Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp
CHƯƠNG 55 – CHƯƠNG NÓI VỀ CUỘC GẶP GỠ KỲ LẠ MỞ ĐẦU CHUYẾN DU NGOẠN TRÊN TÀU “LAĐÔGA”
Bạn đọc thân mến, nếu các bạn còn nhớ thì vào một buổi trưa tháng 7 oi bức, tàu phá băng “Lađôga” đã rời Bến Đỏ ở hải cảng Áckhanghenxcơ, trên tàu có một đoàn khá đông các khách tham quan. Trong số các hành khách ấy có cả ba người bạn của chúng ta là ông Khốttabít, Vônca và Giênia. Ông già đang ngồi trên boong dạo chơi và đang chuyện trò đàng hoàng với một bác thợ nguội đứng tuổi ở Xvéclốpxcơ về những ưu thế của giày vải đem lại cho những người bị chai chân lâu ngày.
Vônca và Giênia đang đứng tì tay vào lan can ở boong thượng. Cả hai đều sung sướng như mọi cậu bé vẫn thường sung sướng khi lần đầu tiên trong đời được có mặt trên một chiếc tàu phá băng chính cống và hơn thế nữa lại còn được du ngoạn cả tháng trời trên chiếc tàu ấy. Nơi tới du ngoạn chẳng phải là một nơi vớ vẩn nào đó, mà lại chính là Bắc Cực! Sau khi đã trao đổi ý kiến về các tàu thủy chạy bằng hơi nước, tàu thủy diesel, tàu phá băng, tàu kéo, thuyền đánh cá, thuyền buồm, tàu kéo lưới, canô và các loại tàu bè khác đang rẽ sóng trên dòng Đvina Bắc rộng mênh mông, hai cậu bé bỗng nín lặng vì ngất ngây trước vẻ đẹp của con sông hùng vĩ.
– Tuyệt không cậu? – Vônca hỏi với giọng cứ như cái vẻ đẹp ấy do chính tay nó làm ra.
– Ờ! – Cậu Giênia ít nói đồng ý.
– Có kể lại thì cũng chẳng ai tin, nhỉ?
– Ờ! – Giênia nói.
Ngừng một lát với vẻ đầy ý nghĩa, Vônca nói thêm:
– Mình còn rất mừng là bọn mình… – Vônca sợ sệt đưa mắt nhìn quanh xem ông Khốttabít có đứng ở gần đó hay không, rồi nói tiếp với giọng thì thầm để phòng xa -… đã đưa ông già đi xa cô giáo Vácvara, dù chỉ là một tháng thôi.
– Đúng thế! – Giênia nói.
Vônca hất đầu chỉ một thủy thủ trẻ có bộ râu quai nón hung hung trên khuôn mặt đầy tàn nhang vừa đi ngang qua, rồi nói khẽ:
– Phụ tá của thuyền trưởng đấy! Chú ấy chuyên lo về việc phục vụ hành khách.
Hai cậu bé thán phục nhìn theo con người có vẻ dửng dưng với cái chức vụ cao, đầy lãng mạn của mình. Còn người này, sau khi thản nhiên nhìn lướt qua hai hành khách trẻ tuổi, đã chú ý đến một thủy thủ đang trầm ngâm tì tay vào lan can ở cạnh dó.
– Cậu buồn hả, Épxtignêép?
– Lại phải đi xa lắc xa lơ cả tháng trời.
Vônca và Giênia sửng sốt: lại có người không muốn đi Bắc Cực! Chú này hẳn là không bình thường rồi!
– Đối với một thủy thủ chân chính, ở trên bờ là ở nhà khách, còn ở trên biển cả mới là ở nhà mình! – Phụ tá của thuyền trưởng nhận xét một cách xác đáng. – Cậu không biết như vậy sao?
– Nhưng tôi đâu có phải là thủy thủ thực thụ! Tôi chỉ là người phục vụ bàn ăn thôi. Thêm vào đó, chỉ 5 tuần nữa là tôi đã cưới vợ rồi.
Phụ tá của thuyền trưởng thấy hết chuyện nói rồi, bèn bảo:
– Vậy thì cậu vào khoang bếp lấy món ăn trưa, rồi mang tới buồng 14 cho bà Cônxôva…
– Bâ ấy cùng họ với cô Vácvara nhỉ? – Vônca thản nhiên nói với Giênia.
– Ờ! – Giênia nói.
– Đó là một bà khách đứng tuổi. – Phụ tá của thuyền trưởng giải thích. – Bà ấy bị cảm trên đường đi. Chẳng có gì đáng sợ đâu. – Anh nói cho người phục vụ bàn ăn yên lòng, mặc dù người này chẳng hề tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của bà Cônxôva. – Chỉ cần nằm nghỉ một hôm là ổn cả thôi…. Cậu hãy đi làm đi. Và hãy quan tâm đặc biệt tới bà ấy vì đó là giáo viên công huân của nước cộng hòa (1) chứ chẳng phải là người thường đâu…
– Giáo viên công huân!… Và họ là Cônxôva! – Vônca thì thầm. – Ở đời vẫn có những sự trùng hợp như vậy đó!
– Ờ! – Giênia đồng ý với giọng bỗng nhiên bị khàn. – Cônxôva là một cái họ phổ biến… Cũng như họ Ivanốp ấy…
– Épxtignêép này, cậu phải gọi bà ấy đầy đủ cả tên và phụ danh (2) đấy nhé! – Phụ tá của thuyền trưởng chuyên lo về việc phục vụ hành khách căn dặn và rút từ túi bên của chiếc áo cổ đứng trắng tinh cuốn sổ con để dò lại. – Tên và phụ danh của bà ấy là Vácvara Xtêpanốpna…
Hai cậu bé tối tăm mặt mũi.
– Chắc gì bà ấy đã là cô Vácvara của bọn mình – Giênia cố làm yên lòng cả mình lẫn Vônca.
Nhưng Vônca liền nhớ tới cuộc nói chuyện tại phòng làm việc của thầy hiệu trưởng lúc nó tới đấy để thi lại môn địa lý và Vônca chỉ khoát tay tuyệt vọng:
– Cô ấy đấy! Đúng bà cô giáo của bọn mình rồi… Cô ấy sẽ gặp phải chuyện gì bây giờ đây? Chỉ mới nghĩ đến thôi cũng dã thấy rợn cả người! Sao cô ấy lại không thể đi nghỉ đâu đó ở Xôchi (3)?…
Sau một lúc yên lặng ngắn ngủi nhưng nặng nề, Giênia buồn bã tuyên bố.
– Dẫu sao thì bọn mình vẫn phải cứu cô ấy. Bây giờ, chỉ còn nghĩ cách cứu thế nào mà thôi.
Hai cậu bé ngồi thừ trên chiếc ghế dài, bóp óc suy nghĩ và lấy làm ngán ngẩm cho cái số phận hẩm hiu của mình: người ta di du ngoạn thì vui thú, còn chúng thì lại gặp chuyện rắc rối lôi thôi. Nhưng nếu cơ sự đã ra như thế rồi thì phải cứu cô giáo cho bằng được. Làm thế nào mà cứu ư? Rất đơn giản: đánh lạc hướng ông già Khốttabít.
Hôm nay thì có thể yên tâm được vì cô giáo còn phải nằm nghỉ cả ngày trong buồng của mình, nhưng bắt đầu từ mai sẽ phải làm như thế này: một đứa đi dạo chơi với cô Vácvara hoặc ngồi nói chuyện với cô, còn một đứa thì dẫn ông Khốttabít đi chỗ khác. Chẳng hạn, Vônca đứng hóng gió với ông Khốttabít ở trên boong, còn Giênia thì ngồi nói chuyện với cô Vácvara ở một chỗ nào đó xa hơn, ví dụ như ở dưới buồng tàu… Chỉ chưa biết sẽ đối phó ra sao khi tất cả các khách tham quan cùng lên bờ hoặc khi mọi người cùng có ý định ngồi ăn ở phòng chung..
– Hay là bọn mình hóa trang cho cô Vácvara nhỉ? – Vônca liền đề nghị.
– Sao, cậu tính gắn cho cô ấy một bộ râu hả? – Giênia châm chọc. – Chỉ nghĩ vớ vẩn thôi! Ở đây có hóa trang cũng chẳng cứu được ai đâu. Phải nghĩ cách khác thôi.
– Hỡi hai cậu bạn trẻ tuổi của ta! – Ông Khốttabít từ bên dưới gọi vang lên. – Các cậu ở đâu đấy?
– Chúng cháu ở đây. Chúng cháu xuống ngay bây giờ! – Hai cậu bé đáp rồi đi xuống boong dạo chơi gặp ông Khốttabít.
– Ta đang tranh luận với ông Alếchxanđrơ Iacôvlêvích đáng kính nhất đời về nước Ấn Độ… – Ông già nói sau khi giới thiệu hai cậu bé với ngươi mà ông đang ngồi trò chuyện.
Tình huống mỗi lúc một gay: nếu ông già bắt đầu ba hoa trước mặt các khách tham quan về những kiến thức địa lý của mình thì ông sẽ bị mọi người cười, thế rồi ông điên tiết lên và có trời mới biết được sẽ xảy ra những chuyện rắc rối gì.
– Hỡi các cậu bạn trẻ tuổi của ta, các cậu hãy phân xử cho chúng tôi, có phải thủ đô của Ấn Độ là Đêli không?
– Vâng, đúng là Đêli ạ! – Hai cậu bé xác nhận.
Hóa ra là thế! Vônca và Giênia sửng sốt. Do đâu mà ông già bỗng nhiên lại có kiến thức địa lý đúng đắn như vậy? Chẳng lẽ nhờ ông thường đọc báo? Đúng là do đọc báo rồi!
– Vậy mà ông Alếchxanđrơ Iacôvlêvích đáng kính nhất đời đây lại một mực bảo rằng thủ đô của Ấn Độ không phải là Đêli, mà là Bombay! – Ông Khốttabít đắc thắng. – Ta và ông ấy còn tranh luận về vấn đề tầng bình lưu (4) cao cách đầu chúng ta bao nhiêu. Ta bảo rằng không thể xác định được ranh giới chính xác giữa tầng đối lưu (5) và tầng bình lưu. Tại các nơi khác nhau trên trái đất, lúc thì nó ở cao, lúc thì nó ở thấp… Còn đường chân trời chỉ là do trí tưởng tượng của chúng ta mà ra. Ta đã được biết chắc chắn như vậy nhờ môn khoa học địa lý…
– Ông Khốttabít! – Vônca nghiêm nghị ngắt lời ông già. – Cháu có thể hỏi ông một chút được không? – Hai ông cháu đi qua một bên. – Ông hãy nhận đi, có phải ông đã đọc lén cuốn sách giáo khoa địa lý của cháu không?
– Xin cậu cho phép ta được biết cậu dùng cái chữ kỳ lạ “đọc lén” để nói gì vậy? Hỡi cậu Vônca, nếu cậu dùng chữ ấy để nói rằng ta… Cậu làm sao thế kia, hỡi cái mỏ neo của lòng ta? Mắt cậu mất hết thần sắc rồi!…
Hàm dưới của Vônca bỗng trễ xuống, cặp mắt đờ đẫn nhìn một người nào đó mà nó vừa nhận thấy ngay ở đây, trên boong dạo chơi, ở phía sau lưng ông thần già. Ông Khốttabít muốn quay đầu lại để xem có chuyện gì thì Vônca đã hét lên:
– Không được quay đầu lại! Cháu van ông, ông đừng quay đầu lại!… Ông Khốttabít! Ông thân yêu!… Ông quý mến!
Nhưng ông già vẫn quay đầu lại…
Cô Vácvara Xtêpanốpna Cônxôva, giáo viên công huân của nước cộng hòa, dạy môn địa lý, chủ nhiệm lớp 6B trường trung học số 124 ở Mátxcơva, đang khoác tay một bà đứng tuổi khác, đi lại gần ba ông cháu.
Ông Khốttabít thong thả tiến lên đón cô Vácvara. Bằng một cử chỉ quen thuộc, ông rứt một sợi râu, rồi lại một sợi nữa.
– Không được! – Vônca hét lên với giọng khiếp đảm và túm ngay lấy tay ông già. – Cô ấy chẳng có lỗi gì cả!… Ông không có quyền! …
Giênia lẳng lặng lao tới phía sau ông Khốttabít và ôm chặt cứng người ông.
Bác thợ nguội Alếchxanđrơ ngây người ra vì kinh ngạc khi thấy cái cảnh tượng lạ lùng ấy.
Cô Vácvara có lẽ chẳng ngạc nhiên chút nào về cuộc gặp gỡ hai cậu học sinh của mình ở đây, trên tàu phá băng, liền nói với giọng mệnh lệnh:
– Các em! Không được giở trò càn quấy ở đây! Các em hãy để cụ ấy yên! Nào! Cô đã bảo mà! Côxtưncốp! Bôgôrát! Các em không nghe sao?
– Nếu chúng em buông ông ấy ra thì ông ấy sẽ biến cô thành con cóc đấy! – Vônca cảm thấy mình chẳng đủ sức giữ được ông Khốttabít, bèn tuyệt vọng kêu lên.
– Hoặc ông ấy sẽ biến cô thành cái thớt để các lão hàng thịt chặt thịt cừu trên đó! – Giênia tiếp lời. – Cô hãy chạy đi, cô Vácvara Xtêpanốpna! Cô hãy trốn mau trong khi ông ấy chưa vùng ra khỏi tay chúng em!… Vônca nói đúng đấy cô ạ…
– Chỉ nói bậy thôi nào! – Cô Vácvara cất cao giọng một chút. – Các em! Các em không nghe lời cô hay sao?
Nhưng ông Khốttabít đã tự thoát khỏi hai vòng tay chặt cứng của các cậu bạn trẻ tuổi và nhanh chóng ngắt cả hai sợi râu.
Hai cậu bé khiếp đảm nhắm nghiền mắt lại.
Chỉ sau khi nghe thấy cô Vácvara cám ơn ai đó, Vônca và Giênia mới mở mắt ra. Trên tay cô giáo có một bó hoa và một nải chuối thơm lừng.
Ông Khốttabít đáp lời cô giáo, lịch sự cúi rạp người và áp bàn tay lên trán, sau đó lại áp bàn tay vào chỗ trái tim.
Lúc xuống dưới buồng của mình, ba người bạn của chúng ta mới nói hết sự thể cho nhau nghe.
– Hỡi cậu Vônca, tại sao hồi ấy, trong cái ngày đầu ông cháu ta may mắn làm quen với nhau, cậu không nói cho ta biết ngay sau buổi thi là ta đã làm hại cậu bởi việc ta nhắc bài một cách quá tự tin và dốt nát? Cậu làm ta bực mình lắm đấy! Giá mà cậu nói thẳng cho ta biết thì ta đã chẳng quấy rầy cậu suốt bao lâu nay bằng những cái trò đền ơn vớ vẩn và cậu đã có thể yên ổn chuẩn bị thi lại, bởi vì một thiếu niên có học như cậu cần phải làm như vậy.
Ông Khốttabít nói như thế đó và trong giọng nói của ông quả là lộ vẻ bực mình thực sự.
– Cháu nói với ông chuyện đó để ông biến cô Vácvara thành cái thớt chặt thịt cừu ấy à ông Khốttabít ơi, cháu rành ông quá mà? Suốt cả những ngày qua, cháu và Giênia lo cho cô Vácvara hết sức. Đúng là ông đã định biến cô ấy thành cái thớt chứ gì?
Ông Khốttabít thở dài thú nhận:
– Quả là vậy, ta chẳng dám giấu đâu. Ta đã định biến cô giáo của cậu thành cái thớt hoặc thành con cóc xấu xí.
– Thế đấy! Phải chăng cô giáo đáng bị biến như vậy?
– Hừ, bây giờ kẻ nào đó cứ thử biến người phụ nữ đáng kính đó thành cái thớt hoặc con cóc mà xem? Hắn sẽ biết tay ta! – Ông già hùng hổ tuyên bố và nói thêm: – Ta cảm tạ cái ngày mà các cậu đã dạy ta học bảng chữ cái và làm cho ta quen với việc đọc báo, bởi vì bây giờ ta lúc nào cũng biết cái biển nào đang được đào ở đâu. Ta còn cảm tạ cái ngày mà Đức Ala dã ban cho ta sự sáng suốt để “đọc lén” – ta nói chữ này có đúng không, hỡi cậu Vônca! – cuốn sách giáo khoa địa lý của cậu. Bởi cuốn sách thực sự sáng suốt và hấp dẫn ấy đã mở ra trước mắt ta những khoảng không bao la của một môn khoa học chân chính. Và cũng chính cuốn sách ấy đã giúp ta tránh đi cái hành đóng mù quáng tức là trừng phạt cô giáo rất đáng kính của các cậu. ấy là ta muốn nói đến cô Vácvara Xtêpanốpna đấy.
– Té ra là thế! – Vônca nói. – Thế là xong vấn đề này!
– Ờ! – Giênia xác nhận.
—
(1) Danh hiệu tặng cho những người có công lao to lớn ở Liên Xô
(2) Theo phong tục của người Nga, gọi đầy đủ cả tên và phụ danh (tên gọi theo tên bố) là tỏ ý kính trọng. Trong trường hợp này, Vácvara là tên, Xtêpanốpna là phụ danh (có nghĩa là con gái của Xtêpan)
(3) Một thành phố nghỉ mát ở phía Nam Liên Xô, nằm trên bờ Hắc Hải
(4) bình lưu: Tầng thứ hai trong khí quyển. Không khí ở đây đã rất loãng, ôxy biến thành ôdôn, làm thành một ấm màn ngăn chặn các tia cực tím có hại cho sự sống và không cho các tia này lọt xuống trái đất
(5) đối lưu: Tầng thấp nhất của khí quyển, dày khoảng 6-8 kilômét ở cực và khoảng 16-17 kilômét ở xích đạo. Ở tầng đối lưu, không khí đặc nhất và là nơi xảy ra các hiện tượng khí lượng như sương, mây, mưa, gió, bão
CHƯƠNG 56 – CÁI GÌ CẢN TRỞ GIẤC NGỦ?
Thời tiết thuận lợi cho tàu “Lađôga”. Trong ba ngày đầu, con tàu chạy trên vùng nước chưa đóng băng. Mãi tới cuối ngày thứ ba, nó đi vào vùng băng một năm và băng đã xẻ.
Đúng vào lúc Vônca và Giênia đang ngồi chơi cờ nhảy ở phòng chung, ông Khốttabít xồng xộc chạy vào, tay phải cầm cái mũ cói quen thuộc. Ông cười toe toét và nói:
– Các cậu bạn của ta ơi, các cậu hãy ra mà xem: khắp cả mặt biển, nhìn đâu cũng chỉ thấy rặt đường cát và kim cương!
Đối với ông Khốttabít, những lời nói đó hoàn toàn có thể tha thứ được: trong suốt cả cuộc đời gần bốn nghìn năm của mình, chưa bao giờ ông được trông thấy một tảng băng thực sự.
Tất cả những người có mặt ở trong phòng chung lúc ấy đều lao lên boong tàu và thấy vô số những tảng băng trắng toát đang lặng lẽ tiến dần về phía tàu “Lađôga”. Những tảng băng này lấp lánh dưới ánh nắng rực rỡ của mặt trời nửa đêm (1). Chẳng mấy chốc, những tảng băng đầu tiên đã kêu răng rắc dưới sống mũi tàu bằng thép.
Vào lúc đêm khuya (nhưng trời vẫn sáng và ngập tràn ánh nắng như một buổi trưa rực rỡ), các khách tham quan đã nhận thấy ở đằng xa một quần đảo. Lần đầu tiên, họ trông thấy toàn cảnh hùng vĩ và ảm đạm của quần đảo Đất Phranxơ Iôxíp (2). Lần dầu tiên, họ trông thấy những tảng băng và những ngọn núi trơ trụi, ảm đạm, phủ đầy băng hà (3) lấp lánh. Những băng hà giống như những đám mây trắng hình chóp ấn chặt xuống mặt đất lạnh lẽo.
– Đã đến lúc đi ngủ rồi! – Vônca nói khi mọi người đã ngắm chán chê quang cảnh lạ thường của những hòn đảo ở đằng xa. – Nói cho đúng ra thì chẳng có việc gì mà làm, trong khi đó lại không hề buồn ngủ. Thế có nghĩa là chẳng ai quen ngủ dưới ánh sáng mặt trời!
– Hỡi cậu bạn may mắn nhất đời, riêng ta thì lại cảm thấy rằng cản trở giấc ngủ chẳng phải là mặt trời, mà là một cái hoàn toàn khác – Ông Kháttabít khiêm nhường bày tỏ ý kiến của mình.
Nhưng chẳng ai buồn chú ý đến câu nói của ông già.
Sau cuộc nói chuyện trên, hai cậu bé còn đi lang thang. không mục đích một lúc trên con tàu. Ở các boong, số người đứng xem mỗi lúc một ít dần. Cuối cùng, cả ba người bạn của chúng ta cũng xuống buồng của mình. Chẳng mấy chốc, trên tàu “Lađôga”, chỉ những người làm nhiệm vụ canh gác là còn thức mà thôi.
Sự yên tĩnh bắt đầu ngự trị trên tàu. Từ tất cả các buồng vọng ra tiếng ngáy và tiếng thở phì phò yên lành, dường như sự việc xảy ra không phải ở con tàu lênh đênh trên biển Bađen khắc nghiệt và độc địa, cách Đất Lớn 2.500 kilômét, mà là ở một nơi nào đó gần Mátxcơva trong một nhà nghỉ yên tĩnh và tiện nghi, vào đúng giờ ngủ trưa. Và hệt như trong các buồng của nhà nghỉ, ở đây người ta cũng buông màn che những cửa mạn (4) để ánh sáng mặt trời rực rỡ không cản trở giấc ngủ của mọi người.
—
(1) Ở Bắc Cực, suốt ba tháng hè mặt trời không bao giờ lặn
(2) Phranxơ Iôxíp: Quần đảo ở phía Bắc nước Nga, nằm trong vùng Bắc Cực, diện tích 16.100 kilômét vuông, gồm gần 190 hòn đảo; hơn 85% diện tích bị phủ băng
(3) Băng hà (sông băng) là khối băng do tuyết vĩnh viễn ở những vùng núi cao tạo thành, trườn xuống sườn núi như một dòng sông nhưng vận tốc rất thấp, thường chỉ khoảng vài trăm mét đến dăm kilômét một năm
(4) cửa mạn: Cửa sổ tròn ở mạn tàu
CHƯƠNG 57 – ĐÁ NGẦM HAY KHÔNG PHẢI ĐÁ NGẦM?
Tuy vậy mọi người đã nhanh chóng thấy rõ rằng giữa tàu “Lađôga” và nhà nghỉ vẫn có sự khác nhau rất đáng kể.
Quả thật, nếu không tính đến chuyện động đất ở Crưm, những người đã nhiều lần ở trong các nhà nghỉ đều chẳng nhớ có trong hợp nào mà họ lại bị văng từ trên giường xuống đất giữa lúc đang ngủ ngon lành.
Ấy thế mà trên tàu “Lađôga”, lúc các khách tham quan vẫn chưa kịp ngủ hẳn, con tàu bỗng giật mạnh, làm cho nhiều người bị rơi từ trên giường xuống sàn tàu, cứ như những trái chín rơi từ trên cây xuống đất vậy. Đúng lúc đó, tiếng máy chạy đều đều liền im bặt. Trong bầu không khí yên tĩnh trên tàu, vang lên tiếng đập cửa ầm ầm, tiếng chân hành khách chạy huỳnh huỵch khỏi các buồng để xem đã xảy ra chuyện gì. Từ trên boong vọng xuống những tiếng hô lớn của đội thủy thủ.
Vônca bị ngã từ giường trên xuống, nhưng chẳng lấy gì làm đau cho lắm. Nó lập tức bật dậy và lấy tay xoa vài chỗ bị bầm.
Đang ngái ngủ nên không hiểu chuyện gì đã xảy ra, Vônca nghĩ rằng nó bị ngã là do mình thiếu thận trọng, nên cu cậu lại toan leo lên giường nằm. Nhưng tiếng ồn ào lo lắng từ hành lang vọng vào làm cho Vônca tin rằng nó bị ngã một nguyên nhân còn nghiêm trọng hơn là nó tưởng rất nhiều.
“Chẳng lẽ tàu chúng ta lại va phải đá ngầm?”, Vônca nghĩ bụng và vội vàng mặc quần dài. Ngay tức khắc, nó nhận thấy rằng cái ý nghĩ đó chẳng những không làm cho nó lo sợ, mà thậm chí lại còn đem lại cho nó một cảm giác háo hức, thích thú đến kỳ lạ.
“Tuyệt thật!”, Vônca vừa nghĩ vừa cuống cuồng thắt dây giày, “Thế là mình lại rơi đúng vào một cuộc phiêu lưu thực sự! Hay quá! Trong vòng cả ngàn kilômét xung quanh không hề có bóng dáng một con tàu nào cả. Còn trên tàu chúng ta thì có lẽ đài vô tuyến điện cũng không làm việc!”
Trong khoảnh khắc, một cảnh tượng vô cùng hấp dẫn đã được vẽ lên trước mắt Vônca: con tàu bị nạn, số nước ngọt và lương thực dự trữ cạn dần, nhưng tất cả các khách tham quan và đội thủy thủ tàu “Lađôga” vẫn xử sự một cách dũng cảm và bình tĩnh, xứng đáng là những người Xôviết. Mà người xử sự cừ hơn cả dĩ nhiên là nó – Vônca Côxtưncốp. Ôi, Vlađimia Côxtưncốp biết nhìn thẳng vào hiểm nguy! Lúc nào nó cũng vui vẻ, lúc nào ngoài mặt nó cũng tỏ ra không lo lắng gì cả để khích lệ những người buồn nản. Và khi thuyền trưởng Xtêpan Timôphêêvích lâm bệnh vì làm việc căng thẳng quá sức và ăn uống thiếu thốn, nó, Vônca, liền nắm quyền lãnh đạo cuộc thám hiểm trong hai bàn tay rắn rỏi của mình.
– Nguyên nhân nào đã phá mất giấc ngủ rất cần thiết đối với cái cơ thể chưa được cứng cáp của cậu? – Ông Khốttabít vừa thức dậy, đã cắt ngang những mơ ước dễ chịu của Vônca.
– Thưa ông, cháu sẽ biết ngay bây giờ. Nhưng ông chớ có lo đấy? – Vônca khích lệ ông già và chạy lên boong.
Hai chục khách tham quan chưa mặc xong quần áo đang túm tụm ở boong thượng, bên cạnh buồng thuyền trưởng.
Để nâng cao tinh thần của họ, Vônca liền tạo ra một bộ mặt vui vẻ, không lo lắng và nói với vẻ dũng cảm:
– Bình tĩnh, các đồng chí, trước hết là phải bình tĩnh! Chẳng có gì mà phải hốt hoảng cả?
– Về chuyện hốt hoảng thì chú em nói đúng đấy. Đó là những lời vàng ngọc, anh chàng trẻ tuổi ạ! Vậy chú em hãy về lại buồng của mình đi và hãy bình tĩnh mà nằm ngủ… – Một khách tham quan tủm tỉm cười và trả lời Vônca. – Vả lại chúng tôi ở đây cũng đâu có hoảng sợ!
Mọi ngươi phì cười, làm cho Vônca cảm thấy lúng túng thế nào ấy. Hơn nữa, ở ngoài trời lúc ấy khá lạnh, Vônca bèn quyết định chạy xuống buồng để mặc thêm áo khoác.
– Trước hết là phải bình tĩnh! – Vônca nói với ông Khốttabít đang ngồi đợi nó ở bên dưới. – Chẳng có gì mà phải hoảng hốt cả, ông ạ. Chỉ còn hai ngày nữa, người ta sẽ phái một tàu phá băng rất mạnh tới cứu chúng ta và đưa tàu chúng ta ra khỏi chỗ mắc cạn một cách rất yên ổn. Ngay tàu chúng ta cũng có thể tự thoát khỏi chỗ mắc cạn, nhưng ông nghe thử xem: máy tàu chẳng còn kêu ầm ầm như trước nữa. Có lẽ trong máy bị hỏng cái gì đó, nhưng hỏng cái gì thì vẫn chưa ai khám phá ra. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ phải chịu đựng những sự thiếu thốn nào đó, song hy vọng rằng không một ai trong chúng ta bị bệnh và bị chết.
Vônca kiêu hãnh nghe nhưng lời từ chính mồm mình nói ra. Nó không ngờ rằng nó lại biết trấn an mọi người một cách dễ dàng và có sức thuyết phục đến thế.
– Ôi khổ thay cho ta! – Ông già bỗng cuống cả lên, vụng về đút hai bàn chân trần vào đôi hài trứ danh của mình. – Nếu các cậu chết thì ta không thể nào sống nổi đâu! Chẳng lẽ tàu chúng ta lại mắc cạn sao? Khốn khổ thân ta! Thà máy tàu cứ kêu ầm ầm lại còn hơn! Mà ta cũng tài ghê! Thay vì sử dụng sự hùng mạnh của mình vào những việc quan trọng hơn thì ta…
– Ông Khốttabít! – Vônca nghiêm nghị ngắt lời ông già – Ông hãy báo cáo ngay: ông đã bày ra trò gì ở đây?
– Chẳng có gì đặc biệt cả! Chẳng qua là vì lo cho giấc ngủ yên lành của cậu, ta đã tự ý ra lệnh cho máy tàu không được kêu ầm ầm nữa.
– Ông đã làm thật hả?! – Vônca hoảng sợ. – Bây giờ cháu mới hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ông ra lệnh cho máy tàu không được kêu ầm ầm, mà máy tàu không kêu ầm ầm thì không thể chạy được. Vì thế, con tàu phá băng mới dừng lại bất thình lình như vậy. Ông hãy hủy ngay lập tức cái lệnh của mình, nếu không thì ông hãy coi chừng, các nồi hơi sẽ nổ tung lên đấy.
-Xin tuân lệnh! – Ông Khốttabít sợ quá, trả lời với giọng run run.
Đúng lúc đó máy tàu lại kêu ầm ầm và tàu “Ladôga” lại bắt đầu chạy như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Còn ông thuyền trưởng, bác thợ máy và tất cả những người khác ở trên tàu đều đoán mãi không ra nguyên nhân của việc máy tàu ngầm hoạt động một cách bất thình lình, không thể nào giải thích nổi việc máy tàu hoạt động trở lại cũng rất chi là bí ẩn.
Chỉ ông già Khốttabít và Vônca mới biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng vì những lý do hoàn toàn dễ hiểu, cả hai đều không hở điều đó cho ai hay. Ngay cả Giênia cũng không được biết.
Vả lại, Giênia vẫn còn ngủ khì.
Về việc này, Vônca thậm chí còn nói đùa:
– Nếu người ta tổ chức một cuộc thi quốc tế xem ai ngủ say nhất thì hẳn là Giênia sẽ giật chức quán quân thế giới về ngủ đấy.
Ông Khốttabít cười hì hì với vẻ lấy lòng, mặc dù khi ấy ông vẫn chưa hiểu thế nào là “cuộc thi”, lại còn “cuộc thi quốc tế” nữa, và thế nào là “quán quân thế giới”. Nhưng ông già tính dùng cái cười ấy để làm lành với Vônca.
Tuy nhiên, việc đó cũng chẳng giúp ông thần già tránh được cuộc nói chuyện khó chịu.
Ngồi xuống mép giường của ông Khôttabít, Vônca quả quyết nói:
– Ông biết không, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau như một người đàn ông nói với một người đàn ông.
– Ta nghe hết sức chăm chú, hỡi cậu Vônca! – Ông Khốttabít trả lời với vẻ yêu đời có tính chất cường điệu.
– Ông không bao giờ thử tính là ông hơn cháu bao nhiêu tuổi à?
– Chẳng hiểu sao ta lại không hề nghĩ tới chuyện đó. Nhưng nếu cậu cho phép thì ta sẽ vui lòng tính ngay.
– Khỏi cần! Cháu đã tính rồi. Ông hơn cháu 3.719 tuổi, hay là tuổi ông gấp tuổi cháu vừa đúng 287 lần! Lúc mọi người thấy ba ông cháu ta trên boong tàu hoặc ở phòng chung, hẳn là ai cũng nghĩ thế này: Cái ông đáng kính, thông minh và không còn trẻ ấy lúc nào cũng chăm nom săn sóc hai cậu bé kia, hay quá nhỉ! Cháu nói có đúng không nào?… Sao ông lại im lặng như thế?
Nhưng ông Khốttabít vẫn im thin thít, cái đầu bạc của ông buồn bã cúi xuống.
– Vậy mà trong thực tế thì sao? Trong thực tế bỗng hóa ra là cháu phải chịu trách nhiệm cả về tính mạng của ông lẫn tính mạng của tất cả các hành khách, bởi vì chính cháu đã thả ông ra khỏi cái bình gốm, mà ông thì lại suýt nữa làm đắm chiếc tàu phá băng cùng với toàn bộ hành khách và đội thủy thủ. Vì tội đó, người ta có chặt đầu cháu đi thì vẫn còn là nhẹ…
– Hừ, cứ để cho kẻ nào đó thử chặt đầu một thiếu niên đáng kính như cậu mà xem! – Ông Khốttabít ngắt lời Vônca.
– Được rồi, được rồi! Ông đừng ngắt lời cháu… Cháu đã ngấy các phép lạ của ông đến tận cổ rồi! Ông là một ông thần, dĩ nhiên, và thậm chí là một ông thần rất hùng mạnh (ông Khốttabít vươn vai đứng thẳng với vẻ kiêu hãnh), nhưng về cuộc sống hiện nay và về kỹ thuật hiện đại thì ông hiểu biết chỉ hơn đứa bé mới sinh một chút xíu thôi. Ông đã hiểu chưa?
– Than ôi, ta đã hiểu.
– Bây giờ, ông cháu ta hãy thỏa thuận với nhau thế này: ông muốn làm một phép lạ nào đó thì phải hỏi ý kiến mọi người.
– Ta sẽ hỏi ý kiến cậu, hỡi cậu Vônca! Nếu cậu đi vắng hoặc chuẩn bị thi lại (Vônca cau mày) thì ta sẽ hỏi ý kiến cậu Giênia, người bạn của chúng ta.
– Ông có sẵn sàng thề không?
– Ta xin thề! – Ông già sôi nổi thốt lên và đấm mạnh vào ngực mình.
– Còn bây giờ thì đi ngủ! – Vônca ra lệnh.
– Đi ngủ, rõ! – Ông Khốttabít đã kịp bắt chước được cách nói của các thủy thủ, bèn hùng dũng trả lời.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp