Nét Đẹp Đông Phương
Mỹ nhân tuyệt sắc – ái phi của vua bị trúng gian kế
Hoàng Đế Sũng-Tân đỡ chén rượu trên tay Quý-phi, ngài âu yếm nhìn tân-nhân rồi chúm chím ngâm:
“Bình sanh ngạo cốt lăng tằng thậm
Mỗi đáo đê đầu chỉ vị khanh”
Trẫm đi giao hiếu chuyến này là muốn thanh toán giang-sơn về một mối, để ngày mai đây, khi Đông-cung Hoàng-thái-tử ra đời được tận hưởng vinh quang, mà đó là điều Ái-khanh mong muốn. Ngài uống cạn chén rượu của người yêu quí nhất, trước khi lên đường.
Tiếng nhạc ngựa mỗi lúc một xa lần, cờ xí mỗi lúc một mờ đi, nhưng Hoàng-Quí-phi Lệ-Hoa còn tựa bên rèm trúc như một pho tượng.
Chao ôi! Cái buồn của người đẹp thật ra văn chương không thể nào tả cho hết được.
Nàng cứ đứng, cứ đứng vậy cho đến khi hoàng hôn xuống, để liên tưởng lại những ngày nào nàng được tuyển vào thâm cung, và nhờ cái nhan sắc lộng lẫy kiều mỵ nên được nhà vua rất sủng ái, thêm vào đó một tin mừng tuyệt đối, là Hoàng-hậu chưa có con trai, mà nàng lại sắp ngày sanh hạ.
Cái đặc điểm thứ hai của đời nàng là được Hoàng-hậu cũng thương yêu nàng như một người em gái. Không biết Hoàng-hậu có phải là người đàn bà khoan dung độ lượng hay không? Nhưng nhờ đức tánh nhu thuận của Quí-phi, nàng không như những người đàn bà khác được chồng yêu mà lên nước hỗn láo với Chánh-cung. Vì vậy nên Hoàng-hậu mến yêu Lệ-Hoa cũng không lạ.
Hôm nay nhà vua phải tự thân đi giao hiếu một nước lân-bang, mà mục-đích lại vì tương lai của mẹ con nàng, thật cái thâm ý của một ông vua đa tình như vậy nàng nói sao cho hết nỗi mừng lo.
Đã một tuần này, từ khi nhà Vua ngự du, Hoàng-hậu rất đỗi lo ngại cho Quí-phi, vì biết Quí-phi gần ngày sinh nở mà phải lo âu nên Hoàng-hậu để ý săn sóc sức khỏe của người bạn chung chồng ấy.
Trước điện Trinh-Tịnh của Hoàng-hậu đã vắng nay lại vắng hơn, vì bà thường qua cung Quí-phi để săn sóc và nói chuyện cho Quí- phi đỡ buồn đỡ nhớ.
Một hôm Hoàng-hậu và Quí-phi ngồi nói chuyện tâm tình, mà cái lệ người mình đã yêu thì trong câu chuyện quanh quẩn thế nào cũng lại nhắc đến người mình yêu. Vì thế nên hai chị em nói chuyện trên trời dưới đất chi một chặp, rồi Quí-phi cũng khơi chuyện nói đến đức Vua.
– Tâu Hoàng-hậu, từ ngày thần thiếp được vào chầu hầu Hoàng thượng, tiện thiếp lại được Hoàng-hậu mở lượng hải hà bao dung, quảng đại nên trong cung khuyết được trong ấm ngoài êm. Tiện thiếp lại được Hoàng-hậu thương yêu như em ruột, tiện thiếp thật không biết tâu lên lời gì để tỏ lòng tri ân Hoàng-hậu. Nhưng trong thời gian hơn một năm nay không biết có khi nào Hoàng-thượng phàn nàn tiện thiếp điều chi với Hoàng-hậu không? Tiện thiếp chỉ sợ lúc chầu hầu sơ suất mà ngu muội không biết chăng? Xin Hoàng-hậu chỉ vẽ thêm cho,
Nghe lâu, Hoàng-hậu tỏ vẻ cảm động. Bà dịu lời an ủi:
– Không khi nào Hoàng-thượng phàn nàn về tánh tình của em cả, trái lại Hoàng-thượng còn tán thán đức hạnh của em lắm. Chính chị cũng vậy, chị cũng phải công nhận em là một người hiền thục đoan chánh, biết ăn ở nhơn hậu. Thật Vua ta có phúc lớn mới được một vị Hoàng-Quí-phi xứng đáng như em. Nhưng có một điều..
Quí-phi nín thở để nghe Hoàng-hậu nói cho rõ, Hoàng-hậu nhìn Quí-phi với cặp mắt âu yếm, rồi bà chúm chím cười. Lệ-Hoa lo ngại.
– Nhưng Hoàng – thượng có bàn chơi với chị rằng: em thì chi cũng được cả, chỉ một điều bị cái lỗ mũi hơi tẹt. Hoàng-thượng lại ban: mũi tẹt là giống bần tiện không thể cao quí được.
Quí-phi choáng váng, trán nàng nổi lên từng giọt mồ hôi, nàng thấy như trời sụp xuống, rồi tối tăm cả lại. Hoàng-hậu hối hận cho sự lỡ lời của mình. Bà mới an ủi:
– Em hỏi thì ưng chị nói thật, mà nói thật thì em buồn như thế làm chị cũng ăn năn, nhưng chị có một cách làm cho em hết tẹt mũi liền. Em hãy bình tĩnh lại chị sẽ bày cho.
Quí-phi mừng quá, nàng tin tưởng ở lòng cao thượng của Hoàng-hậu, nên khi nghe Hoàng-hậu hứa sẽ bày cách làm cho hết tẹt mũi(?), Lệ-Hoa như người bệnh nặng vớ được linh dược, nàng trấn tĩnh ngay và chăm chú nghe.
Hoàng-hậu bảo:
– Chị có cách này làm hết mũi tẹt mà em lại duyên dáng thêm. Khi nào em hầu Hoàng-thượng thì em giả đò lấy khăn tẩm nước hoa phe phẩy trên mũi như che che vậy.
Hoàng-hậu vừa nói vừa lấy khăn bất tơ hồng che che trên mặt của Hoàng-hậu. Quí-phi quả thấy Hoàng-hậu để cái khăn ấy lên mặt lại càng tăng vẻ đẹp bội phần.
Thể rồi ngày đêm mài miệt, Quí-phi thêu vô số là khăn: màu hồng đậm, màu hồng lợt, màu trắng tinh như tuyết, màu xanh phớt như mây. Nàng sai người đi khắp lựa những thứ hàng mịn như tơ đâu-la-miên (một thử lụa rất mỏng mịn), nàng thêu đôi bướm đậu, đôi chim chung cành, cái nào cũng có ý nhị cả. Thêm vào đó mấy trăm chai nước hoa quí. Rồi nàng đứng trước gương chạm rồng, nàng phe phẩy cái khăn che che cái mũi, tự thấy mình duyên dáng thêm, lộng lẫy thêm, nàng càng cảm phục thâm ân và cao kế của Hoàng-hậu.
Tiếng lịnh phát, rồi tiếng ca khải hoàn, Quí-phi đón người yêu với hai nỗi mừng, vì lần này không sợ nhà vua chê mũi tẹt nữa.
Lại một tuần sau, đức vua xuống thăm chánh cung Hoàng-hậu.
Trong câu chuyện hàn-huyên, rồi đức vua cũng như Quí-phi tháng trước, nghĩa là ưa nói đến chuyện của người mình yêu, nên nhà vua nói đông nói tây chi lơ là rồi rốt cuộc cũng dỡ đến cái vấn đề Quí-phi; ban đầu theo lối xã giao, đức vua cũng tán thán Hoàng-hậu cẩn thận, sau cùng vua hỏi:
– Trẫm đi hơn một tháng Hoàng-hậu hay qua lại cung Quí-phi để chuyện trò cho Quí-phi đỡ buồn, thật thâm tình của Hoàng-hậu đối với Trẫm vô hạn. Nhưng không biết trong khi chị em tâm sự, Quí-phi có phàn nàn chi về Trẫm với Hoàng-hậu không?
– Muốn tâu bệ hạ, Quí-phi luôn luôn tán phục ơn cao đức dày của bệ hạ, khen ngợi bệ hạ là một vị minh quân thánh đế. Còn đối với Quí-phi, thì một niềm yêu cưng, Quí-phi thật không còn dám cao vọng chi hơn nữa.
Đức vua sung sướng hiện cả trên sắc diện. Phải, còn chi vui bằng được người yêu khen mình. Nhà vua uống cạn tuần rượu, hơi men đã chếnh choáng. Hoàng-hậu dịu dàng tâu tiếp:
– Nhưng có một điều…
Đức vua nín thở để nghe, hình như Thiên-tử khi nào cũng có tính đa nghi. Khi nghe đến chữ ‘nhưng có một điều’ thì nhà vua phát nghi. Thấy Hoàng-hậu ấp úng, Vua hỏi:
– Nhưng một điều chi hỡi Hoàng-hậu?
– Tâu bệ-hạ, Quí-phi có phàn nàn rằng, bệ-hạ hôi quá.
Vua đỏ mặt tía tai.
– Hừ, nó chê Trẫm hôi?
– Muôn tâu bệ-hạ, Quí-phi còn dại nên nói cũng quá lời, thần thiếp nghe mà phát tức.
– Nó chê Trẫm hôi sao ?
– Tâu bệ-hạ, Quí-phi nói: “Thiên-Tử chi mà hôi như mùi chuột chết”.
– Trời ơi! Vua hét lên, và truyền Thái-giám kêu đao phủ quân đem cờ lệnh tiễn qua ngay cung Quí-phi xẻo quách cái mũi, trong lúc Thái-giám đi rồi, vua mới bớt giận và bảo:
– À hèn chi một tuần nay nó qua hầu Trẫm, khi nào nó cũng bịt lỗ mũi và ướp nước hoa, con bé nầy láo thật, dám chê Trẫm hôi chớ.
LỜI BÀN:
Người đàn bà khi tình yêu và danh vọng bị kẻ khác chiếm mất, mà người ấy lại không một chút đạo đức, không sợ nhơn-quả tội bảo, thì thật không một việc ác chi mà họ không làm để hạ thủ tình địch, như bà Hoàng-hậu trong câu chuyện này.
Đáng tiếc thay! Giá như bà Hoàng-hậu kia biết đạo đức một chút, sợ nhân-quả tội báo một chút, để xoay cái thương giả thành cái thương thật, thì có phải danh lưu muôn thuở không? Có đâu đến nỗi tạo nên tội ác, tiếng độc ác đến nay vẫn còn, chị em phụ-nữ mỗi khi đọc đến câu chuyện này, không ai là không nguyền rủa con người gian ác kia vậy.
Những câu chuyện này còn cho chúng ta thấy: ngoài cái việc bà Hoàng-hậu độc ác kia ra; thì có hai nhân vật cùng một cái dại như nhau là: tại làm sao? Hai người (ông Vua và Quí-phi) tha thiết yêu nhau, mà không trực tiếp hỏi nhau, để chỉ cho nhau những điều lầm lỗi, mà lại tò mò đi hỏi kẻ khác? Vì cái dại ấy, nên kẻ trung gian mới có cơ hội dùng lời nói ly gián đôi bên, để trả thù riêng.
Câu chuyện trên thật là một bài học cho chúng ta thấy ‘cái tánh tò mò hay hỏi dò la’ là một cái nguy hại vậy.
Thích nữ Thể-Quán