Con gái Tày ở Thượng Lâm nức tiếng xinh nhất vùng sơn cước. Dường như những gì người con gái cần có thì cả vùng này đều có.
“…Ai lên Tuyên Quang vượt con sông Lô, Gâm đến Na Hang quê em… Na Hang quê em rừng cây xanh xanh… phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây anh ơi… thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh như núi Pác Tạ anh ơi…”
Giai điệu của bài hát “Tâm tình cô gái Na Hang” của nhạc sỹ Lê Việt Hòa nghe da diết, đằm thắm yêu thương trên loa truyền thanh, cứ xa xa và chúng tôi rời thị trấn Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), mang theo dư âm của một truyền thuyết để ngược lên miền gái đẹp Thượng Lâm.
Truyền thuyết 100 con phượng hoàng và 99 ngọn núi
Thượng Lâm có rất nhiều truyền thuyết. Đây là một vùng lòng chảo bao bọc bởi những ngọn núi đá kỳ vĩ đẹp như một bức tranh sơn thuỷ, đẹp đến nao lòng, say đắm bao tao nhân, mặc khách. Từ xưa tới nay qua bao thế hệ, những người già Thượng Lâm thường kể cho con cháu truyền thuyết phượng hoàng về làm tổ trên vùng đất mình sinh sống.
Truyền thuyết kể rằng, vùng đất này là nơi giao hoà giữa trời và đất, địa khí phong thuỷ, hữu tình. Vào một ngày cả vùng chợt nhìn thấy một đàn phượng hoàng bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi để làm tổ. Nhưng chỉ có 99 ngọn núi đủ để 99 con đậu, còn một con bay lượn đi, lượn lại không tìm thấy chỗ đậu bèn vỗ cánh bay đi. Vậy là, cả đàn lại bay theo con chim đó, để lại dấu tích 99 ngọn núi với hình dáng chim phượng hoàng, mỗi ngọn núi một thế đứng khác nhau tạo thành quần thể núi đá sinh động bao quanh lòng chảo Thượng Lâm trù phú.
Ông Ma Văn Mơ năm nay đã ngoài 80 nhưng vẫn còn minh mẫn. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ông Mơ đã 10 năm làm chủ tịch xã, rồi 12 năm làm bí thư Đảng ủy… Người ta coi ông như trưởng bản, như cây đại thụ của núi rừng Thượng Lâm.
“Từ lâu lắm rồi, cái thuở khai thiên lập địa ấy, nhà vua dẹp trừ giặc ngoại xâm xong mới thấy rằng phải tìm một nơi địa thế hiểm yếu mới có thể giữ yên được bờ cõi. Đêm nhà vua được thần hiện xuống báo mộng nơi ấy phải là thành trì thiên tạo. Thần cũng nói, đó phải là nơi có một trăm đỉnh núi cao. Hôm sau vua cho người đi khắp ngả tìm nơi như thần nói. Đến vùng đất Thượng Lâm, người ta đi chín ngày, ngủ ở rừng chín đêm và tìm ra một quần thể núi non rồng chầu hổ phục. Từng dãy núi trùng điệp như một hàng rào khổng lồ bao quanh thung lũng Thượng Lâm, phía trong mây lành bao phủ hương thơm tỏa ra ngào ngạt.
Vua lập đàn báo cho Trời đất biết mình đã tìm được chỗ ưng ý. Tự nhiên lúc ấy giông gió kéo đến ầm ầm, mưa suốt ba ngày ba đêm. Lúc trời quang mây tạnh, dân làng thấy một đàn chim phương hoàng bay rợp trời đất. Mỗi con đậu trên một đỉnh núi nhưng khi chín chín con chim phượng hoàng đã tìm được chỗ đậu thì một con vẫn bay lơ lửng. Không tìm ra ngọn núi một trăm, đàn chim lại bay mất lặn vào trời xanh từ đấy không bao giờ xuất hiện nữa. Thượng Lâm cũng không trở thành được đất đế đô nhưng không hiểu sao, sau sự kiện ấy thì con gái xứ này đẹp đến lạ lùng. Truyền thuyết đã nhiều trăm năm qua kể lại như vậy…”.
Vào thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã có ý định làm một cầu treo bắc từ núi Ông Tiên sang các ngọn núi bên cạnh và từ đó để xây dựng hệ thống cáp treo cho quan Pháp thưởng ngoạn cảnh đẹp Thượng Lâm. Song không thực hiện được, đến giờ vẫn còn hai mố cầu trên núi Ông Tiên.
Gái Tày ở Thượng Lâm nức tiếng xinh nhất vùng sơn cước, đặc biệt có làn da mịn màng đến khó tả. Tính tình lại nền nã, duyên dáng, chịu thương chịu khó. Gái Thượng Lâm hết mực yêu chồng thương con, một lòng thuỷ chung son sắt. Dường như những gì người con gái cần có, ông Trời ưu ái dành cả cho cư dân vùng này. Chả thế mà có câu thành ngữ “mận Hồng Thái – gái Thượng Lâm”.
Gái Thượng Lâm rất mực yêu chồng thương con, một lòng thuỷ chung son sắt. Vẻ đẹp của thiếu nữ Thượng Lâm đã được bao thi nhân mặc khách ca ngợi: “Sơn nữ phía rừng xanh/ Môi đỏ má hồng/ Lưng ong dáng nguyệt/ Khách tình thơ say/ Em người sơn nữ/ Đẹp như hoa lan rừng/ Đất lành chim xây tổ/ Xứ phượng hoàng thần tiên/ Trên đỉnh đèo Ái Âu/ Đàn then em ngân tiếng hát/ Kể chuyện tình Thượng Lâm” (thơ Trường Giang).
Thi hoa hậu từ… hồi xưa
Đem theo sự tò mò về phụ nữ Thượng Lâm, chúng tôi đến bản Nà Lầu – xã Thượng Lâm tìm gặp các cụ già. Cụ Bàn Thị Lài kể cho chúng tôi nghe về sự tích người đẹp Thượng Lâm. Xưa ở vùng đất này có tiếng bởi những người đẹp. Theo các cụ tương truyền lại một tích chuyện cổ rằng, xưa dưới đỉnh đèo Ái Âu có nàng Bàn Hoa Trang xinh đẹp nức tiếng. Nàng giỏi dệt vải và vẽ tranh rất tài hoa, sau được quận công xứ núi tên là Vinh Thành Đại công, kết duyên.
Trước khi đi theo chồng, nàng có truyền lại bí quyết làm đẹp bằng các thứ dược thảo sẵn có trong vùng cho các thiếu nữ trong bản và cả nghề dệt vải nữa. Từ khi được Hoa Trang truyền lại các bí quyết làm đẹp, các thiếu nữ trong vùng đã vận dụng và kết quả những hương sắc mà thiên nhiên ban tặng, các nàng đều trở thành những thiếu nữ đầy sức quyến rũ.
Vào các dịp lễ hội trước đây, Thượng Lâm thường tổ chức thi thôn nữ đẹp với các vòng thi thể hiện rõ nét tài sắc, đạo đức của người con gái. Xét trên “chuẩn” văn hoá dân gian và tiêu chí người vợ, người mẹ lý tưởng, nội dung cuộc thi này đủ khó để khiến các cô “chân dài” ngày nay mướt mồ hôi cũng chưa theo nổi.
Cụ Bàn Thị Trài ở bản Nà Bin kể cho chúng tôi nghe về cuộc thi người đẹp vào dịp lễ hội mừng cơm mới. Ngay từ sáng sớm, thiếu nữ từ các bản đã xúng xính trong bộ váy áo đẹp nhất xuống hội. Mỗi bản đều cử 3 – 4 cô gái xinh đẹp nết na, giỏi hát then, giỏi đánh đàn tính vào thi tài.
Phần thi người đẹp gồm ba phần. Phần lễ nhạc bao gồm hát then, đánh đàn tính. Tiếp đó là phần thi trang phục dân tộc và dệt vải. Sau khi trình diễn trang phục của dân tộc mình, thí sinh phải dệt một tấm khăn, hay đai áo trong 1 thời gian nhất định tuỳ theo thể lệ từng năm. Tiêu chí để đánh giá là nét hoa văn trên sản phẩm có sắc sảo hay không và tác giả còn phải giải thích ý nghĩa của hoa văn đó. Phần cuối cùng, các cô gái thi ứng xử: cách đối nhân xử thế trong gia đình, đạo làm con, làm vợ, làm mẹ.
Ban giám khảo cuộc thi thường là những vị chức sắc trong vùng và các cụ cao tuổi nhiều kinh nghiệm sống. Thiếu nữ thắng cuộc sẽ đem về sự hãnh diện to lớn cho dòng họ, bạn bè và đặc biệt là mang lại may mắn trong cả năm cho bản làng.
Cụ Trài kết thúc câu chuyện hội thi gái đẹp trong sự tiếc nuối. Cụ mong muốn một ngày nào đó, lễ hội sẽ khôi phục lại những phong tục đã bị mai một để lớp con cháu hiểu về truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Miền gái đẹp Thượng Lâm xưa và nay chỉ cách nhau về thời gian. Còn vẻ đẹp của người con gái thì mãi còn như giống mận Hồng Thái ngon ngọt ở Nà Hang.
Vùng du lịch hấp dẫn
Công trình thuỷ điện Tuyên Quang sẽ nhấn chìm 12 xã của huyện Nà Hang dưới lòng hồ nhưng riêng xã Thượng Lâm vẫn nguyên vẹn bởi nằm cao hơn và được dãy núi đá bao bọc. Chính vì vậy, Thượng Lâm được ví như một “Hạ Long trên cạn” ở xứ núi Nà Hang
Trước đây, thực dân Pháp đã có kế hoạch làm một cầu treo bắc từ núi Ông Tiên sang các ngọn núi bên cạnh. Từ đó sẽ xây dựng hệ thống cáp treo phục vụ thưởng ngoạn phong cảnh Thượng Lâm nhưng không thực hiện được. Đến giờ vẫn còn hai mố cầu nằm trơ trọi trên núi Ông Tiên.
“Nà Hang – với trung tâm là Thượng Lâm – sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái và văn hoá hẫp dẫn với những bản sắc văn hoá độc đáo, phong cảnh kỳ vĩ và nghệ thuật ẩm thực đặc trưng của các dân tộc Tày, Dao, Mông” – ông Hứa Kiến Thiết, Bí thư Huyện ủy Nà Hang, khẳng định.
Còn chúng tôi, trong chuyến khám phá Thượng Lâm đã rất ấn tượng với những nếp nhà sàn vương làn khói bếp, nằm thấp thoáng dưới những tán cây cổ ven triền núi. Thật ấm cúng khi cùng ăn bữa cơm thân mật với gia chủ bên bếp lửa hồng, cạn bát rượu ngô và thưởng thức các món ăn truyền thống đậm hương vị núi rừng: măng rừng luộc chấm mẻ, cá ướp mẻ nướng, lòng gà xào lá ớt, rau rớn xào, canh đắng… do các bà, mế và các thiếu nữ nấu.
Khi thuỷ điện Tuyên Quang hoàn thành, khu vực xung quanh vùng lòng hồ này sẽ trở thành quần thể các điểm du lịch đầy hấp dẫn. Từ trung tâm Nà Hang có thể tới Thượng Lâm bằng cả hai đường thuỷ – bộ. Ngoài ra, Nà Hang còn có khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung rộng 33.249ha nằm trên địa bàn 5 xã với hệ động thực vật rất phong phú, đặc biệt còn 160 – 200 con voọc mũi hếch có tên trong sách Đỏ thế giới.
Bản Bung (xã Thanh Tương) của đồng bào Tày, Dao còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà sàn cổ và tập tục văn hoá truyền thống mang tính tiêu biểu của Nà Hang. Ngược bằng thuyền, hoặc bằng đường bộ đến xã Thuý Loa, ven hồ thuỷ điện là quần thể núi đá, hang động kỳ thú, thích hợp với các tour mạo hiểm.
Từ đập thuỷ điện Tuyên Quang, có thể xây dựng tour từ hạ nguồn lên bản Lãm (xã Khau Tinh). Tiếp đó theo sông Năng qua xã Đà Vị lên thác Đầu Đẳng, nối với hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Đây là tour ngắm cảnh lòng hồ, núi đá và khám phá rừng nguyên sinh…
Nhưng chúng tôi đảm bảo, “sản phẩm du lịch” hấp dẫn nhất, độc quyền riêng của Nà Hang vẫn là những thiếu nữ Thượng Lâm đẹp người đẹp nết, khiến lữ khách muốn… quên đường về!
Tổng hợp