Nguyễn Thị Anh – hoàng hậu nham hiểm nhất trong sử Việt

0
5272

Thần phi Nguyễn Thị Anh (hiệu Tuyên Từ Hoàng hậu) là một người đàn bà uy quyền bậc nhất ở cả hậu cung lẫn tiền triều thời Lê sơ. Tuy nhiên, để đạt đến đỉnh cao quyền lực, người đàn bà nham hiểm này đã không từ một thủ đoạn độc ác nào để hãm hại hoàng thân quốc thích và khai quốc công thần. Bà ta còn được cho là thủ phạm mưu giết vua Lê Thái Tông, gây nên thảm án Lệ Chi Viên tru di tam tộc Nguyễn Trãi.

-Quảng Cáo-

Nguyễn Thị Anh (1422 – 1459) – người xã Bố Vệ huyện Đông Sơn, Thanh Hóa (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) – là một trong những phi tần rất được vua Lê Thái Tông sủng ái. Nhập cung khi vua Lê Thái Tông đã lập con trai 2 tuổi của Ái phi Dương Thị Bí là hoàng tử Nghi Dân làm Thái tử, quyền lực của Nguyễn Thị Anh ban đầu rất yếu.

Bà ta sàm tấu Dương ái phi “ỷ sủng sinh kiêu” nên vua Lê Thái Tông chán ghé Dương ái phi, giáng xuống làm Chiêu nghi rồi làm thứ nhân và giam vào lãnh cung, đồng thời truất ngôi vị Thái tử của Nghi Dân. Về phần mình, sau khi sinh được hoàng tử Bang Cơ, thần phi Nguyễn Thị Anh càng được vua sủng ái hơn gấp bội.

Vua Lê Thái Tông là người hiếu sắc, hậu cung có rất đông phi tần. Thái Tông có 4 hoàng tử sinh liền nhau. Con trưởng là Nghi Dân (vua Thiên Hưng sau này), con thứ là Khắc Xương, con thứ ba là Bang Cơ (vua Lê Nhân Tông sau này), con thứ tư là Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau này).

Tin đồn con hoang của Nguyễn Thị Anh

Năm 1441, Thái Tông truất ngôi của Nghi Dân và lập Bang Cơ mới 6 tháng tuổi làm Thái tử. Tuy nhiên, triều đình có nhiều lời dị nghị rằng Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ không phải là con ruột của Thái Tông. Từ khi bà ta gặp Thái Tông tới khi sinh Bang Cơ, thời gian chỉ có 6 tháng, nhiều đại công thần trong đó có Nguyễn Trãi biết rất rõ việc mờ ám này.

Có tin đồn trước khi nhập cung, Nguyễn Thị Anh đã ăn nằm với Lê Nguyên Sơn, một người thuộc chi dưới của Lê Khoáng – ông nội của vua Thái Tông.

Cùng thời điểm, một phi tần khác là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao cũng đang mang long thai. Sợ chuyện con hoang bị bại lộ, ngôi Thái tử sẽ thuộc về con của Ngọc Dao nên Nguyễn Thị Anh lập tức bày mưu nham hiểm để trừ khử hậu họa. Bà ta cấu kết với tên hoạn quan tâm phúc bên cạnh mình là Đinh Thắng làm giả một hình nhân rồi lấy bảy mũi kim đâm vào lưng và ngực, dưới chân ghi chữ Bang Cơ và cố tình để cho một cung nhân bắt được tâu lên vua.

Thần phi Nguyễn Thị Anh sử dụng nhiều thủ đoạn nham hiểm để hãm hại hoàng thân quốc thích và khai quốc công thần. Bà ta còn được cho là thủ phạm mưu giết vua Lê Thái Tông, gây nên thảm án Lệ Chi Viên tru di tam tộc Nguyễn Trãi. (Hình minh họa)

Nguyễn Thị Anh đổ tội cho Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Vua Thái Tông tuy băn khoăn trước sự việc này nhưng vẫn hạ chỉ khép Ngọc Dao vào tội phát lưu (đày đi xa). Phát hiện điều bất thường, Nguyễn Trãi lập tức can gián, tâu lên vua rằng một vài chứng cứ không xác đáng chưa đủ để kết tội Tiệp dư, đồng thời xin phép vua cho mình đích thân điều tra sự việc. Được sự đồng ý của Thái Tông, ngay trong đêm, Nguyễn Thị Lộ đã đưa Tiệp dư Ngọc Dao đang mang long thai ra ẩn náu ở chùa Huy Văn (thuộc ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng ngày nay).

Sau khi Ngô Tiệp dư sinh hạ con trai là hoàng tử Tư Thành, lời đồn đại về dòng máu của thái tử Bang Cơ ngày một ầm ĩ. Vốn đã ôm lòng căm phẫn với vợ chồng Nguyễn Trãi vì đã cứu Ngọc Dao, nhân thời điểm con trai mình còn đang ở ngôi Thái tử, Nguyễn Thị Anh chủ động ra tay trước.

Thảm án Lệ Chi Viên tru di tam tộc Nguyễn Trãi. (Hình minh họa)

Nhân dịp Thái Tông ngự ở Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha mình, nói ra thân thế của Bang Cơ và nói tốt cho hoàng tử Tư Thành nên bà ta sai người sát hại vua Thái Tông rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi, dẫn đến thảm án tru di tam tộc oan khuất thấu Trời xanh đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Năm 1442, sau khi Lê Thái Tông đột ngột qua đời ở Lệ Chi Viên, theo di mệnh của Thái Tông, các đại thần lập thái tử Bang Cơ lên ngôi khi chỉ mới 1 tuổi, đổi niên hiệu là Thái Hòa, tức là vua Lê Nhân Tông. Nguyễn Thị Anh được tôn làm Hoàng Thái hậu. Do tân vương tuổi đời còn nhỏ nên Thái hậu buông rèm nhiếp chính, trực tiếp quản lý chuyện chính sự.

Ngày 2 tháng 2 âm lịch năm 1443, thái hậu thay mặt Nhân Tông xuống chiếu nói với đại thần và nhân dân để giúp vua giữ yên đất nước:

Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng?

Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng? Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng?

Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn giấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót.(trích trong Đại Việt sử ký toàn thư Bản kỷ quyển 11: Nhân Tông Tuyên Hoàng đế)

Sử sách mô tả Lê Nhân Tông là vị vua đức độ, coi trọng Nho học, thần sắc tuấn tú, không đam mê tửu sắc, và biết nghe can gián. Đối với anh em thì vua hết lòng thương yêu.

Sau này, thái hậu Nguyễn Thị Anh đã nghe lời gièm pha, ra tay giết chết nhiều công thần như Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục có công rất lớn đánh giặc Chiêm Thành quấy nhiễu bờ cõi nước Nam trong giai đoạn nhiếp chính của mình. Bà ta còn cách chức công thần Nguyễn Xí năm 1445, tới năm 1448 mới cho phục chức.

Cuộc chính biến Thiên Hưng

Lời đồn Bang Cơ không phải là con ruột của vua Lê Thái Tông vẫn còn văng vẳng trong ngoài, khiến cho huynh trưởng của vua Lê Nhân Tông là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân, vốn vẫn nuôi lòng oán hận Nguyễn Thị Anh đã hại mẹ mình và khiến ông bị truất ngôi thái tử, quyết tâm làm chính biến, đoạt lại ngai vàng. 

Đại Việt thông sử có ghi chép vua Nhân Tông nghĩ Nghi Dân là anh trai nên tin tưởng, không có ý đề phòng gì cả. Ngày 3 tháng 10 âm lịch năm 1459, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân trong đêm cùng các thủ hạ bắc thang chia làm ba đường vào tận trong cung cấm giết vua Lê Nhân Tông. Hôm sau thái hậu Nguyễn Thị Anh cũng bị truy giết, thọ 38 tuổi.

Ngày mùng 7 tháng 10 âm lịch năm 1459, Lê Nghi Dân lên ngôi, lấy niên hiệu là Thiên Hưng, ban ân rộng rãi cho các quan văn võ trong ngoài. Vua Thiên Hưng ban tờ đại xá, tố cáo thân thế của Lê Nhân Tông, lời văn rằng:

“Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn Hoàng đế, trước đây đã được phong là Hoàng thái tử, giữ ngôi chính ở Đông cung. Chẳng may Tiên đế đi tuần miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm đế, bắt Trẫm làm phiên vương xứ Lạng Sơn. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết cả đi để diệt khẩu.

