Nửa chừng xuân

0
2034

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18Kế tiếp

Bàn việc nhà

-Quảng Cáo-

Năm giờ chiều, Mai về tới nhà. Người lão bộc đầu bạc phơ nghe tiếng Mai vội vã ra mở cổng. Con chó xồm trắng đã già yếu cũng chậm chạp bước theo sau, rồi lại gần Mai thong thả ve vẩy cái đuôi lông rụng xơ xác. Mai giơ tay vuốt ve con vật mà bảo người lão bộc.

– Tôi đói lắm, ông có gì cho tôi ăn không?

– Thưa cô, tôi đoán thế nào hôm nay cô cũng về, nên tôi đã thổi cơm chờ cô về cùng ăn.

– Nhưng có gì ăn không?

– Có rau muống với tương.

– Có muối nữa đấy?

– Muối thì bao giờ cũng có.

– Thế thì tốt lắm, chúng ta đi dọn cơm ăn cho xong bữa, tôi còn câu chuyện cần bàn với ông đây.

Lão bộc nghe cô chủ nhỏ muốn bàn việc quan hệ với mình thì lấy làm cảm động, chân tay run lập cập.

Cơm nước xong, dưới ánh lù mù ngọn đèn Hoa Kỳ đặt trên ngưỡng cửa, hai người ngồi nói chuyện ở ngoài thềm nhà trên. Mai ngẫm nghĩ đến công việc rất hệ trọng đã dự định nên ngập ngừng chưa dám ngỏ lời cùng người lão bộc, mà Mai kính mến như một người trong họ. Con chó già nằm dưới chân Mai, hình như cũng đoán rằng sắp xảy ra sư việc phi thường, đặt mõm lên liếm bàn tay Mai. Trong đêm tối, Mai ngắm cặp mắt sáng sủa của con vật trung thành, tưởng như có long lanh giọt lệ thì lấy làm cảm động vô cùng, cúi xuống thì thầm, như nói chuyện với một người bạn:

– Chúng ta sắp sửa phải rời mái nhà này rồi.

Con vật tuy không hiểu lời chủ, nhưng chắc cũng đoán được chủ đương có điều gì lo nghĩ, nên thong thả đặt mõm vào lòng chủ để tỏ ý an ủi. Còn người lão bộc thì cất giọng run run hỏi Mai:

– Cô định rời đi đâu vậy?

– Tôi sắp bán nhà đây, ông Hạnh ạ!

Ông lão hốt hoảng lo sợ:

– Cô bán nhà?

– Phải, tôi bán. Ông Hạnh ơi, đó cũng là một sự bất đắc dĩ. Ông tính ruộng vườn không còn, tiền của cũng không thì lấy gì ăn tiêu mà chả bán nhà?

– Không được, việc ấy tôi xin cô. Bán nhà đi thì còn đâu là nơi thờ tự cụ Tú. Tôi theo cụ Tú ngày cụ còn giàu có, nhờ cụ mà các cháu tôi đều biết dăm ba chữ. Trước khi cụ mất, cụ dối dăng giao cho tôi trông nom cô và cậu Huy. Việc ấy tôi nhất định không để tuỳ ý cô được.

– Vậy, ông để tôi chết đói hay sao?

Người lão bộc cúi đầu ngẫm nghĩ rồi nói:

– Thế này này, thằng cả nhà tôi đi lính khố đỏ, tôi được làng cấp cho mấy mẫu ruộng. Vậy có lẽ cũng đủ gạo ăn. Chưa cần phải bán nhà.

Mai cảm động chảy nước mắt, gượng cười đáp lại:

– Tôi cảm ơn tấm lòng tốt của ông…Nhưng còn việc học của em Huy thì ông nghĩ sao?

Người lão bộc gãi đầu suy nghì rồi hỏi:

– Phải có bao nhiều tiền?

– Ít ra cũng phải mỗi tháng một chục bạc.

– Thế thì khó lắm nhỉ?

– Vậy ta phải liều chứ biết sao. Rồi sau này em Huy làm nên có tiền, ta lại tậu đất, ta lại làm nhà ta hay hay ta lại chuộc lại nhà cũng được.

Ông lão Hạnh không trả lời, hai bàn tay ôm trán: ông ta đương cố tưởng tượng ra ở trong trí chất phác cái cảnh gia đình tan nát, cửa nhà cầm bán. Cái nhà này ông Hạnh đã ở hơn hai chục năm nay, từ ngày chưa có Mai và Huy, ông ta thuộc từng cái xà, cái rui, từng chỗ gỗ rác, gỗ mọt, từng viên gạch vỡ, từng gốc tường sứt, bây giờ ông sắp sửa phải rời nó để đi nơi khác, để nhường lại cho người chủ mới, họ đem đồng bạc đến mà cưới, mà chôn biết bao những kỷ niệm của một nhà, biết bao sự vui, sự buồn, sự mừng, sự giận của gần một trăm năm. Cái nhà ấy ông ta ở đã lâu ngày, nên coi như nhà của mình vậy. Nay thấy cô chủ ngỏ lời đem bán đi thì ông ta bỗng có cảm tưởng bị ức hiếp, bóc lột.

– Ông Hạnh!

Lão bộc nghẹn ngào, cất giọng khàn khàn:

– Cô bảo gì?

– Ông khóc đấy à? Ông dở hơi lắm. Can chi mà khóc. Nếu ông tĩnh tâm mà nghĩ kế giúp tôi thì còn hơn ngồi mà thương mà tiếc cái nhà này.

Ông lão trách Mai:

– Cô còn trẻ người non dạ lắm! Cô tính năm nay tôi ngoài sáu mươi tuổi đầu rồi, chả mấy chốc mà đã xuống lỗ…Rồi khi tôi gặp cụ Tú ở dưới đất, tôi biết ăn nói ra sao?

Mai gắt:

– Thôi, ông đừng ngăn tôi nữa, tôi đã quả quyết rồi.

– Còn cậu Huy? Việc này tùy ở cậu Huy chứ?

– Em Huy cũng bằng lòng rồi. Vậy chỉ nhờ ông có chút việc, ông tìm hộ tôi một người mua nhà.

– Cô nhất định như thế thì tùy cô. Nhưng ở làng ta, xem ra không mặt nào có tiền, mà dầu có tiền thì cũng chả ai nỡ mua nhà của cô.

– Ở làng ta không có ai thì ta sang bán cho người làng bên cạnh cũng được. Miễn là ta phải bán thật mau.

– Nhưng cô cũng phải để thong thả thì mới bán được giá chứ!

– Được giá là bao nhiêu?

– Cả đất lẫn nhà, bán rẻ cũng phải năm sáu trăm bạc.

– Tôi chỉ cần bán được độ bốn trăm thôi nhưng phải bán ngay.

– Làm gì mà vội vàng thế?

– Làm gì? Không thì em Huy phải đuổi, không thì…

Mai nghĩ đến món nợ của Lộc, nhưng cô tự lấy làm thẹn với lương tâm, nên không nói được dứt câu. Mỗi lần cô nhớ đến, muốn nhắn đến người cô gặp trên xe hỏa thì mặt cô nóng bừng, lưỡi cô díu lại. Lão bộc nói:

– Thưa cô không thì sao nữa?

– Không có tiền học trả cho em Huy thì em Huy bị đuổi chứ sao?

Hai người ngồi cúi mặt nhìn xuống sân suy nghĩ.

Mảnh trăng thượng tuần như cặp sừng trâu treo lơ lửng trên nóc nhà hàng xóm trông nhợt nhạt, có vẻ lãnh đạm vô tình. Tiếng bà chủ nhà láng giềng the thé tính tiền công tát nước với bọn điền tốt ở bên cạnh ngọn đền dầu, ánh sáng lấp loáng qua khe hàng rào tre khô nhắc người lão bộc nhớ tới cảnh trù phú tấp nập của nhà cụ Tú mươi năm về trước.

– Thế nào? Ông có tìm ra được ai không?

– Phải!

Ông lão thở dài đáp:

– Kể khắp vùng này dễ chi có ông Hàn ở làng bên.

– Vậy được rồi, ta đi ngủ sớm, mai cùng đến nhà ông Hàn nhé?

Ông lão lại thở dài, tức tối, thong thả đứng dậy xuống nhà ngang, để mặc cô chủ ở lại với con cho xồm. Mai mỉm cười cúi xuống hai tay ôm lấy đầu con vật rồi ghé vào tai nó nói thầm:

– Mày có biết không, ta sung suớng lắm!

Suốt đêm hôm ấy Mai trằn trọc không sao ngủ được, hết nghĩ đến em lại nghĩ đến người gặp gỡ trên xe hỏa. Cô đem trí tưởng tượng ra xếp đặt những cuộc tương lai. Nhiều cuộc đời cô bầy ra tới chỗ khó khăn, nghĩa là tới chỗ mà lương tri của cô cho không thể có được, thì cô lại mỉm cười xoá bỏ đi để bầy lại cuộc đời khác. Có một điều cô lấy làm bẽn lẽn; những cuộc đời dự định trong mộng tưởng của cô bao giờ cũng dính dáng với người mà cô thầm yêu nhớ.

Trong khi ấy, ở dưới nhà ngang, ông lão bộc, cũng đương loay hoay trở mình trên chiếc giường lát nứa tiếng kêu lạt sạt. Vì ông động nhắm mắt, lại thấy cụ Tú Lâm hiện lên đứng trước mặt. Lúc ban ngày mải công việc kia việc nọ, ông không nghĩ tới cụ nên không tưởng tượng ra được hình ảnh cụ. Song giữa đêm thanh vắng lại có sự xúc động tới cảm giác, trí não của ông lão chất phác làm việc ngấm ngầm ở trong khối não vẽ ra hệt được cái tướng mạo cụ Tú trong lúc sinh thời. Vì thế ông Hạnh càng tin rằng linh hồn người quá khứ về trách mắng ông ta.

Ông ta trông thấy rõ ràng cặp mi cau gần giáp nhau, đôi con mắt tròn xoe nhìn chòng chọc ông ta. Ông ta trở mình quay vào phía tường lấy hai bàn tay che kín mặt, nhưng vẫn trông thấy cặp mắt trợn ngược dữ tợn…Ông ta lẩm bẩm khấn thầm: “Lạy cụ, việc này thực không phải tự tôi!”

Tiếng gà nửa đêm trong khắp xóm như tiếng dương gian đến cứu nạn cho ông lão đương bị làn không khí nặng nề của cõi âm đè nén. Ông ta lóp ngóp dậy thắp ngọn đèn hoa kỳ, và lấy cái điếu cầy ra kéo luôn ba hơi, rồi ông ta để đèn đó ngồi nhìn chứ không dám lên giường ngủ nữa.

Gà gáy sáng lần thứ nhất, ông ta đứng dậy đi lấy gạo thổi cơm thì gặp Mai cũng đã ra sân rồi. Ông ta lại gần, cất giọng run run bảo Mai:

– Cô Mai nghĩ kỹ lại xem.

Mai hơi cau mặt:

– Tôi nghĩ cả đêm rồi. Bây giờ tôi càng quả quyết lắm.

Ông lão ra dáng không bằng lòng, lẳng lặng xuống bếp. Mai cũng theo xuống để thổi cơm. Trời hãy còn tối, ánh lửa vàng thấp thoáng chiếu vào cái đầu bạc phơ của ông lão già đổi ra sắc hồng hồng. Mai đương tò mò đứng ngắm nghĩ ngợi, thì ông lão ngửng đầu lên đăm đăm nhìn cô chủ rồi lùi lại một bước. Mai kinh hãi hỏi:

– Ông sao vậy, ông Hạnh?

Ông Hạnh vừa thở vừa đáp:

– Trông cô giống cụ Tú quá.

Mai mỉm cười:

– Mãi bây giờ ông mới biết?

– Đêm mới rồi, cụ Tú về, tôi trông cũng như cô.

Mai cười:

– Tại ông cứ nghĩ đến, nên nằm mộng đấy chứ gì.

– Rõ ràng tôi thức hẳn hoi chứ mộng mị thì còn nói gì nữa!

Mai vẫn cười:

– Tôi cũng thấy thầy tôi về, ông Hạnh ạ?

Ông lão bộc tỏ ý sợ hãi:

– Thế à? Vậy cô thấy những gì? Cô thử kể xem có giống những điều tôi thấy không.

Mai rất thông minh, biết rằng ông lão bộc ý tưởng chất phác hay mê tín quỉ thần, nên ngày nghĩ thế nào, đêm mộng đấy thế. Cô liền bịa ra chiêm bao để yên lòng ông ta. Cô xếp đặt câu chuyện cho có đầu đuôi rồi nói:

– Tôi thấy cụ về. Cụ tươi cười bảo tôi nên bán nhà để lấy tiền nuôi em Huy ăn học. Rồi cụ lại biến ngay.

– Thế à? Cô thấy thế à? Tôi thì tôi thấy cụ về trợn mắt, tôi sợ hãi quá.

Mai cười:

– Phải rồi! Cụ giận ông, vì ông cứ can ngăn không muốn để tôi bán nhà đấy chứ gì?…

– Nếu vậy, ta ăn cơm sớm để đi ngay, vì từ đây đến làng ông Hàn Thanh đường dài một thôi, mà nếu ta muộn thì chỉ sợ bà Hàn lại đi coi đồng áng rồi thì nhỡ hết công việc. Mai tỏ ý ngạc nhiên:

Lão bộc cười:

– Nào có thế được! Công việc mua bán ông Hàn giao cả cho bà ba, bà ba mà đi vắng thì ông Hàn vị tất đã dám cả quyết.

– Vậy thì ta ăn cơm mau để đi cho sớm.

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận