Những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn – Tác giả: Nikolay Nosov

0
2524

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29Kế tiếp

Chương 3

-Quảng Cáo-

Mít Đặc học vẽ 

Thuốc Nước là một họa sĩ có biệt tài. Lúc nào chú cũng mặc chiếc áo khoác dài thõng. Chỉ việc nhìn chú đứng trước giá vẽ, mình bận chiếc áo khoác, tay cầm cái bút và mớ tóc dài hất ra đằng sau cũng đủ hiểu rằng đó là một họa sĩ thực sự. 

Bởi vì không có ai ưa nghe nhạc của chú, cho nên Mít Đặc đã quyết định bước vào nghề hội họa. Chú đến tìm Thuốc Nước và bảo: 

– Cậu nghe đây, Thuốc Nước ạ, mình muốn trở thành họa sĩ, cậu cho mình xin một cái bút và ít mực màu. 

Thuốc Nước vốn không phải là người bủn xỉn, liền lấy cái hộp màu cũ và một cái bút đưa cho Mít Đặc. Cũng đúng hôm ấy, Tịt Mũi đến thăm Mít Đặc. Mít Đặc nói: 

– Cậu đến thật đúng lúc, cậu ngồi xuống đây để mình vẽ chân dung cho. 

Tịt Mũi vui lòng ngồi xuống ghế và Mít Đặc bắt tay ngay vào việc. Để cho tranh vẽ cậu bạn được toàn mỹ, chú lấy những màu đẹp nhất: chú vẽ một cái mũi đỏ hồng, một đôi tai xanh nhạt, cặp môi xanh thẫm và đôi mắt màu da cam. Tịt Mũi sốt ruột muốn nhìn tí xem sao nên cứ cựa quậy hoài trên ghế. 

Mít Đặc cảnh cáo chú: 

– Đừng động đậy, nếu không thì mình không bảo đảm là sẽ vẽ giống cậu đâu. 

– Hiện giờ đã giống mình chưa? 

– Bây giờ thì giống đích cậu rồi! – Mít Đặc đáp và lại vẽ thêm một bộ ria to màu tím. 

Bức họa vừa xong, Tịt Mũi đã lao tới: 

– Cho mình xem nào! 

Mít Đặc cho phép bạn ngó. 

Tịt Mũi giương mắt hết sức ngạc nhiên: 

– Cậu bảo thế mà giống mình à? 

– Hoàn toàn giống. 

– Tại sao mình không có ria cậu lại vẽ ria cho mình? 

– Nhưng… mà vì rồi nó sẽ mọc. 

– Còn cái mũi đỏ? 

– Chà, để cho cậu đẹp trai hơn. 

– Tại sao cậu lại vẽ tóc mình xanh da trời? Tóc mình có xanh thế đâu? 

– Ừ, xanh da trời nếu cậu không thích thì mình có thể làm cho nó thành xanh lá cây ngay. 

Tịt Mũi la lên: 

– Bức tranh này tồi lắm, tớ xé nó đây. 

– Ồ, ai lại đi phá một tác phẩm nghệ thuật? 

Tịt Mũi định vớ lấy bức tranh, thế là hai chú đánh nhau, ầm ĩ đến nỗi Biết Tuốt phải chạy đến, cùng với bác sĩ Thuốc Viên và các chú tí hon khác. 

– Sao hai cậu lại đánh nhau? 

Tịt Mũi thét: 

– Các cậu làm trọng tài cho bọn mình. Cậu ấy vẽ ai vậy? Cóc phải là mình đâu! 

– Đúng rồi! Cậu ấy vẽ cái gì à? Một thằng bù nhìn giữ dưa. 

Mít Đặc giải thích: 

– Các cậu không đoán ra nổi bởi vì mình không ghi rõ là mình vẽ ai. Mình sẽ viết ngay lập tức, thế là hai năm rõ mười. 

Chú lấy cái bút chì và kẻ chữ: “Tịt Mũi” bằng những chữ in thật to vào dưới bức tranh rồi chú treo lên tường và nói: 

– Mình treo lên đây cho mọi người đều thấy. 

Tịt Mũi nói: 

– Mình bảo cho cậu biết trước là khi nào cậu đi ngủ, mình sẽ đến lấy xuống và xé đi đấy. 

– Đêm nay mình sẽ không đi ngủ để canh. – Mít Đặc trả lời. 

Tịt Mũi tức giận bỏ về nhà còn Mít Đặc tối đó không đi ngủ thật. Khi mọi người đã ngủ, chú lấy mực màu và cặm cụi vẽ. Chú vẽ chú Tròn Xoay người béo tròn suốt cả bề ngang tờ giấy; chú Nhanh Nhảu thì có bộ giò gầy như que tăm và có cái đuôi như cái đuôi chó, không hiểu vì sao? Chú thợ săn Viên Đạn thì đang cưỡi con chó Mực. Còn bác sĩ Thuốc Viên thì chú vẽ vào giữa mặt một cái nhiệt kế để thay cho chiếc mũi. Và Biết Tuốt thì ghê gớm hơn, được tặng một đôi tai lừa. Những bức chân dung ấy nói chung vẽ rất buồn cười, và kỳ quặc. 

Sáng ra, Mít Đặc đem treo lên tường và ghi tên các chú bên dưới các bức tranh: thế là căn buồng trở thành một phòng triễn lãm thực sự. 

Bác sĩ Thuốc Viên tỉnh dậy đầu tiên; trông thấy các bức tranh, chú liền phá lên cười. Chú cho là nét vẽ rất khá, chú đeo kính vào rồi lại gần, đi từ bức này qua bức khác; chú ngắm nghía mãi, miệng không ngớt cười. 

Chú nói: 

– Hoan hô Mít Đặc! Mình chưa bao giờ no cười đến thế. 

Rồi cuối cùng chú dừng lại bên bức chân dung của mình và cất giọng hỏi nghiêm nghị: 

– Người nào đây? Chắc cậu sẽ bảo là mình đây chứ gì? Không, cóc phải mình đâu! Bức tranh này thất bại rồi, cậu bóc ngay nó đi thôi. 

– Không, cứ để nó đấy! – Mít Đặc đáp. 

Bác sĩ Thuốc Viên không hài lòng: 

– Được, mình thấy cậu đã ốm rồi đấy: chắc là mắt cậu bị đau cái gì cho nên cậu mới vẽ một ống nhiệt kế vào chỗ cái mũi của mình. Chiều nay, mình sẽ cho cậu uống thuốc tẩy. 

Món thuốc tẩy thì Mít Đặc không tài nào chịu nổi cho nên chú phản đối: 

– Đừng làm thế, bây giờ mình đã rõ rồi, bức tranh này hỏng. 

Vừa nói, chú vừa hạ bức tranh xuống và xé nát. 

Chú thợ săn Viên Đạn là người ngủ dậy thứ hai và đứng trước các bức chân dung, chú rất lấy làm khoái chí. Chú cười ngặt cười nghẽo. Nhưng rồi chú đứng sững lại khi thấy bức tranh vẽ chú và chú bực mình ngay. 

Chú quát tháo: 

– Cái này tồi quá, hỏng quá. Cậu phải tháo nó ngay lập tức! Nếu không tớ không cho cậu cùng đi săn nữa. 

Đích thị là Mít Đặc còn muốn đi săn nữa cho nên chú vội vàng tháo bức tranh xuống. 

Đối với các chú tí hon khác cũng xảy ra câu chuyện tương tự. Chú nào cũng cười trước chân dung của kẻ khác nhưng thảy đều nổi xung lên khi thấy bức họa vẽ mình. 

Người ngủ nhiều nhất là Thuốc Nước, chú bao giờ cũng thức dậy muộn nhất. Vừa trông thấy bức chân dung của chú ở trên tường, chú đã nổi cáu. Thế mà là một bức chân dung ư? Thật là phản nghệ thuật! Một sự bôi bác bẩn thỉu, không hơn không kém. Chú vớ lấy, xé ra và bắt Mít Đặc trả lại bút vẽ và các mực màu. 

Bây giờ chỉ còn lại bức tranh của Tịt Mũi, Mít Đặc ôm trong tay và đem đến nhà bạn. 

– Tịt Mũi, nếu cậu thích tấm chân dung này thì mình cho cậu đấy. Chúng ta xử hòa với nhau nhé. 

Tịt Mũi xé vụn bức tranh. 

– Đồng ý là chúng ta xử hòa nhưng nếu cậu lại giở trò ra thì sẽ sinh chuyện đấy. 

Mít Đặc đáp: 

– Mình sẽ không bao giờ vẽ nữa. Mình mất công vẽ mà chẳng ai nói một lời cám ơn, ai cũng bất bình và gây sự với mình. Không, mình chả thèm làm họa sĩ nữa đâu!

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29Kế tiếp