Cho nên từ đó đến giờ, hạn hán sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện, đói kém tràn lan, trăm họ cùng khốn. Diên Ninh tự biết mình không phải là con của tiên đế, hơn nữa lòng người ly tán, nên ngày mồng 3, tháng 10 năm nay, đã ra lệnh cho Trẫm lên thay ngôi báu. Trẫm nhờ người trông xuống, tổ tông phù hộ, cùng các vương, đại thần, các quan văn võ trong ngoài đồng lòng suy tôn, xin trẫm nên nối đại thống, hai ba lần khuyên mời, trẫm bất đắc dĩ đã lên ngôi vào ngày mồng 7 tháng 10 năm nay, đổi niên hiệu là Thiên Hưng.” (trích trong Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử)

Sau khi Nghi Dân lên ngôi, ông chủ yếu dùng các thuộc hạ tin cậy của mình làm vây cánh, triệt hạ một số cựu thần thân cận của Lê Nhân Tông, tiến hành thay đổi một số pháp chế ràng buộc, thành lập cơ chế “Lục bộ, Lục khoa” cùng các chính sách tiến bộ mà triều vua sau này vẫn duy trì.

Mặt khác, vua Nghi Dân phong vương cho các em mình: Tân Bình vương Lê Khắc Xương được phong Cung vương; Bình Nguyên vương Lê Tư Thành được phong Gia vương, cho xây phủ đệ ở bên hữu nội điện cho Gia vương ở. Cả hai em trai đều được vua Nghi Dân đối đãi rất hậu.

Tuy vậy, do đa số quan lại trong triều vốn ủng hộ vua Lê Nhân Tông, nên các sách lược của vua Nghi Dân không được họ ghi nhận và ủng hộ.

Tháng 5 năm 1460, các đại thần là Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê,… mưu đồ lật đổ vua Thiên Hưng. Việc bại lộ, tất cả đều bị giết.

Nguyễn Xí bàn mưu với Á thượng hầu Lê Lăng, Đình thượng hầu Lê Niệm và các đại thần khác lật đổ vua Nghi Dân lần nữa.

Vua Nghi Dân bị phế truất và bức tử

Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1460, sau khi tan buổi chầu sớm, Nguyễn Xí phát động binh biến, dẫn quân vào chém các bầy tôi thân cận của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban ở nghị sự đường, giữ chặt quân cấm binh, đóng chặt cửa thành. Hơn 100 người phe cánh của Lê Nghi Dân đều bị giết.

Vua Nghi Dân bị bắt mang ra khỏi cung, bị phế truất làm Lệ Đức hầu. Lê Lăng trao cho Lệ Đức hầu một dải lụa, bắt phải thắt cổ, lúc ấy Nghi Dân mới 22 tuổi, lên ngôi vua chỉ được 1 năm.

Ngày hôm đó, các đại thần cho đón và lập con út của Thái Tông là Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông.

Với những người thực hiện đảo chính Lê Nghi Dân thành công để đưa Lê Thánh Tông lên ngôi như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm,… đều được phong thưởng. Nhưng với nhóm người tham gia đảo chính Nghi Dân trước đó bị thất bại và bị Nghi Dân giết như Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê, khi Nguyễn Xí đề nghị truy phong tiết liệt cho họ thì Lê Thánh Tông gạt đi, lại còn coi việc bọn họ binh biến thất bại như trọng tội.

Sau này, Cung vương Lê Khắc Xương – anh trai của vua Lê Thánh Tông và Thái úy Lê Lăng – người đã bức tử vua Nghi Dân, đều bị vua Lê Thánh Tông hại chết. Trước đó, sau cuộc binh biến lật đổ vua Nghi Dân của Nguyễn Xí, khi được các đại thần mời lên ngôi, Cung vương Lê Khắc Xương đã một mực từ chối không nhận ngôi vua để nhường cho em trai Lê Tư Thành. Sử gia nhận định rằng vua Lê Thánh Tông đã lấy oán báo ân chính anh trai mình.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông, Đại Việt phát triển mạnh về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự. Thời kỳ này được gọi là Hồng Đức thịnh thế, tính ảnh hưởng đến các đời sau Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông là hơn 30 năm.

Thiên Bình

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận