Những con mèo hóa điên vì ngộ độc thủy ngân

0
1997

Vào giữa những năm 1950, người dân thị trấn Minamata ở Nhật Bản bắt đầu chú ý đến những con mèo phát điên và rơi xuống biển. Họ nghĩ những con mèo đó tự tử. 

Đã có hơn 50.000 người nộp đơn để được hưởng bồi thường, cho thấy Thảm họa ngộ độc thủy ngân Minamata cách đây mấy chục năm vẫn còn để lại hậu quả đến tận bây giờ.

-Quảng Cáo-

Không lâu sau đó, những căn bệnh lạ bắt đầu xuất hiện. Người dân Minamata bị tê chân tay và môi. Một số người gặp khó khăn khi nghe và nhìn. Những người khác bị run chân tay, khó đi, hay thậm chí tổn thương não. Và cũng như lũ mèo, một số người dường như hóa điên, la hét một cách không kiểm soát được. Có cái gì đó đang tấn công hệ thần kinh trung ương của họ. 

Cuối cùng, vào tháng 7/1959, các nhà nghiên cứu từ ĐH Kumamoto phát hiện nguồn gốc những căn bệnh đó là do ngộ độc thủy ngân. Tên Minamata được lấy để đặt cho bệnh này. 
 
Thảm họa Minamata khiến nhiều người sinh ra trong tình trạng dị tật. (ảnh: Getty Images)
 
Minamata là một thị trấn nằm bên bờ biển Shiranui. Do vị trí giáp biển, người dân nơi đây ăn rất nhiều cá. Chế độ ăn nhiều cá của người dân và mèo ở Minamata là điểm chung dẫn đến những triệu chứng nêu trên, từ đó các nhà khoa học nghi ngờ cá trên vịnh Minamata đã bị nhiễm độc.
 
Một nhà máy hóa dầu quy mô lớn ở Minamata của tập đoàn Chisso ngay lập tức bị nghi ngờ. Chissco bác bỏ cáo buộc và tiếp tục sản xuất mà không thay đổi quy trình. Nhưng sau đó công ty này bị phát hiện đã xả khoảng 27 tấn hợp chất thủy ngân xuống vịnh Minamata. 
 
Khi quá trình xả thải thủy ngân tiếp tục, những phụ nữ bị đầu độc sinh ra những em bé bị đầu độc. Nhiều đứa trẻ bị dị tật chân tay, chậm phát triển trí tuệ, mù và điếc. 
 
Ngư dân Minamata bắt đầu phản đối Chissco từ năm 1959. Họ yêu cầu Chissco dừng xả thải độc và bồi thường thiệt hại cho những bệnh tất họ phải hứng chịu. Cuối cùng, Chissco dừng xả độc ra vịnh Minimata từ năm 1968. Theo chính phủ Nhật Bản, tổng số 2.955 người đã mắc bệnh Minamata và 1.784 người đã chết. Chissco đã bồi thường cho tổng số hơn 10.000 người và tiếp tục bị kiện. 
 
Tháng 10/1982, 40 người nộp đơn kiện chính phủ Nhật Bản vì cho rằng chính phủ đã không chặn được Chisso gây ô nhiễm môi trường. Tháng 4/2001, tòa án thượng thẩm Osaka kết luận rằng Bộ Y tế và phúc lợi của chính phủ đáng lẽ phải có biện pháp dừng tình trạng đầu độc vịnh Minamata từ cuối năm 1959, sau khi các nhà khoa học đưa ra kết luận rằng bệnh Minamata do ngộ độc thủy ngân gây ra. Tòa án cũng yêu cầu Chissco bồi thường 2,18 triệu USD cho các nguyên đơn. 
 
Một nạn nhân của bệnh Minamata. (Ảnh tư liệu)
 
Ngày 16/10/2004, Tòa tối cao Nhật Bản yêu cầu chính phủ trả 71,5 triệu yen (703.000 USD) bồi thường cho các nạn nhân Minamata. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản khi đó cúi đầu xin lỗi các nguyên đơn.
 
Sau 22 năm, những người đó đã đạt được mục tiêu buộc những ai gây ra sự cố ô nhiễm công nghiệp nghiêm trọng nhất ở Nhật Bản phải bồi thường cho sự thờ ơ của mình. Năm 2010, Chissco phải trả 2,1 triệu yen và chi phí điều trị hàng tháng cho những ai trước đây không được chính phủ đưa vào diện bị ảnh hưởng. 
 
Đã có hơn 50.000 người nộp đơn để được hưởng bồi thường này, cho thấy sự cố môi trường cách đây mấy chục năm vẫn còn để lại hậu quả đến tận bây giờ.

Người dân có thể khởi kiện yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường

Quanh khu vực Công ty Rạng Đông (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều hàng quán, công ty khóa cửa, thông báo chuyển địa điểm, người dân rời đi.

Tất cả những người bị ảnh hưởng, thiệt hại sau vụ cháy của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông như: người dân xung quanh, cảnh sát PCCC, nhà báo tác nghiệp tại đây… đều có thể yêu cầu bồi thường và khởi kiện đến Tòa án quận Thanh Xuân nếu không được đồng ý mức bồi thường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: Vụ cháy kho Cty Rạng Đông, Hà Nội là một sự cố nghiêm trọng về hỏa hoạn, về hóa chất, gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp và sức khỏe của nhiều người dân xung quanh. Bởi vậy ngoài việc xác định làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xem xét trách nhiệm pháp lý thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng sẽ được đặt ra và cần phải được giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người lao động, người dân nơi đây.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, hậu quả của vụ cháy này mà gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy thì Cty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường sẽ là thiệt hại thực tế đã gây ra đối với người bị hại, trừ trường hợp người bị hại có lỗi

Theo LS Đặng Văn Cường, trong vụ việc này, kể từ khi đám cháy xảy ra đến khi công ty nhận trách nhiệm, xin lỗi mất đến gần 10 ngày. Trước đó Công ty này còn cho rằng sau khi hỏa hoạn, công nhân dọn dẹp và làm việc bình thường… không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến môi trường, không đưa ra bất cứ khuyến cáo nào đối với người dân.

Bởi vậy, những thiệt hại xảy ra đối với người dân có một phần lỗi của người đứng đầu, người có chức trách nhiệm vụ của công ty này. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rất rõ ràng, theo pháp luật thì kể cả trong trường hợp công ty này không có lỗi thì vẫn phải bồi thường. Còn trường hợp có lỗi thì trách nhiệm bồi thường sẽ lớn hơn và có thể xem xét về trách nhiệm về hành vi vô ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác.

Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định đơn vị này đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hỏa hoạn thì sẽ xử lý hình sự người có nhiệm vụ đối với việc phòng cháy chữa cháy ở công ty này.

Ngoài việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản thì những người bị thiệt hại về sức khỏe cũng có quyền yêu cầu công ty này phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Theo quy định của pháp luật thì thiệt hại về sức khỏe bao gồm như sau:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại…

Nội dung bồi thường thiệt hại về sức khỏe được quy định chi tiết, cụ thể tại điều 590 bộ luật dân sự năm 2015. Những người bị thiệt hại về sức khỏe có thể căn cứ vào quy định pháp luật này để yêu cầu công ty phải bồi thường. Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản thiệt hại về tinh thần cho người bị tổn hại sức khỏe, mức bồi thường do hai bên thỏa thuận, không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định nhưng không quá 50 tháng lương tối thiểu.

Thủ tục bồi thường có thể thống kê các thiệt hại bằng văn bản, kèm theo tài liệu chứng cứ về việc bồi thường thiệt hại gửi đến công ty để yêu cầu bồi thường, trong trường hợp công ty không đồng ý bồi thường với mức thiệt hại như vậy thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện đến tòa án quận Thanh Xuân, Hà Nội để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

“Những người dân bị thiệt hại là những người sống xung quanh khu vực, những người đi qua khu vực đám cháy, kể cả cán bộ nhân viên của công ty, lính cứu hỏa và các nhà báo tác nghiệp tại khu vực hiện trường đám cháy…”, LS Cường nói.

Bồi thường cả môi trường tự nhiên

Đại diện Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thêm, vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Cty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm môi trường. Điều 602 của Bộ luật dân sự quy định:

Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi. Tức là, kể cả khi Cty Rạng Đông có chứng minh được là họ không cố ý, không vô ý để xảy ra cháy thì họ vẫn phải bồi thường.

Theo đại diện Ban Pháp chế VCCI, ngoài bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cá nhân, tổ chức khác, còn phải bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên. Người yêu cầu bồi thường là UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

LS Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Ðoàn Luật sư TPHCM) cho biết thêm, căn cứ Điều 602 Bộ luật dân sự bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường thì chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Do đó trong trường hợp này người dân sống xung quanh khu vực nhà máy bị cháy gây ô nhiễm có đầy đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, việc chứng minh, xác định thiệt hại là điều không dễ. Do đó trong trường hợp này người dân nên nhờ đến sự hỗ trợ pháp lý của các luật sư.

Tiền Phong

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận