Ông già Khốttabít – Tác giả: Lazar Lagin

0
2937

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp

-Quảng Cáo-

CHƯƠNG 7 – MỘT BUỔI TỐI KHÔNG YÊN ỔN

Cũng may Vônca không phải là một anh chàng tóc đen. Như Giênia Bôgôrát chẳng hạn, nếu cạo râu xong thì ở má thế nào cũng có chút vệt xanh xanh. Còn Vônca, lúc ở hiệu cắt tóc bước ra, má nó chẳng khác gì tất cả các bạn cùng lứa tuổi.

Đã 8 giờ rồi nhưng trời vẫn chưa tối hẳn và rất oi bức.

– Ở thành phố bình yên của cậu có cái quán nào bán sécbét (1) hay một thứ nước giải khát nào tương tự như sécbét để chúng ta có thể uống cho đỡ khát không? – Ông Khốttabít hỏi.

– A, đúng rồi! – Vônca tán thành – Bây giờ mà được uống nước chanh đá thì hay quá!

Vônca và ông Khốttabít tạt vào một cái quán bán nước trái cây và nước khoáng mà họ bắt gặp đầu tiên, rồi ngồi xuống một chiếc bàn con và gọi cô phục vụ.

– Xin chị cho hai chai nước chanh. – Vônca nói.

Cô phục vụ gật đầu và đi về phía quầy hàng, nhưng ông Khốttabít đã tức tối gọi giật cô ta lại:

– Con đầy tớ hèn hạ kia, hãy bước lại gần đây! Ta không thích mi đáp lại lệnh của người bạn và ông chủ trẻ tuổi của ta như vậy.

– Ông Khốttabít, thôi đi ông, ông có nghe không? Thôi đi!… – Vônca thì thầm.

Nhưng ông Khốttabít liền dịu dàng lấy bàn tay khô khốc của mình bịt miệng Vônca lại:

– Cậu chớ cản ngăn ta bảo vệ danh giá cậu, nếu bản thân cậu do tính mềm mỏng vốn có của mình đã không mắng cho cái con đó một trận…

– Ông không hiểu gì cả? – Vônca hết sức lo sợ cho cô phục vụ – Ông Khốttabít, cháu xin nói hết sức rõ cho ông hiểu rằng…

Nhưng vừa nói đến đấy, Vônca kinh hoàng khi cảm thấy rằng nó không thể thốt ra một tiếng nào. Nó muốn lao ra đứng giữa ông già và cô gái vẫn không hay biết gì cả, nhưng nó không tài nào nhúc nhích được tay chân.

Thì ra để Vônca khỏi ngăn cản lôi thôi, ông Khốttabít đã dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bên tay trái kẹp lấy dái tai phải của Vônca, bắt nó phải im lặng và hoàn toàn bất động.

– Mi đáp lại lệnh của ngươi bạn trẻ tuổi của ta như thế à? – Ông Khốttabít lại hỏi cô phục vụ.

– Thưa ông, tôi không hiểu ông muốn nói gì… – Cô gái lễ phép trả lời ông già – Không có một lệnh nào cả. Chỉ có một lời yêu cầu và tôi đi thực hiện lời yêu cầu đó. Đấy là điểm thứ nhất. Còn điểm thứ hai, ở chỗ chúng tôi không có cái lệ xưng hô “mi, ta”. Với những người lạ, chúng tôi gọi là “ông, bà, anh, chị”. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy ông không biết điều đó, dù rằng đó là điều mà bất cứ một người Xôviết có văn hóa nào cũng biết rõ.

– Chà, mi lại muốn dạy khôn ta nữa chăng? – Ông Khốttabít quát lên – Quỳ xuống! Nếu không, ta sẽ biến mi thành một hạt bụi!

– Này ông kia, ông thật đáng xấu hổ! – Cô thu tiền thấy cái cảnh đáng công phẫn ấy liền can thiệp, bởi vì trong quán lúc đó không có một người khách nào ngoài Vônca và ông Khốttabít – Chẳng lẽ lại có thể giở thói du côn như vậy, hơn nữa lại ở vào tuổi tác như ông?

– Quỳ xuống! – ông Khốttabít phát khùng gầm lên – Cả mi cũng quỳ xuống! – Ông ta trỏ ngón tay vào cô thu tiền – Cả mi nữa! – Ông ta lại quát lên với cô phục vụ thứ hai vừa vội vã đến giúp bạn của mình – Cả ba con quỳ xuống và hãy van xin người bạn trẻ tuổi của ta để cậu ấy xá tội cho bọn mi!

Vừa nói dút lời, ông Khốttabít bỗng lớn vọt lên thành một người khổng lồ, đầu chạm tới tận trần nhà. Đó là một cảnh tượng khủng khiếp và lạ kỳ. Cô thu tiền và cô phục vụ thứ hai ngất đi vì sợ quá. Còn cô phục vụ thứ nhất, tuy mặt mày tái mét, vẫn bình tĩnh nói với ông Khốttabít:

– Này ông kia, ông thật đáng xấu hổ! Ông hãy xử sự cho phải lẽ ở nơi công cộng… Nếu ông là một nhà thôi miên đứng đắn thì…

Cô ta tưởng rằng ông già đã làm thí nghiệm thôi miên với họ.

– Quỳ xuống! – Ông Khốttabít lại rống lên – Quỳ xuống! Ta nói có nghe không?

Trong suốt 3.732 năm ông Khốttabít sống trên đời, đây là trường hợp đầu tiên những người trần mắt thịt dám không tuân lệnh ông ta. Ông Khốttabít cảm thấy rằng chuyện này làm mất uy tín của ông trước mắt Vônca.

– Hãy phủ phục ngay, hỡi cái con hèn hạ kia, nếu mi còn quý tính mạng của mi!

– Chuyện quỳ thì hoàn toàn không có được! – Cô phục vụ đáp với giọng run run – Chỉ có ở các nước tình trạng bất công còn ngự trị, những nhân viên ngành ăn uống công cộng mới buộc phải nghe hết mọi lời lẽ thô tục của khách hàng, còn ở nước chúng tôi thì không thể như thế được… Và chúng tôi cũng hoàn toàn không hiểu vì cớ gì mà ông lại to tiếng? Nếu ông cần phê bình điều gì thì ông có thể lịch sự yêu cầu chị thu tiền đưa cho cuốn sổ góp ý. Sổ góp ý sẽ được đưa ngay sau khi vừa có lời yêu cầu. Ông biết không, những nhà thôi miên và những nhà ảo thuật nổi tiếng nhất vẫn thường đến quán chúng tôi, nhưng họ không bao giờ xử sự như ông… Tôi nói có đúng không, Catia? – Cô hỏi cô bạn đã tỉnh lại.

– Thế mà ông cũng dám bày đặt! – Catia nấc lên rồi đáp – Bắt phải quỳ xuống? Bậy quá chừng!

– Đến thế kia à? – Ông Khốttabít nổi khùng thực sự – Bọn mi dám láo xược thế sao?

Bằng một cử chỉ quen thuộc, ông già rứt trong bộ râu của mình ra ba sợi và buông tay trái ra khỏi tai Vônca để ngắt sợi râu ấy thành những đoạn nhỏ nhất.

Nhưng ông Khốttabít vừa để cái tai của Vônca được yên, lập tức Vônca lại nói được ngay và lại hoàn toàn làm chủ cơ thể mình. Việc đầu tiên của nó là nắm ngay lấy tay ông già:

– Ông sao thế, ông Khốttabít? Ông định làm gì thế?

– Ta định trừng phạt ba con này, hỡi cậu Vônca. Cậu có tin không chứ, ta phải thú nhận điều này thì thật là đáng hổ thẹn: lúc đầu, ta tính giết chúng nó bằng sấm. Mà giết người bằng sấm là cái trò mà bất cứ một lão ifrít mạt hạng nào cũng làm được!

Lúc bấy giờ, mặc dù tình thế nghiêm trọng, Vônca vẫn có can đảm bảo vệ khoa học.

– Tiếng sấm… – Nó vừa nói vừa vội vã tính cách đẩy lùi cái tai họa đang đe dọa các cô gái tội nghiệp – Tiếng sấm không thể giết hại được ai cả. Chỉ có sự phóng điện trong khí quyển mà người ta thường gọi là sét mới giết được người. Còn sấm thì chẳng giết được. Sấm chỉ là âm thanh mà thôi.

– Ta không biết! – Ông Khốttabít lạnh lùng đáp – Ta không nghĩ rằng cậu nói đúng. Nhưng ta đã nghĩ lại. Ta không thèm giết chúng bằng sấm nữa. Tốt hơn hết là ta sẽ biến ba con này thành… chim sẻ. Đúng đấy, thành chim sẻ!

– Nhưng vì lẽ gì kia chứ?

– Ta phải trừng phạt chúng, hỡi cậu Vônca. Thói hư tật xấu cần phải được trừng phạt.

– Không được trừng phạt họ! Ông đã nghe chưa?

Vônca giật tay ông Khốttabít, làm ba sợi râu rơi xuống sàn nhà. Nhung ba sợi râu ấy lại tự bay lên bàn tay ráp nhám đen đủi của ông.

– Ông cứ thử mà xem! – Vônca thét lên, khi thấy ông già toan ngắt các sợi râu – À, ra thế đấy!… Vậy thì ông hãy biến cả tôi thành chim sẻ đi! Hay thành một con cóc cũng được. Ông hãy biến tôi thành con gì tùy thích. Và ông hãy nhớ cho là sự quen biết của chúng ta sẽ chấm dứt từ đây. Tôi hoàn toàn không thích những cung cách của ông. Thế là xong! Hãy biến tôi thành chim sẻ đi! Và hãy để cho con mèo đầu tiên nào bắt gặp ăn thịt tôi đi!

Ông già chưng hửng:

– Chẳng lẽ cậu không thấy rằng ta muốn làm việc đó để từ nay trở đi không còn một kẻ nào dám đối xử thiếu kính trọng đặc biệt với cậu, một sự kính trọng mà cậu đáng được hưởng do vô số mặt tốt của mình?

– Tôi không thấy và tôi không muốn thấy!

– Lệnh của cậu là một đạo luật đối với ta. – Ông Khốttabít trả lời với vẻ phục tùng, nhưng ông ta vẫn băn khoăn thật sự về thái độ khoan hồng khó hiểu của vị cứu tinh trẻ tuổi của mình đối với những cô gái kia – Thôi được, ta sẽ không biến chúng thành chim sẻ nữa.

– Và không được biến thành một thứ gì khác.

– Và không được biến thành một thứ gì khác!

Ông già miễn cưỡng đồng ý, nhưng vẫn cầm mấy sợi râu và rõ ràng là đang chực ngắt những sợi râu này.

– Ông còn muốn ngắt râu để làm gì vậy? – Vônca lại hoảng sợ.

– Ta sẽ biến thành bụi tất cả hàng hóa, tất cả bàn ghế, tất cả đồ đạc ở cái quán đáng khinh này.

– Ông điên rồi! – Vônca hết sức phẫn nộ – Đây chính là tài sản của Nhà nước, ông già ngố ạ!

– Hỡi viên kim cương của tâm hồn ta, xin cậu hãy cho ta được biết cậu dùng cái tiếng “ngố” mà ta chưa hiểu là ngụ ý gì vậy? – Ông Khốttabít hỏi với vẻ tò mò.

Vônca mặt đỏ như gấc (2).

– Ông hiểu không… làm sao cắt nghĩa cho ông được nhỉ… E hèm… nói chung “ngố” có nghĩa tương tự như… nhà thông thái.

Lúc bấy giờ, ông Khốttabít quyết định nhớ kỹ tiếng này để gặp dịp sẽ dùng nó trong khi nói chuyện.

– Nhưng… – Ông ta bắt đầu nói.

– Không “nhưng” gì cả! Tôi sẽ đếm đến ba. Nếu tôi nói xong tiếng “ba” mà ông không để cho cái quán này được yên thì coi như ông và tôi chẳng còn gì chung nữa và giữa chúng ta tất cả đều kết thúc. Tôi đếm đây: Một!… Hai!… B…

Vônca không kịp nói hết tiếng “ba” ngắn ngủi thì ông già đã phẩy tay buồn bã, vẻ mặt trở lại bình thường và rầu rĩ nói:

– Xin tùy theo ý của cậu, bởi vì đối với ta, ý muốn của cậu còn quý hơn cả con ngươi của mắt ta.

– Được lắm! – Vônca nói – Bây giờ, chỉ còn việc xin lỗi nữa là có thể yên ổn ra đi.

– Bọn mi hãy tạ ơn vị cứu tinh trẻ tuổi của mình đi! – Ông Khốttabít nghiêm nghị nói lớn với các cô gái.

Vônca hiểu rằng không thể nào bắt được ông già mở mồm xin lỗi.

– Các chị ơi, xin hãy tha lỗi cho chúng tôi! – Nó nói – Và nếu có thể được, xin các chị đừng quá giận ông này. Ông ấy là người ở nơi khác đến và vẫn chưa quen với nếp sống của chúng ta. Chúc các chị mạnh khỏe!

– Chúc cậu mạnh khỏe! – Các cô gái lịch sự đáp.

Các cô vẫn chưa hoàn hồn hẳn. Các cô vừa cảm thấy lạ lùng, vừa cảm thấy khiếp sợ. Dĩ nhiên, các cô không thể nghĩ được rằng họ vừa tránh được một mối nguy nghiêm trọng biết dường nào.

Các cô phục vụ đi theo ông Khốttabít và Vônca ra đường, rồi dừng lại ở cửa, nhìn theo ông già nhỏ nhắn kỳ lạ ấy đi xa dần.

– Những ông già kỳ quặc như thế bỗng từ đâu hiện ra, mình cũng chẳng hiểu nữa! – Catia thở dài và lại nấc lên.

– Một nhà thôi miên nào đó có từ thời trước cách mạng. – Cô bạn gái dũng cảm của Catia nói với vẻ thương hại – Chắc là một người về hưu. Ông ta buồn và có lẽ uống quá chén… Một ông già như thế thì sao có thể đòi hỏi nhiều hơn được!

– Đúng đấy! – Cô thu tiền tán thành ý kiến của cô bạn dũng cảm – Tuổi già thì sung sướng cái nỗi gì! Các bạn ơi, ta vào nhà đi thôi!…

Nhưng rõ ràng là những chuyện rủi ro hôm nay vẫn chưa kết thúc ở đây. Vônca và ông Khốttabít vừa ra đến phố Goócki thì ánh đèn pha ôtô sáng lóa đập vào mắt họ. Thì ra là một xe cứu thương loại lớn vừa rú còi điếc tai, vừa lao thẳng về phía hai ông cháu.

Và lúc ấy, ông Khốttabít thay đổi nét mặt một cách ghê gớm và rống lên ầm ĩ:

– Khổ thay cho ta, một ông thần già bất hạnh! Lão Giếcgít, vị vua hùng mạnh và tàn nhẫn của các saitan và ifrit, vẫn không quên mối thù cũ giữa lão và ta. Chính lão đã phái con quái vật khủng khiếp nhất trong tất cả các con quái vật của lão đến bắt ta đây.

Nói chưa dứt lời, ông già đã từ vỉa hè lao vút lên cao. Tới một chỗ nào đó ngang tầm tầng lầu 3 hoặc lầu 4, ông nhấc chiếc mũ cói của mình lên, dùng mũ vẫy vẫy Vônca và từ từ tan biến trong không trung, sau khi kêu lên lời từ biệt:

– Ta sẽ cố tìm lại cậu, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa! Ta hôn bụi ở duới chân cậu!… Tạm biệt nhé!…

Nói riêng giữa chúng ta với nhau, Vônca thậm chí còn lấy làm mừng khi thấy ông già biến mất. Thế là nó không còn bị lôi thôi gì nữa. Nhưng Vônca bủn rủn tay chân khi nghĩ rằng bây giờ nó sẽ phải quay về nhà.

Quả thực, các bạn thử đặt mình vào địa vị Vônca mà xem. Nó rời khỏi nhà để thi môn địa lý, rồi xem phim và đến 6 giờ rưỡi chiều phải quay về nhà ăn uống đàng hoàng, tử tế. Thế nhưng nó lại về nhà lúc 10 giờ, thi trượt một cách nhục nhã và điều đáng sợ nhất là nó về nhà với cái cằm vừa cạo râu! Phải cạo râu lúc chưa đầy 13 tuổi! Nghĩ nát cả óc, nhưng Vônca vẫn không tài nào tìm được lối thoát hỏi cái tình cảnh mà mình đã rơi vào.

Thế rồi, chẳng nghĩ được gì cả, Vônca lê bước vào Ngõ Ba Ao yên tĩnh.

Nó đi ngang qua bác gác cổng đang tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn nó, bước vào cổng rồi lên đầu cầu thang lầu 2 và sau khi thở dài nặng nề, nó bấm chuông. Trong nhà có tiếng bước chân của ai đó và một giọng nói không quen hỏi qua cánh cửa đóng kín:

– Ai đó?

Vônca nói: “Con đây”, nhưng nó bỗng sực nhớ là từ sáng hôm nay nó không còn ở đây nữa.

Chẳng trả lời người chủ nhà mới lấy một tiếng, Vônca chạy vụt xuống cầu thang, chững chạc đi qua bác gác cổng vẩn còn chưa hết hết ngạc nhiên, bước ra khỏi ngõ và lên xe trôlâybuýt (3). Nhưng những chuyện rủi ro vẫn đuổi theo nó trong ngày hôm đó. Nó đã đánh mất ví ở đâu đó, chắc là ở rạp chiếu bóng. Đành phải xuống xe và đi bộ.

Lúc này Vônca rất ngại gặp một đứa bạn nào đó học cùng lớp. Và nó hết sức khó chịu ngay cả khi mới nghĩ rằng nó sẽ phải chạm trán Gôga “Thuốc viên”. Từ ngày hôm nay, số phận trớ trêu, thêm vào mọi chuyện khác, đã bắt 2 đứa phải sống cạnh nhau trong cùng một tòa nhà.

Và thật vậy, Vônca vừa về đến sân nhà mới của mình, nó đã nghe thấy tiếng gọi quen thuộc đến khó chịu:

– Ê, thằng dở người! Hôm nay mày đi ra khỏi trường với lão khọm nào thế?

Gôga “Thuốc viên” chạy lại gần Vônca, nháy mắt thô bỉ và nhăn mặt giễu cợt chua cay.

– Không phải lão khọm, mà là ông già! – Vônca ôn tồn sửa lại câu nói của Gôga. Hôm nay nó không muốn dẫn câu chuyện đến chỗ ẩu đả – Đó là… đó là người quen của bố tớ… Từ Tasken (4) đến.

– Còn tao bây giờ đến gặp bố mày đây và tao sẽ kể cho ông nghe về những trò tinh nghịch quái đản của mày ở phòng thi!

– Ồ, “Thuốc viên”, đã lâu rồi mày chưa nếm quả thụi của tao đấy nhỉ! – Vônca điên tiết, sau khi nó hình dung câu chuyện của “Thuốc viên” có thể gây cho bố mẹ nó ấn tượng như thế nào – Tao sẽ xé tan xác mày ra bây giờ, cái thằng hớt lẻo khốn khiếp kia!

– Này, này! Mày thôi chuyện ấy đi nhé!… Lại còn cấm cả người ta nói đùa nữa kia à!… Mày đúng là một thằng dở người.

Sợ những cú đấm của Vônca (mà nó đã có vài lần nếm thử), Gôga thấy tốt hơn hết là đừng có dính vào và nó liền chạy vụt vào cổng. Từ ngày hôm nay, Gôga phải sống gần kề Vônca một cách nguy hiểm. Nhà hai đứa lại ở cùng một đầu cầu thang.

– Những người hói đầu! Những người hói đầu! – Gôga thò đầu ra khỏi cánh cổng mở nửa chừng, lè lưỡi giễu Vônca và gào tướng lên. Sợ sự phẫn nộ chính đáng của Vônca, nó lao lên cầu thang, nhảy liền 2 bậc một, về căn hộ nhà nó ở lầu 4.

Nhưng trên cầu thang, Gôga lập tức chú ý ngay đến điệu bộ hết sức khó hiểu của con mèo Xibia to tướng ở căn hộ số 43. Người ta đã đặt cho con mèo này cái tên Khômích để tỏ lòng kính trọng thủ thành bóng đá nổi tiếng. Khômích đứng uốn cong lưng giậm dọa và phì phì vào một chỗ hoàn toàn trống không. Ý nghĩ đầu tiên của Gôga là con mèo đã hóa dại. Nhưng hình như đuôi mèo dại phải quặp xuống, còn đuôi con mèo này lại dựng đứng lên như cái ống khói. Vả lại nói chung, Khômích trông hoàn toàn khỏe khoắn.

Để phòng xa, Gôga vẫn đá cho nó một cú.

Vì đau, vì bất ngờ và vì tức giận, Khômích gào vang cả 5 tầng lầu. Nó nhảy tránh qua một bên sau khi nhảy vọt lên cao và đẹp đến mức có thể làm tăng thêm vinh dự cho cả người trùng tên nổi tiếng của nó. Và lúc ấy lại xảy ra một cái gì đó hết sức khó hiểu. Cách cầu thang khoảng nửa mét, Khômích lại gào lên và bật ngược trở lại, bắn thẳng về phía Gôga, cứ như con mèo bất hạnh bị va vào một bức tường cao su vô hình nhưng rất đau hồi nào đó. Cùng lúc ấy, ở chỗ nào đó ngay bên cạnh, từ trong khoảng không vang lên tiếng rú không rõ của ai đó, dường như có ai đó bị giẫm mạnh vào chân.

Gôga Piliukin chưa bao giờ nổi tiếng về lòng dũng cảm phi thường, cho nên lúc bấy giờ nó suýt chết cứng vì sợ hãi.

– Ô-ô-ô-ối! – Gôga rú lên khe khẽ, cố nhấc hai chân đã cứng đờ của mình khỏi bậc cầu thang. Khó khăn lắm, nó mới nhấc được chân và cắm đầu cắm cổ chạy.

Lúc cánh cửa nhà Gôga đa đóng sầm lại sau lưng nó, ông Khốttabít mới hiện nguyên hình. Quằn quại vì đau, ông xem cái chân trái của mình bị con mèo Khômích cào khá sâu.

– Cái thằng đáng nguyền rủa! – Ông già rên rỉ, sau khi thấy rõ ràng chỉ có một mình ông trên cầu thang – Một con chó giữa đám trẻ con.

Ông Khốttabít im bặt và lắng tai nghe ngóng.

Vônca Côxtưncốp, vị cứu tinh trẻ tuổi của ông ta, đang chậm chạp leo lên cầu thang, lòng trĩu nặng những ý nghĩ buồn bã nhất.

Ông già nhanh trí chưa muốn để Vônca bắt gặp lúc này, liền mau lẹ tan biến trong khoảng không.

(1) Tiếng Arập: Loại nước giải khát làm bằng nước quả ép và đường

(2) Nguyên bản: “… mặt đỏ như cà rốt” 

(3) xe buýt chạy điện 

(4) thủ đô nước Cộng hòa Xôviết Udơbêkixtan ở Trung Á

 

CHƯƠNG 8 – CHƯƠNG NỐI TIẾP NGAY CHƯƠNG TRƯỚC

Thật là hấp dẫn nếu giới thiệu Vônca Côxtưncốp là một chú bé không hề có một khuyết điểm nào, nhưng tính thật thà mà ai cũng biết của tác giả truyện này không cho phép ông ta làm việc đó. Và nếu tính ghen tỵ được coi là một khuyết điểm thì chúng ta rất lấy làm tiếc khi phải thừa nhận rằng Vônca đôi khi cũng có cái tính đó ở một mức độ khá nặng. Trong những ngày gần đây, nó ghen tỵ với Gôga. Trước kỳ thi rất lâu, Gôga đã khoe rằng mẹ nó hứa cho nó một chú bẹcgiê con nếu nó được lên lớp 7.

– Làm gì có chuyện! – Lúc bấy giờ, Vônca dài mồm dè bỉu, trong khi nó cảm thấy lạnh toát cả người vì ghen tỵ – Cậu cứ làm như đã được mua cho rồi đấy!

Nhưng trong thâm tâm, nó hiểu rõ rằng điều “Thuốc viên” nói rất có thể đúng: cả lớp đều biết rằng mẹ Gôga không tiếc cho cậu con trai nhỏ của mình một thứ gì. Bà bóp mồm bóp miệng mình, nhưng lại sẵn sàng cho Gôga một món quà mà cả lớp phải trố mắt.

– Nhất định mẹ mình sẽ cho! – Gôga nhắc lại với vẻ nghiêm túc – Nếu cậu muốn biết thì mình xin nói rằng đối với mình, mẹ mình chẳng tiếc gì cả. Nếu mẹ mình đã hứa, có nghĩa là mẹ mình sẽ mua. Cùng lắm, mẹ mình sẽ mượn tiền ở Quỹ tương trợ mà mua chó cho mình. Ở nhà máy, mẹ mình được quý trọng lắm nhé!

