- Vai trò của Hoàng đế Quang Trung trong lịch sử Việt Nam
- Lạnh người chuyện oan hồn ở công viên Lê Thị Riêng
Vòng xoay Dân Chủ tại TP. HCM (nay là vòng xoay 3/2 – Cách Mạng Tháng 8) từng là mồ chôn tập thể 2.000 người. Họ đã bị vua Minh Mạng xử tử trong cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi 1833-1835 (Lê Văn Khôi là con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt).
“Chiều giông Mả Ngụy cũng giông
Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây
Sống thời gươm bén cầm tay
Chết thời một sợi lông mày cũng buông
Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn…”
Những câu thơ ai oán này là lời tế chiêu hồn cho gần 2.000 sinh linh bị Minh Mạng ra lệnh chém chết rồi đem trút xuống hố chôn tập thể tại thành Gia Định.
Đây là khu vực đông đúc, thường xuyên kẹt xe trầm trọng, tuy nhiên sự kiện thảm sát trên liên quan đến khu vực này thì không phải ai cũng biết.
Mồ chôn tập thể – vùng đất của oan hồn
Mả Ngụy hay còn gọi là Mả Biền Tru (Mả: mồ mả, Biền Tru: chém ngay, không cần xét xử) vốn nằm trong một vùng đất rộng lớn gọi là Đồng Tập Trận của thành Gia Định ngày xưa. Ngày nay, Mả Ngụy được xác định nằm ở vị trí Ngã sáu Công trường Dân chủ, quận 3, TP.HCM, kết nối các trục đường chính như Cách Mạng Tháng 8, 3 tháng 2, Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ.
Các lão niên sống lâu năm ở Sài Gòn thường nhắc về di tích Đồng Tập Trận hay Mả Ngụy như một vùng đất của oan hồn. Nơi đây là hố chôn tập thể lớn nhất thành Gia Định với gần 2.000 người bị triều đình Huế dưới thời Minh Mạng chém ngang lưng (yêu trảm). Máu tươi nhuốm đỏ một vùng rộng lớn, tử khí bốc lên từ hàng ngàn xác người vẫn không tan sau một thời gian dài.
Câu chuyện về cuộc binh biến thành Phiên An được ghi lại trong Việt Nam sử lược
Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764-1832, sinh ở Tiền Giang nhưng quê gốc ở Quảng Ngãi) là danh tướng, trọng thần rường cột của triều Nguyễn dưới thời Gia Long (Nguyễn Ánh) và Minh Mạng (con của Gia Long). Ông từng hai lần giữ chức tổng trấn thành Gia Định (gồm 5 trấn, sau chia lại thành 6 tỉnh). Ông là bậc khai quốc công thần lập nên triều Nguyễn, trấn giữ vững chắc vùng đất phương Nam buổi sơ kỳ, xây dựng kênh Vĩnh Tế là một công trình có ý nghĩa to lớn về kinh tế và quốc phòng mà hiệu quả vẫn mang lại rất lớn cho đất nước đến tận ngày hôm nay.
Ông lại có ân nghĩa giúp triều đình Nam Vang (Campuchia) dẹp loạn. Uy danh của Lê Văn Duyệt bao phủ khắp trong, ngoài triều đình, được nhân dân Nam Bộ hết lòng tôn kính, dân Campuchia quy phục. Dưới thời Gia Long, Lê Văn Duyệt được đặc cách “nhập triều bất bái” (vào triều không phải lạy).
Công trạng, uy danh là vậy nhưng cuộc đời Lê Văn Duyệt lại lắm nỗi đắng cay, bởi ông bị vua Minh Mạng đố kỵ, ghen ghét, nghi ngờ, ghép tội ông là kẻ lộng quyền. Trong đời tư, Lê Văn Duyệt chỉ có người con nuôi là Lê Văn Khôi.
Căn cứ Tộc phả Bế-Nguyễn, ông tổ đời thứ 9 của Lê Văn Khôi vốn họ Nguyễn, tức Nguyễn Tông Thái. Đời ông tổ thứ 8 đổi theo họ tổ mẫu (họ mẹ), gọi là Bế Công. Đến ông tổ đời thứ 5, vì có công dẹp nhà Mạc nên đời đời tập chức phiên thần, cai quản địa phương và trở thành dòng họ lớn ở Cao Bằng.
Lê Văn Khôi là người cao lớn, dũng mãnh, tính hay khôi hài, tài võ xuất chúng. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, năm Gia Long thứ 18 (1819), ở hai trấn Thanh Nghệ và Thanh Bình (nay là Ninh Bình), dân khởi binh làm loạn, quan sở tại không kiềm chế nổi, vua Gia Long sai Tả quân Lê Văn Duyệt tới đó kinh lược. Khi ấy, Khôi dưới trướng đánh dẹp có nhiều công trạng. Ông Duyệt yêu mến, tin dùng cho làm con nuôi, đổi tên họ là Lê Văn Khôi, rồi đem về Gia Định cất nhắc cho làm đến Phó Vệ úy.
Năm 1832, khi Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt vừa mất, Minh Mạng liền bãi chức Tổng trấn Gia Định thành, tiến hành thanh trừng, bắt giam, xử tử người nhà và tướng sĩ thân cận của Lê Văn Duyệt với sự giúp sức của Bạch Xuân Nguyên là một quan Bố chính tàn ác. Khi còn sống, Lê Văn Duyệt là vị quan thanh liêm, cương trực, nóng nảy, rất ghét bọn tham quan ô lại xu nịnh. Chính vì vậy, có nhiều kẻ ôm lòng thù hận ông sâu nặng, trong đó có tên Bạch Xuân Nguyên vốn tham tàn, gian ác. Trong những người bị Bạch Xuân Nguyên bắt giữ, tra khảo dã man để tìm chứng cứ kết tội Lê Văn Duyệt có Lê Văn Khôi là con nuôi của Lê Văn Duyệt.
Lê Văn Khôi và các tướng lĩnh thuộc hạ của Lê Văn Duyệt vào đêm 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (tức 5/7/1833) đã phá tù, dấy binh nổi dậy chống lại Minh Mạng.
Ông Khôi cầm quân tiến vào dinh quan Bố, giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên. Khi đó, tổng đốc là Nguyễn Văn Quế đem theo rất nhiều quân tới ứng cứu nhưng cũng bị quân Lê Văn Khôi đánh bại. Tướng sĩ bắt sống được Bạch Xuân Nguyên cùng với Tổng đốc Nguyễn Văn Quế, rồi đem cả hai về tế sống trước Từ đường của Tả Quân Lê Văn Duyệt.
Được đà chiến thắng, Lê Văn Khôi nhanh chóng chiếm thành Phiên An (tức Thành Bát Quái, rất kiên cố do Tả Quân Lê Văn Duyệt xây năm 1830). Ông tự xưng là Đại Nguyên Soái rồi phong quan tước cho các tướng lĩnh. Sau đó, ông Khôi tiếp tục tiến hành chiếm giữ các tỉnh lân cận nhờ vào đội quân hùng hậu, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, lại tấn công bất ngờ. Theo số liệu lịch sử, ông Khôi và tướng lĩnh của mình đã chiếm giữ được cả 6 tỉnh Nam Kì thời đó chỉ trong vòng 1 tháng nhờ các đợt tấn công thần tốc.
Triều đình Huế thấy vậy quyết không thể ngồi yên, lập tức Minh Mạng cử hàng chục ngàn quân thủy, bộ vào Nam, bao vây chặt thành Phiên An để bắt Lê Văn Khôi. Tuy nhiên, với kết cấu thành bằng đá ong, lại rất cao và rộng, nhiều hào sâu nên quan quân nhà Nguyễn không thể phá thành, thậm chí còn bị chết rất nhiều binh lính.
Đến tháng Chạp năm 1833, ông Khôi bất ngờ mất vì bệnh phù thũng. Khi đó, con trai ruột là Lê Văn Câu mới 8 tuổi đã phải thay cha lên nắm binh quyền. Dù tuổi còn nhỏ, nhưng Lê Văn Câu cùng các tướng lĩnh của cha cũng cầm cự, giữ thành an toàn được trong 2 năm.
Khi họ đã quá mệt mỏi thì quân triều đình mới chính thức đánh hạ được thành Phiên An vào năm 1835, bắt giữ và xử tử 1.831 người gồm cả già, trẻ, nam, nữ rồi đem chôn chung vào 1 hố trong vùng đất Đồng Tập Trận và được gọi là Mả Ngụy (giặc, phản loạn) hay Mả Biền Tru.
6 người được cho là cầm đầu, trong đó có con trai Lê Văn Khôi và Linh Mục Giuse Du (Joseph Marchand) đã bị triều đình Huế đóng cũi, giải về kinh thành để xử tử bằng thảm hình tùng xẻo. Giuse Du là người duy nhất bị án bá đao, nghĩa là bị cắt xẻo 100 nhát trước khi bị chặt ra làm bốn phần, còn thủ cấp bị nghiền nát đổ xuống biển.
Cuộc binh biến Lê Văn Khôi cùng với việc gần 2.000 người bị xử tử rồi chôn chung một huyệt mộ đã khiến cho người dân thành Gia Định vô cùng hoảng sợ và kinh hãi trong suốt một thời gian dài.
Chính vì thế mà vùng đất Đồng Tập Trận được người dân nhắc đến như một vùng đất chết chóc, oan khốc, đầy rẫy những oan hồn. Sau quãng thời gian dài, khu vực này trở thành một rừng cây rậm rạp, thâm u. Sau này thực dân Pháp đặt tên Mả Ngụy là Đồng Mồ Mả
Tả Quân Lê Văn Duyệt được truy phục chức hàm
Dẹp xong Lê Văn Khôi, truy tội Lê Văn Duyệt, Minh Mạng ra chỉ dụ:
“Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bửa quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, chẳng cần gia hình chi cho uổng công. Vậy cho tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn cuốc bỏ núm mộ san bằng mặt đất và khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử”.
Thực hiện chỉ dụ của Minh Mạng, tổng đốc Gia Định san bằng mộ Lê Văn Duyệt, đặt xích sắt xiềng mộ. Ông đã qua đời mà vẫn bị kết án bảy tội xử trảm (chém), hai tội xử giảo (thắt cổ), một tội phát quân. Tại Huế, con cháu ông từ 15 tuổi trở lên bị xử trảm hàng loạt. Bia mộ của cha mẹ ông ở Tiền Giang cũng bị đục bỏ các tước hiệu. Ruộng điền bị tịch thu, nhà thờ họ tộc ở Quảng Ngãi bị đưa voi về tàn phá.
Việc xử tội oan khốc, bất công và tàn ác của Minh Mạng đối với Lê Văn Duyệt – bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn khiến nhân dân Gia Định vô cùng đau xót. Giai đoạn thái bình thịnh trị dưới thời Tả Quân cũng không còn, người dân mất dần niềm tin vào nhà Nguyễn.
Điện thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt
Năm Tân Sửu (1841) vua Thiệu Trị lên ngôi bắt đầu xem xét lại vụ án oan khốc Lê Văn Duyệt, ban lệnh tha tội cho nhiều người bị truy bức, sát hại dưới thời Minh Mạng. Nhưng phải đến thời Tự Đức, nhà vua mới chính thức ban lệnh truy phục chức hàm cho Lê Văn Duyệt là Chưởng Tả Quân Đại Tướng Quân, cho thờ trong miếu Trung hưng Công thần ở kinh thành Huế. Ngày nay, danh nhân Lê Văn Duyệt được hậu thế tôn vinh, lập đền thờ, đặt tên đường khắp nơi.
Lăng thờ Lê Văn Duyệt, còn gọi là Lăng Ông gần chợ Bà Chiểu luôn tấp nập khách thập phương đến tiến cúng, chiêm bái. Khu lăng mộ Tả Quân Lê Văn Duyệt đã được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1988.
Nói về cái tên Mả Ngụy, nhà văn Sơn Nam – Ông già Nam Bộ cho hay cái tên này có thể bắt nguồn từ nỗi sợ hãi của dân chúng trước Minh Mạng, nhưng sau khi mọi thế lực đều đã chết, trải qua hơn 150 năm dâu bể, những bất đồng, tranh chấp và sợ hãi cũng tan biến, người dân đã đổi tên Mả Ngụy thành Đồng Mả Lạng. Đồng Mả Lạng có nghĩa là mất dấu vết vì thời gian, đúng như ý nghĩa câu chuyện của nó.
Thời đó người dân địa phương tự phát lập một ngôi đình để tiến hành công việc hương khói, thờ cúng hương linh gần 2.000 người trong hàng ngũ của Lê Văn Khôi đã chết thê thảm dưới tay vua Minh Mạng. Ngôi đình này nằm trên đường Cao Thắng (quận 10). Lễ cúng tế ở đình thường diễn ra long trọng. Mỗi lần có lễ hội là trống chiêng lại vang rền. Người dân từ khắp nơi đổ về đông đúc.
Cuộc binh biến thành Phiên An và Mả Ngụy sẽ mãi là những huyền thoại đau thương gắn liền với lịch sử vùng đất Sài Gòn Gia Định.
Minh Anh