Ông già Khốttabít – Tác giả: Lazar Lagin

0
2920

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22

-Quảng Cáo-

CHƯƠNG KẾT – PHẦN KẾT

Nếu bạn nào đó trong số các bạn dã từng đọc cuốn truyện rất thật này đi ngang qua phố Radina ở Mátxcơva, ghé nhìn vào phòng tiếp khách của Tổng cục Đường biển phương Bắc, thì sẽ thấy một ông già nhỏ nhắn, đầu đội mũ cói cứng, chân đi đôi hài hồng nhạt thêu những đường chỉ vàng và bạc, đang ngồi giữa mấy chục người ước ao được làm việc tại Bắc Cực. Đó chính là ông Khốttabít của chúng ta. Mặc dù đã hết sức cố gắng, ông vẫn không thể nào xin được chân nhân viên vô tuyến điện ở một trạm Bắc Cực nào đó.

Chỉ riêng cái bề ngoài của ông thôi – bộ râu bạc phơ dài đến tận thắt lưng và như vậy dứt khoát là rất cao tuổi – đã là một trở ngại nghiêm trọng để được cử đi công tác trong hoàn cảnh khắc nghiệt của vùng Bắc Cực. Nhưng tình thế của ông lại càng tuyệt vọng hơn khi ông khai lý lịch.

Trả lời câu hỏi về nghề nghiệp mình trong năm 1917 (1), ông viết thành thật: “Thần – chuyên nghiệp”. Trả lời câu hỏi về tuổi: “3.732 năm 5 tháng”. Còn câu hỏi về hoàn cảnh gia đình ông Khốttabít trả lời chất phác: “Mồ côi cả bố lẫn mẹ. Chưa vợ. Có em trai tên là Ôma Iuxúp, trước tháng 7 năm ngoái sống dưới đáy Bắc Băng Dương trong một cái bình đồng, còn bây giờ đang làm vệ tinh của trái đất”. Vân vân và vân vân…

Đọc bản khai lý lịch này, mọi người đều nghĩ rằng ông Khốttabít loạn óc, mặc dù các bạn đã từng đọc cuốn truyện của tôi thì đều biết rõ ràng ông già viết thật một trăm phần trăm.

Dĩ nhiên, ông già có thể dễ dàng biến mình thành một chàng trai trẻ, gán cho mình bất kỳ một lý lịch rất tốt nào hoặc cùng lắm thì cũng có thể lập ra mưu kế như mưu kế đã dùng để đi du ngoạn trên tàu “Lađôga”. Nhưng vấn đề là ở chỗ ông già đã quyết định dứt khoát rằng sẽ xin đi công tác ở Bắc Cực bằng con đường ngay thẳng, không hề lừa dối chút nào.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ông Khốttabít ngày càng ít đến phòng tiếp khách của Tổng cục đường biển phương Bắc. Ông tính học thêm về lý thuyết kỹ thuật vô tuyến điện để tập tự chế tạo một chiếc radio. Với năng khiếu và tính cần cù của ông già, đó không phải là một việc vô hy vọng. Chỉ thiếu có thầy giáo thôi.

Ông Khốttabít muốn cả hai cậu bạn trẻ tuổi của ông sẽ đứng ra dạy ông và điều duy nhất mà tôi được biết là hai cậu bé chỉ có thể hứa với ông già: từ ngày này qua ngày khác, chúng sẽ truyền lại cho ông tất cả những gì mà chúng đã được dạy ở trường. Ông Khốttabít đắn đo suy nghĩ và quyết định rằng rốt cuộc, việc đó cũng chẳng phải là dở.

Vậy là bây giờ, cả Vônca lẫn Giênia đều phải học rất chăm, được toàn điểm “5”, để khỏi mất mặt trước người học trò già cả của mình. Ba ông cháu đã quyết định rằng với sự giúp đỡ của hai cậu bạn trẻ tuổi, ông Khốttabít sẽ học hết chương trình trung học cùng một lúc với Vônca và Giênia.

Nhưng tới lúc đó ba ông cháu sẽ không còn đi chung một con đường nữa. Nếu các bạn còn nhớ, Giênia từ lâu đã chọn cho mình nghề y, còn Vônca thì cũng có dự định như ông Khốttabít. Nó ước mơ trở thành nhà thiết kế radio và tôi xin cam đoan với các bạn rằng Vônca sẽ không phải là người kém cỏi trong cái nghề khó khăn nhưng hấp dẫn ấy…

Bây giờ, chúng ta chỉ còn việc chia tay các nhân vật chính trong cuốn truyện hài hước và cảm động này, chúc họ mạnh khỏe và thu được nhiều thành công trong học tập và trong cuộc sống sau này. Nếu một lúc nào đấy các bạn gặp ai đó trong số ba nhân vật ấy, xin các bạn chuyển hộ lời chào của tác giả, người đã tưởng tượng ra họ với tình cảm thân yêu, trìu mến.

—————————————————

(1) 1917: Tức là trước Cách mạng tháng Mười 

Mátxcơva 1938 – 1955

MINH ĐĂNG KHÁNH

Dịch từ nguyên bản tiếng Nga (NXB Văn học thiếu nhi, Mátxcơva, 1979)

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận