Ba Trà đã gián tiếp hoặc trực tiếp đẩy hàng chục những tay tỷ phú, trọc phú đương thời của Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh vào con đường sa đọa, dẫn họ tới chỗ phá sản.
Ở đất Sài Gòn khoảng thời gian từ 1925 cho đến 1945 nổi lên bốn người đàn bà được liệt vào hàng “tứ đại mỹ nhân” trong phường buôn phấn bán hương, gồm: Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương và Lucie B. Người nổi trội nhất thuộc hàng “tứ đại mỹ nhân” này là Ba Trà.
Chính cô gái trải qua 2 đời chồng dang dở ở tuổi 16, xuất thân nghèo hèn ấy, sau một thời gian đặt chân lên đất Sài Gòn, đã gây ra bao cuộc tình tiền ăn chơi thâu đêm suốt sáng, làm khuynh đảo chốn phù hoa xa xỉ. Ba Trà đã gián tiếp hoặc trực tiếp đẩy hàng chục những tay trọc phú, tỷ phú đương thời của Nam Kỳ vào con đường sa đọa, dẫn họ tới chỗ tán gia bại sản vượt quá sức tưởng tượng trong mắt người đời.
Tuổi thơ thất học
Ba Trà được phong là hoa khôi của Sài Gòn thời ấy, một hoa khôi không mang vương miện trên đầu, nhưng quyền năng của sắc đẹp với sức tàn phá ghê gớm khiến bất cứ người nào từng biết về cô ta vào thời điểm ấy đều phải lắc đầu ngao ngán.
Ba Trà tên thật là Trần Ngọc Trà sinh năm 1906 tại Cần Đước, khi đặt chân lên đất Sài Gòn chỉ mới 14 tuổi, ra đi từ làng quê nghèo Cần Giuộc ở Long An. Từ khi sinh ra và lớn lên, Ba Trà ít học, chỉ biết đi chân đất, bắt ốc, hái rau, gánh nước. Hoàn cảnh gia đình sớm đổ vỡ, người cha mất sớm để lại con gái thứ hai của mình tên là Ngọc Trà cho một bà mẹ cũng ít học và nghèo khó nuôi nấng.
Thân phụ của Trà sinh trong một gia đình điền chủ khá giả ở Cần Đước, có vài chục mẫu ruộng ở Long An. Sau nhiều lần coi vợ, ông mới chấm được mẹ cô là người đàn bà có sắc đẹp, quê ở Cần Giuộc.
5 tuổi, Ba Trà đã phải hứng chịu sự hắt hủi từ cha, bởi sự ghen tuông và nghi ngờ cho rằng cô không phải là con ruột. Một lần khi tận mắt chứng kiến vợ và tình cũ gặp gỡ, ông bố đã căm phẫn đến độ thổ huyết, đột quỵ và đột ngột qua đời. Bà nội Trà quá đau xót trước cái chết của con trai nên cũng đột quỵ, mất theo.
Chứng kiến bi kịch tang tóc đó, người bác trai đại diện cho gia đình bên nội đã mắng chửi, hạ nhục mẹ của Trà, khiến bà này phải bế con ra khỏi nhà, về quê ngoại ở làng quê nghèo Cần Giuộc để tá túc.
Dường như đau thương tủi nhục đã khiến mẹ Ba Trà trở nên chai sạn, bà đổ lỗi cho cái chết của chồng và mẹ chồng là do sinh ra Trà. Mỗi lần lên cơn uất hận, bà lại lấy Trà làm nơi trút giận cho hả lòng hả dạ. Trà đau đớn khi hứng chịu những trận đòn củi quất rướm máu cùng những lời mắng nhiếc “đánh cho tiệt nòi đoản hậu” từ chính người mẹ đẻ của mình.
Ký ức về tuổi thơ đòn roi tủi hờn và tăm tối sau này vẫn ám ảnh Ba Trà ngay cả khi đã trở thành một hoa khôi đệ nhất trong giới ăn chơi của Nam Kỳ.
Quyền năng nhan sắc
Khi lên Sài Gòn cùng mẹ, Trà đi gánh nước mướn. Thời ấy người ta hay gọi cái nghề đó là nghề “Mari phông-tên” (nghĩa là các cô gái đi gánh nước mướn ở các phông-tên cấp nước công cộng trên các hè phố Sài Gòn). Nhưng cuộc đời của cô gái không bằng phẳng trôi theo cái kiếp làm thuê làm mướn, mà lại sớm vướng vào lưới tình ngay những ngày đầu đời.
Để cuộc sống bớt khó khăn, mẹ Trà đã đem gả bán con gái còn ở tuổi 14 vị thành niên cho một viên quan người Pháp tuổi gấp ba con mình, với giá vài chục đồng bạc thời ấy. Cuộc sống với viên quan Tây không kéo dài được bao lâu, do ông ta mãn hạn phải về Pháp. Nhưng nhờ thời gian này mà Ba Trà trổ mã, lột xác thành một gái 16 hấp dẫn.
Sau đó, Ba Trà trải qua thêm một đời chồng với một công tử người Hoa, rồi khi 18 tuổi Ba Trà cặp bồ và trở thành người tình của một bác sĩ giàu sụ có tiếng của Sài Gòn – Trần Ngọc Án, tuổi đã gần bảy mươi. Nhờ vào tiền của dồi dào và tiếng tăm cùng với sự huấn luyện của ông này, một cô gái thất học dưới đáy của xã hội, chỉ võ vẽ dăm ba tiếng Tây giả cầy như Ba Trà đã lột xác, ngoi lên góp mặt vào giới thượng lưu Sài Gòn lúc bấy giờ.
Sau đó, Ba Trà bắt đầu chán và bỏ bê người tình già để lao vào ăn chơi, cặp kè với những hạng đàn ông giàu có khác. Trong số này có những kẻ sành đời trong chốn “cuộc vui quen thói bốc rời” đã xúi Ba Trà bước ra chốn phù hoa. Kết quả là Ba Trà được một tú bà nạ dòng chấm điểm rồi dẫn dắt đi vào con đường bán sắc buôn hương. Có lẽ cái kiếp hồng nhan đã vận vào đời Ba Trà nên Ba Trà nhanh chóng biến thành một gái bao nổi tiếng trong giới ăn chơi trác táng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Ba Trà nổi lên như là một hoa khôi đa tình đầy ma lực, khiến cho giới công tử, đại phú Sài Gòn thuở ấy ngẩn ngơ trước nhan sắc lạ thường của cô Ba. Thời ấy là thời “hoàng kim” của những Bạch công tử Lê Công Phước George, Hắc công tử Trần Trinh Huy, vua cờ bạc Sáu Ngọ hay các ông phủ, ông hội đồng giàu nứt đố đổ vách của Sài Gòn và lục tỉnh Nam kỳ.
Nổi lên vào thời điểm thiên hạ sùng bái lấy tiền làm gốc và lạm dụng đồng tiền để trèo cao hay để vinh thân phì gia, tiếng tăm của cô Ba Trà nhanh chóng phất như cồn. Hầu như trong giới ăn chơi trụy lạc của Sài Gòn thuở ấy, những cái tên nằm lòng và nằm ở cửa miệng của mọi đàn ông là Ba Trà hoặc Sáu Hương, Tư Nhị…
Hắc công tử xứ Bạc Liêu, Bạch công tử của Mỹ Tho – hai công tử đốt tiền ăn chơi số một của đất Nam kỳ đã sớm là những tình nhân đầu ấp tay gối của Ba Trà. Công tử Bích, người một lúc chịu chơi tặng Ba Trà 70.000 đồng trong khi một lượng vàng thời đó chỉ khoảng 60 đồng.
Những ông phủ, ông hội đồng, các vua bất động sản, vua cờ bạc, các quan tòa đạo mạo, các tay cộm cán trong chính quyền thực dân thời ấy đều chết mê chết mệt vì nhan sắc của cô Ba Trà được mệnh danh là hoa khôi không vương miện. Lực lượng ăn chơi khét tiếng ấy có nhiều kẻ phải tán gia bại sản vì Ba Trà.
Thời ấy dân chơi Sài Gòn đặt cho biệt thự số 260 đường Richaud cái tên “nguyệt tiên cung” để ám chỉ “động tiên nữ” của Ba Trà. Nó là nơi thiêu đốt những gã đàn ông giàu sụ, háo sắc, si tình bằng 3 thứ vũ khí ghê gớm: thân xác Ba Trà và các mỹ nhân khác, hút á phiện và đánh bạc.
Các tay chơi ôm từng đống tiền tới “động tiên nữ” để vừa đánh bạc, vừa hút thuốc phiện, vừa ôm ấp mây mưa với người đẹp đệ nhất trong tay. Không một công tử, đại gia nào bước chân vào cái nguyệt tiên cung ấy mà có thể thoát khỏi sự mê hoặc của tấm thân cô Ba Trà, khói phù dung tiên nữ kèm theo những canh bạc đỏ đen. Những đại hào phú tiền của chất đống như núi cũng bị đốt không còn một ai.
Cỡ như Bạch công tử là tay chơi số một thuở ấy, tiền chất ngồn ngộn, cộng với vẻ bảnh bao, hào hoa phong nhã của một chàng công tử Mỹ Tho, được đời tặng cho hỗn danh là “Bạch công tử George Phước” lừng danh. Vậy mà, chỉ sau một thời gian vùi đầu trong nguyệt tiên cung, khi bước ra, thiên hạ phải giật mình trước dáng vẻ tiều tụy của anh chàng.
Về sau này, khi nhan sắc đã tàn phai thì chính Ba Trà đã thổ lộ với một tay ký giả của tờ báo kỳ cựu thời ấy rằng, chỉ cần thân xác của cô là đã có thể giết chết cả chục đại gia, thiếu gia háo sắc, chớ nói gì có thêm hai thứ độc địa khác là phù dung tiên nữ và thần đỏ đen. Vậy đó, nguyệt tiên cung với đủ ba món ăn chơi đốt tiền thì thử hỏi có tay chơi nào, thậm chí cỡ Hắc công tử, Bạch công tử mà không tán gia bại sản?
Theo ước lượng của dân Sài Gòn xưa, thì chỉ trong vòng mười năm nhan sắc đình đám của Ba Trà, một mình cô này đã nướng của gần hai chục tỷ phú với số tiền nếu quy ra vàng thời ấy thì phải vài chục ngàn lạng vàng. Ba Trà hầu như đổ hết tiền vào sòng bạc bởi thói đam mê trò đỏ đen.
Hắc công tử, Bạch công tử thi đốt tiền nấu chè để thể hiện với hoa khôi
Ba Trà, người đẹp mà cả 2 công tử đang cặp kè, từng được mời từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu làm trọng tài của cuộc tỉ thí “đốt tiền nấu chè”, với sự theo dõi của hàng trăm người hiếu kỳ. Do giấy bạc làm bằng loại giấy khó cháy, tỏa nhiệt không nhiều nên 2 công tử mất gần 1 giờ để nấu nồi chè.
Hắc công tử Bạc Liêu dại nên đốt những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn 100 đồng Đông Dương, còn Bạch Công tử chỉ đốt những tờ giấy bạc mệnh giá 10 đồng để thi nấu chè. Kết thúc cuộc thi, Bạch công tử lại chiến thắng. Hắc công tử thua, chỉ biết nói 1 câu cho đỡ quê: “Chú em mày nhỏ tuổi nên háo thắng, qua nhường cho chú em thắng đó”.
Theo giai thoại, Hắc công tử đã đốt hết 10.000 đồng Đông Dương mà vẫn thua, còn Bạch công tử chỉ đốt số tiền 1.000 đồng mà lại thắng nhờ khôn lanh, dùng tiền mệnh giá nhỏ.
Hắc công tử Trần Trinh Huy (trái) và Bạch công tử Lê Công Phước (phải) cùng mê đắm gái làng chơi cao cấp Ba Trà
Quyền năng chinh phục đàn ông giàu có nhờ bùa ngải?
Thuở ấy nhiều người đặt câu hỏi rằng Ba Trà quyến rũ được nhiều đàn ông phải chăng chỉ bởi cái nhan sắc của cô ta thôi hay còn cái bí quyết gì khác? Câu hỏi ấy chưa một ai trả lời chính xác, chỉ đến khi giai đoạn gần cuối đời Ba Trà thì mới có một kết luận: Ba Trà sở dĩ quyến rũ được đàn ông, khiến cho các tay chơi lừng lẫy như Bạch công tử, Hắc công tử, những trọc phú, quan chức mà tiền của họ có thể mua được hàng chục, hàng trăm những cô gái trẻ đẹp thuộc bất cứ hạng nào trong xã hội, vậy mà vẫn cứ lao vào làm con thiêu thân của cô Ba là do bởi một thứ, đó là bùa ngải.
Để chứng minh cho lời đồn này thì báo chí thời ấy cũng đã đưa ra những câu chuyện có thật về việc Ba Trà chơi bùa ngải. Vào khoảng thập niên ba mươi (1930 – 1940), Ba Trà bằng nhiều cách đã đi về xứ Xiêm La (tên gọi Thái Lan thời ấy). Mà cô Ba đi qua Xiêm để làm gì, bởi cô ta không hề buôn bán, cũng không phải là viên chức nhà nước để nói rằng đi công vụ, mà chỉ có một lý do: đi chuộc bùa, chuộc ngải.
Người hiểu chuyện của Sài Gòn xưa đã biết rằng sở dĩ Ba Trà phải cần tới bùa ngải là vì có vài người đã tư vấn cho cô ta rằng, muốn được đàn ông mê mệt và đắm say mình mãi mãi không rời thì không chỉ đơn giản là dùng nhan sắc và nghệ thuật yêu đương thôi, cái cần thiết phải là bùa ngải.
Mà thời ấy hễ nói tới bùa ngải thì người ta nghĩ ngay tới bùa Xiêm, ngải Miên. Vì Xiêm La thịnh hành các loại bùa chú rất hiệu nghiệm, còn ở xứ Miên (tức Campuchia ngày nay) là nơi có những thầy bùa thầy ngải thuộc loại cao tay ấn không nơi nào bì được.
Bởi vậy người ta không ngạc nhiên khi hay tin Ba Trà đã qua tận Xiêm La nhiều lần để tìm thầy ngải. Lúc cuối đời, khi nhan sắc đã tàn phai thì chính mồm Ba Trà đã thuật lại những chuyến đi thỉnh bùa, rước ngải ấy một cách cụ thể, không hề giấu giếm.
Chính cố học giả Vương Hồng Sển đã xác nhận lại chuyện này trong một số hồi ký của ông xuất bản trước khi ông mất, rằng ông đã được Ba Trà thuật lại chuyện ly kỳ quanh những chuyến đi thỉnh bùa thỉnh ngải của cô này:
“Muốn thỉnh được bùa mê ngải yêu thì phải tìm đúng được thầy mà phải là thầy Xiêm và nhờ họ giúp cho mình chuộc ngải bằng cách ngậm ngải vào thân thể theo hình thức: Đích thân Ba Trà đã thoát y khoe thân trong một phòng riêng với lão thầy ngải để vừa nghe lão đọc thần chú vừa để cho lão xông hương, mà hương ấy chính là ngải đốt lên để cho hương thấm vào da thịt. Phải làm lặp đi lặp lại cả chục lần như vậy trong suốt quá trình thỉnh ngải, để rồi sau đó khi được thầy cho là đã đạt yêu cầu, tức là ngải đã nhập vào người thì đem nó về áp dụng theo ý muốn”.
Muốn luyện bùa, luyện ngải tình, người đàn bà luyện ngải phải tắm rửa sạch sẽ, tuyệt đối không gần gũi đàn ông trong giai đoạn luyện. Người đàn bà phải thoát y nằm trên một chiếc giường, bên dưới có đặt một nồi xông hơi với hương liệu là những củ ngải đã được luyện thành.
Cũng theo lời thú nhận của Ba Trà thì chính việc cho ngải tình nhập vào thân thể như vậy cho nên bất cứ người đàn ông nào dù bản lĩnh tới đâu một khi đã ôm ấp, ăn nằm với Ba Trà thì tất cả đều mê đắm điên cuồng và sẵn sàng biến thành những con thiêu thân biết rằng lao vào ánh đèn hay ánh lửa sẽ chết mà vẫn cứ lao. Bất kỳ gã đàn ông nào ngửi phải hương ngải tình trên thân thể Ba Trà cũng đều chết mê, chết mệt không rời xa cô được.
Có một biến cố mà có lẽ Ba Trà cũng không ngờ tới được, đó là những chuyến đi tìm bùa thỉnh ngải ấy ở xứ Xiêm La đã khiến cho cô vướng vào một mối tình ở thủ đô của nước Xiêm là Vọng Các (tức Bangkok), để thêm vào danh sách hàng trăm mối tình trong tình trường dày dạn của Ba Trà.
Ngải tình phát huy tác dụng cực điểm
Người thời đó đồn rằng Ba Trà vướng vào lưới tình ở Vọng Các là với một cựu hoàng thân của nước Xiêm La. Ông này là một tay đại phú có nhiều quyền lực ở nước Xiêm nhưng cũng không tránh khỏi cơn lụy tình khi giáp mặt hoa khôi đất Sài thành, cho nên ông ta muốn lưu Ba Trà ở lại ở xứ sở Chùa vàng ấy.
Nhưng Ba Trà chẳng khác nào một con ngựa cái bất kham, nên làm sao cô chịu dừng chân và ghìm hãm cuộc đời mình chỉ với một người đàn ông, dẫu người đàn ông ấy tiền muôn bạc vạn thuộc loại tỷ phú, trọc phú ở nước Xiêm. Do vậy, cuối cùng Ba Trà đã khăn gói trở về Sài Gòn, để rồi tiếp tục những cuộc chơi trác táng thâu đêm với những tay chơi, những trọc phú đốt tiền xứ Nam kỳ.
Sau chuyến rước ngải trở về từ Xiêm ấy thì ngay cả tay vua cờ bạc của Sài Gòn lúc bấy giờ là Sáu Ngọ vốn chỉ mê cờ bạc và tiền hơn mê đàn bà, vậy mà cũng đã phải lụy tình với Ba Trà. Người ta đồn rằng ngải mê, bùa yêu trong thân thể Ba Trà đã phát huy tác dụng đến cực điểm của nó.
Năm tháng cuối đời của Ba Trà: túng quẫn, không người thân
Theo năm tháng, nhan sắc của Ba Trà qua tuổi xuân cũng dần tàn phai theo lẽ tự nhiên. Những công tử, đại gia trước kia theo đuổi cô ta cũng ít dần rồi mất hút. Ba Trà dĩ nhiên không còn tiền để cờ bạc.
Năm 1966, người ta tình cờ gặp Ba Trà đang làm công ở một tiệm trong Chợ Lớn ở tuổi lục tuần. Không có tài liệu nào nói về năm mất của Ba Trà, nhưng có thông tin bà này qua đời trong nghèo khổ và cô đơn ở gầm cầu thang của một chung cư tại Sài Gòn.
Thanh Phương