Số đỏ – Tác giả: Vũ Trọng Phụng

0
2261

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20Kế tiếp

Chương 14

-Quảng Cáo-

ÔI, NHÂN TÌNH THẾ THÁI

NGƯỜI BẠN GÁI TRUNG THÀNH CHẾT,

QUAN ÐỐC XUÂN NỔI GIẬN

 

Tại hiệu may Âu Hoá cũng như tại nhà cụ cố Hồng, người ta bàn ra tán vào rất nhiều về việc ông Xuân Tóc Ðỏ của chúng ta… ngẫu nhiên đã có hai phái tán thành và phản đối rất rõ rệt. Phái phản đối gồm có cậu Tú Tân, bà vợ ông phán mọc sừng, do ông Typn làm lãnh tụ. Phái tán thành có ông phán mọc sừng, cô Tuyết, bà vợ ông Típ Phờ Nờ, mấy cô khâu và gần tất cả mấy bác thợ may. Như vậy, chẳng cần phải nói, ai cũng biết Xuân Tóc Ðỏ được đại đa số. Còn về phần cụ Hồng, cụ bà, cặp vợ chồng Văn Minh, thì ở vào trường hợp có thể chê trách được là không có một thái độ rõ rệt. Những người ấy có thể xem mạnh bên nào thì ngã về bên ấy, thế thôi. Ở vào một tình thế chưa phân hắc bạch, rõ ràng, thì những người ấy phân vân là phải.

Phái phản đối có ông mỹ thuật Typn đứng đầu đã xoa tay sung sướng cho việc Xuân về ở hẳn nhà bà Phó Ðoan, như vậy thì tiệm may Âu Hoá tránh được cái nạn có một người nhơ bẩn. Nhưng phái tán thành thì lại rất tiếc việc xẩy ra ấy coi như vậy sẽ thiệt hại cho thương mại, sẽ ế hàng.

Và không hiểu vì lẽ gì, cái tin cô Tuyết sắp lấy Xuân cứ truyền từ mồm người nọ đến mồm người kia…

Chẳng biết cụ Hồng có theo cái lối cổ điển của Chính phủ là phao việc ra để dò dư luận của công chúng trước khi quyết định một việc gì hay là không, nhưng kể về muốn biết dư luận thì đã thất bại, vì dư luận xôn xao lắm, có khi lại trái ngược nhau nữa. Người chệ Xuân hạ lưu, người lại ca tụng Xuân dòng dõi bình dân. Vì lẽ bình dân với hạ lưu cũng khó phân biệt, vì hai cái ấy rất giống nhau, nên phái này bảo phái kia nhầm lẫn và trái lại…

Người chê Xuân vô học, người lại quả quyết rằng về học thức của Xuân thì mấy ai đã bằng! Người muốn phá cuộc nhân duyên ấy nói:

– Chính tôi đã được lão Vitor Ban mách ràng xưa kia, Xuân Tóc Ðỏ chỉ là một thằng ma cà bông.

Nhưng người muốn tán thành cho cuộc ấy đã đáp:

– Ông có biết rằng ngay bác sĩ Trực Ngôn cũng kính trọng ông Xuân lắm, vẫn coi ông Xuân như bạn thân hay không?

Trước những dư luận như thế, cụ Hồng mặc dầu chưa biết xử trí như sau, chỉ việc gắt: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi?…”

Trước những dư luận như thế, cụ bà chỉ đành ngán ngẩm thở dài mà rằng:

– Ðể dò xem con bé đã hư hỏng chưa rồi sẽ định liệu.

Và, trước những lời căn vặn của bố mẹ, cô Tuyết nhất quyết giữ thái độ của một thiếu nữ đã giải phóng bằng cách chỉ điềm nhiên trả lời: “Ông Xuân, đối với tôi, chỉ là một người bạn giai mà thôi”.

Sau cùng thì, trước lời khai của cô em, ông Văn Minh cũng không thể kết luận thế nào cho được. Giai gái tự do giao thiệp với nhau, như thế là một dấu hiệu của tiến bộ, của Âu hoá. Nếu ông nghi ngờ thì sẽ có hại cho danh dự của ông, một người chủ trương Âu hoá. Cho nên dẫu không bênh em ra mặt, ông cũng không dám kết tội em ông đã hỏng rồi! Ông thường than thầm một cách rất chính đáng rằng: “Ôi, giữ cái trách nhiệm rắc hạt giống văn minh cũng khó khăn nặng nhọc lắm thay!”

Trong khi ấy Xuân cứ điềm nhiên giữ luôn mấy chức giáo sư quần vợt, giáo dục một cậu con cầu tự cho khỏi hoàn cảnh xấu, cố vấn của sư cụ Tăng Phú trong việc chấn hưng Đạo Phật. Chỉ thỉnh thoảng có thời giờ nhàn rỗi nó mới tạt qua lại hiệu may Âu Hoá độ mười phút. Những khi ấy, trước mặt một số đông người, nó đã khôn khéo công kích và chỉ bảo cho bà chủ cũ một vài lối lốp, si mát, đờ ray, để lấy oai chơi. Hoặc nó sửa chữa một kiểu áo, bắt bẻ một người thợ, tán tỉnh một vài cô khách tân thời, trước đôi mắt đỏ ngầu những căm hờn của nhà mỹ thuật Typn. Hay là bất thần nó hỏi một câu đại khái “Anh đốc Trực Ngôn có lại đây không? – Anh Joseph Thiết muốn hỏi tôi một việc gì, bảo tôi đến đây kia mà!” Hễ gặp Tuyết thì nó giữ một thái độ lạnh lùng, nghiêm trang làm cho Tuyết phải tủi thân, và làm cho kẻ khác phải tin hai bên có tình với nhau vân vân… Trò đời cái gì bàn lắm là nát, tranh luận lắm lại càng xa chân lý. Sau cùng thì không còn một ai biết rõ cái giá trị của Xuân là đáng khinh trọng thế nào nữa. Người ta cãi nhau lắm, đâm ra thâm thù với nhau, thế thôi. Trong phái bênh vực Xuân, tựu trung vẫn có người vì nhớ cái ơn được che chở, chỉ muốn có một cử chỉ gì đền lại Xuân. Ấy là bà Típ Phờ Nờ vậy.

Buổi chiều hôm ấy, vừa ở nhà báo Gõ Mõ ra, sau khi đã chén một bữa chó hầm rựa mận như một thượng khách của những vị sư chân tu khác, mồm còn sặc những hơi men, mặt đỏ gay đỏ gắt, chân nọ đá chân kia. Xuân Tóc Ðỏ đương đi về, tình cờ gặp bà vợ ông Typn cũng đương đi một mình với bộ y phục cổ lỗ, với mặt khổ sở của một thiếu nữ xấu số lấy phải một ông hăng hái cải cách xã hội và bảo thủ nghiệt ngã gia đình.

Bị ma men ám ảnh, Xuân Tóc Ðỏ liền chớt nhả mà rằng:

– Ô kìa! Ami ơi! Ði đâu một mình vậy, bạn ơi!

Nhưng bà Typn thì rất hài lòng về thái độ bình dân và mới mẻ chưa thấy ai dám có như thế! Bà trông trước nhìn sau, thấy rõ ràng là phố vắng người rồi, mới dám bạo dạn đưa tay như một tân nữ lưu tập sự mà bắt tay Xuân Tóc Ðỏ. Bà nhanh nhẩu nói:

– May quá, đương muốn tìm ông thì lại gặp ông ngay ở đây. Sao đã lâu nay ít khi thấy mặt ông ở tiệm may Âu Hoá thế.

Vẫn một giọng khuếch khoác không đứng đắn như của một tân nhân vật thật sự, Xuân ề à kể lể:

– Bạn không biết rằng tôi độ này nhiều công kia việc nọ lắm hay sao? Nào là dạy họ đánh quần, nào là công việc thể thao, lại thêm cái anh Trực Ngôn chẳng ra gì ấy nhờ mình săn sóc đến cái giáo dục cho cậu con bà Phó, lại thêm lão sư cụ chùa Bà Banh cứ khẩn khoản nhờ mình giúp toà soạn tờ báo Gõ mõ, vậy thì bạn bảo từ chối sao được? Xưa nay ai cũng cho tôi là khinh người rồi! Cho nên thôi thì công việc cải cách xã hội bằng y phục để cho anh Típ Phờ Nờ chịu khó gánh vác lấy một mình cũng xong. Bạn ơi, có hiểu cho tôi chăng, hở ami?

Nghe nói đến đó, bà Typn cũng bạo dạn dùng đến lối xưng hô thân mật:

– Tôi vẫn hiểu rõ bụng dạ bạn lắm.

Hai người bắt đầu lững thửng đi như một ngưòi bạn gái với một bạn giai hẳn hoi. Rồi bà Typn nói tiếp:

– Nhưng mà hình như không phải vì mấy lẽ ấy mà bạn không năng đến hiệu Âu Hoá, có phải thế không. Với ai kìa chứ với tôi, bạn rất nên nói thật. Tôi hỏi thế này khi không phải nhé? Có phải vì cô Tuyết không?

Xuân Tóc Ðỏ liền chối cãi một cách ngu dại để thú nhận một cách gián tiếp:

– Sao thiên hạ cứ hay nói nhảm thế? Tôi với Tuyết cũng chỉ giao thiệp cao thượng như tôi với bạn đây thôi chứ nào có tình ý gì!

– Ấy thế mà ai cũng bảo kia chứ?

– Sao nữa?

– Người ta lại đồn rằng cụ Hồng muốn gả Tuyết cho bạn nữa!

Xuân Tóc Ðỏ sung sướng hết sức. Ðó là lần đầu nó được báo tin như thế. Tuy nhiên nó cũng vờ thở dài mà rằng:

– Cái ấy mà thật thì chí nguy! Không biết từ chối thế nào cho được lịch sự đấy!

Bà Typn sửng sốt mà rằng:

– Ồ! Thế ra bạn chưa ưng kia à? Tôi tưởng một người như Tuyết, đẹp, con nhà giầu lại tân thời, như vậy, mà bạn lấy được thì tưởng thanh niên trí thức nước Nam ai cũng ca tụng bạn về cái tài đào mỏ! Mà bạn lấy Tuyết thì còn cặp uyên ương nào xứng đôi hơn nữa!

Nghe nói, Xuân cũng thấy vui tai lắm. Nhưng nó chợt nghĩ đến những cử chỉ bán sử nữ mà Tuyết đã giảng rõ ở khác sạn Bồng Lai thì nó bỗng buồn rầu lắm. Nó không thích một nửa chữ trinh, mặc dầu người ấy khôn ngoan đến bực không đời nào nhẹ dạ đánh mất cả chữ trinh.

Nghĩ thế, Xuân bèn thở dài:

– Rõ thật đa nhân duyên, nhiều phiền, lắm não!

Bà Typn lại nói:

– Gớm, bạn kỹ tính thật! Kén vợ đến thế thì…

Xuân lại làm luôn một câu:

– Nhưng mà tôi sợ nhất cái mọc sừng. Lấy Tuyết thì còn có phen người ta có thể đem tôi ra nấu thành cao ban long.

Bà Typn cười về câu mai mỉa cay chua ấy. Bà cho thế là cái ghen bóng gió thường tình của tất cả đàn ông mà thôi, nên lại nói một cách rất sốt sắng để tỏ dạ nhớ ơn, cái ơn được che chở lúc muốn ăn vận tân thời:

– Nếu vậy thì ra bạn cũng chẳng màng gì đến cuộc trăm năm ấy nhỉ? Vậy mà đã bao nhiêu người gièm pha bạn, vu oan bạn, nói xấu bạn…

– Ai thế? Những ai?

– Tôi chả nói, thêm thù thêm oán, mang tiếng đôi co mách lẻo. Bạn chỉ cần biết có thế.

Xuân Tóc Ðỏ hỏi gặng đến mười bận nữa, cũng chỉ được trả lời có thế, và bà Typn là một người rất đứng đắn, một người thuộc hạng không chịu nhận mình là đôi co mách lẻo. Bà lại tiếp:

– Bổn phận tôi phải báo bạn biết là bạn bị gièm pha, nói xấu thì bạn cứ nên biết thế thôi. Họ kêu bạn những là con nhà họ hạ lưu, vô học thức, làm nghề nhặt quần, ngày xưa đã thổi loa quảng cáo thuốc lậu, và còn nhiều điều xấu lắm nữa, ê trệ lắm nữa.

Ngẫm nghĩ một lát, Xuân Tóc Ðỏ cười nhạt mà rằng:

– Ghê nhỉ! Ấy là tôi mà họ dám nói thế, còn những kẻ khác thì không biết bị đến thế nào nữa? Tôi là ai, đã có anh Văn Minh, bà Phó Ðoan, ông phán dây thép, anh đốc tờ Trực Ngôn, và bạn nữa, hiểu rõ cái học thức của tôi. Mà những nhời nói xấu vu oan ấy chả của thằng Victor Ban ấy thì còn của ai nữa! Nhưng mà Tuyết đã rõ tôi là hạng người nào rồi.

Bà Typn hỏi ngay:

– Ô! Sao biết thế? Hình như Ban thì đúng đấy! Mà Victor Ban đã bảo cho vị hôn phu của Tuyết biết, rồi người ấy lại viết chuyện ấy vào thư để sỉ nhục cụ Hồng!

– Có biết sao Victor Ban thù tôi không? Xưa kia, khi còn học trường thuốc, tôi có giúp nó mọi cách để mở hiệu thuốc. Sau biết rõ nó làm thuốc lậu bằng đất thó thì tôi thôi, rồi do thế nó thù tôi. Nhưng mà thù thế là ngu dại, tôi chả sợ…

Sau khi yên trí ở địa vị và học thức của Xuân rồi, bà Typn đã đến lúc thấy cần nói một điều hệ trọng đến danh dự to tát của Xuân:

– Này bạn ạ, tôi xin mách điều này thì bạn giữ kín nhé? Cụ Hồng bà kêu rằng nếu gặp mặt bạn bất cứ ở đâu thì cũng phải nhổ vào mặt bạn, tát vào mặt bạn đấy.

Xuân đứng dừng lại, kinh ngạc hỏi dồn:

– Tôi? Phỉ nhổ vào mặt tôi? Tát tôi? Tôi là một người đã cứu sống lão già to nhất nhà ấy, đã làm cho hiệu Âu Hoá thịnh vượng như thế? Người ta đền ơn tôi như thế? Sự đời thế thì… nói bạn bỏ lỗi, chứ… mẹ kiếp thật!

Bà Typn cuống quýt:

– Ấy chết! Xin bạn đừng nóng nảy thế!

– Thế thì tôi phải lại ngay nhà bà ấy để bà ấy nhổ vào mặt tôi mới được!

Bà Typn lại càng sợ hãi đến hoá điên, hoá dại, cứ giẫy nẩy lên:

– Chết! Tôi lạy ông! Ông đừng bảo tôi nói.

Lúc ấy Xuân quên hẳn mình. Nó đã bất tự trị. Nó chỉ còn thấy lòng tự ái của kẻ vô học liều lĩnh… Vào những lúc liều lĩnh như lúc ấy, người ta có thể đùa giả mà đánh nhau đến chết người thật, vì bà Typn càng sợ hãi thì Xuân lại càng làm già. Nó gọi luôn hai cái xe:

– Cao su! Cao su! Mau lên hai cái!

Bà Typn càng lạy van, nó càng thản nhiên. Nhưng xe đến rồi thì làm thế nào?

Nó dỗ bà Typn:

– Bà cứ đến vớit ôi xem sao. Tôi không nói là bạn bảo thế đâu. Vả lại chưa chắc bà ấy đã dám nhổ vào mặt tôi mà bạn sợ lôi thôi mọi chuyện.

Bà Typn đành lên xe với tất cả mọi sự lo ngại trên đời. Nửa giờ sau, hai xe cùng đỗ. Hai người vào nhà.

Lúc ấy tình cờ nhà Cụ Hồng lại có đủ mặt cụ tổ ngồi trong mâm ăn một bát cháo yến. Cụ Hồng đương nằm hút thuốc phiện trước mặt thằng bồi tiêm. Cụ bà, vợ chồng Văn Minh, cô Tuyết, cậu Tú Tân, thì được ngồi ở phòng khác, Xuân chào một lượt mặt lầm lầm. Nó đến bên giường cụ tổ hỏi to:

– Bẩm cụ vẫn mạnh khoẻ? Bẩm sau khi tôi chữa cho cụ thì cụ không đau yếu gì nữa, không phải mời thầy thuốc gì nữa đâý chứ?

Cụ già ngừng thìa, trọ trẹ đáp:

– Cám ơn quan đốc lắm. Từ độ quan đốc chữa cho thì già vẫn khoẻ mạnh, mà chưa biết lấy gì tạ ơn quan đốc đấy!

– Ðược ạ, có gì mà phải nhớ ơn!

Xuân vênh váo ra ngoài, hất hàm hỏi Văn Minh:

– Từ độ tôi không lại giúp được thì cửa hàng vẫn đông khách chứ?

Bà vợ Văn Minh đỡ lời:

– Vâng, ấy có nhiều bà, nhiều cô hỏi thăm quan anh luôn.

Vẫn vênh váo, Xuân đút tay vào túi quần, nói dỗi:

– Hỏi thăm làm gì? Tôi thì danh giá quái gì! Hạ lưu! Ma cà bông! Nhặt banh quần, không đứng đắn, chỉ đáng nhổ vào mặt!

Cụ bà lấm lét nhìn Xuân một cách rất sợ hãi, rồi đỡ đòn:

– Ấy chết! Ai lại dám nói thế! Sao quan đốc lại nói thế? Có điều gì mà quan đốc có vẻ không vui thế? Hay nhà này có ai sơ suất điều gì?

Thấy mẹ đấu dịu, Tuyết sung sướng, yên chí rằng người sêu tết cô đã nói nhảm. Victor Ban đã vu oan. Cô thì thào với Typn về chuyện ấy.

Xuân vẫn đi đi lại lại, hậm hực nói:

– Tôi chỉ muốn được có người nhổ vào mặt, tát vào mặt!

Lúc ấy hai vợ chồng Văn Minh đã lộn ruột lắm, đã muốn lột mặt nạ của Xuân lắm. Nhưng có vợ ông Typn đấy, thằng bồi tiêm đấy, làm tan hoang thì hại danh dự cho đời cô em. Hai người nhìn nhau, khó chịu. Còn về phần cụ bà thì, thấy con dâu như thế, cụ cũng đâm hoảng. Cái giận dữ cứng cỏi của Xuân, cái ơn ta cứu khỏi cụ tổ, việc Tuyết, con gái mình phải lòng người ta, cái thư của người vị hôn phu, ngần ấy khiến cụ luống cuống không còn phân biệt được hay dở phải trái. Không biết ra làm sao, cụ đành dịu giọng:

– Mời quan đốc ngồi chơi. Nào nhà này có ai sơ suất lỡ lời gì đâu?

Xuân vẫn đi đi lại lại, giận dữ nói:

– Tôi mà đã nổi giận thì có người chết! Tôi xấu thì cũng chả ai đẹp!

Mọi người đều im lặng. Ai cũng sợ hãi không dám nói gì cả. Xuân cứ lầm lầm cái mặt, đi đi lại lại độ 10 phút nữa; chỉ có tiếng gót giầy của nó là phá tan cái không khí im lặng của gian phòng. Nó sắp nguôi giận, đắc chí thì vợ chồng ông phán mọc sừng dắt nhau vào làm cho nó chợt nghĩ đến số tiền năm đồng mà nó có thể dùng để trả nợ sư ông tăng Phú một chầu chay… nay mai… Nó bèn ưỡn ngực nói:

– Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng!

Tất cả mọi người đều như là điện giật. Ông phán giây thép ôm lấy ngực ngã khuỵu xuống đất, khặc khừ kể lể:

– Cha mẹ ôi. Ðã đẹp mặt tôi chưa? Vợ tôi ngủ với giai mà đến ai cũng biết cả, cả bàn dân thiên hạ đều rõ! Rõ đau đớn khổ nhục!

Xuân Tóc Ðỏ chưa kịp hoảng hốt về cái trò đùa ấy mà lại xoay ra bi kịch như thế, thì trong màn, ông cụ già cũng nấc một cái to, ngã xuống giường.

Cả nhà nhao lên, chia làm hai tốp, một thì đỡ cụ tổ, một thì đỡ ông phán đứng dậy. Cụ bà cuống cuồng kêu van với Xuân:

– Xin quan lớn rủ lòng thương chạy chữa ngay cho cụ tôi.

Cụ tổ rên rỉ nói như sắp tắt nghỉ:

– Không cần! Ðể ta chết! Sống cũng nhục! Có chạy chữa thì chạy chữa cho cái thanh danh nhà tao, mà bọn chúng mày đã trót bôi nhọ! Thế?

Rồi cụ nấc nấc. Rồi cụ bà ứa nước mắt van lạy Xuân… Nhiều người nói giúp cụ bà nữa, Xuân Tóc Ðỏ thấy những bi kịch như thế, liền thú tội, nói một cách thành thực rất nên tin.

– Thưa cụ, quả con vô học, xưa nay nhặt banh quần, hạ lưu, không biết thuốc ạ!

Rồi nó ra cửa, chạy thẳng một mạch như thằng ăn cắp.

Cụ bà rất hối hận. Những người khác chê Xuân vì thù riêng mà quên mất lương tâm nhà nghề, thế là một ông đốc tờ không xứng đáng, vân vân…

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20Kế tiếp