Dòng người đổ về tiễn đưa Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An

0
1860

Trưa 21/10, dòng người khắp nơi đổ về nhà tang lễ quốc gia Hà Nội để tiễn biệt Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An. Hàng nghìn giáo viên, sinh viên, bạn bè, đồng nghiệp cùng đại diện các cơ quan đoàn thể đã bày tỏ nỗi đau xót trước sự ra đi đột ngột của Ông Lê Hải An.

-Quảng Cáo-

Xuất thân từ một gia đình trí thức có cha là Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, ông Lê Hải An sinh năm 1971 tại Hà Nội, nguyên quán Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông An tốt nghiệp trình độ Kỹ sư Địa Vật lý – ĐH Thăm dò Địa chất Matxcơva (CHLB Nga); tốt nghiệp Thạc sĩ Dầu khí – ĐH Tổng hợp Brunei; bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Dầu khí – ĐH Heriot – Watt (Vương quốc Anh). Thầy Lê Hải An là thần tượng của nhiều thế hệ sinh viên và học sinh.

Ông An được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT từ tháng 11/2018. Liên quan đến các vụ tiêu cực, gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bức xúc dư luận, Thứ trưởng Lê Hải An đã ký Thông báo ngày 21/8/2019 về việc xem xét kỷ luật 13 công chức liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018, gồm các cục trưởng, cục phó Cục Quản lý chất lượng, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, vụ trưởng Vụ Pháp chế…

Lễ truy điệu PGS.TS – Thứ trưởng Lê Hải An đã diễn ra vào hồi 14h30. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ – trưởng ban tổ chức tang lễ đọc điếu văn.

Giữa trưa, hàng nghìn người vẫn xếp hàng chờ viếng Thứ trưởng Lê Hải An. Ông Mai Tiến Dũng thay mặt đoàn đại biểu văn phòng Chính phủ viết vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc PGS.TS Lê Hải An, người bạn, người thầy mẫu mực… một cán bộ đào tạo trong nước và nước ngoài, cán bộ mẫn cán mẫu mực và tài năng của chúng ta không còn nữa”.

Sự ra đi đột ngột của cố Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi – phó tổng biên tập báo Sức khỏe – nhớ về những ngày được PGS.TS Lê Hải An trực tiếp hướng dẫn làm luận án. 

“Thầy là thần tượng của rất nhiều thế hệ sinh viên và học sinh. Khi chuyển sang ngành giáo dục, thầy là một trong những người có tầm nhìn thời đại, đưa vào chuyển hóa cải cách giáo dục và đổi mới ngành giáo dục Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tôi gặp thầy An rất nhiều, thầy An rất thông minh, nhạy bén, bao dung với tất cả mọi người, luôn luôn tâm huyết, kể cả che chở cho ‘người yếu thế’ hay hợp tác với các nhà khoa học”, ông Lợi xúc động chia sẻ.

Dòng người nối dài đưa tiễn Thứ trưởng Lê Hải An về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi người tử tế ra đi, những người khác sẽ phải gắng hết sức để những di sản tử tế mà người trước để lại không thành điều lãng phí.

Tổng hợp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận