Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp
CHƯƠNG 10 – BIẾN CỐ PHI THƯỜNG TẠI CĂN HỘ SỐ 37
Bà Natalia Cudiminhitrơna (người ta thường gọi mẹ Gôga như thế) không hề mua tặng Gôga một con chó nào cả. Bà chưa kịp làm việc đó. Còn về sau, bà lại càng không mua tặng: sau những biến cố không thể tưởng tượng được trong cái buổi tối hãi hùng ấy, cả Gôga lẫn bà Natalia trong một thời gian dài đã mất hẳn sự ham thích đối với những người bạn lâu đời nhất và trung thành nhất của con người.
Nhưng chính Vônca đã nghe hết sức rõ tiếng chó sủa vọng ra từ căn hộ số 37 kia mà! Chẳng lẽ nó lại nghe nhầm?
Không, Vônca không hề nghe nhầm.
Tuy nhiên, tối hôm đó cũng như nhiều tháng sau, trong căn hộ số 37 vẫn không hề có một con chó nào cả. Nếu các bạn muốn biết thì xin nói rằng từ đó đến nay, ngay cả một cái chân chó cũng không đến đấy. Nói tóm lại, Vônca đã ghen tị với Gôga một cách uổng công. Ghen tị mà làm gì kia chứ: chính Gôga đã sủa đấy!
Việc đó bắt đầu vào đúng lúc Gôga rửa ráy mặt mũi trước khi ăn bữa tối. Nó nóng lòng kể cho mẹ nghe (và tìm mọi cách thêm mắm thêm muối) chuyện hôm nay, tại cuộc thi, thằng Vônca Côxtưncốp học cùng lớp và ở ngay gần nhà đã bị ê mặt như thế nào. Lúc ấy, gần như ngay lập tức, Gôga đã bắt đầu sủa. Nói đúng hơn là nó không chỉ hoàn toàn sủa ngay thôi đâu. Một vài tiếng nào đó nó vẫn nói như người, nhưng nhiều, rất nhiều tiếng khác thì nó không thể nào nói được, mà từ mồm nó lại phát ra tiếng sủa hệt như một con chó vậy. Gôga hết sức sửng sốt và khiếp đảm.
Gôga muốn kể lại với những chi tiết bịa đặt rằng tại cuộc thi, Vônca đã nói nhăng nói cuội, làm cho cô Vácvara phải đập bàn và gào lên: “Mày nói nhảm nhí gì thế, cái thằng ngốc kia?! Tao sẽ cho mày, một thằng càn quấy, ở lại lớp!”. Nhưng thay vào đó, Gôga lại nói như sau:
– Vônca bỗng nhiên bắt đầu nói.. gâu gâu gâu.. Còn cô Vácvara thì đập… gâu gâu gâu…
Gôga ngớ người ra vì bất ngờ. Nó ngừng nói, nghỉ một chút, rồi cố nhắc lại câu nói vừa rồi. Nhưng cả lần này nữa, từ mồm nó lại vọt ra tiếng chó sủa thay cho những lời lẽ thô lỗ mà thằng nói dối và hớt lẻo Gôga “Thuốc viên” muốn gán cho cô Vácvara.
– Ối mẹ ơi! – Gôga hốt hoảng – Mẹ ơi!
– Sao thế con, Gôguxca (1)? – Bà Natalia hoảng sợ – Sao mặt con tái xanh tái mét thế kia?
– Mẹ hiểu không, con muốn nói rằng… gâu gâu gâu…. Ối mẹ ơi, thế là thế nào?
Hoảng quá, mặt Gôga quả là biến sắc ghê gớm.
– Đừng sủa nữa, Gôguxca, mặt trời bé nhỏ của mẹ, niềm sung sướng của mẹ!
– Con nào có cố ý sủa như thế! – Gôga mếu máo. – Con chỉ muốn nói…
Và thay cho tiếng nói rành rọt, nó lại chỉ có thể phát ra tiếng chó sủa cáu kỉnh.
– Con trai bé bỏng đáng yêu của mẹ, con đừng làm cho mẹ sợ nữa! – Bà Natalia tội nghiệp van vỉ, và những giọt nước mắt từ từ lăn trên khuôn mặt đôn hậu của bà. – Đừng sủa nữa! Mẹ van con, đừng sủa nữa!…
Nhưng lúc ấy Gôga chẳng tìm được một cách gì khôn hơn, mà lại đâm cáu với mẹ mình. Và bởi vì trong những trường hợp như vậy nó thường giở giọng hỗn láo với mẹ nó nên lần này nó liền sủa gâu gâu dữ dội đến chối tai, khiến cho những người ở căn hộ bên cạnh phải chạy ra ban công mà la lên:
– Bà Natalia! Bà hãy bảo thằng Gôga nhà bà đừng hành hạ con chó nữa! Bậy quá chừng!… Nuông chiều thằng bé đến mức hoàn toàn chẳng biết xấu hổ là gì nữa!
Nước mắt đầm đìa, bà Natalia lao đi đóng chặt tất cả các cửa sổ lại. Sau đó, bà toan sờ trán Gôga, làm nó lại tuôn thêm một đợt sủa dữ tợn.
Bấy giờ, bà Natalia bèn bắt cu cậu Gôga đã hoàn toàn khiếp vía vào giường nằm, trùm cái chăn bông lên người nó mà chẳng hiểu để làm gì, mặc dù đang là một buổi tối mùa hè nóng nực. Sau đó, bà chạy xuống dưới nhà, đến bên máy điện thoại tự động để gọi bác sĩ ở Trạm Cấp cứu.
Việc này hoàn toàn không đơn giản. Muốn gọi bác sĩ ở Trạm Cấp cứu đến, người nhà phải mắc một bệnh gì đó rất nguy hiểm và ít ra nhiệt độ của người ấy phải đột ngột vọt lên rất cao.
Bà Natalia phải nói dối rằng nhiệt độ của Gôga đã lên đến 39 độ 8 và dường như đang mê sảng.
Chẳng mấy chốc bác sĩ đã đến. Đó là một bác sĩ đứng tuổi, to béo, râu bạc, có kinh nghiệm.
Dĩ nhiên, trước hết ông bác sĩ sờ trán Gôga và thấy rõ ràng nhiệt độ của nó hoàn toàn không tăng một chút nào. Dĩ nhiên là ông bực mình, nhưng không để lộ ra ngòai. Bà Natalia có vẻ hết sức bối rối.
Ông bác sĩ thở dài và ngồi xuống chiếc ghế để cạnh giường Gôga đang nằm rồi yêu cầu bà Natalia giải thích vì sao bà lại phải gọi bác sĩ cấp cứu đến.
Bà Natalia thành thật kể hết mọi chuyện.
Bác sĩ nhún vai, hỏi lại bà, rồi lại nhún vai và nghĩ rằng nếu sự việc xảy ra đúng như vậy thì phải gọi bác sĩ khoa tâm thần chứ không phải gọi bác sĩ nội khoa.
– Có lẽ cậu quả quyết rằng cậu là một con chó? – Bác sĩ hỏi Gôga như không chủ tâm.
Gôga lắc đầu.
“Thế thì tốt!”, bác sĩ nghĩ thầm, “Nếu người bệnh bỗng nhiên quả quyết mình là một con chó thì có thể đoán rằng người đó có nhiều biểu hiện của chứng điên.”
Dĩ nhiên ông không nói suy nghĩ đó thành lời để khỏi làm cho mẹ con người bệnh hoảng sợ vô ích.
– Cậu thè lưỡi ra! – Ông nói với Gôga.
Gôga thè lưỡi.
– Lưỡi hoàn toàn bình thường. Này cậu, bây giờ tôi sẽ khám cậu nhé… Thế… Thế… Thế… Tim rất tốt. Phổi không hề có tiếng ran. Dạ dày thế nào?
– Dạ dày cháu bình thường. – Bà Natalia nói.
– Cậu nhà ta… e hèm… sủa gâu gâu đã lâu chưa?
– Đã 3 tiếng đồng hồ nay rồi. Thật là tôi chẳng còn biết làm gì bây giờ…
– Trước hết phải bình tĩnh. Lúc này tôi chưa thấy một điều gì đang ngại cả. Này cậu, cậu hãy kể cho tôi nghe vì lẽ gì lại có chuyện như thế?
– Bình thường thôi, chẳng vì lẽ gì cả! – Gôga nói với giọng ai oán – Cháu đang tính kể cho mẹ cháu chuyện Vônca… gâu gâu gâu…
– Ông thấy đấy, thưa bác sĩ, – Bà Natalia trào nước mắt – Thật là kinh khủng!… Có lẽ nên cho cháu uống một thứ thuốc gì đó chăng? Rửa dạ dày cho cháu có sao không ạ?
Bác sĩ chau mày:
– Bà Natalia, xin bà hãy cho tôi một thời gian để tôi suy nghĩ, xem qua sách báo nào đó… Đây là một trường hợp hiếm có, rất hiếm có. Bây giờ nên thế này: yên tĩnh hoàn toàn, chế độ nằm nghỉ trên giường là dĩ nhiên rồi, thức ăn nhẹ nhất, tốt hơn hết là thức ăn bằng sữa thực vật, không được uống một chút cà phê hay ca cao nào, uống nước trà thật loãng, có thể pha thêm một chút đường. Lúc này không được ra khỏi nhà…
– Bây giờ có dùng gậy mà đuổi thì cháu nó cũng không ra khỏi nhà đâu. Cháu xấu hổ. Vừa rồi có một cậu bé ghé vào chơi với cháu. Thế là cháu Gôga tội nghiệp liền sủa liên hồi. Phải vất vả lắm chúng tôi mới van nài được cậu bé ấy đừng kể lại chuyện này cho ai biết. Còn dạ dày cháu thì sao? Có thể rửa được không ạ?
– Thôi được, – Bác sĩ lưỡng lự nói – Rửa dạ dày cũng chẳng hề gì.
– Dán cao mù tạc cho cháu vào ban đêm có sao không ạ? – Bà Natalia vừa hỏi vừa nức nở.
– Cũng tốt đấy! Cao mù tạc có tác dụng lắm!
Bác sĩ muốn xoa đầu Gôga đang ỉu xìu, nhưng “Thuốc viên” cảm thấy trước tất cả những cách thức điều trị mà nó phải chịu, liền sủa gâu gâu với vẻ tức giận không che giấu, khiến cho ông bác sĩ phải rụt tay nhanh lại.
Ông hoảng sợ, cứ như thằng bé khó chịu này có thể cắn ông thực sự.
– Tiện thể xin hỏi tại sao bà lại đóng kín mít các cửa sổ giữa lúc trời nóng như thế này? – Bác sĩ nói – Cậu bé cần phải được hít thở không khí trong lành.
Cực chẳng đã, bà Natalia phải giải thích cho bác sĩ biết tại sao bà phải đóng kín các cửa sổ.
– Hừm, một trường hợp hiếm có, rất hiếm có! – Bác sĩ nhắc lại rồi viết đơn thuốc và ra về.
—
(1) Một cách gọi âu yếm tên Vônca
CHƯƠNG 11 – MỘT BUỔI SÁNG CŨNG KHÔNG YÊN ỔN CHẲNG KÉM
Buổi sáng tuyệt đẹp, tràn trề ánh nắng đã đến.
Sáu giờ rưỡi, bà nội khẽ mở cửa phòng, nhón chân đi đến cửa sổ và mở toang cánh cửa ra. Không khí mát mẻ, sảng khoái tràn vào căn phòng. Một buổi sáng Mátxcơva ồn ào, vui tươi, bận rộn đã bắt đầu. Nhưng Vônca vẫn chưa thức dậy, nếu như cái chăn không tuột khỏi người nó và rơi xuống sàn nhà.
Trước tiên Vônca sờ ngay những sợi râu rễ tre đã lại mọc lún phún ở cằm và nó hiểu rằng nó đang ở trong một tình thế hoàn toàn không có lối thoát. Với cái bộ mặt râu ria như thế này thì đừng hòng nghĩ đến chuyện ra mắt bố mẹ. Vônca lại chui vào chăn và bắt đầu nghĩ xem nó nên làm gì bây giờ.
– Vôlia (1)! Vôlia! Dậy đi con! – Vônca nghe tiếng bố gọi từ phòng ăn, nhưng nó quyết định không trả lời, giả vờ như vẫn còn ngủ – Không hiểu sao nó có thể ngủ được trong cái buổi sáng tuyệt đẹp thế kia!
Nó nghe rõ tiếng của bà nội:
– Aliôsa, bây giờ bắt chính con mới thi cử xong mà lại phải thức dậy vào lúc sáng tinh mơ thì con có chịu được không nào?
– Thôi, cứ để cho nó ngủ. Cu cậu muốn ăn gì thì cu cậu tự mò dậy liền.
Vônca mà lại không muốn ăn ư? Nó bỗng thấy mình thèm một miếng trứng tráng kèm với một lát bánh mì đen mới ra lò còn hơn cả nỗi lo sợ về những sợi râu rễ tre hung hung lún phún ở cằm nó. Nhưng đầu óc tỉnh táo dẫu sao cũng đã thắng cái cảm giác đói bụng, nên Vônca vẫn cứ nằm dài trên giường cho tới lúc bố đi làm, mẹ xách giỏ đi chợ.
“Một liều ba bảy cũng liều!”, Vônca quyết định sau khi nghe thấy tiếng cửa đóng lúc mẹ ra khỏi nhà, “Mình sẽ kể hết mọi chuyện với bà. Và hai bà cháu sẽ cùng nhau nghĩ ra một cách nào đó”.
Vônca khoan khoái vươn vai, ngáp dài dễ chịu và đi về phía cửa phòng. Lúc đi ngang qua bể nuôi cá, nó lơ đãng liếc nhìn cái bể và… ngây người vì kinh ngạc. Đêm qua, ở trong cái bể kính 4 góc chẳng lấy gì làm lớn ấy đã xảy ra một biến cố không thể nào giải thích được theo quan điểm khoa học tự nhiên và vì thế nó mang đầy tính chất bí ẩn: trong bể vốn có 4 con cá nhỏ, ấy thế mà bây giờ lại có 5! Đã xuất hiện thêm một con nữa: một con cá vàng to, béo đang trịnh trọng ve vẩy những cái vây đỏ rực lộng lẫy. Lúc Vônca ngạc nhiên ghé sát mặt vào tấm kính dày của bể nuôi cá, nó thấy hình như con cá nọ đã nháy mắt mấy lần với mình.
– Chuyện quái quỷ gì thế này! – Vônca lẩm bẩm, tạm thời quên cả bộ râu của mình và thò tay xuống nước để bắt con cá bí ẩn.
Nhưng tự con cá, dường như chỉ đợi có thế, đã đập mạnh đuôi trong nước, rồi nhảy vọt từ bể nuôi cá xuống sàn nhà biến thành… ông già Khốttabít!
– Úi chà! – Ông già vừa nói vừa lau sạch bộ râu bằng một cái khăn bông tuyệt đẹp chẳng biết từ đâu hiện ra, ở rìa khăn có thêu những con gà trống nhỏ bằng chỉ vàng và bạc – Suốt từ sáng ta, chỉ chờ dịp để bày tỏ với cậu lòng kính trọng sâu sắc nhất của ta. Nhưng cậu vẫn chẳng thức giấc. Ta đành phải ngủ với những con cá vàng xinh đẹp này, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa may mắn nhất đời!
– Ông chế giễu cháu như thế mà không biết xấu hổ sao? – Vônca nổi cáu – Chỉ có chế giễu mới có thể gọi một thằng bé có râu là người may mắn nhất đời!
CHƯƠNG 12 – TẠI SAO ÔNG X.X. PIVÔRAKI LẠI PHẢI ĐỔI HỌ?
Trong cái buổi sáng tuyệt trần ấy, ông Xtêpan Xtêpanứt Pivôraki quyết định thưởng thức cùng lúc 2 thú vui: vừa cạo râu vừa ngắm phong cảnh đẹp như tranh vẽ ở trên sông Mátxcơva. Ông đẩy chiếc bàn con để bộ đồ cạo râu tới sát cửa sổ và vừa hát khe khẽ một bài hát vui vừa cẩn thận quệt xà phòng lên má.
Còn chúng ta lúc này sẽ kể cho nhau nghe về người quen mới của chúng ta.
Nhờ một sự trùng hợp kỳ lạ, họ của ông hoàn toàn phù hợp với một trong hai nhược điểm của ông ta: ông thích uống bia và nhắm tôm càng luộc ngon lành (1).
Nhược điểm thứ hai của ông là nói quá nhiều.
Vì tính ba hoa của mình, ông Pivôraki, một người nói chung là khá thông minh, thường làm cho mọi người rất khó chịu, kể cả những người bạn thân nhất của ông.
Ngoài tất cả những cái đó ra, ông là một người rất tốt và rất điêu luyện trong nghề của mình. Ông là thợ chữa khuôn.
Quệt xong xà phòng lên má, Pivôraki cầm con dao cạo, liếc nó một nhát trên lòng bàn tay và bắt đầu cạo râu một cách nhẹ nhàng và khéo léo lạ thường. Cạo râu xong, ông khoan khoái dùng cái bình phun nước hoa “Mộc Lan” phun lên mặt mình. Lúc ông bắt đầu chùi con dao cạo thì bỗng nhiên, bằng con đường nào không biết, xuất hiện bên cạnh ông một ông già nhỏ nhắn đầu đội mũ cói, chân đi đôi giày da dê thuộc màu hồng nhạt có thêu những đường chỉ vàng và bạc, mũi giày vểnh lên một cách kỳ cục.
– Mi là một gã thợ cạo? – Ông già nghiêm nghị hỏi ông Pivôraki đang đứng ngây người.
– Thứ nhất, tôi yêu cầu ông không nên xưng hô “mi, ta” – Ông Pivôraki lịch sự trả lời ông già – Thứ hai, có lẽ ông muốn nói “thợ cắt tóc”? Không, tôi không phải là thợ cắt tóc chuyên nghiệp. Mặc dù mặt khác, tôi có thể nói về mình rằng đúng, tôi là thợ cắt tóc, bởi vì tuy tôi không phải là thợ cắt tóc hay là “thợ cạo” theo cách nói của ông, tôi vẫn ăn đứt bất cứ một tay cắt tóc chuyên nghiệp hay bất cứ một tay “thợ cạo” nào theo cách nói cổ điển của ông, nói cách khác không một tay thợ cắt tóc nào ăn đứt được tôi… Tại sao lại thế ư?… Tại vì trong khi thợ cắt tóc chuyên nghiệp hay nói theo cách của ông là “thợ ca…”…
Ông Pivôraki đang ba hoa liền bị ông già ngắt lời một cách bất lịch sự:
– Hỡi gã thợ cạo lắm lời quá mức kia, mi liệu có biết cạo râu thật cừ, không hề làm sây sát da mặt lần nào, cho một cậu thiếu niên mà mi thậm chí chẳng đáng hôn bụi dưới bàn chân cậu ta hay không?
– Lần thứ hai tôi yêu cầu ông không được xưng hô “mi, ta” với tôi. Còn về thực chất của vấn đề mà ông đề cập đến thì…
Ông Pivôraki muốn nói tiếp bài diễn văn của mình, nhưng ông già lặng lẽ thu nhặt tất cả những thứ đồ cạo râu lại, rồi túm lấy cổ ông Pivôraki vẫn không ngừng thao thao bất tuyệt, và chẳng thèm nói một lời, ông già xách ông Pivôraki bay qua cửa sổ, theo hướng nào không rõ.
Chẳng mấy chốc, hai người đã bay qua cửa sổ, bay vào căn phòng mà chúng ta đã biết, nơi Vônca đang ngồi buồn thiu trên giường, thỉnh thoảng lại vừa rên rỉ vừa liếc nhìn trong gương bộ mặt xồm xoàm râu ria.
– Hạnh phúc và may mắn bao giờ cũng đi theo trên tất cả những bước đường đời của cậu, hỡi ông chủ trẻ tuổi của ta! – Ông Khốttabít trịnh trọng tuyên bố trong khi vẫn chưa chịu buông ông Pivôraki đang cố vùng ra – Ta đã hoàn toàn tuyệt vọng trong việc tìm cho cậu một gã thợ cạo thì bỗng nhiên ta trông thấy bậc trượng phu ba hoa quá mức này và ta liền bắt gã, lôi về dưới mái nhà bình yên của cậu. Và đây, gã đang đứng trước mặt cậu với tất cả những dụng cụ cần thiết để cạo râu… Còn bây giờ, – ông Khốttabít nói với ông Pivôraki đang trố mắt nhìn cậu bé có râu – mi hãy bày những dụng cụ thích hợp của mi ra và hãy cạo râu cho cậu thiếu niên đáng kính này, sao cho cái cằm của cậu trở nên nhẵn nhụi như cằm của một cô thiếu nữ trẻ măng.
– Tôi đã yêu cầu ông không được xưng hô “mi, ta” kia mà. – Ông Pivôraki nhắc lại, nhưng không còn chống cự nữa.
Con dao cạo lấp loáng trong bàn tay khéo léo của ông Pivôraki, và chỉ trong vài phút, bộ râu của Vônca đã được cạo nhẵn nhụi.
– Còn bây giờ, – Ông già nói – mi hãy xếp những dụng cụ của mi lại. Sáng sớm mai, ta lại bay đến đón mi và mi lại cạo râu cho cậu thiếu niên này.
– Sáng mai tôi không thể đến được! – Ông Pivôraki uể oải phản đối – Ngày mai tôi phải làm ca sáng.
– Điều đó chẳng dính dáng gì đến ta cả. – Ông Khốttabít nghiêm nghị đáp.
Im lặng nặng nề. Sau đó, ông Pivôraki chợt nghĩ ra:
– Tại sao ông và cậu không thử dùng một thứ thuốc ta ở Tbilixi nhỉ? Thuốc hay tuyệt trần đời!
– Đó có phải là một thứ thuốc bột không ạ? – Vônca xen vào, trước đó nó lặng thinh như người câm. – Hình như đó là thứ thuốc bột màu xám?… Cháu đã nghe nói về thứ thuốc này ở đâu đó… hoặc là cháu đã đọc..
– Đúng là thuốc bột! Đúng là màu xám! – Ông Pivôraki mừng rỡ – Thuốc này được chế ở Grudia, một đất nước tuyệt đẹp, tràn trề ánh nắng. Riêng tôi rất mê Grudia như điếu đổ. Trong thời gian nghỉ phép, tôi đã đi khắp Grudia. Nào là thành phố Xukhumi, nào là thành phố Tbilixi, rồi Cutaixi… Chẳng có nơi đâu nghỉ tốt hơn! Dựa vào kinh nghiệm bản thân, tôi thành thật khuyên ông và cậu nên đến đấy… Xin lỗi, tôi hơi đi ra ngoài đề. Bây giờ lại nói về thứ thuốc bột ấy. Chỉ cần bôi thuốc này lên má thì ngay cả bộ râu rậm nhất cũng biến mất ngay lập tức… Quả là sau một thời gian nó lại mọc…
– Ở người bạn trẻ của ta, nó sẽ không mọc được nữa! – Ông Khốttabít ngắt lời ông Pivôraki.
– Ông tin chắc chứ? – Ông Pivôraki ngạc nhiên.
Ông Khốttabít lặng thinh với vẻ kiêu ngạo. Ông ta cho rằng nói cho một gã thợ cạo thấp hèn biết công việc của mình là hạ thấp phẩm giá của ông ta…
Không quá một phút sau, tại thành phố Tbilixi, ở chỗ gửi quần áo ngoài của một nhà tắm công cộng, người ta thấy ông già nhỏ nhắn đội mũ cói kiểu cổ, mặc bộ comlê rộng thùng thình và đi đôi dày da dê thuộc màu hồng có thêu những đường chỉ vàng và bạc, mũi giày vểnh cao.
Không cởi quần áo ngoài, ông già đi thẳng vào phòng tắm. Tại đây, mùi lưu huỳnh xộc vào mũi ông già, điều này chẳng có gì là lạ bởi vì đây là một trong những nhà tắm lưu huỳnh nổi tiếng ở Tbilixi. Nhưng một người vẫn mặc nguyên quần áo ngoài bước vào phòng tắm mù mịt hơi nước thì không thể không gây nên sự ngạc nhiên.
Những người ở trong phòng tắm tò mò nhìn theo ông già. Ông thản nhiên đi về phía người phục vụ mệt phờ đang xát xà phòng một cách cần mẫn hiếm có lên cái đầu của một ông đứng tuổi có bộ râu mép rậm đã bạc. Dừng lại cách người phục vụ nhà tắm – ông ta tên là Vanô – mấy bước, ông già cởi chiếc áo véttông với vẻ thong thả oai vệ.
– Ghênaxvalê (2)! – Ông Vanô nói với giọng có thiện cảm – Ở nhà tắm chúng tôi, mọi người cởi quần áo tại chỗ và gửi quần áo ở ngoài. Còn ở đây thì chỉ có tắm thôi ạ.
Ông già nhỏ nhắn nhếch mép cười với vẻ kẻ cả. Ông không hề có ý định tắm táp gì hết. Chẳng qua mặc áo véttông ông thấy hơi nóng mà thôi.
– Hãy bước lại gần ta! – Ông già ra lệnh cho ông Vanô và cầm mũ phe phẩy uể oải – Nhưng nhanh lên, nếu mi còn quý mạng sống của mi!
Người phục vụ nhà tắm mỉm cười hiền lành.
– Ghênaxvalê, trong cái buổi sáng tuyệt đẹp như thế này, ai mà chẳng quý mạng sống của mình? Tôi xin sẵn sàng phục vụ ông ngay bây giờ.
Ông Vanô dội nước lên cái đầu đầy xà phòng của người khách có hàng râu mép bạc, thì thầm vào tai người này vài lời và người này gật đầu thông cảm.
– Thưa bố, con xin nghe đây ạ. – Ông Vanô bước lại gần ông già và nói.
Ông già nghiêm nghị hỏi ông Vanô:
– Hỡi gã phục vụ nhà tắm kia, mi hãy nói thật cho ta biết: có đúng đây là một nhà tắm Tbilixi nổi tiếng mà ta đã từng được nghe biết bao nhiêu điều đáng ngạc nhiên về nó hay không?
– Chính nó đấy ạ, ghênaxvalê! – Ông vanô vươn vai đứng thẳng với vẻ kiêu hãnh – Cứ đi khắp thế gian, bố cũng chẳng tìm được một nhà tắm nào như nhà tắm của chúng con. Té ra bố không phải là người ở đây, có phải không ạ?
Nhưng ông già đã kênh kiệu bỏ ngoài tai câu hỏi ấy.
– Nếu đây chính là cái nhà tắm mà ta đi tìm thì tại sao ta lại không thấy cái thứ thuốc bôi quả là thần kỳ mà khi bôi nó, râu tóc người ta đều rụng sạch trơn, như những người đáng tin cậy đã nói?
– A, thì ra là thế! – Ông Vanô mừng rỡ – Bố cần thuốc “tarô” chứ gì? Thế mà bố chẳng chịu nói ngay, ghênaxvalê!
– Thôi được, – Ông già nói – Nếu thứ thuốc đó gọi là “tarô” thì mi hãy mang “tarô” đến đây cho ta. Nhưng phải nhanh nhanh lên, nếu mi…
– Con biết rồi, con biết rồi! Nếu con còn quý mạng sống của con. Con sẽ chạy, con sẽ chạy!…
Người phục vụ nhà tắm từng trải này trong đời mình đã phải tiếp xúc khá nhiều với những người gàn dở đủ loại, cho nên ông hiểu rằng điều khôn ngoan nhất là chớ có mà đôi co với họ.
Ông quay về với một cái đĩa gốm nhỏ, bên trong đựng đầy một thứ bột nom tựa như tro.
– Đây! – Ông ta vừa thở hổn hển vừa nói và đưa cái đĩa nhỏ cho ông già – Bố có đi khắp thế gian cũng chẳng tìm được thứ thuốc “tarô” trứ danh như thế này. Lời nói của một người phục vụ nhà tắm đấy!
Mặt ông già sa sầm vì tức giận.
– Mi lại dám chế giễu ta, hỡi cái gã đê tiện nhất trong tất cả các gã phục vụ nhà tắm kia! – Ông già nói khẽ nhưng rất dễ sợ – Mi đã hứa mang đến cho ta cái thứ thuốc bôi kỳ diệu, vậy mà chẳng khác nào một thằng bịp bợm ở ngòai chợ, mi lại cố tống cho ta một cái đĩa vứt đi đựng thứ bột thổ tả màu lông chuột ốm nào đó?
Nói rồi, ông già thở phừ một cái, mạnh đến nỗi tất cả chỗ bột đựng trong đĩa bay tung lên rồi rơi xuống tóc, lông mày, râu mép và râu cằm của ông ta. Nhưng ông ta tức giận đến mức chẳng còn cần phủi sạch bột nữa.
– Bố cáu mà làm gì kia chứ, ghênaxvalê! – Ông Vanô phì cười – Chỉ cần pha nước vào thứ bột này là có ngay loại thuốc bôi kia.
Ông già hiểu rằng mình đã mắng mỏ không đâu và ông cảm thấy xấu hổ.
– Nóng quá! – Ông bối rối lầu bầu – Hãy ngừng ngay cái nóng lả người ở xung quanh ta! – Và ông nói thêm, hết sức khẽ – Bây giờ mà bộ râu của ta bị ướt thì toàn bộ sức thần thông của ta chỉ còn lại ở các ngón tay mà thôi… Vậy thì, hãy ngưng cái nóng lả người ở xung quanh ta!
– Việc này hoàn toàn không tùy thuộc ở con. – Ông Vanô vung tay tỏ ý khó xử.
– Việc này tùy thuộc ở ta! – Ông Khốttabít (dĩ nhiên đây chính là ông ta) nói lí nhí qua kẽ răng với vẻ dương dương tự đắc và búng các ngón tay toanh toách.
Đúng lúc đó, ông Vanô và ông khách hàng râu mép bạc đang nóng ruột chờ được phục vụ bỗng đồng thanh kêu ồ. Vả lại, sao mà không kêu ồ được kia chứ! Từ ông già kỳ lạ ấy đột nhiên tỏa ra một luồng hơi lạnh giá, sàn nhà ướt át xung quanh ông liền phủ một lớp băng mỏng, còn những đám hơi nóng trong cả phòng tắm đều dồn nhanh đến cái cực lạnh đã hình thành trên đầu ông Khốttabít, rồi tụ lại thành những đám mây mưa và đổ xuống người ông ta một trận mưa nhỏ hiếm có.
– Bây giờ lại là việc hoàn toàn khác, – Ông già nhận xét một cách hể hả – Giữa cái nóng nực như thế này, chẳng có gì làm mát mẻ bằng một trận mưa!
Đứng khoan khoái hai phút dưới hương sen tự nhiên nhưng đồng thời cũng siêu tự nhiên ấy, ông Khốttabít lại búng toanh toách các ngón tay phải. Luồng hơi lạnh ngưng lại ngay lập tức, lớp băng xung quanh ông già tan ra liền. Hơi nóng lại cuồn cuộn tràn ngập cả căn phòng.
– Vậy đó! – Ông Khốttabít nói, thích thú trước cái ấn tượng mà những sự thay đổi nhiệt độ hết sức đột ngột đã gây ra đối với mọi người xung quanh – Bây giờ, chúng ta quay về với món thuốc “tarô”. Ta đã có ý tin mi rằng thứ bột kia trộn với nước quả sẽ cho ta cái thuốc bôi mà vì nó ta đã đến đây. Hãy lăn tới đây cho ta một thùng thuốc màu nhiệm ấy, bởi vì thì giờ của ta rất ít ỏi.
– Một thùng?!
– Hai thùng nữa là đằng khác!
– Xin hãy tha cho, ghênaxvalê! Chỉ cần một đĩa nhỏ cũng đủ tiêu bộ râu rậm nhất!
– Thôi được, – Ông Khốttabít nói – Hãy mang đến đây năm đĩa vậy.
– Xin chờ một lát, ghênaxvalê! – Ông Vanô tỉnh cả người, biến ngay vào phòng bên rồi lập tức từ đó vọt ra tay cầm một chai nước khoáng boócgiômi to tuớng có đậy nút cẩn thận – Trong cái chai này ít ra cũng đủ dùng 20 lần. Chúc thượng lộ bình an!
– Hỡi gã phục vụ nhà tắm kia, hãy coi chừng, ta chẳng chúc ai ở vào địa vị của mi, nếu mi đánh lừa ta.
– Bố nói gì thế, bố nói gì thế, ghênaxvalê! – Ông Vanô xua tay bối rối – Chẳng lẽ con lại dám đánh lừa một bô lão đáng kính như bố?… Vả lại con không bao…
Ông ta cắt ngang nửa chừng câu nói của mình và đứng ngây người, mồm há hốc: ông già kỳ lạ hay gây chuyện bỗng biến mất, cứ như đã tan biến trong khoảng không…
Đúng một phút sau, một ông già không tóc, không lông mày, không ria mép và không râu cằm, đội mũ cói, mặc bộ véttông, đi đôi giày hồng mũi vểnh chạm vào vai Vônca Côxtưncốp đang thẫn thờ nhai một miếng bánh nướng nhân mứt to tướng.
Vônca quay lại, nhìn ông già và suýt nữa mắc nghẹn miếng bánh vì quá kinh ngạc.
– Ông làm sao thế, ông Khốttabít thân yêu?
Ông Khốttabít soi tấm gương treo trên tường và phá lên cười sặc sụa:
– Còn biết nói gì nữa! Bảo rằng ta đẹp trai thì quả là một sự phóng đại quá đáng! Cậu cứ coi như ta đã bị trừng phạt vì tính đa nghi của mình, và cậu chẳng lầm đâu. Ở đấy, trong cái nhà tắm cách chúng ta rất xa, ta đã thở phừ một cái rất mạnh khi người ta có lòng tốt mang đến cho ta cái đĩa nhỏ đựng thuốc bột “tarô”. Tất cả những chỗ bột bay tung lên rồi rơi xuống đầy tóc, lông mày, ria mép và râu cằm ta. Trận mưa nhỏ mà ta đã gọi đến trong cái nhà tắm thực sự nổi tiếng khắp thế gian đó đã biến chỗ bột ấy thành một thứ cháo loãng, thế rồi trận mưa mà ta gặp phải trên đường trở về Mátxcơva đã cuốn thứ cháo nọ khỏi ta cùng với râu cằm, ria mép, lông mày và tóc… Nhưng cậu chớ có lo cho cái bề ngoài của ta và tốt hơn hết là hãy lo cho cái bề ngoài của cậu.
Nói rồi, ông Khốttabít đổ một phần thuốc “tarô” đựng trong chai nước khoáng boócgiômi ra một đĩa tách…
Lúc râu ria của Vônca đã nhẵn nhụi, ông Khốttabít mới búng cái ngón tay trái và ông lại có hình dáng như cũ.
Lần này, ông già soi gương với vẻ mãn nguyện thực sự, khoái trá vuốt ve bằng cả hai bàn tay bộ râu cằm vừa có lại, vân vê hàng ria mép với vẻ ngang tàng, vuốt lông mày và thở phào nhẹ nhõm:
– Thế đấy! Bây giờ cả mặt cậu lẫn mặt ta đều lại ổn cả…
Còn về ông Xtêpan Xtêpanứt Pivôraki, người mà từ nay sẽ không còn xuất hiện nữa trên những trang truyện rất thật này của chúng ta, thì như tôi được biết rất chắc chắn, ông đã thay đổi hoàn toàn sau chuyện rủi ro kể trên. Trước kia những người quen khổ sở vì tính ba hoa của ông, đến nỗi người ta gọi bất cứ ai hay ba hoa là “Pivôraki”. Còn bây giờ, ông trở nên dè sẻn lời nói và mỗi lời nói đều được cân nhắc cẩn thận. cho nên trò chuyện với ông và nghe những bài phát biểu của ông tại các cuộc hội nghị thì thật là thú vị.
Cũng vì ông tin chắc rằng chuyện chú bé có râu là do ông uống rượu bia quá chén mà ra nên ông đã bỏ hẳn các thức uống có rượu. Người ta nói rằng thậm chí ông đã đổi họ và bây giờ họ của ông là Etxentuki (3), Xtêpan Xtêpanứt Etxentuki.
Chuyện trên đã ảnh hưởng đến một con người như vậy đó. Lạ thật!
—
(1) Trong tiếng Nga, Pivô là bia, raki là những con tôm càng
(2) Tiếng xưng hô tỏ vẻ kính trọng của người Grudia
(3) Một loại nước khoáng được gọi theo tên thị trấn Etxentuki (vùng Cápcadơ), nơi thứ nước đó được khai thác
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp