Đây là một cuốn truyện đặc biệt mà lời văn cùng nét vẽ hòa quyện vào nhau đến nỗi ở Pháp, người ta không thể sắp xếp lại chữ lần thứ hai mà luôn phải trình bày duy nhất trong mọi lần xuất bản. Câu chuyện kể về một hoàng tử nhỏ cô đơn từ tiểu tinh cầu xa xôi viếng thăm rồi lại lìa xa Trái đất. “Hoàng tử bé” (Little Prince, Le Petit Prince) được xem là kiệt tác thơ mộng nhất của mọi thời đại.
Cho đến nay, tác phẩm ra đời vào năm 1943 của nhà văn Saint-Exupéry này đã được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ và phát hành hơn 200 triệu bản trên toàn thế giới.
Sự giản dị trong sáng tỏa khắp tác phẩm đã khiến nó trở thành một bài thơ bất hủ mà mãi mãi người ta muốn đem làm quà tặng của tình yêu. Cho đến nay, không biết bao nhiêu người đã đọc đi đọc lại tác phẩm này để rồi lần nào cũng lặng đi trong nước mắt.
Thế giới người lớn: Khô khốc, nhọn hoắt và mặn chát. Đó là những gì trẻ con cảm nhận từ thế giới của người lớn. Không nói thẳng ra, nhưng những cảm nhận và thắc mắc của cậu bé yếu đuối trong “Hoàng tử bé” chính là tiếng chuông đánh động tâm hồn đang sống gấp sống cuồng của những người lớn.
Và rồi những ngôn từ mĩ miều ấy buộc người lớn phải tò mò, lật giở từng trang sách một, đọc thật kĩ để khám phá vì sao trẻ con lại nhìn thế giới người lớn xấu xí đến thế.
“Hoàng tử bé” là câu chuyện dành cho trẻ thơ nhưng lại là kim chỉ nam cho thế giới người lớn. Đó là điều tưởng như phi lí nhưng lại hoàn toàn có lí. Xuyên suốt cuốn sách, nhà văn Saint Exupéry không nói thẳng ra cậu bé nghĩ thế này, người lớn nói thế kia, nhưng qua những nét vẽ ngô nghê, những câu văn chân thật, người lớn lại là người chiêm nghiệm được nhiều nhất. Không giáo điều, không triết lí, những mảng màu sáng tối trong cuộc sống hiện ra nhẹ nhàng qua lời nói và cảm xúc hồn nhiên, tinh khiết của một cậu bé. Sức ám ảnh của câu chuyện, của tình người, của tình bạn khiến người ta nhức nhối suốt hơn nửa thế kỉ qua.
Người lớn tôn thờ vật chất. Nếu bạn nói với người lớn: “Con thấy một cái nhà gạch màu hồng, với cây phong lữ trên cửa sổ, và chim bồ câu trên mái”, người lớn sẽ chẳng hình dung nổi cái nhà ấy như thế nào đâu. Phải nói là: “Con đã thấy một cái nhà 10 vạn franc”, người lớn sẽ kêu lên ngay: “Ôi thật xinh đẹp làm sao!”.
Người lớn là một thế giới khô khan và xa xôi khó hiểu. Trẻ con qua hình ảnh Hoàng tử nhỏ bé có những bí mật của riêng mình, lại chú ý những điều hoàn toàn nhỏ nhặt mà đôi khi người lớn coi là vớ vẩn. Có người lớn nào lại bị hấp dẫn bởi sự cựa quậy, chúm chím hé nở của những đóa hồng không? Có người lớn nào đứng lại thốt lên: “Ôi chao, hoa thật là điệu” chưa? Trẻ con là người biết nhiều nhất những sự huyền diệu của cuộc sống. “Hoa điểm trang hoài, nấp kín trong căn buồng xanh của nó. Hoa chọn kỹ màu sắc của mình. Hoa chậm rãi chỉnh trang, sửa lại ngay ngắn từng cánh hoa. Hoa không muốn hiện ra nhàu nát như cái mào gà. Hoa rất thận trọng”.
Người lớn trong mắt trẻ con luôn thiếu óc tưởng tượng. “Người lớn chẳng bao giờ tự hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ”. Người lớn không quan tâm trẻ con đang vẽ gì, trẻ con muốn gì. Và khi trẻ con hỏi người lớn: “Những cái gai hoa hồng, chúng dùng làm gì?”, người lớn sẽ đáp lại nhanh gọn: “Gai, nó chẳng dùng vào việc gì hết. Nó chỉ là thứ độc ác của hoa mà thôi”. Nhưng với trẻ lại khác: “Hoa yếu đuối lắm. Chúng ngây thơ lắm. Chúng cố tự làm cho mình được vững tâm. Chúng nghĩ là với những cái gai, chúng sẽ trở nên ghê gớm hơn…”
Trẻ con mất thì giờ vì một con búp bê bằng giẻ rách, và con búp bê ấy trở nên quan trọng lắm, ai lấy đi của chúng, chúng sẽ khóc. Người lớn thì không. Nhưng, trẻ con lý luận: “Không nên giận họ. Trẻ con phải hết sức rộng lượng đối với người lớn!”.
‘Con mắt vốn mù loà. Phải tìm kiếm với trái tim.
Không phải ngẫu nhiên mà “Hoàng tử bé” đề tặng cho một người lớn: “Tặng Léon Werth – Khi còn là một cậu bé” khi câu chuyện dành cho trẻ con.
Không phải ngẫu nhiên mà trẻ con thấy người lớn vô tình và xa lạ đến thế: “…mặt mũi đỏ gay, không hề ngửi một bông hoa, không hề ngắm một vì sao”. Người lớn bao giờ cũng khuôn phép, luôn vội vã và gấp gáp. Những con tàu lao vù vù trong đêm như hiện thân của nhịp sống quay cuồng, nặng ưu tư, phiền muộn của con người. Con tàu lao nhanh, sáng choang, gầm như sấm. Trẻ con thảng thốt hỏi: “Họ vội quá… Họ tìm cái gì vậy?”. Nhưng, “Chính người lái tàu cũng không biết”.
Sẽ rất thú vị nếu bạn biết trẻ con tả sự bao la, mênh mông của Trái đất bằng những hình ảnh xấu xí của người lớn: “Trái đất không phải là một hành tinh xoàng đâu. Có tới 111 ông vua, 7000 nhà địa lý, 900 nghìn nhà doanh nghiệp, bảy triệu rưỡi bợm nhậu, ba trăm mười một triệu kẻ khoác lác và khoảng hai tỉ người lớn”.
Chính tác giả của Hoàng tử bé cũng hoài niệm: “Ngày tôi còn là một cậu bé, ánh sáng của cây thông Noel, tiếng nhạc của buổi lễ nửa đêm, những nụ cười dịu dàng đã làm nên sự rực rỡ của món quà Noel mà tôi được nhận”.
|