Từ sau sự kiện 17-2-1979, Trung Quốc vẫn tiếp tục cách hành xử phi pháp, trái với tinh thần và quy định luật pháp quốc tế nên ngày càng có nhiều nước quay lưng.
Hơn bốn thập niên trước (ngày 17-2-1979), Trung Quốc (TQ) đã xua hàng trăm ngàn quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân 43 năm sự kiện này, ThS Hoàng Việt, chuyên gia luật quốc tế (ĐH Luật TP.HCM), nhận xét: Tính phi nghĩa của TQ vẫn còn kéo dài, điển hình là các hành động phi pháp của họ ở khu vực Biển Đông.
Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN
Từ chiến tranh phi nghĩa 1979…
Phóng viên: Đối chiếu với luật pháp quốc tế giai đoạn 1979 thì hành vi phát động và tiến hành chiến tranh của TQ nhằm vào Việt Nam vào ngày 17-2-1979 đã vi phạm tinh thần và quy định luật pháp quốc tế như thế nào?
+ ThS Hoàng Việt: Trước đây, thế giới trải qua nhiều cuộc chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn. Sau các cuộc chiến đầy chết chóc, mất mát, thậm chí có cuộc chiến kéo dài (đỉnh điểm là hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai), khiến hầu hết các nước đều rút ra bài học rằng: Chiến tranh chỉ có thể gây ra hủy diệt và thế giới sẽ không bao giờ có thể tồn tại, phát triển được. Vì thế, các quốc gia lập ra tổ chức lớn nhất hành tinh – Liên Hợp Quốc (LHQ) vào năm 1945. Một trong những mục tiêu quan trọng là ngăn chặn việc sử dụng bạo lực phi nghĩa, tức là ngăn chặn tình trạng vô chính phủ có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu.
LHQ đã ban hành Hiến chương LHQ, quy định rõ rằng: “Tất cả các quốc gia là thành viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của LHQ”.
Như vậy, việc TQ sử dụng vũ lực vô cớ tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam cho thấy nước này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Lính Trung Quốc bị bắt ở biên giới tỉnh Cao Bằng, ngày 26 tháng 2 năm 1979. AFP
Đến hành xử phi pháp ở Biển Đông
Sự kiện ngày 17-2-1979 không phải là lần duy nhất TQ có hành vi trái với các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế, thưa ông?
+ Nói đến Biển Đông thì ngoài Hiến chương LHQ, chúng ta phải nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) được ký vào năm 1982. UNCLOS được ví là hiến pháp về biển và đại dương trên toàn thế giới. Sức mạnh và tầm bao quát của công ước này chỉ đứng sau Hiến chương LHQ.
Đến nay, có hơn 165 nước là thành viên của công ước này, bao gồm cả Việt Nam, TQ và các nước khu vực Biển Đông. Theo đó, mỗi quốc gia thành viên đều phải có nghĩa vụ tuân thủ quy định này. Tuy nhiên, TQ lại thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật trong việc thực thi UNCLOS.
Theo đó, TQ luôn mập mờ và vô lý khi áp dụng cái gọi là “quyền lịch sử” với vùng biển rộng trên 90% Biển Đông (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Họ dùng các lực lượng “bán quân sự” hay dân quân biển được vũ trang để thực thi chiến lược “vùng xám”, tức dùng vũ lực để đe dọa ngư dân, hoạt động dầu khí… của các nước xung quanh.
Vụ Philippines kiện TQ đã kết thúc khi Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS tuyên bố các yêu sách của TQ là vô lý thì Bắc Kinh ngang nhiên tấn công lại hội đồng Tòa Trọng tài, đồng thời gọi bản án năm 2016 là “tờ giấy lộn, không có giá trị”. Cùng với nhiều sự kiện liên quan đến việc giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế khác về tranh chấp chủ quyền, kinh tế – thương mại… có thể thấy TQ cố ý bóp méo sự thật bằng cách giải thích pháp lý theo hướng chỉ có lợi cho mình.
Trung Quốc đang phải trả giá
Như vậy, tính phi nghĩa của TQ đã kéo dài từ sự kiện năm 1979 đến nay, nhất là qua các sự kiện ở Biển Đông. Họ có phải trả giá cho những hành vi phi pháp của mình?
+ Đúng là luật pháp quốc tế dù quy định rất chặt chẽ và những sai phạm của TQ là rất rõ nhưng luật quốc tế vẫn chưa có lực lượng chế tài các hành vi ấy. Tuy nhiên, TQ vẫn phải trả giá. Nhất là hình ảnh, uy tín của TQ bị suy giảm.
Đã có nhiều quốc gia phản ứng chống lại TQ. Gần nhất, Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó cho thấy ý định của Washington trong việc huy động sức mạnh tập thể, buộc TQ phải theo trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Không chỉ Mỹ mà Úc, Anh – Pháp – Mỹ… tương lai còn nhiều quốc gia nữa sẽ quay lưng với TQ.
TQ muốn trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới thì không chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế, ngoại giao mà còn phải thuyết phục được “trái tim”, tình cảm, sự ủng hộ của dư luận, cộng đồng các nước. Cho đến nay, vì hành xử phi nghĩa nên TQ chưa làm được điều này, trái lại ngày càng bị xa lánh.
Xin cám ơn ông.
Luật pháp vẫn là điểm yếu của Trung QuốcMặc dù TQ có sức mạnh nhưng họ không phải hoàn toàn không lo sợ luật pháp quốc tế. Với vụ kiện của Philippines, chúng ta có thể thấy dù TQ tuyên bố mạnh miệng “đó là tờ giấy lộn”, không tham gia vụ kiện nhưng Bắc Kinh đã phải rất vất vả để giải quyết, tốn nhiều công sức, nguồn lực để tuyên truyền. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Biển Đông, phải hiểu được điểm yếu và điểm mạnh của luật pháp quốc tế. Một mặt tự trang bị sức mạnh quốc phòng để bảo vệ đất nước, một mặt cần nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, tập hợp cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng trước hành vi sai trái của TQ. Nếu các quốc gia trên thế giới cùng đồng lòng lên tiếng, chắc chắn TQ sẽ phải dè chừng. Tuy nhiên, hiện tại sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế còn mờ nhạt nên chưa đủ để TQ thấy cần phải dừng bước trước những hành động sai trái của mình. ThS HOÀNG VIỆT
|
Phóng viên chiến trường hồi ức quân dân biên giới anh dũng chống quân Trung Quốc ngày 17-2-1979
Được phân công tăng cường cho biên giới phía Bắc, sáng 16-2-1979 tôi mua vé máy bay đi Cao Bằng (lúc đó có đường bay Hà Nội – Cao Bằng), người bán vé cho biết không bán vé khứ hồi. Tôi nghĩ thế là chiến tranh sắp xảy đến rồi.
1. Máy bay vừa hạ cánh, tôi vội vàng về ngay nhà giao tế của tỉnh, định nghỉ lại ở đây sáng mai xuống biên giới. Rất may chiều hôm đó có xe về huyện Hòa An. Tôi theo xe về thị trấn Nước Hai và nghỉ qua đêm tại nhà khách của huyện ủy.
Sáng hôm sau, 17-2, tôi nghe đâu đó có tiếng đại bác nổ rền vang và khoảng 8-9 giờ, từng đoàn xe tăng Trung Quốc từ Thông Nông nối đuôi nhau vừa chạy vừa nã pháo loạn xạ và tràn qua thị trấn Nước Hai.
Chúng vừa đến bản Sẩy, xã Bế Triều (huyện Hòa An) liền bị các chiến sĩ đại đội 10 (tiểu đoàn 9, Trung đoàn 81, Sư đoàn 346) giáng cho đòn chí mạng, bắt sống và tiêu diệt gọn 12 chiếc. Mặc cho lửa đạn nổ liên hồi, rất may tôi đã kịp ghi được sự kiện nóng bỏng xảy ra ngay ngày hôm ấy.
Buổi chiều tôi được tin tại thị xã Cao Bằng, xe tăng Trung Quốc từ Đông Khê theo đường số 4 vừa tiến đến đồi Pháo Đài (trung tâm thị xã Cao Bằng) đã bị bộ đội địa phương bắn chặn, một số chạy lên đồi Nà Toòng vẫn bị B40, B41 của bộ đội ta bắn cháy.
2. Sau khi chụp ảnh xong, tôi vào ngay Sở chỉ huy tiền phương của thiếu tướng Đàm Quang Trung, tư lệnh Quân khu I và đồng chí Dương Tường, bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Tối hôm đó, tôi theo một toán dân quân du kích, băng rừng lội suối suốt đêm, đến rạng sáng 18-2 mới ra được quốc lộ 3 gần cầu Tài Hồ Sìn.
Tại đây tôi thấy ở mé đường một chị phụ nữ nằm sõng soài, bất tỉnh, máu me loang lổ đầy người, ngồi cạnh là một bé gái khoảng 2-3 tuổi gầy guộc đang mếu máo.
Tôi chưa kịp chụp ảnh thì bỗng có một chiếc xe quân sự trườn tới. Nhanh như chớp, một nữ chiến sĩ lưng đeo balô, súng AK khoác vai nhảy xuống ôm chầm lấy bé. Sẵn máy trong tay, tôi thu ngay hình ảnh rất thương tâm ấy vào ống kính. Cùng lúc tiếng súng nổ rền vang khắp nơi cùng tiếng đại bác gầm rú lẫn trong tiếng kêu thất thanh, hoảng hốt của con trẻ và phụ nữ.
Mọi người chạy tán loạn. Tôi men theo đường số 3, khi còn cách thị xã Cao Bằng 3km, tại một khúc quanh, tôi ghi được hình ảnh một đơn vị bộ đội đang hành quân cấp tốc chi viện cho chiến trường biên giới.
Theo chỉ dẫn của các đồng chí Bộ chỉ huy tiền phương, tôi luồn rừng về tới đội du kích xã Hoàng Tung đang đánh trả địch quyết liệt và chụp ảnh một tổ phục kích của bộ đội địa phương thị trấn Nước Hai.
Tạm biệt Hòa An, tôi đến tác nghiệp tại trận địa dân quân xã Trưng Trắc dưới chân đèo Mã Phục. Từ trên đèo tôi nhìn thấy ở một “cua tay áo” có một tổ 3 chiến sĩ đang ém mình chờ quân giặc đến. Trên đường xuống xã Đình Phong, tôi ghi được tiểu đội Hoàng Văn Khoáy, bộ đội Trùng Khánh đang phục kích đánh địch từ Bản Dốc kéo lên.
3. Rời Trùng Khánh, tôi quay về Tà Lùng (huyện Quảng Hòa) đến với các chiến sĩ Trung đoàn 567 đang tiêu diệt địch ở đèo Khau Chỉa cách Tà Lùng khoảng 12km và rất hiểm trở – một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Từ Quảng Hòa, tôi lần mò về với Trung đoàn 677, Sư đoàn 346 (mà tôi đã chụp ảnh trận đánh của họ tiêu diệt và bắt sống xe tăng địch ở bản Sẩy sáng 17-2) đang chiến đấu với bọn xâm lược Trung Quốc ở bình độ 700, trên đồi Quyết Tử và ở cao điểm 800, Trà Lĩnh.
Qua Trà Lĩnh, tôi vượt đèo Mã Quỷnh đến với bộ đội chủ lực huyện Thông Nông đang chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Rời Thông Nông, tôi nhanh chóng đến với tiểu đoàn 6, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 đang nhả đạn vào đội hình địch tháo chạy về bên kia biên giới ở Sóc Giang (Hà Quảng, Cao Bằng).
Với trách nhiệm phóng viên chiến trường, tôi không chỉ ghi lại tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân biên giới mà còn ghi được những chiến công của họ: tiêu diệt và bắt sống hàng chục xe tăng giặc, bắn hạ và bắt sống nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí và đạn dược.
Đặc biệt, tôi không quên ghi lại tội ác giết người vô tội, đốt phá nhà cửa, giết hại trâu bò, san bằng phố phường, phá nát đình chùa, cầu cống, nhà máy thủy điện… của giặc.
42 năm trôi qua, những chiến địa khốc liệt ấy đã hồi sinh, phát triển đầy sức sống. Và những tấm ảnh vệ quốc ngày nào sẽ mãi nhắc tinh thần hùng anh, kiên cường của dân tộc Việt.
Pháp Luật TP.HCM, Tuổi Trẻ