Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12Kế tiếp
– X –
Cái quan điểm của nhà chuyên trách
Ta có thể nào tả cảnh nhà lục xì, nghĩa là phúc đường của những kỹ nữ, mà tuyệt nhiên không hề đả động gì đến vấn đề mại dâm không? Về vấn đề này, người ta viết cũng đã nhiều. Vậy mà cứ như tình hình hoa liễu hiện nay, viết nhiều thế nào tưởng cũng không sợ thừa, nói nhiều thế nào nữa tưởng cũng chưa là đủ.
Đối với một tay phóng viên, muốn phóng sự về mại dâm thì phải đi chơi bậy, đi lục tìm gái mại dâm ở các hang cùng ngõ hẻm. Nhưng sách luân lý không công nhận các hành vi ấy, mặc lòng nó là việc làm bổn phận mà nghề ta bắt phải làm. Cũng vì lẽ ấy, cái việc “điều tra phỏng vấn” cũng bị coi là một việc lấy cớ để đi chơi bậy, và sự tường thuật những điều ấy lên mặt báo cũng bị một số người coi là: nối giáo cho giặc, dâm uế, khiêu dâm, vân vân… Sở dĩ tôi nghĩ như vậy là vì nhớ đến những sự không may cho ông Việt Sinh, khi ông ta đăng thiên phóng sự Hà Nội ban đêm trong báo Phong hóa mà bị cái nông nổi và cái dã tâm của mấy tờ báo kết án.
Thật là đúng như lời của bác sĩ Coppin “Muốn bài trừ nạn hoa liễu, cái phương pháp hay nhất có lẽ là cấm đoán loài người trên mặt đất này không được làm cái điều mà do nó người ta sẽ mắc bệnh, nhưng thiên hạ chưa tìm được cách cấm đoán nào cả. Trong cuộc chiến đấu mà nhân loại nhất loạt đã đối phó với những bệnh phong tình, thì việc cổ động luân lý cũng là một thứ khí giới lợi hại, nhưng mà chỉ có công việc vào bậc thứ nhì, và có khi lại trái ngược với những phương pháp vệ sinh có công hiệu hơn luân lý nữa”. Chính thế. Đại khái như sự kêu la om sòm của những ông đạo đức giả hoặc đạo đức không phải đường, khi các ông viết bài Phong tình ca khúc của gái mại dâm, trích đăng vào sách này vậy.
Bây giờ đây, thiên phóng sự này đã đi đến cái đoạn đường không có không được của nó, là cái tiểu đề mục về… Hà Nội ban đêm, hay là Hà Nội Sodome [1], nghĩa là sự chơi bời của dân đất “nghìn năm văn vật”.
Nhưng tôi không phải đi “điều tra” các nhà săm, các tổ quỷ, ở những nơi ngõ hẻm hang cùng. Không cần phải đút lót bọn bồi săm, bọn phu xe đêm, cũng như không cần phải ôm ấp vào lòng những gái đĩ có môn bài hay gái đĩ lậu thuế, mà mới biết được cuộc đồi phong bại tục, hay là những cái tai hại của nạn mại dâm.
Tôi chỉ việc điều tra trong những sách vở thảo luận về vấn đề ấy…
Cái quan điểm của các nhà chuyên trách, tôi muốn nói: của các ông có trách nhiệm giữ gìn nòi giống, cả Pháp lẫn Nam… đại khái như các ông: Coppin, Joyeux, Le Roy des Barres v.v…
Trong vòng mươi, mười lăm năm nay, ông thần Bạch my đã hoành hành như thế nào tại đất Thăng Long? Những gái đĩ hạng nào, người giống gì, đã gieo rắc trong dân gian những bệnh tật của Vénus? [2]
Các nhà chuyên trách đã cắt đặt gái mại dâm làm hai hạng: giống da vàng, giống da trắng. Trong hàng da vàng, người ta phân loại theo như dưới đây:
1 – Gái đĩ có giấy (soumises) [3]
2 – Gái đĩ lậu (insoumises) [4]
3 – Cô đào (chanteuses).
4 – Gái nhảy ở các tiệm khiêu vũ.
5 – Con gái nghĩa là me tây.
Trong hạng đĩ da vàng, không phải chỉ có phụ nữ Việt Nam mà thôi, số đĩ nước “con trời” [5] cũng khá đông. Ngoài một vài ả có cầm giấy, còn vô số những ả tự đặt mình là đào nương (cô đầu Tầu) vẫn bán dâm ở những khách sạn lớn phố Hàng Buồm, phố Hàng Lọng, và chỉ tiếp khách người đồng chủng.
Mười năm trước đây, còn có đĩ Nhật Bản nữa. Khách làng chơi vẫn còn nhớ đến những cô kỹ nữ bé nhỏ mắt một mí ấy phần nhiều sạch sẽ, vô bệnh, rất có thú vị nhưng tiếc thay một đạo chỉ dụ của Nhật Hoàng gửi cho ông lãnh sự về vấn đề quốc thể đã cướp mất những bông hoa trà đất nước mặt trời mọc của thủ đô Đông Dương. Từ đây, chữ mousmés [6] bị xóa trong sổ cảnh sát con gái.
Gái đĩ có giấy
Đĩ có giấy là hạng đĩ có môn bài, phải vâng chịu mọi luật lệ nói rõ trong đạo nghị định ngày 3 Février 1921 [7]. Họ bị chia làm hai hạng, một hạng ở chung chạ các nhà thanh lâu, nghĩa là những nhà có số đỏ và hạng nữa ở nhà riêng mà khách làng chơi gọi là “cầm giấy riêng”.
Sự thực, những nhà số đỏ trong Hà Nội chỉ là những cái hang hốc bẩn thỉu, ẩm ướt, hôi hám.
Hồi ông Coppin còn trông nom nhà lục xì thì xã hội này chưa được văn minh tiến bộ. Có lẽ do thế nên gái thanh lâu hồi ấy phần nhiều là những đàn bà đã cao tuổi bẩn thỉu, hôi tanh, ghẻ lở, trong số ấy phần nhiều là đàn bà An Nam, vài cô khách lai, vài cô đầm lai.
“Trông thấy họ ở phúc đường, đó là cái nghèo đói hoàn toàn rách rưới, bệ rạc; nhưng mà tối đến, diện quần áo vào, đeo đồ nữ trang vào, một lượt phấn trát lên những mảng ghét, thì một vài ả đã hóa ra ngon lành, kháu khỉnh cho những con mắt mờ vì men rượu của khách làng chơi. Trong số đó, tựu chung cũng có một vài thị trông còn xuân: đó là bọn tập sự, họ chỉ mai kia đây thì cũng sẽ lâm vào cảnh hoa tàn nhị rữa. Chiều chiều, có những ả diện những bộ cánh kỳ lạ, có khi ăn mặc đầm nữa, thuê xe giờ mà đi kiếm khách: đối với cách quảng cáo đặc biệt ấy, Sở Cảnh sát có khi nhắm mắt làm ngơ, miễn sao các thị đừng có bén mảng đến phố Tràng Tiền. Theo những điều mách bảo đến tai tôi (lời ông Coppin) thì bọn mụ giầu được quyền tính tiền rất cao và cách đi ăn mảnh ấy; có lẽ do thế mà ở đây không có hạng đàn ông đỡ đầu (souteneur) cho họ, cái hạng ma cô [8] đặc biệt trong tất cả mọi cách mại dâm mà ta thấy ở Tây phương”.
Đến hồi ông Joyeux thì thanh lâu giới đã có sự thay đổi. Bác sĩ Joyeux cam đoan với ta đại khái rằng – quan tân, chế độ tân – thanh lâu tân, chế độ tân. Trong ngạch ấy, phái già đã nhường chỗ cho phái trẻ, vì những đĩ già đã bị thiểu số, chỉ còn trông nom công việc bếp nước trong các nhà số đỏ mà thôi.
Ngoài cái số hai trăm ả chịu theo luật lệ mại dâm, cái số đi trốn là từ ba trăm cho đến sáu trăm. Họ trốn nhà lục xì. Vì lẽ từ tỉnh này đến tỉnh khác thì ngạch cảnh sát xướng kỹ không có liên lạc gì với nhau cả nên chỉ bọn gái mại dâm mới trốn nhiều được như thế. Thí dụ một gái đĩ vẫn cầm giấy ở Hà Nội, đến lúc mắc bệnh, biết rằng không thoát khỏi một thời hạn bị giam trong phúc đường thì vội vàng xuống Hải Phòng, vào một nhà điếm chi nhánh mà “làm việc” như một gái đĩ lậu. Nhà chuyên trách không được ai thông tin cho, ban đội con gái ở Hải Phòng lại thiếu người hoặc bất lực, thế là cô ả trốn tránh kia cứ việc tự do đổ bệnh hoa liễu. Có khi, cũng vì lẽ ấy một ả đi trốn chỉ việc trốn ở… nhà bên cạnh một cái nhà số đỏ cũ, nó là một nhà đĩ lậu, hay một nhà săm. Đội con gái không có quyền vào khám xét, thị kia hết sức yên ổn. Điều ấy nghe như trái ngược, vậy mà sự thực là thế.
Gái đĩ lậu
Hạng này là người của đủ cả các giai cấp trong xã hội Việt Nam, nhưng ở cái cấp hạ lưu là phần nhiều. Họ vào nghề từ lúc còn trẻ lắm, mười hai, mười ba tuổi. Mặc lòng ước lượng con số cho thật đúng bao nhiêu là khó, người ta cũng nói độ năm, sáu nghìn. Sở Liêm Phóng nhận thực (từ xưa kia) là có hơn ba nghìn. Đem số bị bắt ra mà xét thì 92 phần trăm là có bệnh. Hạng đĩ lậu lại bị chia làm hai bọn:
1 – Bọn nhà nghề.
2 – Bọn lâm thời mà làm đĩ chốc lát.
Bọn nhà nghề thì bán dâm trong những nhà chứa lậu, những nhà mà có ban đội con gái biết lắm nhưng họ không có quyền vào bắt. Trong những nhà điếm kiểu ấy có cả các cô đầm lai, hoặc có khi cả đầm thật nữa. Khách làng chơi người Tây thường do bọn phu xe dắt đến những nhà ấy. Ngoài ra, có khi họ ở những nhà số đỏ hay là những nhà “chi điếm” lậu của những nhà số đỏ, vì rằng những nhà thanh lâu có môn bài thường có rất nhiều nhà lậu, trong đó gái mại dâm thoát khỏi thuế má và mọi sự phiền nhiễu của nhà chuyên trách gây với họ, mà bọn mụ giầu có thể vận tải một số gái không kể xiết nếu gặp lúc đắt hàng hay là trốn tránh dễ dàng những lúc nguy nan.
Những tiệm thuốc phiện cũng phụng sự mại dâm, vì ở những chỗ ấy người ta hẹn hò tán tỉnh nhau, bọn kỹ nữ có thể vừa hút thuốc phiện vừa làm việc.
Những nhà trọ, nhà săm, của chủ ta hoặc tây cũng vậy, mà bọn bồi thì là mối lái, mà khách làng chơi cũng yên thân như gái đĩ, không sợ bị cảnh sát làm phiền hà.
Gái đĩ lậu còn có nhà riêng, ấy là kể những ả nào phong lưu, có tiền thuê nhà riêng.
Còn kể đến hạng làm đĩ vì bần cùng trong chốc lát thì bác sĩ Joyeux nói một cách rành rọt rằng đó là hạng phụ nữ hư hỏng, đã có nghề nghiệp hoặc một địa vị gì đó trong xã hội, nhưng mà cũng sa ngã, vì muốn làm tiền để giấu gia đình một số tiền nướng vào cờ bạc, hoặc là vì khao khát một thứ nữ trang, hay muốn sắm sửa một thứ hàng phù phiếm chi đó. Ở đây cũng như ở nơi khác, sau cùng thì cái số các bà ấy cũng đến hóa ra đĩ nhà nghề mà thôi.
Đến đây, ta nên để ý đến sự phê bình của bác sĩ Le Roy des Barres để mà hổ thẹn một chút cho cái xã hội Việt Nam ta:
“Chúng ta phải biết đến cái tâm địa đặc biệt của một hạng đàn bà làm nghề gọi gái, họ vẫn lảng vảng chung quanh những trường học con gái, và sau khi hứa tiền và đồ nữ trang cho những nữ sinh nghèo, đã xô đẩy một số học trò vào nghề mại dâm. Gia đình những cô ấy thường cứ nhắm mắt làm ngơ, nếu cô con gái kiếm được một số tiền để phụ thêm vào sự chi tiêu trong nhà, và nếu mọi việc đều giữ được kín đáo.
Vả lại sự tăng số của những nhà trọ và những phòng cho thuê ám muội mà người ta kê khai giá tiền thuê từng giờ, từng nửa buổi, hay cả một ngày ngay ở cổng săm, đã đủ chỉ bảo cho ta biết sự tiến bộ của nghề mại dâm lậu thuế là như thế nào”.
Ôi, khốn nạn!
Nhưng đó chỉ là một sự đáng phàn nàn, nếu ta đứng về phương diện luân lý. Còn cái phương diện xã hội nữa! Cái xã hội này, thật vậy, là một xã hội khốn khổ khốn nạn quá đi mất. Cái nghèo đói, sự bệ rạc về vật chất cũng như sự bệ rạc của tinh thần.
Ông quan binh thầy thuốc Guillement “Mécdecin – Major du 9e Colonid) [9] đã phải viết đến những dòng chua chát như thế này:
“Ở một xứ mà xác thịt bị đem ra mời chào cho những cái túi tiền nhũn nhặn nhất, thì sự quyến rũ bắt đầu từ cổng chính của trại giam, gần những lính gác cổng; sự quyến rũ ấy nói đến ngoài phố, tại những con đường vắng vẻ cũng như trong những tiệm rượu bất lương hay trong những nhà chứa đĩ. Ta có quyền nhận rằng trong số tất cả các binh lính ra phố để mà quay về trại vào khoảng từ chín giờ đến mười một giờ đêm, rất có nhiều người đã lâm vào cảnh phải lo mắc bệnh phong tình”.
Đến ông Abadie Bayro, cũng thầy thuốc nhà binh, thì cái “vết thương xã hội” kia lại rõ ràng thảm đạm hơn nữa.
“Nếu tôi chỉ có những hy vọng tương đương về ngạch đội con gái là cũng không phải là vô ích thì, đối lại, tôi tin rằng ngạch ấy sẽ giúp ta nhiều việc, mỗi khi tôi gặp những đàn bà ở phố Cửa Đông họ đứng tựa lưng vào gốc cây với những điệu bộ mà ta phải hiểu, hoặc là ngồi một lượt dài hàng mười mười lăm người, dưới những cái hố chung quanh dẫy tường của trại lính. Đuổi họ đi là việc hữu ích mà cũng là việc dễ làm. Trong bọn người ấy, tôi đã trông thấy những đàn bà đủ các thứ tuổi, quần áo lam lũ rách rưới, rận chấy nhiều gớm chết, trên mặt mũi và mình mẩy có những dấu hiệu của bệnh giang mai chứ chẳng không. Dễ thường họ tự đánh giá họ cho nên họ bán mình một cách rẻ đến nỗi không còn phải sợ gì sự cạnh tranh phá giá nào nữa. Tại phố Mã Mây người ta cho thuê một căn phòng nhỏ và một người đàn bà có hai hào. Tại phố Đường Thành, Cửa Đông, trong những cái hố sâu chung quanh trại lính hay là ở những bãi cỏ hoang giáp với con đường xe lửa chung quanh chỉ có cảnh vật thiên nhiên của tạo hóa làm trấn phong, thì cái giá tiền chỉ là năm xu, hoặc nếu có sự cò kè bớt một thêm hai thì lại chỉ còn là ba xu [10]. Có khi người ta đi đến cái giới hạn cuối cùng của sự nhượng bộ nữa.
Hiện giờ, ở nhà thương trong trại, tôi đương chữa bệnh cho một người lính trẻ, nó thú thật với tôi một cách rất đứng đắn chứ không có ý nói bông gì nữa, rằng nó đã mất có một xu mà mua được bệnh lậu với cái vòng hạ cam, và phải nằm liệt trên giường trong ba tuần lễ. Không có sẵn tiền ư? Thì người ta giao dịch bằng cách trả bằng hóa vật chứng cớ là cái việc mà một ông thầy thuốc đã thuật chuyện lại cho tôi nghe rằng ông đã phải ký giấy cho vào nằm nhà thương làm phúc một người đàn bà khốn nạn, đã có mang được mấy tháng, mà y phục che thân chỉ là một cái quần lính tây cũ mà người đàn bà ấy mặc cao lên để che vú!”
Cô đầu
Cô đầu đây là ả đào, những người đã ban hạnh phúc cho chúng ta ở Vạn Thái, Khâm Thiên, hoặc đã làm khổ chúng ta. Viết đến đây, tôi phải đặt mở một đôi dấu ngoặc để phân bua rằng không phải tự tôi đặt chị em vào nghề mại dâm đâu! Cái quan điểm của nhà chuyên trách…
Xin độc giả nhớ kỹ như thế. Nhà chuyên trách còn ghép cả gái nhảy các tiệm khiêu vũ vào cái sổ mại dâm, chứ không phải chỉ có ả đào. Nhưng thôi, ta hãy nghe bác sĩ Coppin nói đây:
“Bọn ả đào, xưa kia là những nàng Egéries [11] rất thú vị và hoàn toàn tinh thần, ở những tòa nhà mà các ông sĩ phu, các nhà thâm nho, đến để tìm ‘yên sĩ phi lý thuần’ [12] cho văn thơ, thì bây giờ đã suy đồi, đã hết thời oanh liệt, và ta có thể nói chính bọn ả đào là nguồn gốc đích xác trong nạn phong tình gieo vào gia đình người Việt Nam lương thiện. Chính tại những nhà ả đào, người ta tổ chức những bữa tiệc tùng chè chén, trong chỗ ‘cánh hẩu’ với nhau, điều ấy cố nhiên, những bà vợ chính thất lúc ấy ở nhà, và do thế, cái cảnh tượng tôi vẫn được mục kích là người chồng mắc bệnh lại về nhà đổ cho vợ, mà người vợ thì chỉ thấy rằng chồng ngoại tình là điều nghiêm trọng chứ không quan tâm đến cái bệnh mà chồng trao cho”.
Đến ông Joyeux la ó về cái thế lực của quan trường trong việc giữ thể diện cho cả ả đào khỏi khám bệnh:
“Những mụ chủ thường vốn là đào nương, hoặc là ả đào giả hiệu, đã bán mình cho những kẻ có thế lực, bọn trọc phú, vì không muốn đem về nhà mình, thì dọn cửa hàng cho nhân ngãi. Nhưng kẻ quyền thế ấy luôn luôn can thiệp, mà lại ăn thua nữa mỗi khi con em sắp bị nhà chuyên trách hỏi tội. Ngoài ra, lại còn quan trường cũng bênh vực họ. Vì ở ngoài địa phận thành phố nên các ả đào là dưới quyền cai trị của quan trường An Nam. Rất đông là số những ông quan phụ mẫu quan tâm đến cái thứ công việc che chở ấy, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp”.
Quan trường bênh vực ả đào, đó là điều rất hữu ích cho phái ả đào. Nhưng còn xã hội? Vậy thì việc che chở họ ảnh hường cho xã hội ra sao? Đây, vẫn lời bác sĩ Joyeux:
“Đã biết bao những bi kịch trong gia đình, trong vợ chồng gây ra bởi bọn đàn bà ấy! Bao nhiêu sự lục đục, sự đồi bại tinh thần của bao nhiêu người mà lỗi là ở họ! Thật là một việc quá đỗi tầm thường khi ta nghe tin một thầy ký xưa kia đứng đắn và trung thành với chủ mà bỗng thụt két, nguyên nhân là ở bọn ả đào kia. Con số là hàng trăm, những người đàn ông trẻ tuổi hoặc đứng tuổi mà thụt két hay phá sản vì ả đào…
Chúng tôi đã thấy rằng đại đa số những nhà cô đào không có được một ả đào nào là biết đánh đàn hoặc chơi một thứ gì về âm nhạc, trừ ra tại Khâm Thiên ở những nhà có tiếng mới có một hay hai ả là có một vài cái tài mọn. Vậy thì, cứ thực tình mà xét, người ta có đủ chứng cứ để coi những nhà hát ấy là những nhà chứa đĩ không sang trọng hơn những nhà thổ mấy tí. Muốn cho công bình thì phải bảo rằng bọn phụ nữ ta gặp ở những nhà hát là hơn bọn kỹ nữ. Thường thường, họ không bẩn thỉu, tầm thường, tục tằn như bọn nhà thổ. Nhiều ả diện lắm, y phục sang trọng lắm… Khốn nạn thay! Kể về phương diện vệ sinh thì bọn ấy cũng chưa tiến bộ được mấy, vẫn cứ ngu ngốc như lúc họ mới bước vào nghề. Nếu bọn chủ đã săn sóc đến phần tri thức của con em, dạy bảo con em trang điểm và biết ăn ở cho ra người lịch thiệp thì, đối lại những điều cần biết về nam nữ giao cấu là tuyệt nhiên không bao giờ họ dám đả động đến; không có một câu dặn bảo về vệ sinh bao giờ, không biết sạch sẽ là cái gì, không có một thứ đồ dùng cần cho cái nghề của họ bao giờ!”
Những điều kể đây tuy cũng đúng sự thực nhưng chưa thật đủ để ông Giám đốc Phòng Vệ sinh của thành phố Hà Nội liệt ả đào vào với hạng nhà thổ tầm thường, nếu “người kẻ thù số 1” ấy của ả đào không nói nốt như dưới đây:
“Đối với người An Nam, ‘đi hát’ nghĩa là đi từ lúc chập tối và vào thăm lâu hay là chóng những tổ quỷ ấy cho đến lúc kén chọn được, rồi ở lại đấy đến khuya mới về, hoặc ở đến sáng hôm sau. Sự thật thì bây giờ không có nhà ả đào nữa, mà đó thật là những nhà thổ, nhà khiêu vũ, nhà săm, nó là những nhà mà, đứng về phương diện duy vật và của pháp luật, ta phải nói là quá những tổ quỷ nữa, nghĩa là, theo cái nghĩa mà nhà cầm quyền đã định, ‘những nơi mà người ta cân nhắc, khuyến miễn hay là dung thứ cho nghề mại dâm’. Cái danh ‘nhà ả đào’ được bọn khách gọi đến vì hiếu tân rởm, bọn khách ít xu và hạ lưu. Trừ một Khâm Thiên, còn thì tại những xóm ả đào, giá tiền đều rất hạ và cạnh tranh dữ dội với những nhà số đỏ. Thật thế, vì giá tiền đi nhà thổ là từ hai hào đến một đồng, không kể tiền vào cửa và tiền quà cho đứa con gái. Thế mà tại những nhà hát giả hiệu kia thì giá tiền lại đặc biệt: năm hay sáu quan viên ở lại cả đêm, được uống, được chơi, được ăn, vân vân… mà chỉ phải chỉ có 1 đồng”.
Ấy đó, bác sĩ Joyeux biết rõ về cái lịch sự của làng chơi dân Nam ta kỹ đến như thế!
Gái nhảy
Là thứ hóa sản [13] của cuộc Âu hóa (cả trăm phần trăm, vâng!) và của cuộc giải phóng phụ nữ mà một bọn người hiếu tân và nông nổi đã hò hét mãi trong xã hội ta. Kết quả: Thần Bạch My có thêm được một hình thể mới trong nghề mại dâm cũng như phụ nữ thêm được một nghề mới để phụng sự truy lạc. Đây, tôi không muốn cãi nhau với các ông chủ tiệm khiêu vũ. Tôi để ông Giám đốc nhà lục xì phê bình cái món mỹ thuật ấy bằng con mắt nhà khoa học – ai nói khoa học nói cả xã hội học – để những người ưa suy nghĩ biết đến cái chỗ người Pháp họ khinh bỉ mình ra làm sao:
“Cách đây chưa đầy năm năm, chưa có một nhà dancing [14] nào trong Hà Nội cũng như ở vùng ngoại ô. Hồi ấy, những thứ tiệm ấy cũng chưa có nghĩa lý nào để sống, vì cái lẽ can hệ là số phụ nữ Việt Nam biết khiêu vũ còn hiếm lắm. Chỉ có một vài người đàn bà sống trong những cảnh đời Tây Âu hay là trong những gia đình đã văn minh theo Âu hóa, là cũng đủ khiến mọi người lấy làm đặc biệt, trong những buổi hội họp có khiêu vũ. Trông thấy những ả bảnh chọe rất ‘tiên phong’ ấy vận thứ quốc phục có điểm chút ít theo mốt quần áo Tây phương giẫm bằng giầy cao gót theo một điệu Slow step [15] đương hợp thời, trong cánh tay một kỵ binh người Tây hoặc người Nam, thì quốc dân An Nam không biết rằng nên ngợi khen hay nên lấy thế làm sỉ nhục. Nếu kể về phương diện này, dư luận của thiên hạ là xôn xao lắm, thì những mối dư luận ấy cũng hợp nhau lại để mà đi đến cái điều kết luận chúng khẩu đồng từ, tưởng chừng không bao giờ sai được nữa: là cái lối nhảy nhót ấy không bao giờ thành mốt; nó sẽ cứ mãi mãi là những trường hợp đặc biệt và sẽ không bao giờ có thể nào lan rộng vào dân chúng An Nam, bởi cớ rằng những lối khiêu vũ Tây phương tân thời, dẫu sao cũng đòi ở con người một thứ tính chất tổ truyền mà xưa kia, người An Nam không bao giờ có.
Dân tộc An Nam ít ưa nhảy nhót nhất thế giới. Đó là một điều đáng ngạc nhiên khi ta nhận thấy rằng quả vậy, khi muốn tỏ cái sung sướng, vui vẻ chung của cả nước cũng thế, chưa từng bao giờ lại có những trò múa hát công cộng trong đám bình dân. Những cách múa may muốn được được gán vào cho cái ý nghĩa trên (đây bác sĩ Joyeux muốn nói về đồng bóng) sự thật chỉ là những cách biểu diễn, cử chỉ, điệu bộ nhịp nhàng chép theo di sản hoang đường, hay là ngưỡng vọng về tính cách tôn giáo. Vả lại dân tộc An Nam, kể theo cả một cuốn lịch sử, cũng chưa từng có hồi nào được đủ sung sướng để mà có thể vui vẻ đến muốn nhảy múa bao giờ. Nói theo một cách khác, thì người An Nam, theo tính chất tổ truyền, không khiêu vũ, và cũng chưa bao giờ tỏ ra rằng có một tư cách thì thuận tiện cho mỹ thuật nhảy theo âm nhạc; vả lại những cách khiêu vũ của thời buổi bây giờ phải gây ra những cái tự do về phong tục mà cái luân lý của tổ tiên ta họ không thể nào dung túng được. Hai nữa, cái âm nhạc Tây phương khác xa cái âm nhạc Đông phương đến bật óc ta không lĩnh hội được cái của họ cũng như tai họ không sao hiểu nổi cái của ta; do thế, không hiểu nhau được, và ta có thể kết luận là họ không bị cái ham mê thiên bẩm gì, cũng như không có cách gì sẵn sàng để khiêu vũ.
Chỉ đi dạo chơi qua loa một vài phố ở Hà Nội hay vùng Khâm Thiên cũng đủ cho ta thấy rằng những điều nhận xét trên kia, vì không xét theo tâm lý cho kỹ lưỡng nên đã sai lầm? Không! Nhưng mà bởi vì người ta đã bỏ sót mất cái dễ dàng quái gở của người An Nam trong sự đi bắt chước hay châm chước cho theo thời, nhất là khi họ bị thúc giục bởi cái thèm muốn đi diện, nghĩa là bởi cái tính kiêu ngạo, cái tính hay khoe mẽ. Được chính phủ Pháp khuyến khích (chính sách thân cận, chính sách hợp tác, chính sách Pháp – Việt đề huề, sự học hành hoàn toàn Tây phương, vân vân…) một làn sóng Âu hóa vừa đây đã nhóm lên trong phái thiếu niên, tràn vào đám dân chúng hủ lậu, và như một làn sóng bạc đầu đã đánh đổ (dẫu là chỉ có bề mặt) mất cả bàn thờ ông vải, và lôi cuốn đi mất luân lý và phong tục nghìn năm, tại một vài gia đình. Thế là phái thanh niên ra vẻ say sưa Âu hóa lắm, và đâm ra cực đoan trong cái tôn giáo mới ấy! Không một cái gì của Tây phương mà lại là không đáng khảo, đáng chép, đáng bắt chước, đáng hấp thụ. Chính là vì nhờ cuộc cách mệnh tinh thần ấy mà, mặc lòng gặp những trở lực, mỹ thuật khiêu vũ cũng nảy nòi và trở nên thịnh vượng một cách nhanh chóng lạ thường.
Phong trào ấy, tràn nhẹ một tị, chẳng bao lâu đã chinh phục cả vùng châu thành và điểm cho những xóm ả đào một quanh cảnh mới mẻ. Bắt đầu thì cái xóm Khâm Thiên là xóm quý phái của hồng lâu có những tiệm khiêu vũ trước nhất; những nơi ngoại ô khác đương theo đuổi phong trào ấy một cách khó khăn và chậm chạp, bởi lẽ quan viên của những nơi ấy không thuộc phái thượng lưu.
Lẽ cố nhiên, những tiệm khiêu vũ ở ngoại ô chỉ có thể sống cạnh nách những nhà ả đào. Những trường dạy nhảy đầm do những thanh niên thất nghiệp đã tiến bộ mở, chế tạo hàng lô nữ kỵ binh [16].
Cái đắc thắng của họ là đáng kể lắm. Muốn giữ khách, bọn mụ chủ cho vài con em đi học. Họ mua máy hát, đĩa hát tối tân. Thấy quả thật có kết quả, một vài người dọn thành những phòng khiêu vũ kèm với tiệm bán rượu tối tân như ở Âu Châu. Rồi thì những tòa nhà rộng rãi mọc lên, chỉ vì có mục đích ấy. Tại những trường dạy nhảy, học trò đổ xô đến như nước chảy chỗ trũng, nhất là giữa hồi kinh tế khó khăn này mà cái nghề làm vũ nữ (taxi-girls) [17] nửa mùa, cũng kiếm tiền được một cách dễ dãi lạ thường! Những nhà khiêu vũ trong Hà Nội mượn vũ nữ bằng những số lượng cao (từ 15 đồng đến 30 đồng mỗi tháng để nhảy vài giờ, mỗi tối). Tại những nhà khiêu vũ, hoặc có bán rượu hoặc không, tại những nhà ả đào, bọn khách làng chơi chen vai thích cánh; nhất là đám thanh niên đã tiến bộ coi họ nhảy đầm là một thứ bằng sắc danh dự về giải phóng và thượng lưu. Thế là, tại những xóm ấy, ta bắt đầu thấy những người Tây phương không thông thuộc về ngôn ngữ và phong tục An Nam mà cũng tìm được cách giao tiếp với đám phụ nữ bản xứ trẻ tuổi. Những nhà hát ả đào mà có sàn nhảy thì cũng được đắt khách, tuy những nhà ấy cứ dần dần mất hết cả bản sắc cũ đi. Những mụ chủ những nhà không có sàn nhảy thì quen thói gửi con em nào bảnh nhất đi đến những nơi kia mời khách để lôi kéo về nhà, đó là điều nó kết luận về cái tính cách ‘nhà mại dâm’ mà những nhà ả đào đã tự chuốc lấy trong cái làng xướng ca. Bọn vũ nữ, phấn sáp trát theo những cách thức tối tân, trang điểm rất kỹ lưỡng, đã thành ra một giai cấp cao quý hơn cả mà bọn trưởng giả và người Tây sẵn tiền ăn chơi vẫn tìm kiếm mãi.
Kể về cái phương diện nói lôi thôi đến chúng tôi (các nhà chức trách) bây giờ, thì đó là một sự rành rành rằng cái khuynh hướng mới ấy chỉ có làm cho sự biến hình của nghề mại dâm càng dữ dội thêm cho phái người ấy cũng như cái trường hoạt động của họ thêm rộng rãi ra nữa. Đáng lẽ làm ả đào chỉ để cung cho những người bận việc những phút giải trí về tinh thần thì cách làm giầu đùng đùng của nghề khiêu vũ mà bọn chủ trương đủ cho ta biết rằng nghề họ không còn cái nghĩa lý cũ nữa, và, đối với bọn ả đào, nhảy đầm chỉ là một phương sách lấy cớ mỹ thuật để cho họ bán mình một cách dễ hơn và đắt hơn. Một chứng cớ rằng cái khiêu vũ của họ chẳng có mảy may lý do nào là vì mỹ thuật, ấy là vì không có một ả nào trong bọn họ đã lấy tư cách tài tử mà biểu diễn cái nghệ thuật chân chính của Terpsichore [18] vì sự thật thì tạo hóa cũng không bẩm sinh họ vào cái nghệ thuật ấy. Đó không phải là những gái nhảy thích đáng mà chỉ là bọn gái biết dìu dắt cho người đàn ông học nhảy.
Khiêu vũ, ở những nơi này, chỉ có kết quả bởi cái cớ nó rất là thuận tiện cho nghề mại dâm. Chính là ở khiêu vũ, sản phẩm của cuộc Âu hóa, mà ta phải chịu cái ơn (thật là cái lợi hại đích đáng của sự vật trên thế gian này) bao nhiêu những tổ vi trùng hoa liễu cho cả người Tây. Thật thế, vì không ở lâu để có đủ thời giờ hiểu biết ngôn ngữ và phong tục An Nam, xưa kia, binh lính Tây phương không hay xuống những xóm ả đào. Ngày nay, mới có một thứ ngôn ngữ mới. Không những chiều chiều ta thấy những binh lính Tây đi lùng những cánh xộp mà ta còn bắt gặp họ khoác tay những ‘cô’ của họ một cách sung sướng vì đã thấy mình cùng những ‘bạn gái’ trong một bầu không khí mà họ vẫn ưa thích, về cái phương diện đặc biệt này, thì binh lính không hợp thành cái làng chơi hệ trọng của những xóm ấy, bởi cớ rằng, dẫu sao đi nữa, thì xóm ả đào cũng là xóm còn giữ nhiều tính chất bản xứ mà binh lính Tây chưa có thể thông tỏ ngõ ngàng. Nhưng mà kể về phương diện khác thì những xóm ả đào lại rất là can hệ cho tình hình y tế của quân ngũ, vì càng ngày những binh lính càng bị cái choang chóe của bọn ả đào quyến rũ, để cho họ phải đến những nơi ấy lấy những người vợ ăn xổi ở thì và rất ít khi chung tình, mà họ thuê nhà cho ở gần với trại binh”.
Me tây
Những bà này cũng được – cố nhiên! – liệt vào hàng gái mại dâm lậu thuế. Đây, ta nghe lời cắt nghĩa của bác sĩ Coppin:
“Những congai (con gái) hay là cô Tây, nghĩa là bọn phụ nữ An Nam sống như vợ chồng với người Tây! Họ hợp thành một giai cấp riêng, sống ở ngoài vòng cương tỏa của cái xã hội Việt Nam và bị cái xã hội ấy khinh bỉ (trừ khi nào họ giàu có, đó là điều đã đến với vài ba người khôn khéo, khi đã về già). Đa số trong hạng này vốn là con nhà hạ lưu, và chỉ vì tiền mà ăn ở với người Tây, lại cho rằng không cần phải trung thành một cách khó nhọc và… lo lắng.
Rất nhiều me tây thường kiếm thêm tiền bằng cách đi khách, những khi ‘người chồng’ không có nhà hoặc không rình mò, hay là đi ngoại tình với một hoặc nhiều cậu bạn giai người đồng chủng may mắn và có nhiều khi được hưởng sự béo bở của các me ấy. Ta có thể tin rằng bọn ma cậu [19] tập sự (apprenlis – souteneurs) này phần nhiều không phải vô bệnh, kể về phương diện hoa liễu. Còn về ‘người chồng’ có lành lặn hay không, đó không phải là sự cần biết, vì người chồng có thể cũng đã mắc bệnh phong tình kinh niên, cho nên giả dụ có thấy bệnh tái phát vì người ngoài truyền nhiễm vào cho gia đình, thì cũng chẳng biết đấy là đâu. Lại còn một số khá đông là những me mà đức ông chồng đã về Pháp nhưng vẫn cứ gửi tiền sang cho, cốt để nuôi con, nhưng thường là không gửi cho đầy đủ. Đối với hai hạng này thì cái nạn ham mê bài bạc một cách ghê gớm thường là nguyên nhân của nhiều cuộc giăng hoa tầm bậy”.
Ấy đó là những dòng chữ cuối cùng trong cái danh sách gái mại dâm hoặc chính thức hoặc lậu thuế thuộc giống da vàng ở kinh thành Thăng Long. Nhưng mà thành Thăng Long của vua Lê lại còn là Hà Nội dưới chế độ Đệ tam Dân Quốc của Pháp Quốc Hải Ngoại [20]. Tại đây, bọn “người” da vàng (hommes jaunes) đã sống cạnh nách những ông “trời” da trắng (dieux blancs).
Cho nên cũng có cả người đàn bà da trắng trong sổ những gái mại dâm.
Mà đứng đầu phái này, là một số các cô đầm lai vậy.
Đầm lai
Vẫn lời bác sĩ Coppin, về những cô chiêu của cuộc Pháp – Việt đề huề hỗn loạn:
“… Cái số các cô ả này cũng đã là nhiều ở Hà Nội, và không phải hết thảy các cô đều kiếm được việc làm hay là lấy được chồng hẳn hoi. Thật là đáng tiếc khi ta nhận thấy rằng phương pháp giáo dục dùng trong những giáo đường cũng không có thể thay đổi chút nào cho sự mỏng mảnh về đức hạnh thường thấy ở những người hai giống. Những thiếu nữ không có cha mẹ ấy, tôi biết thế lắm, là không đáng cầu toàn trách bị, và những hội Phúc thiện không thể lo toan đủ đường cho những thiếu nữ ấy được, nhưng mà tôi cũng lại biết rằng một số gái ấy vì ngu dốt mà gieo rắc nọc phong tình trong dân chúng Pháp, Nam. Sở Liêm Phóng ở đây tuy có những giấy lập bố [21] khá quan trọng về cuộc sinh hoạt của một số đầm lai, nhưng tôi cũng phải nói đây rằng có nhiều cái thế lực của người Tây đã từng can thiệp vào để cho bọn này không phải e sợ gì cả”.
Đến ông Joyeux thì việc phô bầy cái tình thế đáng buồn ấy lại rành rọt hơn. Ông này không sợ vì “trung ngôn” mà làm “nghịch nhĩ”! [22]. Ông đã nói ngay từ năm 1930 rằng: “Đây là một vấn đề khó nói: những người này thì đổ cho bọn đầm lai cái xấu của hai nòi giống hợp làm một; những người khác thì rất bất bình mỗi khi thấy một sự ám chỉ không được vui cái lỗ tai. Chúng tôi chẳng quan tâm đến sự trái ngược của hai quan điểm ấy, vì chưng chúng tôi chỉ để ý đến những điều có liên lạc đến nạn hoa liễu. Câu nói của Coppin, than ôi! vẫn cứ là đúng sự thực: Cái số các cô ả này (đầm lai) đã là nhiều ở Hà Nội, và không phải hết thảy các cô đều kiếm được việc làm hay là lấy được chồng hẳn hoi. Bị người này chểnh mảng, bị người kia khinh bỉ; khinh bỉ người, thèm muốn người này, đó không có gì đáng ngạc nhiên nếu có nhiều cô để mình bị lôi cuốn vào nghề mại dâm. Rất ít là gái ‘có giấy’. Ba cô thôi (con số này cho năm 1930).
Những cô khác, đông hơn nữa, làm nghề mại dâm lậu thuế hoặc ở nhà các cô – cái ấy cũng hiếm – hoặc ở những khách sạn lớn mà bọn bồi và phu xe kéo các cô đến, hay là thường ở các săm, các nhà hẹn hò, hoặc các tiệm thuốc phiện.
Còn thì là phần nhiều những cô gặp vận xúi, có những bạn giai ăn ở với các cô như vợ chồng, vì các cô phải như thế để hòng đi đến phép cưới, hoặc là ít ra thì cũng là để sống trong một cuộc đời sang trọng tương đối của người Âu tây nó khiến cho các cô tưởng rằng như vậy là giải thoát khỏi cái máu pha An Nam đi. Cũng đôi khi họ lấy được chồng, nhưng mà phần nhiều thì người viên chức Tây, khi về Pháp nghỉ, bỏ rơi họ hoặc biệt chào họ với nhiều lời ngọt ngào và rất ít tiền, đến nỗi họ cứ phải kiếm cho được người nào nuôi họ trong cái cảnh sung sướng mà họ không thể nào rời bỏ được nữa. Tuy nhiên về điều này chẳng phải không đúng sự thật là kể về phương diện phong tình, những cô đầm lai đã gây ra một mối quan hệ nó cứ mỗi ngày một bành trướng, và đã đến lúc cần phải có phương pháp phòng giữ và kiểm soát họ đi thì vừa!”.
Hai ông Coppin và Joyeux đã nói ở một cái thời xa lắc xa lơ. Hiện giờ, vấn đề thiếu nữ lai đã gay go hơn nữa, hoặc không còn gay go gì nữa, vì rằng một khi nhà nước bảo hộ ở đây không đủ tư cách săn sóc một cách chu đáo đến một số đầm lai, để giữ gìn thanh thế cho cái dòng giống đi chinh phục tại một xứ bị hộ thuộc, thì nhiều cô đầm lai ăn vận theo người bản xứ mại dâm lẫn lộn với người bản xứ, và cũng biết văng tục hay là dùng cái sự nam nữ giao hợp để mà chửi rủa, cũng như những phụ nữ thuần túy Việt Nam!
Đầm thật
Là những đàn bà Tây phương cả trăm phần trăm. Chúng ta đừng ngạc nhiên, cũng không phải e dè, vì nạn mại dâm là vết thương của cả nhân loại.
Về khoản này, ông Coppin rất tiết kiệm lời nói. Ông chỉ viết có một câu:
“Một vài phụ nữ Tây phương, hoặc có chồng hoặc chưa chồng, hợp thành một phái truyền nhiễm không đáng ngờ: ta chẳng cần nói lắm…”.
Nhưng muốn biết cho kỹ lưỡng thì đây, ta hãy nghe lời tuyên bố của bác sĩ Joyeux:
“Nghề mại dâm của phụ nữ Âu tây tại Hà Nội, chưa can hệ cho lắm như tại Sài gòn, chỉ có dăm ba người làm mà thôi. Xưa kia, cái nghề này là một nghề gần như độc quyền của một số phụ nữ người xứ Valachie [23] nói rõ trong nghị định 24-1-1906 và trong luật vi cảnh ngày 18-5-15 [24]. Những đàn bà ấy, nguyên quán ở Trung – Âu, sang đây giữa lúc nước Pháp chiếm lĩnh nước Nam, đã mở những ngôi hàng cà phê mà phía đằng sau là để cho nghề mại dâm. Vào chừng năm 1915, bọn đàn bà ấy bị trục xuất gần hết. Tuy vậy, vẫn còn lại hai người, nhưng không mại dâm nữa, bởi lẽ cũng đã cao tuổi rồi.
Hiện giờ, không còn ả đầm đĩ có giấy nào nữa. Chỉ độc có một mụ là vẫn còn ghi tên trong sổ cảnh sát xướng kỹ, nhưng mà từ năm 1923 đến nay, không đến phúc đường khám bệnh nữa; mụ là chủ một hàng cà phê mà những đầm có chồng hoặc đầm lai, đến đấy để đi với bọn khách làng chơi mà thôi.
Nhưng mà chớ nên vội sung sướng về cái đạo đức của đồng bào chúng ta (đây là nói người Pháp) vì cái đạo đức ấy chỉ do nhà nước muốn bảo thế. Vì rất nhiều lẽ hoặc phải, hoặc trái, xứ Bắc Kỳ hết sức tránh cái sự bắt một người đĩ đầm phải có giấy. Sài Gòn, một thành phố không khác Hà Nội mấy tí, cũng có tới một trăm rưỡi đĩ đầm phải tuân theo luật quy định nghề thanh lâu. Nhưng chính phủ có luật cấm những đầm đĩ ở Sài gòn không được bước chân đến tỉnh Hải Phòng. Vậy thì ở Bắc Kỳ không có đĩ đầm chính thức, nhưng mà đĩ đầm lậu thuế thì vẫn có. Nói cho thật đúng, số ấy cũng không đông. Những đầm đĩ thực thụ thường được che chở bằng một công việc gì, một cửa hàng gì, hoặc là bằng những tay làng chơi, hoặc những người đỡ đầu thế lực, đến nỗi chỉ trông thấy mặt họ thôi, ban cảnh sát con gái hay là cả cảnh binh giới, đều phải sợ hãi, rồi thà chịu nhắm mắt làm ngơ hơn là gây ra những việc lôi thôi to. Đa số đĩ đầm là chủ một tiệm thuốc phiện, nó là một chỗ hẹn hò, thường thường là những phòng bài trí rất thú vị và rất đắt hàng, kể về người (đầm thật và đầm lai) cũng như kể về vi trùng hoa liễu.
Còn kể về hạng đĩ bất thường thì phái này chiếm số đông: phụ nữ đã có chồng, kết duyên với những ông viên chức ít lương nhưng mà lại cứ thích sống cảnh đời vương giả; đàn bà không chồng vẫn chật vật chiến đấu với cảnh nghèo khó; những thiếu nữ ăn chơi hư hỏng…; ta nên nói như Coppin rằng: ta chẳng cần nói lắm. Những nhà khách sạn Pháp và Nam, nhất là khách sạn Nagasaki, đã giấu biết bao điều bí mật bên trong!”.
Ấy đó, chúng ta đã điểm binh khắp một lượt những cô thợ của cái kỹ nghệ mại dâm ở Hà thành, những bệnh nhân của nhà Dispensaire.
Về những nguyên nhân của nạn mại dâm, tất cả các nhà chuyên trách đều kết án cái làn sóng văn minh vật chất nghĩa là cuộc Âu hóa của thanh niêm nam nữ. Ngần ấy ông đốc tờ đều chau mày về cuộc đời giải phóng của phụ nữ, đều phàn nàn cho sự mất quyền hành của người bố trong những gia đình người Nam. Một điều đáng chú ý hết sức, là ông nào cũng tiếc cho cái bàn thờ ông vải của người mình đã bị đạp đổ. Trong ngần ấy tiếng chuông, tôi xin đơn cử ra đây có một, của bác sĩ Coppin, vì nó vui cái lỗ tai chúng ta và thấm thía nhất.
Ở xứ này, những nguyên nhân về tinh thần rất sâu xa đã gây ra các tính chất của nạn phong tình và sự bành trướng của nạn ấy.
Một hôm, ở Paris, gặp một người Việt Nam vốn là học trò cũ của tôi, tôi có hỏi :
– Tại sao các anh, ở xứ sở của các anh, lại không chịu cố sức mà bài trừ một cái nạn nó đã làm các anh phải thất bại trong cuộc trình bày những nguyện vọng chính đáng, tức là cái máu tham tiền rất ghê gớm nó chủ động ra đủ mọi cách hối lộ và đủ mọi cách xoay xở bất lương ở người đàn ông, và đủ mọi sự suy đồi về đức hạnh ở người đàn bà, trong xã hội anh?
Thì người du học sinh ấy đáp tôi :
– Nhưng mà những thói xấu mà tôi nhận là có ấy thì chính là tại các ông tải sang xứ sở chúng tôi! Trước khi có cuộc bảo hộ, chúng tôi đâu có những thói xấu ấy!
Câu đáp ấy là thiên lệch lắm, và không đúng sự thực nữa, vì đã có những điều đồi bại mà ai cũng biết, đã xảy ra từ khi nước Nam còn chịu ảnh hưởng của Tàu, mà nay thì người ta vội quên đi; tuy vậy mà lời đáp ấy cũng giáp tiếp có một đôi phần đúng với sự thực.
Không ai chối rằng những điều kiện sinh hoạt đã khá hơn trước cho một số đông người ở xứ này, nhất là tại những tỉnh to. Sự tiến bộ của văn minh Âu tây đã đồng thời đem sang đây cái hại của nó: tiếp xúc với sự phong lưu đài điếm, cái tinh thần gia đình đã lung lay, và đổ theo cái tinh thần ấy, lại còn có tất cả những cái gì là trụ cột và nền tảng của luân lý Đông phương.
Sự giao thiệp của nam nữ mỗi ngày trở nên một tự do thêm, cái địa vị của người đàn bà An Nam cũng thay đổi hóa ra có quyền hành và được tự ý mình muốn làm gì thì làm; những vụ ly dị, những cuộc tình duyên bất chính cứ nhiều mãi lên, và, điều xưa kia không bao giờ có, là những tấn kịch xấu xa về tình ái hàng ngày đầy rẫy trên mặt báo mà lại xảy ra trong phái người thượng lưu xã hội nữa.
Trừ người bố trong gia đình là còn có quyền hành một chút còn thì không có cái gì để ngăn ngừa sự suy đồi của phong hóa; người thường dân không biết gì về cái tinh hoa đạo lý của đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng, cũng như họ không biết rằng có đạo Phật, đạo Lão và đạo Khổng. Cái tôn giáo phổ thông thì chỉ là những sự cúng vái nhảm nhí, thô tục, đồng cốt quàng xiên, trong đó không có ngụ lấy một mảy may ý tứ về luân thường đạo lý bao giờ: một vài cái thích của những ông Thành Hoàng các làng, như lời ông bạn Maspero [25] của tôi đã cắt nghĩa, là dâm đãng, bỉ ổi một cách đáng khiếp.
Kể về phương diện này rồi thì ta cũng nên nhân nói đến cái tinh thần tổ tiên gaulois [26] của chúng ta, rằng nếu nó có thể sinh thành ra nhiều đức tính tốt của nòi giống Pháp, thì trái lại, nó cũng có ảnh hưởng nhiều cho sự càn rỡ về phong tục, và những ác quả của sự càn rỡ nó tương phản với cái không khí nghiêm trang đạo đức của những thuộc địa Hồng Mao.
Thế nhưng mà cái tinh thần bình dân của người An Nam hình như lại rất hòa hợp với cái tinh thần người Gaulois, kể về mặt ấy. Văn chương An Nam thường là có những chuyện giăng hoa (cuốn Kim Vân Kiều và tất cả những câu phong dao, tục ngữ, hát đúm ở thôn quê). Dân chúng An Nam thích sự bông đùa thô tục, và những câu chửi rủa hàng ngày của họ, về chanh chua không thua gì những câu chửi rủa của người Ả Rập và người Ba Tư (xem cuốn sách khảo cứu của Chéon và những sách khác thảo luận về ngôn ngữ hạ lưu của An Nam). Có cả một kho lớn thổ ngữ khẩu truyền nói về sự vật một cách quá ư tự do, mà dân gian không ai là không thuộc, cả trẻ con cũng biết, và những điều ấy có một mối tương quan mật thiết với cái giọng giễu đời của Rabelais nhà chúng ta; ai mà lại không phải ngạc nhiên khi thấy rằng trong bộ Tiếu Lâm của người An Nam lại có những câu chuyện giống với những chuyện của Héroalde de Verville?
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, và những nguyên nhân thiển cận mà tôi sẽ trình bầy, những bệnh phong tình nó thường đi liền với việc nam nữ giao hợp như bóng theo người, đã thấy ở xứ này những miếng đất tựa hồ như sửa soạn sẵn sàng để đón tiếp vi trùng hoa liễu”.
Có phải thế không, như chúng ta đã thấy đó, vấn đề mại dâm, ở đây đã được nhà chuyên trách nghiên cứu kỹ lưỡng lắm. Dù là một ông giám đốc nhà lục xì, dù là một ông thầy thuốc của tư gia hay của nhà binh, ông nào cũng vậy hễ đã nói là có chứng cớ hiển nhiên, và nói rất đúng sự thực. Nếu việc bài trừ mại dâm không được chính phủ săn sóc cho cương quyết, ấy là vì loài người không sống được, nếu không có nạn mại dâm!
Biết vậy rồi, nay chúng ta cũng nên biết những cảm giác của người kỹ nữ lúc mới bước vào nghề một cách đường hoàng, nghĩa là lúc bắt đầu… cầm giấy!
Chú thích:
[1] Sodome là một thành phố trên bờ phía Nam biển chết ở Israel bị thiên tai hủy diệt trong thế kỷ XIX trước Công nguyên. Kinh thánh đạo Kitô cho rằng đó là Thượng đế trừng trị dân ở đó vì họ vô đạo.
[2] Nữ thần Sắc đẹp và Tình yêu trong thần thoại Hy Lạp – La Mã; bệnh của Vénus là các thứ bệnh tình.
[3] Đúng ra là “phục tùng pháp luật”.
[4] Không phục tùng pháp luật.
[5] Ngũ hoa: số gái mại dâm người Tàu.
[6] Người Pháp phiên âm tiếng Nhật nghĩa là “con gái”.
[7] 3 tháng Hai 1921.
[8] Việt hóa tiếng Pháp maquereau chỉ bọn đưa gái điếm cho khách làng chơi để kiếm tiền.
[9] Thiếu tá quân y của Trung đoàn thuộc địa số 9.
[10] Giá một bát phở gánh rẻ nhất thời ấy.
[11] Egéries là những nữ thần trong rừng của thần thoại La Mã đã khuyên vua La Mã nhiều điều hay lẽ phải.
[12] Phiên âm và Hán Việt hóa tiếng Anh inspimtion nghĩa là nguồn cảm húng thơ văn.
[13] Sản phẩm.
[14] Tiếng Anh chỉ cái nhà khiêu vũ.
[15] Tiếng Anh gọi điệu nhảy đi bước chậm, nhẹ nhàng, lả lướt.
[16] Tiệng Pháp cavalière nghĩa là kỵ binh nữ, tiếng làng chơi để chỉ gái nhảy.
[17] Tiếng Anh chỉ gái nhảy.
[18] Nữ thần Âm nhạc và Nhảy múa trong thần thoại Hy Lạp – La Mã.
[19] Do chữ ma-cô gọi thêm ra là ma cậu.
[20] Đệ Tam Cộng hòa của đế quốc Pháp.
[21] Báo cáo.
[22] Lời nói đúng nghe trái tai.
[23] Một xứ thuộc lãnh thổ nước Rumani.
[24] Có lẽ là 1915.
[25] Nhà sử học người Pháp nổi tiếng ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, có nhiều công trình giá trị về lịch sử Việt Nam thời cổ.
[26] Gaulois là tổ tiên người Pháp.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12Kế tiếp