Mức án này được cho là do ông Phạm Nhật Vũ đã khắc phục đầy đủ cả vốn lẫn lãi cho Mobifone.
Trước đó, tại phiên toà ngày 16.12, ông Vũ khai: “Bị cáo thề có trời đất là không chiếm đoạt gì của Nhà nước, nhân dân vì từ trước đến nay bị cáo cũng làm từ thiện giúp nhiều người nghèo. Sau khi dư luận điều tiếng về việc lấy tiền khuất tất đi làm từ thiện, bị cáo đã bàn bạc với gia đình đi vay mượn cả năm qua để trả lại số tiền đã nhận từ thương vụ bán AVG cùng chi phí và lãi đầy đủ”.
Vì sao ông Nguyễn Bắc Son thoát án tử vào phút cuối?
Là người đứng đầu, chỉ đạo xuyên suốt, nhận hối lộ với số tiền lớn nhất…, bị cáo Nguyễn Bắc Son bị viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình. Tuy nhiên, sáng 28.12, bị cáo Son chỉ bị tuyên mức án chung thân.
Sau gần 2 tuần xét xử, phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án MobiFone mua AVG đã khép lại. Đây là phiên toà có nhiều điểm đặc biệt với số tiền hối lộ lớn nhất từ trước đến nay; 2 cựu bộ trưởng, trong đó lần đầu tiên 1 cựu bộ trưởng đối mặt với án tử; toàn bộ thiệt hại đã được khắc phục, thậm chí các bị cáo còn nộp thừa tiền; vụ án đầu tiên có một phụ nữ nước ngoài – vợ bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG, đứng ra xin giảm án cho chồng…
Trong số 14 bị cáo, cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ do sức khoẻ yếu, có đơn xác nhận của bệnh viện nên xin vắng mặt.
Trước khi tuyên án, căn cứ vào các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử (HĐXX) khẳng định các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tội nhận hối lộ.
Các bị cáo Phạm Đình Trọng và dàn lãnh đạo MobiFone gồm Phan Thị Hoa Mai, Phạm Thị Phương Anh, Hồ Tuấn, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên cùng hai bị cáo thuộc Công ty thẩm định giá AMAX là Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang cũng phạm tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX đánh giá, MobiFone có vốn điều lệ hơn 15.000 tỉ đồng, 100% vốn nhà nước, chủ sở hữu là Bộ TT-TT. Năm 2015, MobiFone mua lại 95% AVG với giá trị gần 8.900 tỉ đồng. Do nguồn vốn sử dụng 100% của nhà nước nên đây không đơn thuần là việc mua cổ phần AVG mà bản chất là MobiFone đầu tư vốn để mua lại một doanh nghiệp truyền hình.
Thực tế sau khi việc chuyển nhượng hoàn tất, hợp đồng được thanh toán thì AVG trở thành công ty con của MobiFone. MobiFone nắm quyền chi phối tuyệt đối.
Dự án này, theo HĐXX, là dự án nhóm A nên khi sử dụng vốn phải tuân thủ quy định tại điều 31 Luật 69, tức thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Các bị cáo Son, Tuấn, Trọng thuộc Bộ TT-TT đã không tuân thủ quy định này, dẫn tới việc chỉ đạo MobiFone lập dự án, thẩm định trái pháp luật.
Các bị cáo thuộc MobiFone không tuân thủ quy định dẫn tới sai phạm trong đề xuất, sử dụng thẩm định giá, lập dự án trình bộ phê duyệt, thực hiện dự án. Sai phạm của các bị cáo xuyên suốt từ khi lập dự án, thẩm định, đánh giá, phê duyệt… vi phạm Luật 67 và Luật 69 gây hậu quả nghiêm trọng.
Về hành vi đưa hối lộ, bị cáo Phạm Nhật Vũ với vai trò Chủ tịch AVG, đại diện uỷ quyền của cổ đông đã gọi cho bị cáo Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và 260 tin nhắn chỉ đạo cấp dưới để thực hiện giao dịch. Với sự quyết liệt của ông Son và các bị cáo thuộc Bộ TT-TT, MobiFone thống nhất giá mua, hoàn thành ký hợp đồng. Các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải nhận hối lộ của Vũ với số tiền lớn.
Thoát án tử nhờ nộp tiền và các bằng khen
Đối với 2 cựu bộ trưởng, HĐXX đưa ra quan điểm, bị cáo Nguyễn Bắc Son là người có vai trò quan trọng nhất, bị cáo đứng đầu trong việc truy tố tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Còn bị cáo Trương Minh Tuấn là đồng phạm, giúp sức… Hành vi của 2 bị cáo và các bị cáo khác gây thiệt hại hơn 6.500 tỉ đồng cho MobiFone.
Tuy nhiên, ngày 26.12 (trước khi tòa tuyên án 1 ngày), HĐXX cho biết gia đình bị cáo Son đã nộp lại toàn bộ số tiền 66 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại trong vụ án. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để bị cáo được hưởng các tình tiết khoan hồng.
Bên cạnh đó, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, ăn năn hối cải. Bị cáo Son có nhiều thành tích trong quá trình công tác, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp ban nhiều năm. Là người có công với cách mạng, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Huy chương Chiến sĩ giải phóng, sức khoẻ bị cáo yếu, gia đình bị cáo có truyền thống với cách mạng, Bộ TT-TT có văn bản đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 51 bộ luật Hình sự.
Tương tự, bị cáo Trương Minh Tuấn có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, bằng khen của Bộ Văn hoá, nhiều bằng khen các cấp, chiến sĩ thi đua cơ sở, là người có công với cách mạng, được tặng thưởng Huy chương Chiến sĩ hạng nhì, hạng ba. Bị cáo chỉ đạo tích cực trong việc khắc phục hậu quả vụ án, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, sức khoẻ bị cáo yếu, gia đình có công với các mạng, Bộ TT-TT có văn bản xin giảm nhẹ trách nhiệm nên bị cáo được hưởng tình tiết điều 51 bộ luật Hình sự 2015.
Từ những căn cứ trên, toà tuyên bị cáo Nguyễn Bắc Son 16 năm tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tù chung thân tội nhận hối lộ. Tổng hình phạt chung là tù chung thân, thời hạn tính hình phạt từ ngày 23.2.2019.
Bị cáo Trương Minh Tuấn bị tuyên 6 năm tù vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và 8 năm tù nhận hối lộ. Tổng hình phạt 14 năm tù, thời hạn tính hình phạt từ ngày 23.2.2019.
Cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Phạm Đình Trọng bị tuyên phạt 5 năm tù tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng thời hạn từ 10.7.2018.
Trả lại nhà cho ông Son, ông Tuấn
Về các biện pháp tư pháp, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Bắc Son phải nộp 66 tỉ 495 triệu đồng (bị cáo và gia đình đã nộp), Trương Minh Tuấn phải nộp 4 tỉ 522 triệu đồng, Lê Nam Trà phải nộp 55,592 tỉ đồng, Cao Duy Hải phải nộp 11, 125 triệu đồng và Công ty TNHH Amax phải nộp 340 triệu đồng (đã nộp), Hoàng Duy Quang phải nộp 54 triệu đồng.
Toà tiếp tục duy trì lệnh phong toả tài khoản của cơ quan điều tra để đảm bảo việc thi hành án đối với ông Nguyễn Bắc Son, là 2 tài khoản tiết kiệm gồm 1 sổ 500 triệu đồng và tài khoản số dư hơn 91 triệu đồng tại ngân hàng Vietcombank. Tiếp tục duy trì phong toả tài khoản của ông Trương Minh Tuấn tiền gửi tiết kiệm, tổng số dư 2 tỉ 120 triệu đồng tại VPBank.
Phong toả tài khoản của ông Lê Nam Trà, số dư 937 triệu đồng, tại Standard Charter và 850 triệu đồng tại Vietcombank. Huỷ bỏ lệnh kê biên quyền sử dụng đất và nhà ở tại Lý Nam Đế của ông Nguyễn Bắc Son và vợ. Huỷ bỏ lệnh kê biên đối với nhà ở, đất ở tại Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội của ông Trương Minh Tuấn và vợ.
Một cựu Phó tổng MobiFone nhận án nhẹ nhất 2 năm tù
Cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà bị tuyên 7 năm tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, 16 năm tù về tội nhận hối lộ. Tổng hợp 23 năm tù, thời hạn từ 1.7.2018.
Cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải bị tuyên 4 năm tù tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, 10 năm tù về tội nhận hối lộ. Tổng hợp 14 năm tù, thời hạn từ 13.11.2018.
Cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ bị tuyên phạt 3 năm tù về tội đưa hối lộ, thời hạn áp dụng từ ngày 12.4.2019.
Các bị cáo chịu mức án 2 năm 6 tháng tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Thành viên HĐTV MobiFone Phan Thị Hoa Mai; các Phó tổng giám đốc MobiFone Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Bảo Long. Riêng Phó tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Đăng Nguyên nhận mức án nhẹ nhất là 2 năm tù.
Đối với Công ty thẩm định giá AMAX, cựu giám đốc Võ Văn Mạnh nhận án 3 năm 6 tháng; còn Hoàng Duy Quang nhận án 3 năm tù.
Thanh Niên