Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3Kế tiếp
Chương 2
Ở Phú-nhuận, gần ngã tư qua Bà-Chiểu có một cái nhà kiểu “bánh ít”, nhà tuy nhỏ song kiểu đẹp-đẽ vô cùng. Trước nhà có một cái sân rộng lớn. Chính giữa sân có một cái bồn bông tròn trồng cây đủ màu, nhờ tưới nước săn-sóc mỗi ngày nên cây sum-sê, lá tươi-tốt. Từ ngoài cửa ngõ có làm một cái đường chạy vô tới gần bồn bông rồi tẻ ra làm hai ngã, đi vòng theo hai chái nhà, ngã tay mặt thì vô nhà để xe hơi, còn ngã tay trái thì vô nhà bếp. Dọc theo lề mấy đường ấy, thì lên liếp rồi trồng khúc bông huệ trắng, khúc bông ngải tây, bởi vậy ban ngày sân chói đủ màu, ban đêm mùi thơm bát-ngát. Dựa hàng rào, hai bên thì trồng mãng-cầu xiêm xen lộn với mít tố nữ, cây trồng dày, lá rậm-rạp, nên dầu trưa nắng, cũng có khi mát-mẻ như sớm mơi.
Trong nhà thì ghế, giường, ván, đều sắm theo kiểu kim-thời. Chính giữa dọn salon ghế thấp thấp, mặt đều lót nệm ruột gà, có gối dựa lưng, có gối gác cẳng. Trong bốn góc phòng có để bốn chậu kiểng, lá sum-sê cho mát-mẻ. Tại bàn giữa thường có để một bình bông, bông thay hằng ngày, nên coi tươi rói. Cái phòng bên tay mặt thì dọn bàn ăn, có tranh tứ thời, có tủ đựng rượu. Cái phòng bên tay trái thì lót một cái đi-hoăn thiệt đẹp, có nệm, có gối, để nghỉ trưa, lại có ghế dựa, ghế dài, để nằm đọc sách. Phía trong một bên thì dọn phòng ngủ, một bên thì phòng văn; phòng ngủ để giường đồng, tủ áo hẳn-hòi, phòng văn để bu-rô, kệ sách rất đẹp.
Cái nhà nầy là nhà của ông Lê-Tấn-Thành mua mà ở với cô Ba Huyền.
Tối thứ bảy, ăn cơm rồi, ông Lê-Tấn-Thành ngồi trên cái đi-hoăn kề vai vào một cái gối dựa gòn rất êm, vừa hút thuốc, vừa đọc nhựt-trình, cô Ba Huyền, ở trong buồng đi ra, mặt giồi phấn, môi thoa son, hai gò má ửng hồng, cặp chơn mày nhỏ rứt, tóc uốn vặn khu ốc, cổ đeo chuỗi lòng-thòng, mình mặc một bộ đồ màu khói nhang, chơn mang một đôi giày thêu cao gót, tai đeo một đôi bông xoàn thiệt lớn, tay xách một cái bốp da bọc nhung, miệng chúm-chím cười có duyên, dầu thơm bay mùi bát-ngát. Cô lại ngồi trong lòng ông Hội-đồng, lấy tay vỗ mặt ông nhẹ nhẹ, đưa năm ngón tay vừa dài, vừa trắng trong. Cô mơn-trớn rồi miệng hun ông và nói nhỏ nhỏ rằng: “Sao bữa nay coi bộ mình không vui vậy mình?”
Ông Hội-đồng buông tờ nhựt-trình rồi ngó cô mà cười và đáp rằng:
– Có gì đâu mà không vui.
– Tôi chắc mình giấu tôi. Tôi biết rồi, hồi nãy tôi rủ mình đi coi hát bóng, mình không chịu đi, tôi nói tôi đi một mình, nên mình phiền tôi chớ gì?
– Trọn một tuần nay đi luôn luôn; để tôi nhớ coi, ừ, thứ hai đi ăn cơm trên Biên-hòa, thứ ba đi coi hát cải-lương, thứ tư đi vô nhà xét, thứ năm đi coi hát bóng, thứ sáu đi Xuân-Trường nữa, đi hoài, đêm nào cũng một hai giờ khuya mới về, nên tôi mệt quá, bữa nay tôi nghỉ ở nhà đọc nhựt-trình. Mình không mệt thì mình đi chơi, chớ phiền giống gì.
– Tôi đi chơi một mình không ghen hay sao?
– Không.
– Vậy thì tôi hết muốn đi.
– Sao vậy?
– Tôi vẫn biết tánh mình ghen lắm, bữa nào tôi đi một mình, chừng về mình cũng theo hỏi đon hỏi ren sớp-phơ hoài, nhứt là tôi đi Chợ-lớn, mình ghét lắm. Bữa nay sao mình lại xúi tôi đi chơi một mình. Tôi biết rồi, chắc mình muốn cho tôi đi, đặng mình ở nhá lén viết thơ cho vợ hay cho con chớ gì. Tôi không thèm đi.
– Không có đâu, ai viết thơ làm chi. Mệt nên ở nhà nghỉ chớ. Mình muốn đi coi hát bóng thì đi hay là muốn ở nhà tự ý.
– Mình nói mình không có ý muốn viết thơ cho vợ con, thôi mình thề đi. Thề tôi mới tin.
– Thề sao?
– Thề sao đó mình thề, tôi có biết đâu.
– Tôi có bụng muốn ở nhà đặng viết thơ cho vợ thì lịnh ông Quan Ðế bẻ cổ tôi đi, mình tin chưa.
Cô Ba Huyền cười đưa hai hàm răng trắng trong và nhỏ rít, rồi ôm đầu ông Hội-đồng mà hun trơ hun trất.
Cô đứng dậy xách bốp và nói rằng: “Gần tám giờ rưỡi rồi, thôi đi đa”.
Ông Hội-đồng giặc đầu và nói: “Ði đi, vãn hát rồi về liền, nghe hôn?“.
Cô vừa bước chơn đi, mà cô nghe lời dặn như vậy thì cô đưa tay chỉ ông Hồi-đồng mà nói: “Ðó, ló mòi ghen rồi đó!”. Ông Hội-đồng cười. Cô trở lại nắm tay ông và nói:
– Ờ, quên nữa, mai đi coi đua ngựa, nghe hôn mình. Người ta nói mai đua độ hội có con la Gazelle chắc về nhứt lắm. Mai mình lên coi, tôi xề kiếm vài trăm dễ như chơi.
– Ối thứ cá ngựa tôi ghét quá!
– Tại sao mà ghét. Chúa-nhựt nào họ cũng đi cá rần-rần, dưới tỉnh người ta còn lên, huống chi mình ở một bên mà không đi.
– Bày gian lận bậy bạ.
– Gian lận chỗ nào? Mình thua là tại con mắt mình coi dở chớ. Mình nói nghe hơi nhà quê quá.
– Thà tôi chịu tiếng quê, chớ tôi không ưa đánh bạc.
– Thôi mai mình cho tôi hai ba trăm tôi cá chơi nghe.
Cô Ba Huyền ra đi. Ông Hội-đồng đi theo ra cửa, đứng coi cô lên xe hơi mà đi, rồi ông thủng-thẳng đi vòng theo bồn bông mà hứng mát. Ông đương đứng ngó trời nhìn hoa, bỗng thấy một cái xe hơi ngừng ngay cửa. Ông men-men đi ra coi xe nào. Một người sớp-phơ leo xuống đi vô cửa, dở kết chào ông và nói rằng:
– Bẩm ông, phải nhà ông Hội-đồng Quản-Hạt đây hôn?
Ông gật đầu. Người sớp-phơ hỏi tiếp:
– Không biết có ông ở nhà hay không?
– Tôi đây. Em hỏi chi vậy?
– Cô tôi biểu hỏi.
– Cô của em là ai?
– Bẩm, cô Tư thầy thuốc ở đường Mayer.
Người sớp-phơ lật-đật trở ra xe. Ông Hội-đồng ngó theo, nhờ có bóng đèn giọi, nên thấy trên xe thùng kiếng kiểu Aérodynamique có hai người ngồi, tên sớp-phơ nói nhỏ ít tiếng rồi mở cửa xe cho một người mỹ-nữ bước xuống. Tuy đứng xa xa, đèn lu-lu, nhưng mà ông Hội- đồng thấy cô mỹ-nữ ấy nước da trắng, gương mặt tròn, lại mặc một bộ đồ màu trứng sáo choàng khăn cũng màu ấy, rồi da mặt giọi khăn, khăn giọi da mặt, nên coi thiệt là đẹp. Cô mỹ-nữ tay xách bốp, chơn thủng thẳng bước dịu dàng mà vô sân, chưng lại gần tới ông Hội-đồng, cô mới nói lớn rằng: “Anh Hai! Anh ở đây mà em có dè đâu? Chị Hai mạnh giỏi há? Năm nay anh được mấy đứa cháu?”
Tiếng nói lạ hoắc, làm cho ông Hội-đồng không biết là ai, mà lời hỏi lại chồng-chập, ông không biết đâu mà đáp. Chừng ông coi kỹ-lưỡng lại, thấy rõ mặt mày, ông mới la lớn rằng: “Ủa, cô Tư! Cô đi đâu đây?”.
Cô Tư Thanh-Thủy cười ngất rồi đáp rằng:
– Cái anh nầy thiệt là vô tình quá! Ði kiếm mà thăm ảnh, ảnh không mang ơn, lại hỏi đi đâu, ai muốn vay tiền vay bạc gì hay sao mà anh sợ, nên anh hỏi kỳ-cục vậy?
– Xin lỗi cô, vì cô trốn lánh tôi, không cho tôi gặp mặt lâu quá, nay tình-cờ tôi được gặp, tôi mừng quýnh nên hỏi bất-tử vậy mà, chớ có phải là vô-tình đâu. Tôi có tình lắm chớ, đối với cô cũng vậy hoài, có bao giờ tôi quên.
– Anh quỉ nầy, hễ gặp thì cứ nói pha-lửng hoài. Tại vậy đó, nên mấy năm nay tôi không thèm cho thấy mặt, đáng lắm.
– Nói chơi vậy mà, có hại gì đâu.
– Sao lại không hại. Người ngoài họ nghe họ đàm tiếu chớ.
– Anh em mà đàm-tiếu giống gì?
– Anh em rồi chọc nhau vậy sao? Anh nói chơi mà rủi chị Hai chỉ ghen, phải là tôi mang xấu hay không?
– Chị Hai ở đâu đây mà hay.
– Ủa, mà tôi tới tôi thăm anh rồi anh bắt tôi đứng hoài ngoài sân hay sao? Anh nầy vô tình thiệt không ai có! Anh sợ tốn nước, nên không dám mời vô nhà. Anh không mời tôi cũng vô đặng tôi thăm chị Hai. Ðể tôi méc với chị Hai, tôi nói anh chọc tôi đặng anh bị rầy chơi.
Cô Tư Thanh-thủy nói chưa dứt lời thì cô ngoe-ngoảy đi thẳng vô nhà. Ông Hội-đồng đi theo sau mà nói rằng: “Có ở nhà tôi trên đây đâu, nhưng mà tôi cũng mời cô vô nhà chơi chớ. Tại cô cứ nói hoài nên tôi chưa kịp mời”.
Cô Tư đứng lại ngó ông Hội-đồng mà hỏi rằng: “Không có chị Hai ở nhà sao? Anh nói thiệt hay là nói chơi? Vậy chớ ai nhắn biểu tôi đem hột xoàn vô đặng mua, lại xưng là Bà Hội-đồng Thành”.
Lúc ấy cô Tư đứng ngay yếng sáng[1] ngọn đèn trong nhà chói ra. Ông Hội-đồng thấy cô tỏ-rõ, mặt thiệt là xinh đẹp, mắt thật là hữu tình, miệng thiệt là hữu duyên, vóc thiệt là yểu-điệu. Ngọn lửa tình ông nhen-nhúm từ ngày trước mà không được, bây gìờ nó lại muốn phừng lên, làm cho ông quên trả lời mấy câu hỏi và ông bước lại gần mà nói nhỏ rằng: “Cô Tư … Mời cô vô nhà….Cô vô rồi tôi sẽ nói chuyện cho cô nghe”.
Cô Tư liếc mà mỉm cười rồi đi vô, mùi dầu thơm bay bát-ngát, làm cho ông Hội-đồng đi gần, ông càng thêm ngơ-ngẩn. Vô tới phòng khách, cô không đợi mời, cô để cái bốp trên cái bàn nhỏ, rồi lựa cái ghế khuất trong góc, dựa bên chậu cau vàng sum-sê mà ngồi. Ông Hội- đồng thấy vậy cũng ngồi cái ghế gần đó.
Cô Tư cười mà hỏi rằng:
– Ủa! Sao tôi hỏi, mà anh không trả lời? Anh nói chị Hai không có ở trên nầy, vậy chớ ai mạo xưng “Bà Hội-đồng Thành” mà kêu tôi đây? Thế khi anh giả-mạo đặng gài bẫy cho tôi mắc chớ gì?
– Không có đâu. Thế khi cô Ba, cổ muốn mua xoàn nên cổ nhắn cô chớ gì.
– Cô Ba nào?
– Cô Ba Huyền.
– Ủa! Con Ba Huyền sao dám xưng là Bà Hội-đồng Thành?
– Nó làm bé tôi gần một năm nay.
– Chà chà! Anh có vợ bé vợ mọn đồ nữa há! Vậy mà tôi có hay đâu! Xin anh cho trẻ mời bà Hội-đồng nhỏ ra đây đặng coi hột xoàn.
– Nó đi coi hát rồi, không có ở nhà.
– Sao nhắn tôi vô rồi lại bỏ đi coi hát?
– Xin cô đừng phiền. Chắc cô Ba cổ quên. Mà cái quên của cổ là cái may của tôi, vì nhờ cổ quên, tôi mới được gặp cô, tôi gặp một mình và có lẽ còn gặp nữa.
– Chọc nữa chớ! Có vợ lớn, vợ bé đủ hết mà còn theo chọc hoài, ngộ quá. Bộ anh muốn kiếm thêm vợ bé nữa sao?
– Tôi có vợ bé là tại cô đa.
– Tại tôi là sao?
– Tôi thương cô quá, mà cô cứ nạng tôi ra hoài, tôi buồn nên mới sanh ra sự đó đa.
– Làm bậy rồi đổ tội cho tôi chớ! Anh đã có vợ có con, mà còn thương tôi nỗi gì? Anh đừng có nói vậy. Ví dầu thiệt anh có tình nặng với tôi mà tôi không chịu đi nữa, thì bất quá anh buồn rầu, anh đau tương-tư, chớ sao anh quên tôi anh lấy con Ba Huyền mà gọi rằng anh thương tôi? Theo con mắt tôi xem, thì anh không phải là người có tình. Anh là một người ăn chơi tầm-thường lắm.
– Tại sao cô nói vậy?
– Anh lấy con Ba Huyền mà làm vợ bé được, thì anh tầm-thường quá, dầu anh có tình thì cái tình ấy thiệt thấp lắm. Con Ba Huyền ở Sài-gòn nầy ai mà không biết nó, duy có anh là người nhà quê, ở Lục Tỉnh lên, anh mê nó mà rước về làm vợ bé, chớ có ai dám làm như vậy đâu. Ối! Mà thôi chuyện của anh, anh làm sao anh làm, tôi không căn-cớ gì mà xen miệng vô cho mích-lòng, để bán hột xoàn kiếm tiền xài.
Cô Tư ngồi cười ngất. Ông Hội-đồng xích ghế lại gần cô một chút rồi hỏi rằng:
– Cô nói đi rồi cô trở lại như vậy, thiệt tức tôi quá! Cô chê tôi nhà quê thì tôi chịu. Mà còn cô nói tôi lấy con Ba Huyền là tôi dại, xin cô cho tôi biết coi tôi dại chỗ nào?
– Tôi đâu dám nói anh dại. Ý tôi nói anh gan ruột lắm chớ.
– Gan làm sao?
– Ối thôi, đừng có hỏi dần-lân[2]. Anh hỏi riết tôi đổ nùi[3] ra, rồi anh oán tôi chớ ích gì.
– Không oán đâu, dầu cô nói giống gì tôi cũng không giận hết. Biết cô Ba Huyền làm sao, đâu cô nói nghe thử coi mà.
– Tôi nói ra té ra tôi nói hành[4] người ta, mà dầu tôi nói ngay đi nữa, anh cũng không tin.
– Cô nói thì tôi tin lắm.
– Tin thiệt hay sao?
Cô Tư cười ngất rồi cô làm tỉnh lại, ngồi suy nghĩ. Ông Hội-đồng ngó chăm-chỉ, đợi cô nói ra sao. Ông sánh cô Tư với cô Ba Huyền thì cô Tư tuy lớn tuổi hơn nhưng mà dung-nhan cô xinh đẹp hơn, tướng-mạo cô thuần-hậu hơn bội phần.
Cô Tư chống tay dựa gò má mà suy nghĩ một chút, cô muốn nói mà rồi cô ngừng lại. Cách một hồi lâu, cô mới hỏi nhỏ nhỏ rằng:
– Từ hồi anh gặp con Ba Huyền tới giờ chắc anh tốn hao nhiều lắm há?
– Không bao nhiêu. Ăn xài chút đỉnh vậy thôi.
– Anh còn giấu nữa chớ. Anh giấu thôi tôi về.
– Khoan, khoan, ở nói chuyện chơi một chút mà.
– Thì nói thiệt đi.
– Thiệt, tôi lấy cô Ba Huyền hơn một năm nay tôi hao chừng vài muôn, mà trong số đó có mua cái nhà nầy hết 8.000 đồng và mua cái xe hơi 3 ngàn rưỡi.
– Tốn như vậy anh tiếc hôn?
– Không tiếc gì mấy.
– Trước khi anh lấy con Ba Huyền, anh biết gốc-gác nó hôn?
– Cổ nói thiệt cổ gốc con Triều-châu, hồi nhỏ đi vá bao mướn trong Bình-tây. Sau cổ có chồng An-nam, chồng mê vợ bé đánh đuổi cổ lưu-lạc một lúc.
– Trúng lắm, nói trúng lắm. Rồi sao nữa?
– Có sao đâu?
– Có lắm chớ. Bây giờ chồng nó làm giống gì ở đâu, nó có nói cho anh biết hay không?
– Chồng cô bỏ cô lâu rồi mà.
– Anh quê lắm! Bỏ cái gì? Chồng nó là thằng Bảy Cu, làm đầu bọn du-côn trong X… còn sờ-sờ đó, bỏ cái gì? Bảy Cu cho vợ nó đi làm nghề cám-dỗ đặng lật lưng đờn-ông lấy tiền cho nó đánh me, cá ngựa. Nhiều người bị con quỉ đó mà hết nhà hết cửa, còn ai dám ngó tới nó nữa, duy có một mình anh gan; anh dám lấy nó đây chớ.
– Có lý nào kỳ-cục như vậy!
– Anh không tin thì cứ lấy nó rồi sau anh sẽ biết. Tôi hỏi anh vậy chớ xưa rày nó có hay đi Chợ-lớn, hoặc hay lên Trường đua hay không?
– Cái đó có.
– Ờ, anh coi tôi nói trúng hay là nói bậy. Nó đi đó là đi đưa tiền của anh cho chồng nó đa.
Ông Hội-đồng biến sắc, ngồi châu mày suy nghĩ. Cô Tư Thanh-Thủy liếc ngó ông, thấy ông đã thấm thuốc rồi, cô muốn giục cho mau, bèn đứng dậy lấy cái bốp và nói rằng: “Thôi, tôi về để mai có con Ba Huyền về rồi tôi sẽ lại. Chuyện tôi mới nói với anh đó, anh đừng có học lại cho con Ba Huyền biết đa. Nếu nó hay tôi vạch, đố khỏi nó xúi chồng nó đâm tôi chết”.
Ông Hội-đồng cũng đứng dậy nói rằng: “Ai nói làm chi. Mà cô ở nói chuyện chơi với tôi, chớ cô về tôi buồn lắm”.
Cô Tư mắt liếc hữu tình, miệng cười chúm-chím mà đáp rằng:
– Nói chuyện gì nữa? Khuya rồi, để tôi về. Ngồi lâu quá người ta đàm-tiếu.
– Không có sao đâu mà.
– Thôi nà.
Cô Tư bỏ đi ra cửa. Ông Hội-đồng đi theo ra tới chỗ tối, ông kêu mà hỏi:
– Cô Tư, tôi đi theo cô được hôn?
Ông và hỏi và vói nắm tay cô. Cô Tư giựt tay và cười mà hỏi:
– Ði theo làm chi?
– Tôi thương cô quá, tôi muốn tỏ hết tình của tôi cho cô biết. Tại cô phụ-rẫy tôi, nên tôi mới máng con quỉ nầy đó.
Cô Tư suy nghĩ một chút rồi lắc đầu nói rằng:
– Anh đi theo bây giờ không tiện. Xe có sốp-phơ, có con nhỏ ở, nói chuyện gì được. Thôi để bữa nào anh lại nhà tôi, rồi anh muốn nói gì thì nói. Tôi ở đường Mayer, số 563 anh biết hôn?
Ông Hội-đồng mừng quá, gặc đầu lia-lịa mà nói:
– Biết, biết. Ðể mai tôi lại. Cô phải ở nhà chờ tôi đa.
– Cô Tư lắc đầu nói:
– Mai không được, vì tôi mắc có khách ở Vĩnh-long lên thăm.
– Thôi mốt.
– Mốt thì được. Mà tối rồi anh sẽ lại nghe hôn. Anh đừng có lại ban ngày, xóm-riềng họ thấy họ dị-nghị. Tối mốt tôi cho con cháu tôi đi coi hát và cho phép bồi bếp đi chơi, đặng nói chuyện cho dễ.
Cô nói dứt lời, rồi cô bươn-bả ra cửa ngõ, leo lên xe mà đi. Ông Hội-đồng đứng ngó theo, trong lòng ngơ-ngẩn.
—————
[1] ánh sáng
[2] cù nhầy, chuyện nầy bắt sang chuyện khác
[3] gây rối rắm
[4] nói xấu một cách lén lút