Vai trò của Hoàng đế Quang Trung trong lịch sử Việt Nam

0
3622

Quay lại Trang 1 Trang 2

Chiến thắng Kỷ Dậu (1789) đại phá 29 vạn quân Thanh

-Quảng Cáo-

Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc. Để lấy danh nghĩa chính thống nhằm tiêu diệt quân Mãn Thanh đang chiếm đóng kinh thành Thăng Long, Bắc Bình Vương lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Các tướng soái và nhân dân trong cả nước vô cùng phấn chấn, ủng hộ Hoàng đế Quang Trung.

Trận Ngọc Hồi – Đống Đa vang dội là chiến thắng tiêu biểu thể hiện thiên tài quân sự của Hoàng đế Quang Trung. Dù binh lực chỉ bằng một nửa đối phương nhưng chỉ trong 5 ngày, ông đã hành quân thần tốc và đánh tan lực lượng xâm lược của nhà Thanh và Lê Chiêu Thống, chiếm lại kinh đô Thăng Long.

Chiến thắng này khẳng định sự tồn tại của nước Đại Việt trước họa xâm lăng, chấm dứt kế hoạch xâm chiếm của nhà Mãn Thanh, đồng thời đánh dấu việc triều đại Tây Sơn chính thức thay thế nhà Hậu Lê trong việc cai quản đất Bắc Hà và trong quan hệ với triều Thanh.

Tình hình chính trị, xã hội dưới triều Tây Sơn chỉ mới được ổn định hoàn toàn từ Trung Việt trở ra Bắc Việt. Còn miền Nam Việt – Gia Định bấy giờ thuộc Đông Định Vương Nguyễn Lữ nhưng lại đang có chiến tranh với quân chúa Nguyễn (Nguyễn Ánh) nên cơ bản, nước Đại Việt vẫn chưa được thống nhất hoàn toàn. Riêng về đất đai thuộc ảnh hưởng của Vua Quang Trung thì thực tế chỉ có thể kể từ Thuận Hóa ra Bắc.

Tôn Giáo

Quang Trung thực thi một chính sách Tôn Giáo rất tự do và rộng rãi. Dù là người đề cao Nho Giáo nhưng ông vẫn bảo đảm hoạt động cho các Tôn Giáo khác như Phật Giáo và các tín ngưỡng khác. Về Thiên Chúa Giáo, các giáo sĩ được tự do truyền đạo, xây dựng Nhà Thờ. Đồng thời Vua Quang Trung cũng thi hành chính sách bài trừ mê tín dị đoan rất mạnh, chấn chỉnh lại việc tu hành cho đúng Chánh Đạo. Những người tu hành vô đạo đức, những kẻ lưu manh xuất gia đều phải hoàn tục.

Sử gia Trần Trọng Kim, khi bàn về Hoàng đế Quang Trung, đã viết: “Vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học. Khi ngài ra đất Bắc Hà, những người như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích đều được trọng dụng, nhất là đối với một xử sĩ như Nguyễn Thiếp thì thật khác thường”.

Kinh tế

Một mặt lo chống thù trong giặc ngoài, mặt khác vua Quang Trung rất quan tâm tới việc xây dựng đất nước. Dưới thời Quang Trung, nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp đều được chú trọng và đạt được những thành tựu to lớn.

Thuế nông nghiệp giảm mạnh, sản xuất nông nghiệp được khôi phục, mùa màng bội thu. Về thủ công nghiệp, những xưởng đóng thuyền chiến phục vụ chiến tranh thời vua Quang Trung đã đóng được loại thuyền lớn mang nhiều đại bác, có thể chở được voi.

Ông không đi theo con đường “trọng nông ức thương” như 2 tập đoàn phản động Lê – Trịnh mà chủ trương đề cao thương nghiệp và mở rộng quan hệ buôn bán giữa Đại Việt với nước ngoài gồm cả phương Tây. Sau ngày lên ngôi hoàng đế và quản lý cả khu vực Bắc Bộ, Quang Trung đã bãi bỏ chính sách ức thương của chính quyền Lê – Trịnh để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Ngay cả sau khi nhà Tây Sơn đã mất, các thương nhân nước ngoài đến buôn bán tại Việt Nam vẫn có sự so sánh về chính sách thương mại thông thoáng của Quang Trung với sự khắt khe của nhà Nguyễn. Họ cho rằng nhà Tây Sơn cai trị ôn hòa và công bằng hơn vua hiện tại (Minh Mạng) hay người cha (Gia Long Nguyễn Ánh).

Cái chết đột ngột của Vua Quang Trung và sự chia rẽ trong nội bộ Tây Sơn

Một buổi chiều thu năm 1792 (Nhâm Tý), vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho triệu trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về triều bàn việc thiên đô ra Phượng Hoàng Trung Đô. Nhưng việc chưa quyết xong thì bệnh tình nhà vua đã nguy kịch. Trước khi mất, nhà vua đã căn dặn Trần Quang Diệu và quần thần:

“Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định là quốc thù, mà Thái Đức thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân!”

Hoàng đế Quang Trung băng hà vào ngày 29-7 năm Nhâm Tý (1792). Cho đến nay, nhiều giả thuyết về nguyên nhân cái chết của vua Quang Trung đã được đưa ra. Người xưa gọi là chứng “huyễn vận”, còn ngày nay y học gọi là “tai biến mạch máu não”.

Thái tử là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, hiệu là Cảnh Thịnh. Quang Toản thi hành nhiều chính sách yếu kém so với Tiên đế và không đủ sức lãnh đạo khiến cho nội bộ triều Tây Sơn khủng hoảng và chia rẽ, loạn lạc nổ ra khắp nơi. Dân chúng miền Trung sau nhiều năm mệt mỏi dưới các tranh chấp nội bộ của Tây Sơn, bắt đầu quay sang ủng hộ Nguyễn Ánh. Quang Toản nghi ngờ giết hại một số triều thần và võ tướng, khiến cho sức chiến đấu càng suy giảm, thêm nhiều người bỏ sang hàng Nguyễn Ánh. Lúc này các thế lực thân tín với nhà Nguyễn đều quay lại bảo vệ Nguyễn Ánh và chống lại Tây Sơn một cách quyết liệt.

Sự trả thù độc địa của Nguyễn Ánh đối với nhà Tây Sơn

Nhân vào thế đó, Nguyễn Ánh ra sức mở các đợt tấn công vào Quy Nhơn, binh lực ngày càng hùng hậu. Từ 1793 – 1802, Nguyễn Ánh cùng các danh tướng người Pháp và người Việt như Lê Văn Duyệt, Võ Duy Nguy, Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Philippe Vannier, De Forcant v.v. đem đại quân tiến đánh nhà Tây Sơn nhiều trận và giành chiến thắng hoàn toàn vào năm 1802, trong đó nổi tiếng nhất là trận thủy chiến hỏa công tại Đầm Thị Nại vào năm 1801 khiến sức mạnh thủy binh Tây Sơn bị tiêu diệt gần như hoàn toàn.

Trận Thị Nại (Ảnh minh họa)

Quang Toản lên ngôi vua nǎm 1793, đến nǎm 1802 thì bị giết ở tuổi 20, ở ngôi được 9 nǎm. Như vậy triều đại Tây Sơn kể từ vua Thái Đức Nguyễn Nhạc đến Cảnh Thịnh Quang Toản tồn tại được 24 nǎm (1778-1802).

Ðến tháng 6 cùng năm 1802 thì Nguyễn Ánh thống nhất hoàn toàn nước Việt từ Nam ra Bắc để trở thành hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn là Hoàng đế Gia Long.

Sau vài tháng nghỉ ngơi ở Phú Xuân (Huế), vào ngày 7 tháng 11 năm Nhâm Tuất (tức 1/12/1802), Nguyễn Ánh đem tù binh ra làm lễ “Hiến Phù” nhằm báo công với tổ tiên ở Thái Miếu là nơi thờ 9 đời chúa Nguyễn; nhân đó tiến hành trả thù nhà Tây Sơn một cách tàn độc:

31 người có quan hệ huyết thống với Nguyễn Huệ đều bị xử thảm hình lăng trì, trong đó có Quang Toản (vua Cảnh Thịnh) và những người con khác của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ là Quang Duy, Quang Thiệu và Quang Bàn. Tất cả đều bị lăng trì và cho 5 voi xé xác, đầu bị bỏ vào vò. Trước khi lĩnh cái chết thảm khốc, anh em vua Cảnh Thịnh còn bị bắt phải chứng kiến cảnh lính tráng tiểu tiện vào sọt đựng hài cốt của cha (Nguyễn Huệ) và bác (Nguyễn Nhạc).

Nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái bị voi giày, chồng bà là Trần Quang Diệu do trước đó đã có lần khoan thứ cho quân Nguyễn nên xin được Nguyễn Ánh tha cho mẹ già 80 tuổi trước khi ông bị xử tử.

Lăng mộ nhà Tây Sơn gồm lăng của vua Thái Đức và vua Quang Trung bị quật lên, hài cốt bị giã nát quăng đi, đầu ba vua Tây Sơn (Thái Đức, Quang Trung và Cảnh Thịnh) và bài vị vợ chồng Nguyễn Huệ thì bị giam trong ngục tối.

Các quan văn khác của Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích ra hàng thì cho đánh đòn và được tha về, riêng Ngô Thì Nhậm thì bị Đặng Trần Thường trước có thù riêng nên cho người đánh chết.

Không chỉ “đào mồ cuốc mả”, “tru di tam tộc” đối với dòng họ, con cháu có quan hệ huyết thống với Vua Quang Trung, để nhổ cỏ tận gốc, Nguyễn Ánh còn truy sát cả những trung thần, tướng sĩ, quan lại của triều Tây Sơn, và những họ hàng rất xa cách nhau cả chục đời của Nguyễn Huệ. Thời kỳ đầu khi Gia Long lên ngôi, đã chỉ dụ dối trá cho dân địa phương ở xã Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nơi họ Hồ của nhà Tây Sơn phát tích) rằng: “Hễ ai là bà con tộc thuộc của Tây Sơn ra khai báo, sẽ được trọng dụng bổ làm quan”. Có nhiều gia đình cùng họ với nhà Tây Sơn tưởng thật, ra khai báo, nhưng không ngờ tất cả đều bị giết hại.

Hiện nay, có 24 gia đình gốc họ Hồ đều có người chết trong ngày đại tang Tây Sơn, giỗ vào ngày 20 tháng 10 âm lịch hàng năm. Những người còn sống là do lẩn trốn sang các làng khác, hoặc phải đổi thành họ Nguyễn mới tránh được sự truy nã.

Chân dung Nguyễn Ánh (Gia Long)

Phẩm bình của các sử gia

Theo phân tích của các sử gia, cuộc báo thù tàn bạo của Nguyễn Ánh đối với triều đại Tây Sơn có các mục tiêu:

Trả thù những việc sai trái mà Tây Sơn đã làm với gia tộc và bản thân Nguyễn Ánh trước kia: quân Tây Sơn giết chết một số người thân của Nguyễn Ánh ở thành Gia Định; quân Tây Sơn quật mộ một số đời Chúa Nguyễn tại Thừa Thiên và mộ Nguyễn Phúc Côn (phụ thân của Nguyễn Ánh) đem hài cốt đổ xuống sông. Các tài liệu lịch sử viết về những việc trên đều không tồn tại chính thức.

Trả thù cho những đắng cay, ô nhục trong chuỗi ngày tháng Nguyễn Ánh lênh đênh trốn chạy đại quân Tây Sơn.

Dùng cuộc trả thù để tỏ rõ uy thế của Gia Long, làm khiếp nhược và buộc những người chống đối (ở đây chủ yếu là các cựu thần Lê-Trịnh) phải quy thuận trước vương triều mới. Vì vậy, Nguyễn Ánh không hề tìm cách che đậy sự tàn bạo, hèn hạ của mình trong việc này. Trong các đánh giá sau này về sự trả thù triều Tây Sơn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Ánh đã thực hiện rất tàn độc và tiểu nhân.

Tại miền Nam trước 1975, hai bộ sử thông dụng là Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn khi viết về vua Gia Long, cả hai bộ sử đều giống nhau ở một điểm: phê phán sự hẹp lượng và kém đức của Gia Long qua việc bội bạc và giết hại các khai quốc công thần triều Nguyễn. Đó là vụ án Binh bộ Thượng thư Đặng Trần Thường bị xử treo cổ năm 1816 và vụ án Tiền Quân Nguyễn Văn Thành – một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn cùng với Tả Quân Lê Văn Duyệt có công lớn nhất đưa Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long) lên ngôi hoàng đế. Bị bọn gian thần ghen ghét vu cho tội phản loạn, năm 1817 Tiền Quân Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, còn con trai của ông là Nguyễn Văn Thuyên bị xử chém.

Việc bạc đãi và xử tử các khai quốc công thần trụ cột của triều Nguyễn thể hiện sự kém đức và vong ơn của Gia Long.

Tuy nhiên, dù kể rõ việc Gia Long hành hình và trả thù nhà Tây Sơn tàn bạo nhưng hai bộ sử hoàn toàn không bình luận, phê phán gì đến sự tàn nhẫn trong việc này.

 Nguyễn Huệ (Quang Trung) và Nguyễn Ánh (Gia Long) là hai kẻ thù không đội trời chung

Để trả thù, Nguyễn Ánh sai đào phá tan nát mộ Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc. Nơi đặt lăng mộ của Vua Quang Trung cũng bị san phẳng, không để lại dấu tích, nên sau này có một số nhà nghiên cứu đã dày công tra cứu, khảo sát, song không thể xác định được mộ Vua Quang Trung ở địa điểm nào. Bên cạnh đó, các lăng mộ của gia tộc Tây Sơn ở Nghệ An và Quy Nhơn đều bị khai quật, phá hủy đến mức chỉ trơ hố huyệt sâu, khiến người sau phải gọi là “giếng huyệt”.

Các nhà nghiên cứu mộ Vua Quang Trung đã tìm ra bài thơ “Kiến Quang Trung linh cữu “(Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trung) của nhà thơ Lê Triệu (1771-1846), người sống dưới thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Bài thơ nói về cảm xúc bàng hoàng của tác giả khi đứng trước nơi từng là lăng mộ của Vua Quang Trung sau khi bị Nguyễn Ánh phá hủy vào năm 1802.

Kiến Quang Trung linh cữu

Trấp niên sấp sá tẩu phong vân

Như thử anh hùng cổ hãn văn

Hàm Dã độc Lưu thiên vạn cốt

“Khuân Sơn” họa tại bách niên phần

Không hàm chỉ chỉ thiên thu hận

Cô phụ đường đường bát xích thân

Quang cảnh nhất ban thành phấn mị

Linh nhân chung cổ tiểu Doanh Tần!

Dịch thơ:

“Bao năm thét mắng át phong vân

Đủ thấy anh hùng – bậc vĩ nhân

Hàm Đan hận vùi muôn vạn xác

“Khuân Sơn” phần mộ hoạ trăm năm

Ngậm hờn chỉ trích ngàn thu hận

Nỡ phụ đường đường tám thước thân

Quang cảnh thảy đều thành cát bụi

Khiến đời muôn thuở cợt Doanh Tần!” (tức Tần Thủy Hoàng bạo chúa)

Tác giả Lê Triệu đã ca ngợi vua Quang Trung là bậc Anh hùng cái thế và lên án vua Gia Long – Nguyễn Ánh tàn bạo như Tần Thủy Hoàng.

Hoa Bằng, tác giả cuốn “Quang Trung, Anh hùng dân tộc” (NXB Bốn Phương, Saigon, 1953) đã ngậm ngùi viết trong thiên biên khảo đầu tiên về đề tài trả thù nhà Tây Sơn một cách tàn bạo, hèn hạ của Gia Long:

“Vậy mà Nã Phá Luân (Napoléon I) được gởi nắm xương trong đền Invalides để cho người sau hoài niệm, viếng thăm; còn Quang Trung: mả phải đào, xương phải tán, dòng dõi bị tru di, sự nghiệp liệt liệt oanh oanh gói tròn trong một chữ Ngụy”.

Kết luận

Trong suốt 150 năm, Nhà Nguyễn kể từ triều Gia Long Nguyễn Ánh đã cố làm cho người người quên Nhà Tây Sơn, cấm người dân thờ cúng Vua Quang Trung, xiềng xích triều Tây Sơn trong một chữ “Ngụy”. Nhưng người yêu nước vẫn luôn nhớ đến Nhà Tây Sơn, ngọn bút yêu nước vẫn chép mãi về các chiến công vang dội đánh tan giặc ngoại xâm phương Bắc của Anh hùng áo vải Quang Trung, vẫn tìm tòi trong nơi khuất tịch những tài liệu còn dấu cất để viết về Tây Sơn. Còn sau bao phen bể nổi dâu chìm, Nguyễn Ánh Gia Long đã để lại tiếng nhơ muôn đời “cõng rắn cắn gà nhà”.

Danh tiếng của người Anh hùng Dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ vẫn mãi lưu truyền trên đất nước Việt Nam từ Nam chí Bắc. Riêng Nguyễn Ánh tuy cuối cùng đã thống nhất được Bắc Nam để lên ngôi hoàng đế, nhưng phần nhiều là dựa trên nền tảng của Nhà Tây Sơn đã bình định được các cuộc nội chiến khốc liệt triền miên từ Đàng Trong ra tới Đàng Ngoài, đánh tan giặc Xiêm và giặc Thanh xâm lược.

Thiên Bình – Minh Anh

Quay lại Trang 1 Trang 2

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận