Vang Bóng Một Thời – Báo oán

0
2720

Trang 1 Trang 2Kế tiếp

Vang Bóng Một Thời

Báo oán

-Quảng Cáo-

Tác giả: Nguyễn Tuân

Ở cuốn lịch năm ấy bìa vàng nhoè nét son dấu kim ấn tòa Khâm Thiên Giám cỏ niên hiệu Duy Tân thập niên, người ta thấy tiết thu phân và ngày lập thu qua đã lâu rồi.

Mùa mưa dầm tháng chín chỉ là những giọt nước mắt triền miên than vãn của kì thất tịch còn sót lại mãi đến bây giờ. Xứ đồng chiêm Sơn Nam hạ đã biến thành một vùng nước mất hẳn bờ, trên đó nhấp nhô những con đò đồng lí tí. Ngọn sóng đồng hỗn loạn vỗ tung bùn vào mép những con đường đất thô nhuyễn và những lũ tre già ướt át. Làng mạc vùng quê Nam Ðịnh nhoi lên khỏi làn nước trắng lạnh như những quần đảo hoang vu.

Nước một mùa mưa hợp các xứ đồng chiêm lại thành một khối lớn và trên cái đoàn kết của nước đồng hiu quạnh, những con thuyền thúng đi về nhiều như lá tre rụng mùa thu. Đêm mưa giỏ, mặt nước bằng rộng âm hưởng rất xa cái tiếng kêu đánh cướp nhóm lên từ những hòn cù lao lẻ loi.

Bên bờ đường cái quan, hoa hoè nở vàng khè. Dậm hoè đất Sơn Nam hạ trổ bông đã từ lầu. Hoè đã rầu cánh, màu vàng úa tối mãi xuống.

“Hoè hoa hoàng, cử tử mang.”

Thấy dậm hoè ngả màu vàng, lòng những người có chứ bắt đầu bận bịu. Dưới mảnh trời sụt sùi, hoa hoè nở đều, làm ấm lại lòng người sĩ tơ tưởng đến sự hiển đạt về sau này. Màu vàng của sắc hoa nơi dậm hoè dài đã nhắc bao nhiêu học trò vùng Sơn Nam hạ nghĩ đến cái màu vàng một tấm giấy cáo trục phong tặng hoặc là phần hoàng mai sau cho hai đấng sinh thành.

Ôm khư khư một hòm kinh truyện sũng ướt nước mưa, ngồi trong lòng một chiếc đò đầy đang tìm lại bến cũ, ông Đầu Xứ Em nghĩ xem giờ xuống tỉnh, nên trọ nhà ai cho tiện trong suốt một kì thi, vì nhà bà Phùng đã chật chỗ rồi.

Hoa hoè lả tả đánh rớt những cành vàng nâu cuối cùng lên bả vai bao nhiêu học trò các vùng đổ về tỉnh Nam. Năm nay nhà nước mở khoa thi, một khoa thi cuối cùng. Có những ông đồ già tóc râu đã ngả màu vì sự đùa nhả của công danh đánh lừa mình suốt mấy phen, chuyến này cũng cố chen ra, hồ vớt lấy một chút phấn hương cuối mùa của triều đình.

Trường Hà Nam hợp thi khoa Mậu Ngọ có ông Đầu Xứ Em dự, còn nhộn nhịp gấp mấy khoa Ất Mão trước.

Khoa Ất Mão trước, ông Ðầu Xứ Anh bị loại ngay vòng đầu, bay kì kinh nghĩa.

Khoa Mậu Ngọ này, ông Ðầu Xứ Anh nhất định không đi nữa, mặc dầu khoa này là khoa cuối cùng, sau này bãi hẳn sự thi cử. Ở vào buổi giao thời, nếu người ta còn cái lòng công danh, thi khoa thi Mậu Ngọ là một cơ hội cuối cùng. Từ Mậu Ngọ trở về sau, sẽ mở một thời khác, chữ Hán chỉ còn là một thứ xa xỉ phẩm trong cõi học vấn của một lớp người. Từ sau khoa này, cái lều, cái chõng chỉ còn là những vật cổ tích, mỗi khi nhắc nhỏm tới lại gợi lại một chút nhớ tiếc trong lòng một đám người mệt mỏi còn sống thêm một ngày là càng chỉ thêm một ngày bỡ ngỡ với phong hội mới.

Ông Đầu Xứ Anh nhất định không nộp quyển khoa này, tuy bao nhiêu người, từ Quan Đốc tỉnh cho đến anh em đồng song, thảy đều gởi hy vọng vào ông. Thơ phú làm rất nhanh ; sách nhớ có thể vạch ra từng chương, từng tiết một. Tính người lại điềm đạm đa hậu: ai ai đều khen nhà ông có đất học, rồi lại lấy làm lạ cho ông. Có một ông tam trường khoa trước lại ngờ rằng hay khoa này, tại nhà nước bắt đám sĩ tử phải chụp ảnh dán vào quyển nộp mà ông Đầu Xứ Anh không đi chăng? Có một hôm, ông cùng mấy người dạo chơi ở phố hàng Thao, nhận được tin này chính ông Đầu Xứ Anh đã kêu: “Từ trước tới nay, có bao giờ như thế. Bề trên đãi đám sĩ phu trong nước thật không ra cái gì.”

Hôm người em là ông Đầu Xứ Em xuôi tỉnh để sửa soạn đi thi, ông Đầu Xứ Anh đưa ra khỏi cái dốc đầu làng và lúc ông Đầu Xứ Em đã ngồi gọn trong con đò, ông dặn:

– Xuống tỉnh, nhà bà Phùng đã đông người ở trọ rồi, có phải ở chỗ khác, chú có ở đâu, cũng cứ lại đấy mà nhắn cho tôi rõ. Đến hôm các quan tiến trường, cữ hạ tuần tháng này, thể nào tôi cũng có mặt dưới tỉnh.

Vốn tính phong tình người em đứng dậy, làm chiềng con đò đầy, nói với lại:

– Cô Trinh, con gái út bà Phùng, hình như vẫn chưa lấy chồng phải không anh? Khoa Tý ngày trước anh cũng trọ ở đấy phải không?

Đáp lại cái vui đùa của em muốn tiết nỗi hoan lạc ra ngoài một cách quá độ để trấn tĩnh cái rối ren trong bụng một người đi thi, ông Đầu Xứ Anh đã nghiêm nghị một cách bất đắc dĩ nói lảng ra ngoài câu hỏi:

– Cứ quanh quẩn ở phổ Cửa Trường ấy thôi nhé. Ði về nó tiện hơn. Ở đấy dễ gặp anh em các nơi đổ về.

Biết đấy là một cậu học trò xuống tỉnh thi, mấy đám hàng xáo người làng trên qua đây ghé đò xuôi chợ, không nhao nhao lên nữa như lúc mới nghiêng mạn đò vừa rồi. Họ ra vẻ nể nang, ngồi thu hình lại, quơ lại một góc mấy lũ tay nải và bị cói, cốt để dọn cho cái người có chữ kia một chỗ ngồi rộng rãi. Đáy con đó dính chắc vào đất sét lòng bến nông. Cô hàng gạo, buộc lại mũi khăn mỏ quạ, nhìn cậu khoá không mỏi mắt và mỗi lúc ngượng nghịu lại nhổ xuống đồng nước một bãi quết trầu. Gió đồng hôm nay không thổi. Bãi quết trầu đỏ lặng im giữa làn nước nhợt nhạt, rồi chậm chạp tan hòa vào nước đồng chiêm, mỗi khi nhìn rộng ra, chỉ rặt một màu bao la nhờ nhờ. Người lái đò mặc áo tơi phủ kín thân hình, chụp nón mê lấp cả mặt, đã rút đầu sào khỏi mặt nước. Con đò đầy cựa quậy, bốc nhẹ, rồi trườn mình ra xa. Trời bắt đầu nổi giỏ rét. Mưa thu lại lộp độp rớt xuống đám áo tơi nón lá của một chuyến đò đồng. Dưới gốc cây hoè già ở dốc đê làng, ông Đầu Xứ Anh vẫn chưa chịu trở gót.

Sớm tinh mơ ngày hai mươi nhăm tháng chín các quan làm lễ tiến trường tại khu trường thi Nam Ðịnh. Hai chiếc lọng vàng phủ nghiêng xuống lá cờ và tấm biển cỏ chữ “phụng chỉ” “khâm sai” và bốn chiếc lọng xanh ghé sát thấp tịt xuống cái đầu bạc của một ông đại khoa. Mùi nghi vệ mới phảng phất ít hôm trước thì sớm nay đã chan hòa nổi dậy trên một khoảnh đất mà mọi khi chỉ có hoang vu và bằng lặng.

Ánh sáng ban ngày đi vắng mãi tự những đâu mà đến bây giờ vẫn chưa thấy trở về. Từ hôm có gió vàng pha mùi cơn bấc đến nay, người ta chưa bao giờ thấy cái âm u tẻ lạnh đến nhường ấy. Mãi đến bây giờ là gần giữa giờ thìn rồi mà tối và sáng vẫn còn chưa phân tách hẳn ra. Người ta đứng bao quanh đàn cúng, vẫn chỉ thấy ánh sáng mấy chục ngọn nến bạch lạp rọi vào lớp da hoen ố vệt lửa cháy của đàn tế, trên đó phủ phục ba cỗ tam sinh còng queo: một con trâu và một con dê đen thui kèm một con lợn cạo trắng mở to cặp mắt chết.

Mặt đất sáng hơn nền trời. Cõi tự nhiên, một buổi sáng mùa thu có cuộc tế tiến trường, hình như đang lắng chờ một tai biến gì. Gió cũng không muốn thổi. Mấy ngọn sáp không lung lay, vệt khói xám nơi bình hương bốc lên thẳng thắn nơi bàn tam sinh.

Nền trời phương Đông đáng lẽ phải hửng lên để đón lấy chiêu dương. Thế mà ở đấy chỉ rặt một thứ mây đục đùn lên những hình Quỷ Ðông và, nơi phía Tây, một cái cầu vồng cụt một chân, tô lên trên tạo vật có tang ma, những màu xanh đỏ rực rỡ và rờn rợn. Trong cảnh âm dương hỗn loạn không chia biệt rõ, quan chánh chủ khảo trường Hà Nam hợp thi khoa Mậu Ngọ, đang tế cáo Trời Đất Vua Thần Thánh và suýt soa khai xong tên, tuổi, quê, quán ngài khấn:

“…Báo oán giả, tiên nhập, báo ân giả, thứ nhập…”

Có lẽ đoạn khấn này là khoản chú trọng nhất của lễ tam sinh và đã được quỷ và thần chứng giám. Người lính tuần mặc ảo nẹp đỏ vừa được lệnh đổ chén rượu cúng xuống tàn lửa đống vàng đang hoá dở thì những đầu ngọn cỏ may im lìm nơi bãi trường thi đều rung lên một nhịp và theo một chiều. Người ta, hồi nãy sống một cơn mơ giữa khoảng ban ngày u uất, bây giờ trông thấy một cơn mơ đang tàn dần. Một thứ gió u hiển thổi thốc mãi vào bãi trường, nghe lào sào như có tiếng người chen chúc và chạy vào choán chỗ. Những cây nến cháy vạt ngọn bỗng tắt phụt hết.

Không gì xa vắng bằng cái động đậy trong đìu hiu của muộn loài.

Trời đất trong sáng lại lần lần.

Hai anh em ông Ðầu Xứ Ngoạt (lấy tên tục của làng nguyên quán là Cổ Nguyệt) lững thững ra về, ông Đầu Xứ Anh bụng buồn lắm mà không dám nói ra.

Ba năm trước, cũng ngày tế tiền trường năm Mão, cảnh trời đất cúng âm thầm gần bằng ngày này. Quan chánh chủ khảo khoa ấy, theo tục lệ quen của mỗi khoa thi, cũng cúng tam sinh khấn mời những oan hồn nên nhập vào trường trước hết mà báo oán trả thù. Rồi ông Ðầu Xứ vào trường, rồi oan hồn hiện lên ngay ở kì đệ nhất. Một người đàn bà trẻ, xoã tóc, ẵm con, hiện ngay lên dưới lều, ngay chỗ đầu chõng, kêu gào giữ rịt lấy tay không cho viết. Gào khóc chán, người đàn bà ấy lấy mớ tóc xoã quất vào mặt ông cứ bỏng rát lên và cười sằng sặc, lấy nghiên mực đổ vào quyển của ông. Lần ấy ông xin cánh quyển đến hai ba thứ. Vẫn người đàn bà quấy nhiễu không tha, để quyển ông cứ tì ố mãi. Lúc gần chiều, ông nổi một cơn đau bụng hoắc loạn, phải bỏ dở kì thi, nhờ người dìu về nhà trọ. Thế là ông bay ngay kì kinh nghĩa.

Một người đầu xứ hay chữ và được Quan Đốc khen ngợi luôn mả hỏng ngay nhất trường thì có thảm thương không. Cũng may mà còn có người lấy được cái bản thảo giáp bài của ông đem về, ông còn giữ được đến giờ, nếu không thì nhục cho gia sáo biết là chừng nào. Ông cụ thân sinh ra ông, cụ Huấn là người nổi tiếng một vùng, ông xem lại bản giáp đưa cho các bạn đọc, ai cũng lấy làm tiếc. Hơi văn đi mạnh như thế có vào đến kì hội thi cũng cứ lọt, mọi người đều chắc lưỡi tiếc rẽ. Cái người bạn cùng một vi với ông, sau khi đem trả ông cái bản giáp đó, đã tìm đến phòng trọ đưa tạ ông ba chục quan tiền kẽm:

“Ðại huynh lúc không may lâm bệnh rời bãi trường, phải bỏ lại trên cỏ bản giáp bài kinh nghĩa. Là một người tự biết mình bất tài, tiểu đệ đã mạn phép hiền huynh điền vào quyển của đệ những lời gấm hoa đanh thép bị bỏ phí kia. Nay được vào kì đệ nhị, gọi là có món quà mọn gửi lại xin đại huynh nhận cho”.

Biết là có oan hồn hiện lên cố phá không cho mình mở mặt với thiên hạ, ông để tâm tra xét chuyện nhà. Thì ra, lúc sinh thời, cụ Huấn đẻ ra ông đã phạm vào một việc thất đức. Lúc sinh thời cụ Huấn, cụ đã mang lấy trách nhiệm tinh thần về cái chết của một người nàng hầu tài tình nổi tiếng một thời. Người thiếp đó, lúc tự ải, đã có mang được sáu bảy tháng. Cái âm oán ấy còn theo đuổi ông mãi, nếu ông cứ còn lều chiếu ở cửa trường thi. Đấy là lời người thiếp đó lúc ốp vào con đồng khi phụ lên. Nàng xưng là cô và gọi ông Đầu Xứ Anh là nó, cười sằng sặc và giọng nói the thé: “Nó còn đi thi, cô còn báo mãi. Các người hỏi cô muốn những gì ấy à! Cô muốn, cô muốn nó phạm huý, cho nó bị tội cả nhà kia. Nhưng nhà nó cũng có một ông mãnh thiêng lắm, cô không tàn hại nó được như lòng cô muốn”. Con đồng chỉ lắc lư nói có thế, nếu có gặng hỏi thêm thi chỉ khóc hu hu rồi lại lăn ra mà cười như bị cù. Ông Đầu Xứ lạnh đến tuỷ xương sống trong người. Và lo nghĩ từ ấy.

Khoa thi này ông định không ra nữa để ông Đầu Xứ Em nộp quyển thôi, thử xem hồn oan có còn báo được nữa hay không. Ông tin ở học lực người em ruột, sao cũng lấy về cho làng Ngoạt, hên ra cũng được cái Tú Tài. Khoa cuối cùng, thêm phần luận quốc ngữ và phép tính và đo lường theo lối học mới, nhưng chú nó thông minh vốn thiên bẩm và gần đây tân thư và toàn pháp đọc rất nhiều, cũng không lấy gì làm ngại lắm. Nhưng mà phúc phận con người ta, ở một sĩ tử, biết sao mà định đoạt trước được.

Còn năm hôm nữa mới nhập trường. Mãi đến ngày sóc tháng mạng đông mới gọi tên bốn năm ngàn người vào kì đệ nhất. Cơm nhà trọ, luôn mấy ngày nay, bữa nào cũng hết một bình rượu.

Vào mấy ngày mong chờ hai anh em ông Đầu Xứ, những lúc trời ngớt hột mưa, thường nhẩn nha ở phổ hàng Giấy, chọn một thỏi mực, thử lông một cây bút thỏ hay là soi lên ánh nắng một giấy bản. Ông Đầu Xứ Anh cố quên chuyện cũ hết sức vui vẻ trong khi đi lục lọi giấy bút cho em ở các cửa hàng sách phố hàng Giấy. Những người văn nhân lượn lên lượn xuống nơi phố này nhiều đến nỗi không nhớ được mặt ví có gặp ngay lại một lần thứ nhì.

Cái cửa hàng sách gọn ghẽ, xinh xắn được nhiều thầy khoá lui tới nhất là cửa hàng cô Phương. Ðám học trò vào cửa hàng cô để mua cũng có, và để nghỉ chân vả giải trí cũng có. Cô Phương, ở phố hàng Giấy, ngày trước là một người đanh đá chua ngoa có tiếng. Có một lần một cậu học trò vào hàng cô chọn bút. Cô đưa bút Song Lan, Thanh Chi, Nhất Chi rồi Kiều Lan, rồi đến Lan Trúc; người thư sinh mặt trắng rút tháp bút, cho bút vào miệng, ấn toè đầu bút vào lòng bàn tay xoè, để thử soi lông bút lên ánh sáng có đến mấy mươi lần rồi mà cứ lắc đầu hoài, chê xấu. Anh chàng nhất định hỏi cho được cái thứ bút Tảo Thiên Quân mới chịu lấy. Thấy thầy khoá ăn mặc đồ vải xuềnh xoàng, cô Phương ra giọng bỉ thử: “Có Tảo Thiên Quân lông trắng, nhưng mà những hai quan một chiếc”.

Tiếp cái nguýt dài của cô hàng sách càng ngồi giãi thẻ thêm ra, người thư sinh mặt trắng chỉ tay lên tít trên đầu tủ: “Phải, Tảo Thiên Quân lông trắng ; có còn thứ nào những năm sáu quan một quản, cô lấy cho tôi chọn”. Lúc nói câu này, thầy khoá cố dằn giọng vào chữ “những”, có ý bảo thầm cho nhà hàng biết rằng nên khinh người vừa vừa chứ. Cô Phương bẽn lẽn, nhưng cũng cố đứng dậy lấy thứ bút quý cất mãi trên cùng tột lớp tủ, đưa cho thầy khoá, chỉ đợi nếu anh chàng không mua nổi chiếc nào thì sẽ mắng một trận như tát nước vào mặt cho bõ ghét. Lấy luôn một lúc bốn chiếc Tảo Thiên Quân, trả tiền xong xuôi, người thư sinh mặt trắng dúng một ngòi bút vào một mảnh giấy nơi mặt hàng. Những giòng chữ viết rất tốt kia, sự thật, chỉ là một bài thơ chữ nói mát cô hàng có tính chỏng lỏn.

Từ đấy, cô Phương đâm ra gờm những thầy khoá có tính ỡm ờ và trở nên rất ngoan ngoãn đối với bạn hàng, bất cứ là ai. Sau cô hỏi thêm, mới biết người thư sinh rất khó tính trong sự lựa bút và tác giả bài thơ bóng giỏ ấy là cậu Đầu Xứ Ngoạt. Năm Mão, phong thanh người thiếu niên tài hoa ấy thụ bệnh trong trường và bỏ dở khoa thi, cô Phương đã ra mặt ái ngại tiếc than với những người chung quanh. Trong tâm một cô hàng sách nhỏ phố hàng Giấy, đang nhú lên một cái mầm của yêu thương, gắn bó và đợi chờ.

Cho đến mãi Ngọ năm nay, ông Đầu Xứ Ngoạt mới trở lại cửa hàng cô Phương. Ông Ðầu Xứ Em còn lần lựa ngoài mặt hàng, chưa bước vào nhà.

Trên mấy tấm cửa lùa ngả xuống hai cái mễ gỗ, nhô hẳn ra vỉa hè, một cuốn Chinh phụ ngâm diễn nôm đã ghìm bước ông Đầu Xứ Em lại. Thấy có bóng khách vào hàng, cô Phương đặt cuốn truyện Lục Vân Tiên xuống, lấy móng tay đánh dấu vào cái đoạn nàng Kim Liên đang “đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê”, sắp cất tiếng chào khách, bỗng cồ ngờ ngợ, tủm tỉm muốn bật như cười. Cô nhìn không chớp mất, đôi má lúm đồng tiền phơn phớt nhuộm đào – cái màu hoa đào ngày năm nọ.

Ông Ðầu Xứ Anh hơi luống cuống, chưa biết hỏi món hàng gì thì may mắn quá, ông Ðầu Xứ Em đã tiến theo vào phá hộ cái yên lặng.

– Này anh, lấy một cuốn Chinh phụ bản nôm, về nhà trọ ta ngâm nga chơi cho nó hết mấy ngày đợi cái bảng nhập trường.

– Ờ thích được ngâm nga thì cứ lấy về. Có gì mà phải bàn bạc nữa.

Trang 1 Trang 2Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận