Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5Kế tiếp
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29/4/1950 tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, mất ngày 20/03/2021, Hà Nội. Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Năm 1980, ông chuyển về làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó, làm việc tại Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Cục Bản đồ cho đến khi về hưu.
Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng giáo dục chủ yếu của ông ngoại, vốn là người am hiểu Nho học và mẹ, vốn là người sùng Đạo Phật.
“Tôi sinh ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân. Thời thơ ấu của tôi cũng khổ, không chỉ bản thân tôi mà cả xã hội như vậy. Tôi đọc sách, ước ao của tôi là mình làm việc gì đấy mà lớn lên mình dựng được ngôi nhà cho khỏi dột, để mẹ ở cho khỏi khổ. Sau này nhờ viết văn mà tôi làm được ngôi nhà. Có thể nói tôi thành nhà văn từ mơ ước làm nhà cho mẹ cũng được.”
Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam với một số truyện ngắn ấn tượng đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động. Sở trường của ông là mảng lịch sử, hơi hướng huyền thoại, xã hội Việt Nam đương đại, và xã hội làng quê.
Ông là nhà văn hiện đại có tên tuổi trong địa hạt truyện ngắn và tiểu thuyết, với cái nhìn thẳng vào những vấn đề gai góc của cuộc sống và bản năng trần tục của con người.
Các truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu, Tâm Hồn Mẹ, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Nguyễn Thị Lộ, Con gái thủy thần, Tiểu Long Nữ, Chảy Đi Sông Ơi, Trương Chi, Những Bài Học Nông Thôn, Thương Nhớ Đồng Quê, Tội Ác và Trừng Phạt, Tuổi 20 yêu dấu,…
Giọt máu
Tác giả: Nguyễn Huy Thiệp
CHƯƠNG 1
“Ðem truyện trăm năm giở lại bàn”
(Trần Tế Xương)
Nửa đầu thế kỷ trước, ở Kẻ Noi, huyện Từ Liêm, có ông Phạm Ngọc Liên là bậc đại phú. Ông Liên xây nhà trên miếng đất đầu làng. Miếng đất này bằng phẳng, rộng ba sào hai thước. Có người đi qua bảo rằng: “Ðất này đẹp, hình bút, phát về văn học. Ðã phát về văn học thì nước cạn, tàu ráo, hiếm con trai”. Ông Liên nghe xong, níu áo người đó bảo: “Tôi bình sinh là dân cày cuốc, mong con cháu sau này có ít chữ nghĩa mở mặt với đời. Hiếm con cháu cũng được, miễn là có đức, thiên ha, nể trọng”. Người đó cười: “Chữ nghĩa có ăn được không?”. Ông Liên bảo: “Không ăn được”. Người đó bảo: “Thế đa mang chữ nghĩa làm gì?”. Ông Liên bảo: “Gì thì gì, nó vẫn hơn cày cuốc”. Người đó bảo: “Nhiều chữ nghĩa thì có đức à?”. Ông Liên bảo: “Phải”. Người đó cả cười, hỏi gì cũng không nói nữa rồi phất áo đi. Ông Liên giận, bảo: “Ðồ cuồng”.
Khánh thành nhà, ông Liên mổ hai lợn, một bò, làm lễ tế trời đất, bày la liệt chín mươi mâm cỗ. Dinh cơ quả đồ sộ, giữa là nhà thờ ba gian, trạm trổ long, ly, quy, phượng. Nhà tiền tế năm gian, cửa bức bàn, cột tròn, gỗ xoan rừng. Hai nhà ngang hai bên, sân gạch Bát Tràng, bình phong, bể nước, lại xây tường cao ba mét xung quanh, trên cắm mảnh sành, mảnh thủy tinh. Vữa là vôi cát trộn mật, đặc quánh.
Ông Liên ngồi giữa sân, bảo cả họ: “Lấy ngày 12 tháng Giêng làm ngày giỗ tổ. Họ Phạm xưa nay trong làng không kém họ Ðỗ, họ Phan, họ Hoàng. Chỉ hiềm họ Phạm làm ruộng, buôn bán, chưa có ai học hành đỗ đạt. Thiên hạ coi mình là thô lậu. Tức lắm”.
Ông Liên gọi năm con trai đến, bảo: “Con cháu chúng mày thằng nào đỗ Thám Hoa, Bảng Nhãn, tao cho ăn tự cả cơ ngơi này, lại cho tất cả của gia bảo. Cốt làm sao thiên hạ phải học cái đức họ Phạm nhà này”.
Ông Liên sống đến 80 tuổi. Ông có ba vợ, năm con trai, sáu con gái. Khi ông bệnh nặng, con trưởng là Phạm Ngọc Gia làm nghề mổ thịt lợn, túc trực bên giường gần một tháng trời, mắt sâu hoắm, râu mọc tua tủa. Bên giường ông Liên lúc nào cũng có chuối, cam, thịt giò, ngồn ngộn không thiếu thứ gì. Ông Gia hỏi: “Cha thèm ăn gì không?”. Ông Liên bảo thèm ăn cơm rau muống chấm tương với cà. Ông Gia nấu cơm gạo tám vào nồi đất, đánh giấm canh bằng lá chua me, bày đĩa rau với chén tương Bần, tự tay bưng lên cho cha. Ông Liên chỉ húp được một thìa canh rồi xua đi. Ông Gia òa khóc. Ông Liên bảo: “Chẳng ra gì. Chữ mới cần”. Nói xong tắt thở. Lúc ấy là giờ Tỵ, ngày 24 tháng Chạp, năm Canh Tí (1840).
Ông Gia bỏ tiền làm ma rất trọng thể. Sau ba ngày làm lễ thành phục, tuần ba mươi nhăm ngày rước linh lên Chùa, tuần bốn mươi chín, một trăm ngày thảy đều tươm tất. Dân làng ai cũng khen ngợi là người có hiếu.
Sau đám ma, ông Gia cho sửa lại bàn thờ, xây thêm một gian nữa. Còn toàn bộ cơ ngơi từ đó đến nay vẫn y nguyên. Thời gian có làm cho nó cũ kỹ, múc nát, hư hỏng đi một vài bộ phận nhưng về cơ bản vẫn không thay đổi.
Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5Kế tiếp