Quả thực, ở nhà máy, mẹ Gôga rất được quý trọng. Bà làm trưởng nhóm nhân viên họa đồ, là một phụ nữ khiêm tốn, vui vẻ, chăm chỉ. Mọi người đều yêu mến bà, cả anh chị em công nhân trong nhà máy lẫn bà con hàng xóm láng giềng. Gôga cũng yêu mẹ theo kiểu của mình. Còn bà thì rất đỗi yêu thương Gôga.

Nói tóm lại, nếu bà đã hứa mua một chú chó bécgiê con thì có nghĩa là bà sẽ mua thôi.

Và có thể đúng vào cái lúc buồn bã ấy, khi mà Vônca ủ rũ vì những chuyện rủi ro đổ xuống đầu nó trong ngày hôm nay và đang chậm chạp leo lên cầu thang, thì ở ngay bên cạnh, trong căn hộ số 37, Gôga “Thuốc viên” đã được nô đùa với chú bẹcgiê con lông xù vui tính tuyệt vời rồi cũng nên. Cái thằng “Thuốc viên” này ít đáng được hưởng diễm phúc ấy hơn bất kỳ một học sinh nào trong lớp, trong trường và có lẽ trong tất cả các trường ở Mátxcơva.

Vônca nghĩ như vậy và điều duy nhất có thể an ủi nó đôi chút là chưa chắc mẹ Gôga đã kịp mua chó cho Gôga, thậm chí nếu quả là bà đã định làm việc đó. Chính Gôga vừa thi hết lớp 6 vài giờ trước đây. Mà muốn mua một con chó con thì chẳng đơn giản như vậy đâu. Không thể tạt vào cửa hàng và nói: “Làm ơn lấy cho tôi con chó con kia…”. Còn phải đi lùng chán mới mua được chó…

Nhưng kìa, các bạn hãy hình dung xem, đúng vào lúc bà nội mở cửa cho Vônca, từ sau cánh cửa căn hộ số 37 bỗng vang lên tiếng chó sủa gâu gâu to tướng.

“Thế là mẹ Gôga đã mua rồi!”, Vônca chua chát nghĩ thầm, “Một con chó bẹcgiê… Hay có thể là một con chó bốcxơ (1) cũng nên…”

Tưởng tượng Gôga được làm chủ một con chó nghiệp vụ (2) thật sự, Vônca cảm thấy hoàn toàn không thể chịu nổi. Nó vội vàng đóng sập cửa lại để khỏi phải nghe thêm cái tiếng chó sủa kỳ diệu hay không thể tả được ấy! Quả là Vônca còn kịp nghe một tiếng kêu sợ hãi của mẹ Gôga. Có lẽ con chó đã đớp cho cu cậu Gôga một miếng rồi.

Nhưng ngay cả điều đó cũng không thể an ủi nổi nhân vật chính trẻ tuổi của chúng ta…

Bố Vônca vẫn chưa đi làm về. Ông bận ở lại họp Ban chấp hành Công đoàn nhà máy. Còn mẹ, sau buổi học ở trường đại học ban đêm, có lẽ đã đến nhà máy đón bố.

Vônca mặc dù đã hết sức cố gắng tỏ ra bình thản và vui vẻ, nhưng nó vẫn có cái bộ mặt rầu rĩ đến nỗi bà nội quyết định cho nó ăn đã, sau đó mới bắt đầu hỏi han.

– Sao thế, Vôlenca (3)? – Bà hỏi, khi cậu cháu duy nhất của bà ăn xong bữa một cách chóng vánh.

– Cháu thật chẳng biết nói với bà thế nào đây… – Vônca do dự đáp, và vừa cởi chiếc áo thể thao vừa đi vào giường nằm.

Với sự cảm thông lặng lẽ, bà tiễn Vônca bằng một cái nhìn âu yếm đượm buồn. Chẳng cần phải hỏi han gì cả, mọi chuyện đều đã rõ ràng.

Vônca thở dài, cởi hết quần áo ngoài, nằm thượt trên tấm vải trải giường mới giặt mát rượi, nhưng nó vẫn chẳng thấy yên lòng.

Trên chiếc bàn con kê cạnh giường Vônca có một quyển sách khổ lớn dày cộp, quyển sách nổi bật lên nhờ cái bìa ngoài nhiều màu. Tim Vônca thắt lại: đó chính là quyển sách về thiên văn học mà nó vẫn ao ước bao lâu nay! Trang đầu cuốn sách có hàng chữ nét to mà Vônca đã quen thuộc từ bé: “Tặng Vlađimia Alếchxêêvích Côxtưncốp – học sinh lớp 7 có học vấn cao, thành viên thực thụ của Nhóm thiên văn học trực thuộc Cung Thiên văn Mátxcơva – món quà của người bà rất yêu nó”.

Hàng chữ đề tặng mới buồn cười làm sao! Bao giờ bà cũng nghĩ ra một cái gì đó buồn cười. Nhưng chẳng hiểu sao hôm nay Vônca lại hoàn toàn không hề cảm thấy buồn cười. Các bạn hãy hình dung xem, nó không hề thấy thích thú khi cuối cùng đã có được quyển sách mà nó ao ước từ lâu lắm rồi. Nỗi buồn, chính nỗi buồn đang dày vò nó. Nó cảm thấy khó thở… Không, nó không thể chịu đựng được nữa!

– Bà ơi! – Vônca rời quyển sách và cất tiếng gọi – Bà ơi, cháu có thể nói chuyện với bà một lát được không ạ?

– Nào, cái thằng bé ngỗ nghịch kia, cần gì nào? – bà đáp lại như đay nghiến, song thực ra bà hài lòng vì bà vẫn có thể trò chuyện với đứa cháu nhỏ trước khi ngủ.

– Bà ơi! – Vônca thì thầm sôi nổi với bà – Bà đóng cửa lại và ngồi lên giường với cháu đi. Cháu phải nói cho bà biết một chuyện hết sức quan trọng.

– Có lẽ phải gác cái chuyện quan trọng ấy đến sáng mai thì tốt hơn chăng? – Bà trả lời, trong khi bà rất tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy đến với Vônca.

– Không, nhất thiết phải nói ngay bây giờ! Cháu… Bà ơi, cháu không được lên lớp 7… Nghĩa là lúc này cháu vẫn chưa được lên lớp. Cháu chưa thi được..

– Cháu trượt rồi à? – Bà kêu khẽ.

– Không, cháu chưa trượt… Cháu chưa thi được chứ không phải thi trượt… Cháu đã trình bày quan điểm của người xưa về nước Ấn Độ, về chân trời và về mọi cái đại loại như thế… Cháu đã nói đúng tất cả những cái đó… Còn quan điểm khoa học thì chẳng hiểu sao cháu lại không trả lời được… Cháu cảm thấy rất khó chịu trong người và cô Vácvara đã bảo với cháu rằng bao giờ cháu nghỉ ngơi tử tế rồi thì sẽ đến thi lại…

Cho đến bây giờ và thậm chí với bà, Vônca cũng không dám kể về ông già Khốttabít. Vả lại, nếu nó có kể thì bà cũng chẳng tin và bà hẳn lại nghĩ rằng đúng là nó bị ốm rồi.

– Lúc nãy cháu tính giấu chuyện này, cháu định bao giờ thi cử xong xuôi thì mới nói, nhưng cháu cảm thấy rất xấu hổ… Bà hiểu chứ?

-Ồ, sao bà lại không hiểu, Vôlenca! – Bà nói – Lương tâm là một chuyện lớn lao. Không có gì tệ bằng khi làm trái với lương tâm của mình… Thôi, chúc cháu ngủ ngon, nhà thiên văn yêu quý của bà!

– Bà hãy tạm cất quyển sách kia đi! – Vônca nói với giọng run run.

– Bà cất quyển sách ấy vào đâu bây giờ? Thôi, cứ cho là bà đưa cho cháu giữ hộ bà đến một lúc nào đó.. Cháu ngủ đi nào, cháu sẽ ngủ chứ?

– Cháu sẽ ngủ, – Vônca trả lời, nó cảm thấy như trút được gánh nặng sau khi đã thú nhận hết với bà. – Cháu xin hứa với bà lời hứa danh dự của một đội viên thiếu niên tiền phong là cháu sẽ thi môn địa lý được điểm “5”. Bà tin cháu chứ?

– Dĩ nhiên là bà tin. Thôi, cháu ngủ đi, ngủ đi, hãy lấy lại sức lực. Còn với bố mẹ cháu thì sao, bà sẽ nói hay tự cháu nói?

– Bà nói thì tốt hơn.

– Được rồi, chúc cháu ngủ ngon!

Bà hôn Vônca, tắt đèn rồi đi ra khỏi phòng.

Vônca cố nằm yên một lúc. Nó muốn nghe bà báo cái tin buồn ấy cho bố mẹ nó ra sao, nhưng chưa nghe được gì cả, nó đã ngủ khì.

(1) Một loại chó khỏe, lông mượt 

(2) Loại chó của công an chuyên đi truy lùng tội phạm 

(3) Tên gọi thân mật của Vônca 

 

CHƯƠNG 9 – MỘT ĐÊM KHÔNG YÊN ỔN

Chưa đầy một tiếng sau, tiếng chuông điện thoại vang lên ở phòng làm việc của bố đã đánh thức Vônca dậy.

Ông Alếchxây đến bên máy điện thoại:

– Tôi nghe đây… Vâng tôi đây… Ai đấy ạ?… Chào cô Vácvara Xtêpanốpna! Cám ơn cô, chúng tôi vẫn khỏe. Còn cô?… Cô hỏi cháu Vônca? Vônca đang ngủ… Theo tôi, cháu hoàn toàn khỏe mạnh, cháu ăn bữa tối hết sức ngon miệng… Vâng, tôi biết, có lẽ không thể giải thích khác được… Chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên… Vâng, có lẽ nó bị mệt quá… Dĩ nhiên, cháu nó được nghỉ vài hôm thì tốt hơn, nếu cô không phản đối… Cảm ơn cô đã quan tâm. Chúc cô mạnh khỏe!… Cô Vácvara gửi lời chào em đấy. – Ông Alếchxây nói với vợ – Cô ấy quan tâm đến sức khỏe của Vônca. Cô nói chúng ta yên tâm: ở trường, Vônca được mọi người quý mến. Cứ để con nó nghỉ ngơi cho tốt.

Vônca lại cố nghe xem bố mẹ nó nói với nhau những gì, nhưng chưa nghe được gì cả, nó lại thiếp đi.

Nhưng lần này, nó chẳng ngủ được quá 15 phút.

Tiếng chuông điện thoại lại đánh thức nó dậy.

– Vâng, tôi đây… – Ông Alếchxây nói với giọng cố làm cho nhỏ lại – Vâng… Chào bác Nicôlai Nicanđrôvích!… Sao kia ạ?… Không, không có.. Vâng, cháu ở nhà, dĩ nhiên là cháu ở nhà… Được ạ… Chào tạm biệt bác!

– Ai gọi thế anh? – Tiếng mẹ từ trong bếp vọng ra.

– Bố của Giênia Bôgôrát. Bác ấy đang lo: đến tận giờ này, Giênia vẫn chưa về nhà. Bác ấy hỏi Giênia có ở nhà chúng ta hay không và Vônca có nhà hay không.

– Thời mẹ, chỉ có bọn lính kỵ binh nhẹ mới về nhà muộn như thế. – Bà nội nói xen vào – Đằng này, một thằng bé con…

Nửa tiếng sau, lần thứ 3 trong cái đêm không yên ổn này, tiếng chuông điện thoại lại cắt ngang giấc ngủ của Vônca.

Lần này, bà Tatiana Ivanốpna – mẹ của Giênia gọi đến. Giênia vẫn chưa về nhà. Bà muốn Vônca cho biết thêm về Giênia.

– Vônca! – Bố mở hé cửa – Bác Tatiana hỏi con thấy Giênia lần cuối cùng vào lúc nào?

– Vào lúc tối, ở rạp chiếu bóng ạ.

– Thế sau khi xem phim thì sao?

– Sau khi xem phim, con không thấy bạn ấy.

– Giênia không nói với con là nó định đi đâu hay sau khi xem phim à?

– Không ạ.

Vônca đã chờ lâu, rất lâu xem cuối cùng cuộc nói chuyện của người lớn về cậu bạn Giênia bị mất tích sẽ kết thúc vào lúc nào (chính Vônca thì chẳng hề lo một chút nào cả: nó ngờ rằng Giênia đã hứng chí đi đến Công viên văn hóa để nghỉ ngơi và xem xiếc), nhưng nó cũng chẳng chờ được và lần thứ 3 lại ngủ khì. Lần này hẳn là được ngủ yên.

Chẳng bao lâu trong góc nhà phát ra tiếng quẫy nước nhè nhẹ. Sau đó, có tiếng chân bước lạch bạch. Trên sàn nhà xuất hiện rồi khô nhanh những dấu chân ướt vô hình của ai đó. Ai đó vừa đi đi lại lại trong phòng, vừa khe khẽ hát một âm điệu phương Đông ngân dài buồn bã.

Những dấu chân ướt đi về phía bàn, trên đó có chiếc đồng hồ báo thức đang kêu tích tắc một cách bồn chồn. Tiếng tắc lưỡi khâm phục của ai đó vang lên. Chiếc đồng hồ báo thức tự bay lên, yên ổn lơ lửng một chốc ở khoảng giữa sàn nhà và trần nhà, sau đó lại quay về chỗ cũ, còn những dấu chân thì đi về phía bể nuôi cá. Lại phát ra tiếng quẫy nước, rồi tất cả đều im lặng…

Vào lúc đêm khuya trời đổ mưa. Những giọt mưa vui vẻ gõ lộp độp vào cửa sổ, rơi lào rào nhanh trong đám lá cây rậm rạp và chảy róc rách trong các ống máng. Chốc chốc tiếng mưa lại lặng đi và lúc bấy giờ chỉ còn nghe thấy những giọt nước mưa to rơi đĩnh đạc và âm vang xuống cái thùng tônô để ở dưới cửa sổ. Sau đó, như đã lấy lại sức, cơn mưa lại bắt đầu đổ ào ào.

Trời mưa như thế ngủ rất ngon. Cơn mưa có tác dụng ru ngủ đố với cả những người bị bệnh mất ngủ, còn Vônca thì chẳng bao giờ phải than phiền về bệnh mất ngủ cả.

Đến sáng, khi bầu trời đã gần quang mây, có ai đó mấy lần thận trọng chạm vào vai nhân vật chính của chúng ta khi cậu đang ngủ say. Nhưng Vônca vẫn chẳng thức dậy. Lúc bấy giờ cái người đã cố đánh thức Vônca mà chẳng ăn thua ấy liền thở dài buồn bã, lẩm bẩm một câu gì đó và kéo giày lệt sệt, đi vào sâu trong phòng, tới chỗ cái bể nuôi cá vàng của Vônca được đặt trên bệ cao. Có tiếng quẫy nước khó khăn lắm mới nghe được và trong phòng lại bao trùm bầu không khí yên lặng như tờ.

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận