Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp
Ông già Khốttabít
Tác giả: Lazar Lagin
(1903-1979) là nhà văn Liên Xô. Truyện “Ông già Khốttabít” (Khottabych) xuất bản năm 1938 là một tác phẩm nổi tiếng của ông, được in nhiều lần ở Liên Xô và ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, đồng thời được dựng thành phim năm 1956 và năm 2006. Hai từ “Cụ Khốt” quen thuộc ở Việt Nam bắt nguồn từ tác phẩm này.
Tác giả bản dịch tiếng Việt “Ông già Khốttabít” là nhà văn Trần Đăng Thái (1941-2011), bút danh Minh Đăng Khánh. Ông giỏi 5 thứ tiếng, dịch rất nhiều sách, nổi tiếng nhất là tác phẩm “Ông già Khốttabít”.
Đây là câu chuyện kể vui nhộn về những cuộc phiêu lưu của một ông thần từ xứ sở cổ tích lạc vào cuộc sống của một thành phố hiện đại.
LỜI TÁC GIẢ
Trong tác phẩm Nghìn lẻ một đêm có “Chuyện người đánh cá”. Khi kéo lưới từ dưới biển lên, người đánh cá nọ thấy trong lưới có một cái bình bằng đồng, trong bình lại có một ông thần cao lớn, người Arập gọi là “gin” (1). Ông thần này bị giam cầm trong cái bình ấy gần 2.000 năm. Ông ta đã thề sẽ đem lại hạnh phúc cho ai giải thoát được ông ta: làm cho người đó trở nên giàu có, mở cửa tất cả các kho báu trên trái đất cho người đó, làm cho người đó trở thành một xuntan (2) hùng mạnh nhất trong tất cá các xuntan và ngoài ra còn thỏa mãn ba điều ước của người đó.
Hay chẳng hạn, truyện “Alađanh và cây đèn thần”. Một cây đèn cũ kỹ tưởng chừng chẳng có gì đáng chú ý, có thể nói rằng đó chỉ là một thứ đồ vứt đi. Ấy thế mà chỉ cần miết ngón tay vào cây đèn là bỗng nhiên một ông thần từ đâu đó hiện ra và thỏa mãn bất kỳ điều ước nào của người chủ cây đèn, kể cả những điều ước phi lý nhất. Các bạn muốn thưởng thức những đồ ăn, thức uống cực kỳ hiếm có ư? Xin mời! Các bạn muốn có những cái rương chất đầy vàng và đá quý ư? Xin sẵn sàng! Các bạn muốn có một cung điện nguy nga tráng lệ ư? Xin có ngay! Các bạn muốn biến kẻ thù của các bạn thành một dã thú hoặc một con vật bò sát ư? Xin hết sức vui lòng!
Cứ để cho ông thần ấy tùy ý trao tặng vật cho người chủ của mình thì những cái rương quý báu kia lại hiện ra tới tấp và những cung điện nọ cua các xuntan lại biến thành của riêng cho người chủ dùng.
Theo quan niệm của các ông thần trong truyện cổ tích và theo những điều ước mà họ đã thỏa mãn trong truyện ấy thì đó chính là niềm hạnh phúc trọn vẹn nhất của con người, một niềm hạnh phúc mà người ta chỉ có thể mơ ước mà thôi.
Hàng trăm và hàng trăm năm đã trôi qua từ khi những truyện cổ tích đó được kể lần đầu tiên, song những quan niệm về hạnh phúc vẫn còn gắn rất lâu với những cái rương chất đầy vàng và kim cương, với quyền lực đối với người khác. Và cho đến tận nay, ở các nước tư bản chủ nghĩa, nhiều người vẫn đang gắn quan niệm hạnh phúc với những thứ như vậy.
Ôi, những con người đó chỉ ước mơ sao chính cái ông thần bị giam hãm lâu ngày trong truyện cổ tích kia hiện đến với họ cùng những cung điện và những châu báu của mình! Dĩ nhiên, họ nghĩ rằng bất cứ một ông thần nào bị giam cầm tới 2.000 năm cũng phải lạc hậu đôi chút so với cuộc sống. Và có thể cái cung điện mà ông ta trao tặng sẽ không hoàn toàn tiện nghi theo quan điểm của những thành tựu kỹ thuật hiện đại. Quả là so với thời quốc vương Hồi giáo Harun An Rasít (3) khoa kiến trúc đã tiến bộ quá chừng! Đã xuất hiện những phòng tắm, những thang máy, những cửa sổ lớn đầy ánh sáng, hệ thống sưởi bằng hơi nước, ánh sáng đèn điện.., Nhưng thôi được, cũng chẳng nên chê ỏng chê eo làm gì. Cứ mặc cho ông thần ấy tặng những cung điện tùy theo ý thích của ông ta. Chỉ cần có những cái rương chất đầy vàng và kim cương là tuyệt rồi, còn mọi thứ khác rồi ắt sẽ có thôi: nào là sự tôn kính, nào là quyền lực, nào là những món ăn, nào là cuộc sống sung sướng, nhàn hạ của một kẻ vô công rồi nghề thường coi khinh tất cả những ai sống bằng các thành quả lao động của mình. Với một ông thần như vậy, có thể phải chịu đựng đủ thứ chuyện bực mình. Và cũng chẳng sao, nếu ông ta không biết nhiều quy tắc sinh hoạt công cộng hiện nay và những cử chỉ thanh lịch, nếu ông ta thỉnh thoảng lại đặt bạn vào một tình cảnh trớ trêu. Những con người ở cái nước tư bản chủ nghĩa đó sẽ tha thứ mọi chuyện cho ông thần có thể quăng ra những cái rương chứa đầy châu báu…
Thế nhưng sẽ ra sao nếu một ông thần như vậy bỗng nhiên rơi vào đất nước chúng ta, nơi có những quan niệm hoàn toàn khác về hạnh phúc và chính nghĩa, nơi quyền lực của bọn giàu có đã bị xóa bỏ vĩnh viễn từ lâu, nơi chỉ có lao động lương thiện mới mang lại cho con người hạnh phúc, sự kính trọng và vinh quang?
Tôi cố hình dung chuyện gì sẽ xảy ra nếu một chú bé Liên Xô bình thường nhất – ở đất nước xã hội chủ nghĩa hạnh phúc cua chúng ta có hàng triệu chú bé như thế! – giải thoát được một ông thần khỏi cái bình đã giam cầm ông ta.
Và bỗng nhiên, các bạn thử tưởng tượng xem, tôi biết được rằng chú bé ấy tên là Vônca Côxtưncốp, trước kia ở cùng với chúng tôi tại Ngõ Ba Ao và chính chú bé Vônca Côxtưncốp ấy đã lặn giỏi nhất ở trại hè năm ngoái… Nhưng tốt hơn hết, các bạn hãy để cho tôi kể lại mọi chuyện theo thú tự.
Chú thích:
(1) Vị thần lửa nhiều mặt trong truyện thần thoại và truyện cổ dân gian của các dân tộc theo đạo Hồi
(2) Quốc vương Hồi giáo
(3) Harun An Rasít (763 hay 766-809): Quốc vương Hồi giáo nổi tiếng trong triều đại Abátxít (750-1258). Hình tượng Harun An Rasít được lý tưởng hóa trong tác phẩm Nghìn lẻ một đêm
CHƯƠNG 1 – BUỔI SÁNG BẤT THƯỜNG
Bảy giờ ba mươi phút sáng, một tia nắng rực rỡ chui qua cái lỗ nhỏ xíu ở tấm mành và rọi vào đúng mũi cậu học sinh lớp 6 Vônca Côxtưncốp. Vônca hắt xì hơi và thức dậy.
Đúng lúc ấy, từ buồng gần buồng Vônca vọng đến tiếng nói của mẹ:
– Chẳng cần gì phải vội, anh Aliôsa ạ. Cứ để cho cu con ngủ thêm chút nữa đã. Hôm nay, con nó phải đi thi đấy.
Vônca nhăn mặt.
Đến bao giờ mẹ mới thôi gọi nó là “cu con” đây!
– Em nói vớ vẩn gì thế? – Bố đáp lại ở bên kia bức tường ngăn – Chàng trai của chúng ta đã sắp 13 tuổi rồi. Cứ để cho con nó dậy và giúp thu xếp đồ đạc… Con nó sắp mọc râu đến nơi rồi mà em vẫn cứ “cu con”, “cu con”…
Thu xếp đồ đạc! Làm sao Vônca lại có thể quên bẵng mất chuyện đó nhỉ!
Vônca liền tung chăn và vội vã mặc quần dài. Làm sao lại có thể quên được! Một cái ngày như thế mà lại quên!
Hôm nay, gia đình Côxtưncốp dọn đến căn nhà mới ở một ngôi nhà 5 tầng mới xây. Ngay từ hôm trước, gần như tất cả đồ đạc đã được đóng gói, chằng buộc. Mẹ và bà nội đã xếp bát đĩa vào cái chậu tắm mà xưa kia họ đã từng tắm cho bé Vônca. Còn bố, sau khi xắn tay áo và ngậm đầy một mồm đinh như ông thợ giày, đã đóng chặt những thùng đựng sách. Sau đó, cả nhà bàn xem nên chất đồ đạc ở đâu để sáng mai đưa ra xe cho tiện. Rồi mọi người uống trà theo kiểu dã chiến, bên chiếc bàn không trải khăn. Cuối cùng, họ quyết định rằng buổi sáng sẽ sáng suốt hơn buổi tối và đi ngủ.
Nói tóm lại, không tài nào hiểu nổi làm sao Vônca lại có thể quên mất chuyện sáng hôm nay sẽ dọn đến căn nhà mới…
Chưa kịp uống xong nước trà thì các bác công nhân khuân vác đã bước thình thịch vào. Việc đầu tiên là họ mở toang cả hai cánh cửa và với giọng oang oang hỏi:
– Có thể bắt đầu được chưa?
– Xin cứ việc! – Mẹ và bà cùng trả lời một lúc rồi cuống cả lên.
Vônca thận trọng khuân cái gối dài và cái tựa lưng ở đivăng ra chiếc xe tải 3 tấn có mui đang đậu ngoài đường.
– Nhà cậu dọn đi à? – Một chú bé hàng xóm hỏi Vônca.
– Dọn qua đi chứ! – Vônca khinh khỉnh trả lời, làm ra vẻ như tuần nào nó cũng dọn nhà và đối với nó chuyện đó chẳng có gì là lạ cả.
Bác quét sân Xtêpanứt bước đến gần, trầm ngâm vấn một điếu thuốc và bác bắt chuyện nghiêm chỉnh với Vônca như với một người ngang hàng. Chú bé hơi choáng váng vì kiêu hãnh và sung sướng. Nó thu hết can đảm và mời bác Xtêpanứt đến thăm nhà mới của mình. Bác quét sân nói: “Tôi rất lấy làm vui lòng”. Nói tóm lại, cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh và tốt đẹp giữa hai người đàn ông đang tiếp diễn thì từ trong căn nhà bỗng vang lên tiếng gọi của mẹ:
– Vônca! Vônca! … Thằng cu con khó chịu ấy đã biến đâu mất rồi?
Vônca chạy vội vào căn nhà trống rỗng, rộng rãi một cách lạ thường, trong đó nằm bừa bộn trợ trọi những mảnh báo cũ và những chai đựng thuốc trống không.
– Có thế chứ! – Mẹ nói – Con bê cái bể nuôi cá trứ danh của con đi và trèo ngay lên xe. Con sẽ ngồi ở chiếc đivăng trên ấy và ôm lấy cái bể. Chẳng còn chỗ nào mà để cái bể ấy cả. Nhưng coi chừng, đừng để nước sánh ra đivăng đấy nhé!
Chẳng hiểu tại sao bố mẹ lại cứ cuống lên như thế lúc dọn đến nhà mới.
CHƯƠNG 2 – CÁI BÌNH BÍ MẬT
Cuối cùng Vônca đã thu xếp được một chỗ ngồi tương đối tốt.
Bóng tối lờ mờ mát mẻ và bí ẩn bao trùm trong xe. Nếu nheo mắt lại, có thể tưởng tượng bạn đang đi không phải ở Ngõ Ba Ao mà bạn đã sống cả đời mình, mà ở một nơi nào đó tại vùng Xibia mênh mông xa lắc, nơi bạn phải chiến đấu khốc liệt với thiên nhiên để xây dựng một nhà máy mới khổng lồ của nền công nghiệp Xôviết. Và dĩ nhiên, Vônca Côxtưncốp sẽ đứng ở hàng đầu những người xuất sắc trên công trường ấy. Nó là người đầu tiên nhảy xuống xe khi đoàn xe tải đến nơi đã định. Nó là người đầu tiên dựng lều bạt của mình và nhường ngay cái lều ấy cho những người bị bệnh dọc đường, còn nó thì vừa nói đùa với các bạn cùng công trường, vừa ngồi sưởi bên đống lửa mà chính nó đã nhóm lên một cách nhanh nhẹn và khéo léo. Còn lúc giữa những cơn băng giá dữ dội hoặc những trận bão tuyết điên cuồng, một người nào đó tính giảm bớt nhịp độ lao động thì người ta sẽ nói ngay với anh ta: “Anh thật đáng xấu hổ! Hãy noi gương đội lao động kiểu mẫu của Vônca Côxtưncốp (1)…”
Đằng sau chiếc đivăng nhô lên cái bàn ăn chổng ngược bốn chân, nó bỗng trở nên hết sức lý thú và khác thường. Bên trong cái bàn, chiếc xô chất đủ thứ chai lọ kêu loảng xoảng. Chiếc giường mạ kền ánh lên lờ mờ ở bên thành thùng xe. Cái thùng tônô cũ kỹ mà bà vẫn thường dùng để muối dưa bắp cải vào mùa đông bỗng có cái vẻ bí ẩn và nghiêm trang đến nỗi Vônca chẳng hề ngạc nhiên tí nào, nếu nó biết rằng xưa kia chính nhà triết học Điôgien – người được nói đến trong môn lịch sử Hy Lạp cổ đại – đã từng ở trong một cái thùng như vậy.
Những tia nắng mỏng manh lọt qua các lỗ thủng nhỏ xíu ở thành xe làm bằng vải bạt. Vônca ghé mắt nhìn qua một cái lỗ thủng ấy. Trước mắt nó vùn vụt chạy qua như trên màn ảnh ở rạp chiếu bóng những đường phố vui vẻ và ồn ào; những ngõ hẻm yên tĩnh và râm mát; những quảng trường rộng lớn, trên đó các ngưòi đi bộ xếp hàng hai khắp tứ phía. Tiếp theo các người đi bộ là những cửa hiệu với các tủ kính lớn sáng loáng chứa đầy hàng hóa, trong đó là những người bán và những người mua có vẻ mặt băn khoăn; là những trường học và những sân trường đã thấy nhiều bóng áo trắng và khăn quàng đỏ của các học sinh nôn nóng nhất, thường đến trường rất sớm trong ngày thi; và những nhà hát, những câu lạc bộ, những nhà máy, những tòa nhà đồ sộ tươi màu gạch đỏ đang xây dựng, được ngăn cách với các người qua đường bằng những hàng rào ván ghép cao và bằng những vỉa hè lát gỗ hẹp.
Thế rồi chiếc xe tải của Vônca từ từ đi ngang qua rạp xiếc, một tòa nhà bí ẩn không cao lắm, có mái vòm hình tròn màu gạch. Trên tường rạp xiếc bây giờ không có những tấm bảng quảng cáo hấp dẫn với hình các con sư tử màu vàng tươi và các cô gái đẹp đứng duyên dáng một chân trên lưng những con ngựa đẹp không thể tả được. Trong dịp hè, đoàn xiếc chuyển đến Công viên Văn hóa và nghỉ ngơi, biểu diễn trong cái nhà bạt khổng lồ. Cạnh cái rạp xiếc bỏ trống không xa, chiếc xe tải vượt qua chiếc ôtô buýt màu xanh da trời chở những khách tham quan. Ba chục em nhỏ xếp hàng hai, nắm tay nhau đi trên vỉa hè và dõng dạc hát đồng ca, giọng lanh lảnh nhưng chẳng đều: “Chúng ta đâu cần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ! ..”. Có lẽ đây là các em ở vườn trẻ đang dạo chơi trên đại lộ… Trước mắt Vônca lại chạy qua những trường học, những hiệu bánh mì, những cửa hàng, những câu lạc bộ, những nhà máy, những rạp chiếu bóng, những thư viện, những khu nhà mới…
Thế rồi chiếc xe tải, xịt khói và thở phì phò mệt mỏi, đã đỗ lại trước cổng khu nhà mới của Vônca. Mấy bác công nhân khuân vác khéo léo chuyển đồ đạc vào nhà, rồi lên xe đi.
Sau khi mở một cách vất vả những thùng đựng các thứ cần thiết nhất, bố nói:
– Những thứ còn lại, chúng ta sẽ xếp đặt nốt khi đi làm về.
Và bố đến nhà máy.
Mẹ cùng với bà bắt đầu lấy nồi niêu bát đĩa ra, còn Vônca thì quyết định chạy ra sông một lát. Quả là bố đã cấm Vônca không được ra sông tắm mà không có bố đi cùng vì sông ở đây rất sâu, nhưng Vônca đã nhanh chóng tìm được cách bào chữa cho mình:
“Ta cần phải đi tắm để cho đầu óc được thảnh thơi. Làm sao ta lại có thể đi thi với cái đầu óc bí rì rì được! ”
Thật là lạ, bao giờ Vônca cũng biết nghĩ ra cách bào chữa khi cu cậu định làm những việc bị cấm đoán! …
Có một con sông ở gần nhà quả là hết sức tiện lợi. Vônca nói với mẹ rằng nó đi ra bờ sông để học bài địa lý, và quả thực nó đã định lật các trang sách giáo khoa chừng mươi phút. Nhưng lúc chạy đến bờ sông, không chậm một phút, Vônca đã cởi quần áo và lao xuống nước. Trên bờ không có một bóng người. Điều này vừa hay lại vừa dở. Hay vì chẳng ai có thể ngăn cản Vônca tha hồ vùng vẫy. Dở là vì không ai có dịp thích thú xem nó bơi đẹp, nhẹ nhàng ra sao và đặc biệt nó lặn giỏi như thế nào.
Vônca bơi và lặn cho đến khi mệt lả. Bấy giờ, nó quyết định rằng thế là đủ, đã trèo hẳn lên bờ rồi, nhưng nó nghĩ lại và cuối cùng lại lặn thêm một lần nữa, xuống chỗ nước trong veo mát rượi, ánh nắng ban trưa rực rỡ rọi tới tận đáy.
Đúng vào lúc Vônca đã tính ngoi lên mặt nước, tay nó bỗng chạm phải một vật gì đó thuồng thuồng ở dưới đáy sông. Vônca vớ luôn vật ấy và ngoi lên ở ngay cạnh bờ. Trong tay nó là một cái bình gốm phủ rêu nhầy nhụa, hình thù nom rất lạ. Có lẽ Vônca đã mò được một cái bình cổ. Miệng bình được trám chặt bằng một chất nhựa màu xanh lá cây, trên đó có đóng một cái gì trông tựa như dấu ấn.
Vônca ước lượng sức nặng của cái bình. Cái bình khá nặng, và Vônca đứng ngây người.
Một kho báu! Một kho báu chứa những vật cổ xưa có ý nghĩa lớn lao về mặt khoa học!… Tuyệt quá!
Mặc vội quần áo, Vônca lao nhanh về nhà để mở bình ra ở một cái xó vắng vẻ.
Trên đuờng chạy về nhà, trong đầu Vônca đã kịp hình thành một cái tin sáng mai nhất định sẽ xuất hiện trên tất cả các báo. Thậm chí, nó còn nghĩ cho cái tin đó một đầu đề: “Em thiếu niên tiền phong giúp ích cho khoa học”. Nội dung tin đó như sau:
“Hôm qua, em thiếu niên tiền phong Vlađimia Côxtưncốp đã đến đồn công an N. và trao cho người trực ban một kho báu gồm những vật hiếm cổ xưa bằng vàng mà em đã tìm thấy dưới đáy sông, tại một nơi rất sâu. Kho báu đã được các đồng chí công an chuyển cho Viện Bảo tàng Lịch sử. Theo những nguồn tin đáng tin cậy, Vlađimia Côxtưncốp là một tay lặn tài ba”.
Lén qua nhà bếp, nơi mẹ dang chuẩn bị bữa ăn trưa, Vônca lao vào phòng nhanh đến nỗi suýt nữa thì gãy cả chân: nó vấp phải cây đèn chùm chưa kịp treo lên. Đó là cây đèn chùm trứ danh của bà. Xưa kia, từ hồi trước cách mạng, ông nội quá cố đã tự tay sửa chiếc đèn dầu thành cây đèn chùm. Đó là vật kỷ niệm của ông mà không bao giờ bà rời xa nó. Vì treo nó ở phòng ăn không được đẹp lắm nên mới dự định treo nó ở chính cái phòng mà Vônca vừa lẻn vào. Một cái móc sắt to tiếng đã được đóng trên trần để treo cây đèn chùm đó.
Vừa xoa chỗ đầu gối bị bầm, Vônca vừa khóa trái cửa lại. Sau đó, nó móc trong túi ra một con dao nhíp và run run vì hồi hộp, nó cạy cái dấu ấn ở miệng bình.
Đúng lúc ấy, cả căn phòng bỗng mịt mù khói đen hăng hắc, rồi một cái gì đó tựa một vụ nổ không phát ra tiếng đã hất tung Vônca lên trần nhà và nó bị mắc quần vào đúng cái móc định dùng để treo cây đèn chùm của bà nội.
—
(1) Tức Vônca, gọi nguyên cả tên và họ
CHƯƠNG 3 – ÔNG GIÀ KHỐTTABÍT
Trong lúc Vônca đu đưa trên cái móc, cố tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra, thì đám khói tan đi đôi chút và Vônca bỗng phát hiện ra rằng ở trong phòng, ngoài nó ra, còn có một người nữa. Đó là một ông già nhỏ nhắn, gầy nhom, nước da ngăm ngăm, râu dài đến tận thắt lưng, đầu đội khăn xếp rất đẹp, mặc chiếc áo dài len mỏng màu trắng (trên áo có thêu những đường chỉ bằng vàng, bằng bạc rất sang trọng) và chiếc quần lụa ống rộng trắng tinh, đi đôi giày da dê thuộc màu hồng nhạt có mũi vểnh cao.
– Hắt xì! – Ông già hắt hơi đến váng óc và phủ phục – Xin chào cậu, hỡi cậu thiếu niên xinh đẹp và thông minh!
Vônca nheo mắt rồi lại mở mắt ra: không, ông già lạ lùng ấy quả thật không phải do Vônca tưởng tượng ra. Đấy, ông ta vẫn còn quỳ, vừa xoa xoa hai bàn tay khô khốc, vừa trố cặp mắt thông minh và tinh anh, không phải của một người già, để nhìn các thứ đồ đạc trong phòng của Vônca, dường như đấy là những thứ kỳ quan nào đó.
– Ông từ đâu đến vậy? – Vônca thận trọng hỏi, nó vẫn đu đưa chậm chạp ở tít trần nhà như một con lắc – Ông… ông ở nhóm nghệ thuật nghiệp dư đến phải không ạ?
– Ồ không, hỡi ông chủ trẻ tuổi của ta! – Ông già trả lời một cách cầu kỳ, vẫn tiếp tục quỳ ở cái tư thế bất tiện và hắt hơi dữ dội – Ta không phải ở nước Nghệ thuật nghiệp dư” mà ta chưa hề biết. Ta chui ra từ chính cái bình đáng nguyền rủa ba lần này.
Nói chưa dứt lời, ông già đứng phắt dậy, lao ngay đến cái bình đang nằm lăn lóc ở gần đó và vẫn bốc ra một làn khói nhỏ, rồi ông ta giận giữ, giẫm đạp nó cho tới lúc nó biến thành một lớp mảnh vụn phẳng lỳ. Sau đó, ông già rứt một sợi râu kêu đánh “tưng”, ngắt sợi râu ấy ra, thế là những mảnh bình bùng lên một ngọn lửa xanh kỳ lạ. Chỉ trong khoảnh khắc, chỗ mảnh vụn đó đã cháy sạch, không để lại chút dấu vết nào.
Nhưng Vônca vẫn còn nghi ngờ.
– Làm sao lại có chuyện ấy được? … – Nó kéo dài giọng – Cái bình bé thế kia, còn ông thì… khá lớn.
– Mày không tin hả, hỡi cái thằng đê tiện kia? – Ông già quát lên với vẻ hung dữ, nhưng liền tự chủ được, lại quỳ ngay xuống và đập trán xuống sàn nhà mạnh tới mức nước trong bể nuôi cá sóng sánh rõ rệt và những con cá nhỏ đang ngủ hoảng sợ bơi tới bơi lui. – Xin hãy tha lỗi cho ta, hỡi vị cứu tinh trẻ tuổi của ta, nhưng ta vốn không quen để cho người khác nghi ngờ những gì mà ta nói. Hỡi cậu thiếu niên may mắn nhất trong tất cả các cậu thiếu niên, cậu nên biết rằng ta, không phải ai khác, mà là một vị Gin hùng mạnh, tiếng tăm vang lừng khắp thế gian, tên là Gátxan Ápđurắcman ibơnơ Khốttáp, tức là con trai của Khốttáp.
Mọi chuyện lý thú đến nỗi Vônca thậm chí quên mất cả việc nó đang bị treo tòn ten ở cái móc đèn trên trần nhà.
– Gin? – Vônca hỏi. – Gin hình như là một thứ rượu Mỹ (1) phải không ạ?
– Ta không phải là một thứ rượu, hỡi cậu thiếu niên tò mò kia! Ông già lại nổi nóng, nhưng sực nhớ ra và lại tự chủ được – Ta không phải là một thứ rượu, mà là một vị thần hùng mạnh không hề biết sợ là gì và trên thế gian này không có một phép lạ nào mà ta không làm nổi. Như ta đã hân hạnh báo cho cậu biết, tên ta là Gátxan Ápđurắcman ibơnơ Khốttáp, hay gọi theo kiểu ở nước cậu là Gátxan Ápđurắcman Khốttabôvích (2). Hãy nói tên ta với bất cứ một lão ifrít (3) hay một lão gin nào cũng được, cậu sẽ thấy lão ta run lên cầm cập và nước bọt trong mồm lão sẽ khô lại vì sợ hãi. – ông già thao thao nói tiếp – Ta đã gặp một chuyện kỳ lạ! – hắt xì! – Chuyện này đáng ghi chép lại để răn dạy người đời. Ta, một ông thần bất hạnh, đã chống lại vua Xalômông con trai của Đavít – cầu chúc cả hai vị đều bình an! Em trai ta là Ôma Iuxúp con trai của Khốttáp cũng chống lại Xalômông. Xalômông liền sai tể tướng của mình là Axáp con trai của Barakhia đến bắt anh em ta. Sau đó, Xalômông con trai của Đavít – cầu chúc cả hai vị đều bình an! – đã ra lệnh mang đến hai cái bình: một cái bằng đồng và một cái bằng gốm. Xalômông đã giam ta vào cái bình gốm, còn em ta thì bị giam vào cái bình đồng. Xalômông đã trám cả hai cái bình và đóng lên chỗ trám dấu ấn có khắc tên Đức Ala (4), cái tên vĩ đại nhất trong tất cả các tên. Sau đó, Xalômông ra lệnh cho các vị thần mang anh em ta đi và họ ném em ta xuống biển, còn ta thì bị ném xuống con sông mà cậu, hỡi vị cứu tinh may mắn của ta, – hắt xì, hắt xì! – đã vớt ta lên. Cầu chúc cậu sống lâu muôn tuổi, hỡi… Hãy tha lỗi cho ta, sẽ hân hạnh biết bao nếu biết được tên cậu, hỡi cậu thiếu niên đáng yêu nhất!
– Tên cháu là Vônca. – Nhân vật chính của chúng ta trả lời, vẫn tiếp tục đu đưa chậm chạp trên trần nhà.
– Còn tên người cha của cậu, cầu chúc ông được may mắn mãi mãi! Hãy nói cho ta biết cái tên trìu mến nhất của ông, bởi vì ông – con người đã hiến cho thế gian người nối dõi rất đáng kính – thực sự xứng đáng với lòng yêu mến và lòng biết ơn to lớn.
– Tên bố cháu là Alếchxây. Còn tên trìu mến… trìu mến nhất của bố cháu là Aliôsa, Aliôsenca…
– Hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa, cậu thiếu niên ưu tú nhất trong tất cả các cậu thiếu niên, ngôi sao của lòng ta, cậu nên biết rằng từ nay trở đi, ta sẽ thực hiện tất cả những gì cậu ra lệnh cho ta, bởi vì cậu đã cứu ta khỏi nơi giam cầm khủng khiếp… Hắt xì!
– Tại sao ông lại hắt hơi suốt thế? – Vônca hỏi, làm như mọi thứ khác nó đã biết tỏng cả rồi.
– Mấy nghìn năm bị giam cầm ở nơi ẩm ưót, trong cái bình lạnh lẽo nằm dưới nước sâu, không hề có ánh mặt trời ấm áp, đã làm cho ta, kẻ đầy tớ không xứng đáng của cậu, mắc cái bệnh sổ mũi khủng khiếp này. Hắt xì! Hắt xì!… Nhưng đó chỉ là chuyện hết sức vặt vãnh, không đáng được hưởng sự quan tâm vô cùng quý báu của cậu. Hãy sai khiến ta đi, hỡi ông chủ trẻ tuổi! – Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp kết luận với vẻ sốt sắng, ngẩng đầu lên, nhưng vẫn tiếp tục quỳ.
– Trước hết, xin ông hãy đứng dậy cho. – Vônca nói.
– Lời nói của cậu là một đạo luật đối với ta! – Ông già nhún nhường trả lời và đứng dậy – Ta chờ đợi những mệnh lệnh tiếp theo của cậu.
– Còn bây giờ, – Vônca rụt rè nói – nếu việc này không làm phiền ông lắm thì… xin ông làm ơn… dĩ nhiên, nếu việc này không làm phiền ông lắm… Nói tóm lại, cháu rất muốn ở dưới sàn nhà.
Ngay lúc đó, Vônca đã ở bên dưới, ngay cạnh ông già Khốttabít (từ nay trở đi, chúng ta sẽ gọi người quen mới của chúng ta như vậy cho gọn). Việc đầu tiên của Vônca là sờ ngày cái quần dài. Cái quần lại hoàn toàn lành lặn!
Những phép lạ bắt đầu…
—
(1) Theo tiếng Arập, “gin” là một vị thần, nhưng Vônca lại tưởng lầm là rượu “gin”, một loại rượu đỗ tùng phổ biến ở Tây Âu và Mỹ
(2) “Khốttabôvích” (tiếng Nga) và “ibơnơ Khốttáp” (tiếng Arập) đều có nghĩa là “con trai của Khốttáp”
(3) một loại thần trong quan niệm của người Arập
(4) Thượng đế của những người theo đạo Hồi
Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp