Ngoài ra, hoạt động lặn ở Aqaba, tham quan thung lũng Mujib cũng là những gợi ý cho bạn khi du lịch Jordan. Ảnh: Tenkl/Shutterstock.

Canada

Xứ sở lá phong là một trong những quốc gia có chất lượng không khí tốt nhất với 347 triệu ha rừng. Ngoài ra, Canada còn là thành viên sáng lập của Liên minh Khí hậu và Không khí. Kể từ năm 1970, dù kinh tế, dân số tăng và mức tiêu thụ năng lượng lớn, đất nước này vẫn đi đầu trong việc cải thiện chất lượng không khí. Điều này được cho là nhờ nhận thức của người dân về mối nguy hại của ô nhiễm không khí, sử dụng nhiên liệu sạch cho phương tiện giao thông và giảm sử dụng than khi sản xuất điện. 

Về du lịch, Canada thu hút khách bởi những ngọn núi hùng vĩ, bờ biển hiểm trở và phong cảnh thiên nhiên đẹp. Đến đây, du khách có thể tham quan thành phố 400 năm tuổi Québec, với những bức tường đá và nhà thờ cổ kính hay ngắm Bắc cực quang ở vùng Yukon. Với những người yêu thiên nhiên thì đảo Manitoulin, thảo nguyên rộng lớn ở Saskatchewan là nơi không nên bỏ lỡ. Ảnh: Yunsun Kim/Shutterstock.

Đan Mạch

Không chỉ có không khí trong lành, quốc gia Bắc Âu với hơn 5,7 triệu dân còn xuất hiện trong danh sách những quốc gia sạch nhất và hạnh phúc nhất thế giới. Đây cũng là quốc gia hàng đầu trong việc sử dụng năng lượng sạch, tái tạo như khí đốt tự nhiên, năng lượng gió, nước.

Đan Mạch là một trong những điểm đến hàng đầu thế giới với ngọn tháp cổ kính nhất châu Âu, công viên giải trí lâu đời thứ hai trên thế giới Tivoli. Ngoài ra, bạn cũng có thể ghé thăm Klitmoller, bãi biển đẹp dành cho những người yêu thích lướt sóng, cung điện Frederiksborg và tượng nàng tiên cá. Ảnh: SF/Shutterstock.

Phần Lan

Đây là quốc gia Bắc Âu thứ hai xuất hiện trong bảng xếp hạng về không khí sạch. Phần Lan cũng được mệnh danh là một trong những quốc gia đáng sống nhất thế giới. Với việc ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng sạch như thủy điện, năng lượng gió, nhiên liệu gỗ, nhiệt mặt đất, ô nhiễm không khí dường như được giảm tối thiểu ở đây. 

Trong năm 2019, quốc gia này thu hút hơn 6,6 triệu lượt khách quốc tế. Khi tới đây, du khách có thể xem Bắc cực quang, đi xe trượt tuyết ở Lapland, đi dạo trong thị trấn cổ Old Porvoo hay tắm suối nước nóng ở Lakeland. Ảnh: Oleksiy Mark.

New Zealand

Đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách, New Zealand gây ấn tượng du khách bởi không khí trong lành, không có khói mù. Các cơn gió phía tây được xem là một trong những lý do giúp quốc gia này phân tán các chất gây ô nhiễm trước khi chúng cô đặc. Ngoài ra, không khí trong lành ở New Zealand còn được giải thích là nhờ dân cư thưa thớt, ít các ngành công nghiệp khói. Doanh thu chính của quốc gia này đến từ du lịch, lâm nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Về du lịch, New Zealand được biết đến là quốc gia có cảnh quan đa dạng, từ bãi biển đến núi cao và những dòng sông băng. Khi tới đây, du khách có thể đến Queenstown, trải nghiệm trượt tuyết, đi bè trên sông, nhảy bungee và thư giãn với các phương pháp spa trị liệu. Để khám phá văn hóa Maori và tắm hồ nước nóng, đừng bỏ lỡ thành phố Rotorua. Ảnh: Klanarong Chitmung/Shutterstock.

Brunei 

Nằm ở châu Á, Brunei có mặt ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng. Đây là một trong những quốc gia có số người chết vì ô nhiễm không khí thấp nhất trên thế giới, theo WHO. Điều này được cho là nhờ vào nỗ lực duy trì rừng dù công nghiệp hóa nhanh chóng. 

Khi du lịch Brunei, bạn đừng quên ghé thăm những nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất Đông Nam Á, du thuyền và tham quan khu rừng nhiệt đới nguyên sinh Ulu Temburong. Nếu yêu thích khám phá ẩm thực, du khách cũng có thể ghé thăm chợ đêm Gadong, ở thủ đô Bandar Seri Begawan. Ảnh: Ihor Pasernak/Shutterstock.

Iceland

Quốc gia này có không khí trong lành nhờ vào sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, 73% điện được cung cấp từ các nhà máy thủy điện và 26,8% từ năng lượng địa nhiệt. Đây cũng là điều khiến mỗi người dân yêu thiên nhiên của Iceland tự hào. 

Ngoài không khí trong lành, đất nước này thu hút du khách bởi những kỳ quan địa chất như núi non, thác nước, vịnh hẹp, suối nước nóng. Tới đây, du khách có thể tham quan trung tâm triển lãm núi lửa Lava, tắm nước nóng ở đầm xanh, phía tây nam đất nước. Ảnh: Andrew Mayovskyy/Shutterstock.

Mỹ

Từ sau Đạo luật Không khí sạch năm 1970, các chất gây ô nhiễm ở Mỹ đã giảm 73% tính đến nay. Trong đó, các nhà máy, phương tiện giao thông phải sử dụng công nghệ kiểm soát ô nhiễm hiện đại. Đây cũng được cho là lý do quốc gia này có mặt trong vị trí thứ 10 của bảng xếp hạng. 

Sau khi thoát khỏi khói mù gây ô nhiễm, tầm nhìn xa và khung cảnh đẹp trong các thành phố trở nên rõ ràng hơn. Một số điểm đến hàng đầu cho du khách khi đến quốc gia này là thành phố New York, công viên quốc gia Grand Canyon và công viên Yellowstone. Ảnh: Helena GH/Shutterstock.

Chỉ số hiệu suất môi trường năm 2018 xếp hạng 180 quốc gia, dựa trên 10 loại vấn về chất lượng không khí, nước, vệ sinh, kim loại nặng, đa dạng sinh học và môi trường sống. Ngoài ra là các vấn đề năng lượng, ô nhiễm không khí, tài nguyên nước và nông nghiệp.

Trong mục chất lượng không khí được đánh giá dựa trên mức độ tiếp xúc bụi mịn PM 2.5, mức PM 2.5 vượt quá và mức độ ô nhiễm do chất đốt nhiên liệu rắn, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 159/180. 

Nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm chính sách và luật pháp môi trường Yale, Đại học Yale, Trung tâm mạng thông tin khoa học trái đất CIESIN và Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện. Bộ kết quả sẽ được phát hành 2 năm một lần từ năm 2006.

VnExpress

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận